Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

4

Thông thường khi thổ lộ tình cảm với các cô gái, cánh đàn ông luôn nơm nớp lo sợ không được chấp nhận. Nhưng Khanh thì khác. Nó vò đầu bứt tai xem nên bày tỏ tình cảm với cô nào trong số những cô thích nó, và kèm theo đó, một nỗi bận lòng không kém, là cư xử thế nào với những cô vẫn tưởng nó thích mình? Khanh vốn đẹp trai và rất hoạt ngôn. Một chuyện vớ vẩn, qua mồm Khanh cũng trở nên hấp dẫn. Đã thế, nó còn được anh Minh, ông anh họ đi học ở Hungary về, nổi danh là một tay đại đạo hái hoa ở chốn trời Tây, làm cố vấn ái tình, truyền cho đủ các môn “võ nghệ”. Đúng là “danh sư xuất cao đồ”. Khanh không hề gặp khó khăn khi tiếp cận, làm thân với các bạn gái. Ngay cả khi nó không hề tán tỉnh, sự gần gũi, hài hước và ấm áp từ nó đều làm các cô gái nghĩ thể nào cũng có một ngày bạn này sẽ yêu mình. Với Khanh, tình yêu giống như một mâm cỗ tết, ngoài canh bóng, canh miến, canh mọc, canh măng, còn có đủ nem, giò, chả, gà luộc, cá chép kho, thêm bánh chưng, bánh tét, dưa hành, dưa góp… chưa kể đến chè kho, chè long nhãn, chè bà cốt để tráng miệng… Nếu ăn tất cả sẽ bội thực mà chết, nhưng bỏ cái gì cũng tiếc. Và khi ngày lên đường ra mặt trận tới gần, biết mình chỉ được chọn một món trong mâm cỗ tình yêu ấy mang theo, nó cứ phân vân mãi, không biết nên chọn món nào? Đúng là: “Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi, ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm”. Nói theo kiểu Hồ Xuân Hương, nó đang trong tình trạng “quân tử dùng dằng đi chẳng dứt”. Đính vỗ vai nó nhắc nhở: “Cẩn thận, kẻo mà lắm mối tối nằm không!”

Thật ra thì Đính quá lo xa. Với ai chứ Khanh làm gì có chuyện “tối nằm không”. Buổi chiều, Huyền vừa dúi cho nó mảnh giấy tuyên bố quyền sở hữu: “Huyền chỉ gặp lại Khanh khi có tất cả!” thì tối Phương đã thập thò rủ nó đi chơi, mắt chớp chớp nhìn xuống, như muốn lắng nghe một lời trao gửi. Anh Minh dạy Khanh đủ điều để làm cho các cô gái yêu mến, nhưng lại quên không nói cho nó biết yêu một người con gái thì dễ, nhưng thoát ra khỏi họ khó hơn nhiều. Kết cục là trước ngày lên đường, mặc dù Khanh thề non hẹn biển với Phương, nhưng vẫn phải hôn Huyền, nắm tay Hồng, và gieo niềm hy vọng cho Hoa. Nó thở than theo kiểu một diễn viên điện ảnh: “Nhiều người yêu tao ư? Phải chăng tao là người có lỗi? Một đứa đáng yêu như tao, sao có thể không yêu cho được?”.

Mọi người có thể trách Khanh không đứng đắn. Nhưng cũng nên đánh giá nó công bằng. Với cô nào nó cũng yêu hết lòng và đắm đuối. Sẽ là rất tuyệt vời nếu nó đừng yêu song song, mà yêu dứt điểm từng cô một. Tiếc rằng bây giờ không như thời phong kiến ngày xưa, tài trai được quyền năm thê bảy thiếp. Những lời tỏ tình của Khanh với Phương, Huyền, Hồng, Hoa đều xuất phát từ một trái tim nồng thắm, chân thành. Nó yêu sao nói thế. Mỗi người nó yêu một kiểu. Chỉ có những kẻ lãng mạn và mơ mộng viển vông như Hòa mới tìm yêu một cô gái có tổng hòa những ưu điểm mình thích. Trong giấc mơ bay bổng nhất, Khanh cũng chẳng bao giờ gặp được một người lý tưởng, có khuôn mặt ưa nhìn như Phương, nước da trắng ngần như Hồng, tính tình đằm thắm như Huyền và dịu dàng, giỏi nữ công gia chánh như Hoa. Và bởi Khanh yêu từng cô một riêng rẽ, nên cô nào với nó cũng đắm say.

5

Còn một ngày nữa Ngọc lên đường, Hà gọi Ngọc ra một góc, thì thào: “Đã nói gì với em Liên chưa?”. Ngọc mặt đỏ như gấc: “Tôi không biết nói thế nào?”. “Gọi người ta là chị đi, người ta chỉ cho. Ngốc vừa chứ. Muốn nói gì thì nói ngay đi!”. Chiều Ngọc hẹn em Liên tối đi uống nước chia tay. Em Liên vui vẻ đồng ý, mặt thoáng ửng hồng.

Ngọc chạy sang bàn với Hòa kế hoạch. Theo sáng kiến của Hòa, hai đứa lấy cái xe máy cà tàng của bố Hòa phóng ra đường Thanh Niên. Tìm được một cái ghế đá dưới gốc cây phượng bên Hồ Tây. Hòa nhìn trước nhìn sau, nhặt một hòn đá ném vỡ bóng đèn trên cột điện gần đó. Sau đó nó khóa bình xăng lại, giải thích: “Tuy đã khóa xăng, xe vẫn còn chạy được một đoạn. Giờ mình chạy ngược lại xem đến chỗ nào xe chết máy nhé”. Hai đứa chạy được khoảng vài chục mét thì xe dừng lại. Hòa dặn Ngọc: “Nhớ chỗ này nhé. Lấy cây xà cừ làm chuẩn. Mày chở em đến đây thì khóa xăng lại. Xe chạy đến đúng cái cây phượng trên kia sẽ chết máy. Lấy cớ xe hỏng, rủ em ngồi nghỉ ở ghế đá. Đèn bị đập rồi, sẽ rất tối, tha hồ mà tỏ tình”.

Ngọc về tắm rửa sạch sẽ. Minh lấy chiếc áo mới nhất đưa nó mặc. Cả bọn lộn ngược túi, còn đồng nào nộp hết cho nó, gọi là lệ phí tình yêu, để sau khi tỏ tình, mời em vào quán uống nước cho lãng mạn. Đúng bảy giờ tối, Ngọc lên xe. Vừa nổ máy thì Khanh hỏi: “Đánh răng chưa?”. Ngọc lắc đầu. Khanh cười: “Thế mày không định hôn nó à? Tỏ tình xong phải hôn chứ?”. Ngọc về đánh răng. Khi nó ra, Khanh thì thầm: “Khi hôn mày phải để ý xem nó có nhắm mắt không nhé. Đứa con gái nào khi hôn mà mở mắt thao láo thì bỏ ngay. Mày chưa bao giờ hôn phải không?”. Ngọc ngật đầu, Khanh ra vẻ hiểu biết: “Để tao dạy. Khi hôn là phải hôn tới khi thấy cái lưỡi của nó”. Thấy Ngọc ngơ ngác, Hòa góp ý: “Nếu không thấy lưỡi thì mày bóp cổ, thể nào nó cũng phải thè lưỡi ra”. Ngọc tiếp thu hết, rồi cong đít khởi động xe. Nó vừa đi một đoạn thì Hòa gọi giật lại: “Quên mất, sợ chỗ ghế đá ấy tối nay có đứa chiếm, tao đã nhờ thằng Trung ở phố Hàng Bạc lên giữ hộ. Nó hứa sẽ đi từ lúc sáu giờ, ra đó ngồi trước. Khi mày và em Liên tới, nó sẽ bỏ đi”. Đính đứng cạnh dọa: “Nếu tối nay mày không hôn được nó thì ở nhà tao sẽ cướp!”. Cả lớp khám tuyển bộ đội, chỉ mỗi Đính trượt. Cái thằng trông to khỏe thế mà chẳng hiểu sao sức khỏe của nó chỉ đạt loại B2.

Ngọc đi. Cả bọn không thằng nào về nhà, cứ ngồi tán phét, chờ kết quả hẹn hò của nó. Chẳng hiểu Ngọc tỏ tình kiểu gì, tới gần 12 giờ đêm mới về. Ngọc rất phấn khởi, nó khai:

– Tao làm đúng như bọn mày dặn. Nhưng thằng Trung sau khi nhường ghế, cứ đứng rình nên mãi không hôn được. May mà em Liên không phát hiện ra.

Hòa thất vọng:

– Thế là không hôn được à?

– Có hôn. Chờ mãi thằng Trung mới chịu về. Lúc đấy tao run lắm, định thôi. Nhưng vì thằng Đính dọa tối nay không hôn nó sẽ cướp, nên đành liều. Khi hôn tao hé mắt ra, thấy lúc nào nó cũng nhắm tịt mắt mày ạ.

– Thế mày tỏ tình thế nào?

Ngọc ngẩn người, rồi vỗ đùi đánh đét một cái:

– Chết mẹ rồi, tao quên mất đoạn tỏ tình.

Khanh phì cười:

– Thằng này chuyên làm ngược. Người ta phải tỏ tình xong mới hôn. Mày hôn rồi mà vẫn chưa tỏ tình.

Đính tỏ vẻ ghen tị:

– Thằng này tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi. Như thế này là mày với nó phải có tình ý từ lâu rồi. Nếu không, sao lần đầu đi chơi nó đã cho mày hôn dễ dàng thế?

Ngọc cãi:

– Dễ dàng là thế nào? Phải mãi mới hôn được đấy. Cứ mỗi lần hôn em lại cấu tao một cái – nó vén tay áo lên: Tím hết cả tay đây này!

Hòa động viên:

– Thế là tốt rồi. Lần sau tỏ tình cũng được.

Ngọc hỏi:

– Tỏ tình phải nói như thế nào?

Hòa bí. Nó đã tỏ tình bao giờ đâu mà biết. Khanh đỡ lời:

– Nó đã cho hôn rồi, việc gì phải tỏ tình nữa.

Hòa phản đối:

– Không được. Phải tỏ tình. Cũng như sau này mình còn phải cầu hôn, dạm ngõ, ăn hỏi trước khi làm đám cưới… Những cái đó là thủ tục, không thể bỏ qua.

Ngọc tán thành:

– Được rồi, lần tới tao sẽ tỏ tình. Chúng mày về nghĩ ra câu nào thật hay, mai bảo tao nhé.

Khi cả bọn đi về, Khanh kéo Ngọc lùi lại. Nó nghĩ để mấy thằng chưa một lần yêu như Hòa, Minh, Đính… bày cho Ngọc cách tỏ tình thì có khi thành chuyện buồn cười. Anh Minh, ông anh họ quý hóa của Khanh, truyền cho nó đủ các cách tỏ tình. Nó thấy mình có trách nhiệm hướng dẫn cho Ngọc. Ngọc quá may mắn khi yêu được em Liên. Dù gì thì Khanh cũng phải thừa nhận, trong tình yêu, mình chỉ hơn Ngọc về số lượng, chứ không ăn được nó về chất lượng. Em Liên quá ổn. Vấn đề bây giờ là giúp Ngọc tỏ tình và có thêm kinh nghiệm để củng cố tình yêu. Đó vừa là tình cảm bạn bè, vừa là trách nhiệm. Yêu một người con gái cũng như đánh đồn. Chiếm được đồn rồi, phải giữ làm sao để đồn không mất vào tay kẻ khác. Anh Minh lúc nào cũng nhấn mạnh với nó điều này.

Với những kiến thức được truyền dạy, sự sáng dạ của Khanh, cộng thêm thực tiễn thổ lộ đợt vừa rồi, phải thừa nhận kiến thức về tỏ tình của Khanh lúc này khá uyên bác. Nó vỗ vai Ngọc:

– Nếu mày muốn tỏ tình một cách đơn giản, mày có thể nói theo kiểu công tước Andrey Bonkonski trong Chiến tranh và Hòa bình: “Tôi yêu em, tôi có quyền hy vọng được không?”.

Tác giả: