Nguồn cội – Dan Brown

Thật sao? Langdon nhìn quanh. Có đến cả mấy trăm khách khứa.

Langdon nhìn chiếc tai nghe, không có gì hơn ngoài một cái vòng kim loại thanh thoát với mấy miếng mút nhỏ xíu ở mỗi đầu. Có lẽ nhìn thấy vẻ mặt bối rối của ông, cô gái bước tới để hỗ trợ.

“Đây là đồ rất mới,” cô nói, giúp ông đeo thiết bị lên. “Mấy miếng mút biến năng không để nhét vào bên trong tai ngài, mà đặt lên mặt ngài cơ.” Cô chỉnh cái vòng ra phía sau đầu ông và đặt mấy miếng mút kẹp nhẹ lên mặt ông, ngay phía trên xương hàm và dưới thái dương.

“Nhưng làm cách nào…”

“Công nghệ truyền dẫn xương. Các thiết bị biến năng đưa âm thanh trực tiếp vào xương hàm của ngài, cho phép âm thanh vào thẳng ốc tai ngài. Tôi đã thử rồi, và thật sự rất tuyệt vời – giống như có giọng nói ngay trong đầu ngài vậy. Hơn nữa, nó giúp tai ngài được tự do để nghe các cuộc trò chuyện bên ngoài.”

“Rất thông minh.”

“Công nghệ này do ngài Kirsch phát minh hơn 10 năm trước. Giờ nó khá sẵn trong rất nhiều thương hiệu tai nghe tiêu dùng.”

Mình hy vọng Ludwig van Beethoven bỏ qua, Langdon nghĩ bụng, cảm thấy khá chắc chắn rằng người sáng chế nguyên khai ra công nghệ truyền dẫn xương chính là nhà soạn nhạc thế kỷ XVIII, mà do bị điếc nên đã phát hiện ra ông có thể gắn một cần kim loại vào đàn dương cầm của mình và cắn chặt lấy nó trong lúc chơi đàn, giúp ông nghe được rất rõ ràng thông qua độ rung động ở xương hàm.

“Chúng tôi hy vọng ngài thích trải nghiệm chuyến tham quan của mình,” cô gái nói. “Ngài có khoảng một giờ trước màn thuyết trình để khám phá bảo tàng. Hướng dẫn âm thanh của ngài sẽ thông báo với ngài khi đến giờ lên gác tới thính phòng.”

“Cảm ơn cô. Tôi có cần lưu ý gì để…”

“Không ạ, thiết bị này tự kích hoạt. Chuyến tham quan có hướng dẫn của ngài sẽ bắt đầu ngay khi ngài di chuyển.”

“À vâng, dĩ nhiên rồi,” Langdon mỉm cười nói. Ông bỏ ra ngoài, băng qua tiền sảnh, tiến về phía mấy vị khách đứng rải rác, tất cả đều đang đợi thang máy và đeo chiếc tai nghe giống hệt dính chặt lấy xương hàm.

Chỉ mới đi được nửa tiền sảnh, ông nghe thấy một giọng nam vang lên trong đầu. “Chúc một buổi tối tốt lành và xin chào mừng tới bảo tàng Guggenheim ở Bilbao.”

Langdon biết đó là chiếc tai nghe của mình, nhưng ông vẫn dừng lại một chút và nhìn về phía sau. Hiệu ứng thật đáng kinh ngạc – đúng hệt như cô gái đã mô tả – giống như có một người ngay bên trong đầu bạn vậy.

“Gửi lời chào mừng chân thành nhất tới ngài, thưa Giáo sư Langdon.” Giọng nói rất thân thiện và nhẹ nhàng, bằng chất giọng Anh lịch sự. “Tên tôi là Winston và tôi rất vinh hạnh được làm hướng dẫn viên của ngài tôi hôm nay.”

Họ mượn ai ghi âm giọng này nhỉ – Hugh Grant* à? (Hugh Grant tên đầy đủ là Hugh John Mungo Grant (sinh năm 1960) là diễn viên và nhà sản xuất phim người Anh, từng nhận được một giải Quả cầu vàng, giải của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc (BAFTA) và Giải César danh dự.)

“Tối nay,” giọng nói vui vẻ tiếp tục, “ngài có thể thoải mái phiêu du tùy ý, tới bất kỳ chỗ nào ngài thích và tôi sẽ cố gắng cung cấp thông tin cho ngài liên quan đến những gì ngài sẽ xem.

Rõ ràng, ngoài một nhân vật kể chuyện vui tính, những đoạn ghi âm riêng cho từng người và công nghệ truyền dẫn xương, mỗi chiếc tai nghe đều được trang bị GPS để nhận biết chính xác vị trí mà vị khách đang đứng trong bảo tàng và nhờ đó xác định được nội dung dẫn giải cần đưa ra.

“Thưa ngài,” giọng nói tiếp tục, “tôi nhận ra rằng là một giáo sư nghệ thuật, ngài là một trong những vị khách hiểu biết hơn hẳn, và vì thế có lẽ ngài sẽ ít cần thông tin của tôi. Tệ hơn nữa, rất có thể ngài sẽ hoàn toàn không đồng ý với phân tích của tôi về một số tác phẩm nhất định!” Giọng nói phát ra tiếng cười ngượng nghịu.

Nghiêm túc đấy à? Ai viết phần lời này không biết? Phải thừa nhận là giọng điệu vui vẻ và cách phục vụ riêng từng người là một điểm rất hấp dẫn, nhưng Langdon không hình dung nổi mức độ công sức phải bỏ ra để thiết kế riêng hàng trăm chiếc tai nghe.

Thật mừng, lúc này giọng nói im bặt, như thể nó đã mệt lử vì phần trò chuyện chào mừng đã được lập trình trước.

Langdon nhìn qua tiền sảnh tới một tấm băng rôn đỏ rất lớn nữa treo phía trên đám đông.

EDMOND KIRSCH

TỐI NAY CHÚNG TA TIẾN TỚI

Edmond định tuyên bố chuyện quái gì không biết?

Langdon hướng ánh mắt về phía khu cầu thang máy, nơi một đám khách khứa đang nói chuyện phiếm, trong đó có hai nhà sáng lập nổi tiếng của hai công ty Internet toàn cầu, một diễn viên Ấn Độ có tiếng và mấy vị khách VIP ăn vận rất bảnh mà Langdon cảm thấy có lẽ ông nên biết nhưng lại không hề biết. Cảm thấy mình vừa không thích vừa thiếu sự chuẩn bị để trò chuyện về các chủ đề truyền thông xã hội và Bollywood, Langdon di chuyển theo hướng ngược lại, vẩn vơ tiến về phía một tác phẩm nghệ thuật hiện đại khá lớn đứng dựa vào bức tường phía xa.

Tác phẩm nép mình trong một hốc tối và gồm chín chiếc băng chuyền hẹp nổi lên từ các rãnh trên sàn nhà rồi chạy hướng lên trên, mất hút vào những khe hở trên trần. Tác phẩm này trông giống chín lối đi bộ đang chuyển động, chạy trên một mặt phẳng dựng đứng. Mỗi băng chuyền đều mang một thông điệp được chiếu sáng, cuộn ngược lên trời.

Ta cầu nguyện thật to…

Ta ngửi thấy ngươi trên da thịt mình…

Ta gọi tên ngươi.

Nhưng lúc Langdon lại gần hơn, ông nhận ra rằng những băng chuyền đang chuyển động kia thực tế vẫn đứng yên; cái ảo giác chuyển động có được là nhờ “lớp da” ánh đèn LED nhỏ xíu bố trí trên mỗi thanh rầm dựng đứng. Các bóng đèn sáng lên theo một trình tự rất nhanh để tạo thành các từ ngữ hiện trên nền nhà, rồi chạy ngược lên thanh rầm và biến mất trên trần nhà.

Ta gào thét…

Có máu…

Chẳng ai nói với ta.

Langdon bước tới và vòng quanh những thanh rầm dựng đứng, để cảm nhận toàn bộ.

“Đây là một tác phẩm rất kích thích,” anh chàng hướng dẫn viên âm thanh đột ngột lên tiếng trở lại. “Nó được gọi là Tác phẩm lắp đặt cho Bilbao và do nghệ sĩ nghệ thuật ý tưởng Jenny Holzer sáng tạo ra. Nó gồm chín bảng hiệu đèn LED, mỗi bảng cao đến hơn mười hai mét, truyền phát những trích dẫn bằng tiếng Basque*, Tây Ban Nha và tiếng Anh – tất cả đều liên quan đến những điều đáng sợ về bệnh AIDS và nỗi đau đớn mà những người bị vứt bỏ phải chịu đựng. (tiếng Basque là ngôn ngữ của một dân tộc ở miền tây Pyrenees, thuộc đông bắc Tây Ban Nha và tây nam nước Pháp.)

Langdon phải thừa nhận hiệu ứng này rất có sức mê hoặc và có phần thương tâm.

“Có lẽ trước đây ngài đã từng thấy tác phẩm của Jenny Holzer phải không?”

Langdon cảm thấy như bị thôi miên bởi nội dung chạy ngược lên trên.

Ta chôn vùi đầu ta…

Ta chôn vùi đầu ngươi…

Ta chôn vùi ngươi.

“Ngài Langdon?” giọng nói trong đầu ông vang lên. “Ngài có nghe tôi nói không? Tai nghe của ngài có hoạt động không?”

Langdon sực tỉnh khỏi dòng suy nghĩ. “Tôi xin lỗi… sao cơ? Xin chào?”

“Vâng, xin chào,” giọng nói trả lời. “Tôi tin chúng ta đã chào hỏi nhau rồi nhỉ? Tôi chỉ kiểm tra xem liệu ngài có nghe thấy tôi không thôi?”

“Tôi… tôi xin lỗi,” Langdon ấp úng, xoay đi khỏi màn trình diễn và phóng nhìn qua tiền sảnh. “Tôi cứ nghĩ anh chỉ là một phần ghi âm thôi! Tôi không nhận ra mình có hẳn một người hướng dẫn thật trên đường dây.” Langdon hình dung ra một căn phòng vuông vức với một đội quân quản trị viên trang bị toàn tai nghe và những cuốn danh mục bảo tàng.

“Không sao, thưa ngài. Tôi sẽ là hướng dẫn viên riêng của ngài trong buổi tối này. Tai nghe của ngài có microphone gắn trên đó đấy. Chương trình này có mục đích như một trải nghiệm tương tác trong đó ngài và tôi có thể trò chuyện về nghệ thuật.”

Giờ Langdon hiểu rằng những vị khách khác cũng đang nói qua tai nghe của họ. Ngay cả những người đi thành đôi có vẻ cũng đã bị tách nhau một chút, và đang trao đổi với nhau vẻ mặt đầy kinh ngạc khi họ tiếp tục những cuộc trò chuyện riêng tư với những hướng dẫn viên riêng của mình.

Mọi khách khứa ở đây đều có hướng dẫn viên riêng à?”

“Vâng, thưa ngài. Tối nay, chúng tôi hướng dẫn riêng cho ba trăm mười tám vị khách.”

“Thật đáng nể.”

“Chà, ngài biết đấy, Edmond Kirsch là người vô cùng đam mê nghệ thuật và công nghệ. Ông ấy thiết kế riêng hệ thống này cho các bảo tàng, với hy vọng thay thế cho các tour theo nhóm mà ông ấy rất ghét. Với cách này, từng vị khách đều có thể thưởng thức hành trình riêng, di chuyển theo tốc độ của riêng mình, đặt câu hỏi mà họ có thể thấy lúng túng nếu nêu ra khi đi theo nhóm. Nó thật sự thân tình và chuyên tâm hơn rất nhiều.”

“Không có ý tỏ ra lạc hậu, nhưng tại sao lại không dẫn riêng từng người chúng tôi đi một lượt?”

“Rất có lý,” người đàn ông trả lời. “Thêm các hướng dẫn viên riêng cho một sự kiện bảo tàng thực sự sẽ tăng gấp đôi số người tại hiện trường và cần thiết phải giảm một nửa số lượng khách khứa. Hơn nữa, tạp âm của tất cả các hướng dẫn viên diễn thuyết cùng một lúc sẽ rất gây phân tâm. Ý tưởng ở đây là làm cho phần thảo luận thành một trải nghiệm liền mạch. Một trong những mục tiêu của nghệ thuật, như ông Kirsch vẫn luôn nói, là thúc đẩy đối thoại.”

“Tôi hoàn toàn đồng ý,” Langdon đáp, “và đó là lý do mọi người thường tới thăm các bảo tàng cùng người yêu hoặc bạn bè. Những chiếc tai nghe này có thể được coi là góp phần làm mọi người xa cách.”

“Chà,” chất giọng người Anh trả lời, “nếu ngài đi cùng người yêu hoặc bạn bè, ngài có thể chỉ định cho tất cả mọi người loại tai nghe chỉ với một hướng dẫn viên duy nhất và thưởng thức màn thảo luận nhóm. Phần mềm thật sự khá tiên tiến.”

“Có vẻ anh có câu trả lời cho mọi việc.”

Tác giả: