Nguồn cội – Dan Brown

Tiếng gươm va chạm lách cách và tiếng hò hét lúc này kèm theo với sự biến mất dần của các vị thần, hình ảnh của họ lần lượt nhấp nháy tắt. Cuối cùng, hình ảnh một vị thần duy nhất còn sót lại – một gương mặt nhăn nheo đầy hình tượng với một hàm râu trắng mềm mại.

“Thần Zeus…” Langdon nói, giọng đầy mạnh mẽ. “Vị thần của các vị thần. Vị thần đáng sợ và được tôn kính nhất trong tất cả các vị thần. Zeus, hơn hẳn bất kỳ thần nào khác, đã chống chọi lại với khả năng tiêu tan của chính mình, phát động một trận đánh dữ dội chống lại sự chấm dứt hào quang của chính mình, đúng hệt như những vị thần cổ xưa mà Zeus đã thay thế.”

Trên trần nhà, hình ảnh vụt qua của kỳ quan Stonehenge, các thẻ chữ hình nêm của người Sumer và các Đại Kim tự tháp của Ai Cập. Sau đó, hình ảnh bán thân của Zeus trở lại.

“Những tín đồ của Zeus chống lại việc từ bỏ vị thần của họ quyết liệt đến mức tín điều có sức chinh phạt của Thiên Chúa giáo cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận gương mặt Zeus như là gương mặt vị Chúa mới của mình.”

Trên trần, hình ảnh bán thân có hàm râu của Zeus tan biến thành một bức bích họa một gương mặt có râu giống hệt – mặt của Đức Chúa Thiên Chúa giáo như mô tả trong tác phẩm Sáng tạo Adam của Michelangelo trên trần Nhà nguyện Sistine.

“Ngày nay, chúng ta không còn tin vào những câu chuyện như thế về Zeus – một cậu bé được dê nuôi dưỡng và được ban sức mạnh bởi những sinh vật một mắt gọi là Cyclope. Với chúng ta nhờ suy nghĩ hiện đại, những câu chuyện này đều được phân loại là thần thoại – những câu chuyện không có thật kỳ quặc đem lại cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua mang tính giải trí về quá khứ mê tín của ta.”

Lúc này, trần nhà hiện lên bức ảnh một giá sách trong thư viện phủ bụi, nơi những bộ sách bọc da về thần thoại cổ nằm mòn mỏi trong bóng tối bên cạnh những cuốn sách về thờ cúng tự nhiên, các thần Baal, Inana, Osiris và vô số những lý thuyết cổ xưa.

“Giờ mọi thứ đều khác!” giọng nói trầm trầm của Langdon vang lên. “Chúng ta là những người Hiện đại.”

Trên trời, những hình ảnh mới xuất hiện – những bức ảnh sinh động và nhanh về thám hiểm không gian… những con chip máy tính… một phòng thí nghiệm y học… một máy gia tốc phân tử… những chiếc phản lực bay vút lên.

“Chúng ta là những người có kỹ năng về công nghệ và tiến hóa về tri thức. Chúng ta không tin vào những người thợ rèn khổng lồ làm việc dưới núi lửa hoặc vào những vị thần điều khiển thủy triều hay bốn mùa. Chúng ta không hề giống với tổ tiên cổ xưa của chúng ta.”

Hay chúng ta vẫn giống? Langdon thì thầm trong lòng, miệng nhẩm theo chương trình phát lại.

“Hay chúng ta vẫn giống?” tiếng Langdon nói trên đầu. “Chúng ta tự xem mình là những cá nhân có lý trí hiện đại, nhưng tôn giáo thịnh hành nhất của loài người chúng ta lại có vô số những khẳng định kỳ ảo – loài người trỗi dậy một cách khó giải thích từ chết chóc, những ca sinh nở mà vẫn còn trinh tiết như có phép mầu, các vị thần báo thù giáng xuống bệnh tật và lũ lụt, những lời hứa hẹn bí ẩn về một kiếp sau trên thiên đàng hay dưới địa ngục dữ dội.”

Trong khi Langdon nói, trần nhà xuất hiện những hình ảnh Thiên Chúa giáo nổi tiếng về Chúa hồi sinh, đức mẹ Mary Đồng trinh, con thuyền của Noah, hiện tượng nứt Hồng Hải, thiên đường và địa ngục.

“Vì thế xin quý vị một lúc,” Langdon nói, “chúng ta hãy tưởng tượng phản ứng của các nhà sử học và nhân loại học tương lai của loài người, về viễn cảnh, liệu họ có nhìn lại các tín điều tôn giáo của chúng ta và phân loại thành thần thoại ở một thời chưa được khai sáng không? Liệu họ có nhìn các vị thần của chúng ta như chúng ta nhìn thần Zeus không? Liệu họ có sưu tầm những cuốn kinh thánh thiêng của chúng ta và vứt bỏ lên cái giá sách phủ bụi ấy của lịch sử không?”

Câu hỏi lơ lửng trong bóng tối một lúc lâu.

Và rồi, giọng Edmond Kirsch đột ngột phá tan sự im lặng.

“Vâng, thưa Giáo sư,” tiếng nhà vị lai chủ nghĩa rổn rảng từ trên cao. “Tôi tin tất cả những điều đó sẽ xảy ra. Tôi tin các thế hệ tương lai sẽ tự hỏi làm cách nào những giống loài tiến bộ về công nghệ như chúng ta đây lại có thể tin vào hầu hết những gì các tôn giáo hiện đại của chúng ta dạy cho chúng ta.”

Giọng Kirsch càng lớn hơn khi một chuỗi hình ảnh mới lóe lên trên trần – Adam và Eve, một phụ nữ quấn kín trong tấm áo choàng Hồi giáo, màn đi trên lửa của đạo Hindu.

“Tôi tin các thế hệ tương lai sẽ nhìn vào những truyền thống hiện tại của chúng ta,” Kirsch tuyên bố “và kết luận rằng chúng ta sống trong một thời đại mông muội. Bằng chứng là, họ sẽ nhắm vào những tín điều mà chúng ta sáng tạo ra trong khu vườn thần tiên, hoặc rằng Đấng Sáng tạo quyền năng vô tận của chúng ta đòi hỏi rằng phụ nữ thì phải che kín đầu, hoặc rằng chúng ta liều lĩnh thiêu đốt cả cơ thể của mình để tôn vinh các vị thần thánh.”

Thêm những hình ảnh xuất hiện – một chuỗi nhiều bức ảnh di chuyển nhanh mô tả các nghi lễ tôn giáo khắp nơi trên thế giới – từ các lễ trừ tà và lễ rửa tội đến xiên mình và hiến sinh động vật. Màn trình chiếu kết thúc bằng một đoạn video nhìn thót tim trong đó một tu sĩ Ấn Độ đang đung đưa một đứa bé sơ sinh nhỏ xíu phía ngoài mép một ngọn tháp cao tới mười lăm mét. Đột nhiên, tu sĩ buông tay và đứa trẻ rơi từ độ cao mười lăm mét thẳng xuống một tấm chăn được kéo căng, do những dân làng đầy phấn khích cầm giữ như một tấm lưới cứu hỏa.

Lễ thả rơi Đền Grishneshwar, Langdon nghĩ, nhớ ra nghi lễ này được một số người tin rằng đem lại cho đứa trẻ ân huệ của Chúa.

Thật may, đoạn video đáng sợ đó kết thúc.

Trong bóng tối mịt mùng lúc này, giọng Kirsch vang vang trên đầu. “Làm sao có chuyện tư duy con người hiện đại có khả năng phân tích lô-gic chính xác, nhưng đồng thời lại cho phép chúng ta chấp nhận những tín điều tôn giáo lẽ ra cần bóp nát bằng sự cân nhắc sáng suốt dù nhỏ nhất?”

Phía trên đầu, bầu trời sao rực rỡ lại xuất hiện.

“Hóa ra là,” Edmond kết luận, “câu trả lời rất đơn giản.”

Những vì sao trên trời đột nhiên sáng hơn và lớn hơn. Những sợi kết nối xuất hiện, chạy giữa các vì sao tạo thành một mạng lưới dường như vô tận gồm những nút kết nối qua lại với nhau.

Các neuron, Langdon nhận ra ngay khi Edmond bắt đầu nói.

“Bộ não con người,” Edmond công bố. “Tại sao nó lại tin những gì nó tin?”

Trên đầu, một vài nút sáng lên, truyền những xung điện qua các sợi tới những neuron khác.

“Giống như một máy tính hữu cơ,” Edmond tiếp tục, “bộ não của quý vị có một hệ điều hành – một chuỗi các quy tắc tổ chức và định nghĩa tất cả thông tin đầu vào lộn xộn mà chúng ta tiếp nhận cả ngày dài – ngôn ngữ, một giai điệu lôi cuốn, một tiếng còi, hương vị sô-cô-la. Như quý vị có thể hình dung ra, dòng chảy thông tin đầu vào cực kỳ đa dạng và liên tục và bộ não của quý vị phải diễn giải cho đúng. Thực tế, đây chính là sự lập trình tuyệt vời, hệ điều hành của não bộ giúp quý vị định nghĩa nhận thức của quý vị về hiện thực. Rất tiếc, chúng ta lại bị chơi khăm, bởi lẽ cái kẻ viết chương trình cho bộ não người hẳn có khiếu hài hước méo mó. Nói cách khác, không phải lỗi của chúng ta khi chúng ta tin những điều điên khùng mà chúng ta vẫn tin.”

Các khớp thần kinh phía trên kêu xèo xèo và những hình ảnh tương tự ‘sủi bọt’ lên từ bên trong bộ não: những sơ đồ thiên văn; Chúa Jesus đi trên mặt nước; nhà sáng lập khoa học học L. Ron Hubbard; vị thần Osiris của Ai Cập; thần voi bốn tay Ganesha của Hindu giáo; và một bức tượng cẩm thạch Đức mẹ Mary Đồng trinh khóc ròng.

“Và là một người lập trình, tôi phải tự hỏi mình: hệ điều hành kỳ quái nào sẽ tạo ra kết quả phi lô-gic như vậy? Nếu chúng ta có thể nhìn vào trí óc con người và đọc được hệ điều hành của nó, chúng ta sẽ thấy thứ gì đó như thế này.”

Tám từ xuất hiện to tướng phía trên.

XEM THƯỜNG HỖN LOẠN.

TẠO RA TRẬT TỰ.

“Đây chính là chương trình căn cốt của não bộ chúng ta,” Edmond nói. “Và vì thế, đây cũng chính là cách con người có khuynh hướng ngả theo. Đối chọi với hỗn loạn. Và ủng hộ trật tự.”

Căn phòng đột nhiên rung lên bởi tạp âm của các nốt nhạc đàn dương cầm rất nghịch tai, như thể một đứa trẻ đang nện bàn phím vậy. Langdon và những người quanh ông đều vô tình thấy căng lên.

Tiếng Edmond át cả âm thanh ồn ào. “Âm thanh ai đó nện tùy hứng trên một cây đàn dương cầm thật khó nghe! Thế nhưng, nếu chúng ta biết chính những nốt nhạc ấy và sắp xếp chúng theo một trật tự tốt hơn…”

Tiếng ầm ĩ hỗn loạn đột ngột ngừng bặt, được thay thế bằng giai điệu êm dịu Clair de lune của Debussy.

Langdon cảm thấy các cơ của mình giãn ra và không khí căng thẳng trong phòng dường như tan biến.

“Bộ não của chúng ta vui mừng,” Edmond nói. “Vẫn những nốt nhạc ấy. Vẫn nhạc cụ ấy. Nhưng Debussy tạo ra trật tự. Và cũng chính điều này hãnh diện tạo ra cái trật tự kích thích con người lắp ráp trò chơi ghép mảnh hoặc sắp xếp ngăn nắp các bức tranh trên tường. Thiên hướng tổ chức của chúng ta được viết vào DNA của chúng ta, và vì thế chúng ta không lấy gì làm lạ rằng phát minh vĩ đại nhất mà trí óc con người tạo ra chính là máy tính – một cỗ máy được thiết kế đặc biệt giúp chúng ta tạo ra trật tự từ hỗn loạn. Thực tế, từ trong tiếng Tây Ban Nha để chỉ máy tính là ordenador – rất đúng nghĩa đen, ‘thứ tạo ra trật tự’.”

Hình ảnh một siêu máy tính đồ sộ xuất hiện, với một thanh niên ngồi ở thiết bị đầu cuối của nó.

“Hãy hình dung quý vị có một máy tính mạnh truy cập được tất cả thông tin trên thế giới. Quý vị được phép hỏi máy tính này bất kỳ câu gì quý vị thích. Xác suất cho thấy cuối cùng quý vị đều hỏi hai câu cơ bản vẫn hấp dẫn con người kể từ lần đầu tiên chúng ta biết tự nhận thức.”

Tác giả: