Nguồn cội – Dan Brown

“Tôi rất sẵn lòng bắt đầu từ đầu,” Langdon đáp, “nhưng tôi không chắc có gì để làm sáng tỏ. Chỉ có hai trường phái tư tưởng về chuyện chúng ta từ đâu đến – quan niệm tôn giáo cho rằng Chúa tạo ra con người với đầy đủ hình hài và mô hình của Darwin trong đó chúng ta thoát thai từ lớp bùn lầy nguyên thủy và cuối cùng tiến hóa thành con người.”

“Vậy nếu Edmond phát hiện ra khả năng thứ ba thì sao?” Ambra hỏi, đôi mắt nâu của nàng vụt sáng. “Nếu đó là một phần phát hiện của anh ấy thì sao? Nếu anh ấy chứng minh được rằng loài người không hề sinh ra từ Adam và Eve cũng không phải từ quá trình tiến hóa của Darwin thì sao?”

Langdon phải thừa nhận rằng một phát hiện như thế – một câu chuyện khác hẳn về nguồn gốc loài người – sẽ rất chấn động, nhưng đơn giản là ông không tài nào hình dung được nó có thể là gì. “Thuyết tiến hóa của Darwin đã được xác lập rất vững chắc,” ông nói, “bởi vì nó dựa trên sự thực quan sát được về mặt khoa học và đã chứng minh rõ ràng các sinh vật tiến hóa và thích nghi với môi trường của mình theo thời gian như thế nào. Thuyết tiến hóa đã được chấp nhận rộng rãi bởi những tư duy sắc bén nhất trong khoa học.”

“Vậy sao?” Ambra nói. “Tôi từng đọc những cuốn sách cho rằng Darwin hoàn toàn sai.”

“Những gì cô ấy nói rất đúng,” Winston xen vào trên điện thoại, lúc này đang được sạc điện trên chiếc bàn giữa hai người. “Hơn năm mươi đầu sách đã được xuất bản chỉ riêng trong hai thập kỷ qua.”

Langdon quên mất là Winston vẫn hiện diện cùng họ.

“Một số cuốn sách trong số này bán rất chạy,” Winston nói thêm. “What Darwin Got Wrong*… Defeating Darwinism*… Darwin’s Black Box*… Darwin on Trial*… The Dark Side of Charles Dar*” (What Darwin Got Wrong, Những gì Darwin sai, xuất bản năm 2010 của triết gia Jerry Fodor và nhà khoa học nhận thức Massimo Piattelli-Palmarini. Defeating Darwinism, Đánh bại chủ nghĩa Darwin. Darwin’s Black Box – The Biochemical Challenge to Evolution, Hộp đen của Darwin: Thách thức sinh hóa cho quá trình tiến hóa, của Michael Behe xuất bản năm 1996. Darwin on Trial, Darwin ra tòa, tác giả Phillip E. Johnson xuất bản lần lượt năm 1997. The Dark Side of Charles Darwin, Mặt tối của Charles Darwin, của tác giả Jerry Bergman xuất bản năm 2011.)

“Đúng vậy!” Langdon ngắt lời, biết rõ về số lượng sách rất lớn tuyên bố phủ nhận được Darwin. “Thực tế hồi trước tôi đã đọc hai cuốn trong đó.”

“Và rồi sao?” Ambra thúc giục.

Langdon mỉm cười nhã nhặn. “Chậc, tôi không nói được về tất cả số sách đó, nhưng hai cuốn tôi đọc thì căn bản lập luận từ quan điểm Thiên Chúa giáo. Một cuốn đi xa đến mức cho rằng cơ sở hóa thạch trên Trái Đất cũng do Chúa bố trí sẵn để kiểm chứng lòng tin của chúng ta.”

Ambra cau mày. “Được rồi, vậy là mấy thứ đó cũng không lay chuyển được suy nghĩ của anh.”

“Không hề, nhưng chúng làm tôi thấy tò mò, và vì thế tôi đã hỏi ý kiến của một giáo sư sinh học Harvard về mấy cuốn sách.” Langdon mỉm cười. “Vị giáo sư thế nào lại chính là Stephen J. Gould quá cố.”

“Sao tôi không nhớ tên người đó nhỉ?” Ambra hỏi.

“Stephen J. Gould,” Winston nói ngay. “Nhà cổ sinh vật học và sinh học tiến hóa nổi tiếng. Lý thuyết của ông ấy về cân bằng ngắt quãng giải thích một số khoảng trống trong cơ sở hóa thạch và giúp hỗ trợ mô hình tiến hóa của Darwin.”

“Gould chỉ cười,” Langdon nói, “và bảo tôi rằng hầu hết các sách bài Darwin đều được xuất bản bởi những nơi đại loại như Viện Nghiên cứu quá trình sáng tạo thế giới – một tổ chức mà theo các tài liệu thông tin của chính họ, xem Kinh thánh như một hồ sơ bằng văn bản không thể sai về sự thật khoa học và lịch sử.”

“Nghĩa là,” Winston nói, “họ tin rằng những bụi cây cháy biết nói, rằng Noah thừa sức chứa đủ tất cả các giống loài đang sống chỉ trên một con thuyền duy nhất và rằng người biến thành những cột muối không phải là cơ sở vững vàng nhất cho một đơn vị nghiên cứu khoa học rồi.”

“Đúng vậy,” Langdon nói, “nhưng vẫn có một số cuốn sách phi tôn giáo tìm cách hạ bệ Darwin từ quan điểm lịch sử – buộc tội ông ấy đánh cắp thuyết của mình từ nhà tự nhiên học người Pháp Jean-Baptiste Lamarck, người đầu tiên đề xuất rằng các sinh vật tự biến đổi để thích ứng với môi trường của chúng.”

“Mạch tư duy đó rất không phù hợp, thưa Giáo sư,” Winston nói. “Chuyện Darwin có mắc lỗi đạo văn hay không thì không có quan hệ gì đến tính xác thực của thuyết tiến hóa cả.”

“Tôi không dám tranh luận chuyện đó,” Ambra nói. “Mà như vậy là, anh Robert, tôi cho rằng nếu anh hỏi Giáo sư Gould, ‘Chúng ta từ đâu đến?’ ông ấy chắc chắn sẽ trả lời rằng chúng ta tiến hóa từ vượn.”

Langdon gật đầu. “Tôi đang diễn giải đây, nhưng cơ bản Gould quả quyết với tôi rằng trong giới khoa học thực sự chẳng hề đặt ra bất kỳ câu hỏi gì về quá trình tiến hóa đang diễn ra. Theo kinh nghiệm, chúng ta có thể quan sát được quá trình đó. Ông ấy tin rằng, câu hỏi hay ho hơn là: Tại sao quá trình tiến hóa lại diễn ra? Và nó bắt đầu như thế nào?”

“Ông ấy có đưa ra câu trả lời nào không?” Ambra hỏi.

“Tôi chẳng hiểu được câu trả lời nào cả, nhưng ông ấy cố chứng minh quan điểm Hành lang Vô tận.” Langdon ngừng lại, nhấp thêm một ngụm cà phê.

“Phải, một minh họa rất hữu ích,” Winston xen vào trước khi Langdon kịp nói. “Nó như thế này: Hãy tưởng tượng bạn đang đi trong một hành lang dài – một hành lang dài đến mức không thể thấy bạn xuất phát từ đâu hay sẽ đi tới đâu.”

Langdon gật đầu, cảm thấy rất ấn tượng trước kiến thức quảng bác của Winston.

“Khi đó, phía xa đằng sau bạn,” Winston nói tiếp, “bạn nghe thấy tiếng của một trái bóng nảy lên. Chắc chắn là khi bạn quay lại, bạn thấy một trái bóng đang nảy dần về phía mình. Nó nảy lại càng lúc càng gần hơn, cho tới khi nó nảy qua bạn, và cứ thế tiếp tục, nảy ra xa và mất hút.”

“Chính xác,” Langdon nói. “Câu hỏi không phải là: Có phải trái bóng đang nảy không? Bởi vì rõ ràng, trái bóng đang nảy. Chúng ta có thể thấy điều đó. Câu hỏi là: Tại sao nó lại nảy? Nó bắt đầu nảy như thế nào? Phải chăng có ai đó đã đá trái bóng? Đó có phải là một trái bóng đặc biệt đơn giản là biết tự nảy không? Liệu trong hành lang này có những quy luật vật lý khiến cho trái bóng không có lựa chọn nào khác là nảy mãi mãi không?”

“Quan điểm của Gould là,” Winston kết luận, “cũng như với quá trình tiến hóa, chúng ta không thể nhìn đủ xa vào quá khứ để biết quá trình này bắt đầu như thế nào.”

“Chính xác,” Langdon nói. “Tất cả những gì chúng ta có thể làm là quan sát nó đang xảy ra.”

“Dĩ nhiên,” Winston nói, “việc này cũng tương tự như thách thức hiểu biết về Vụ nổ Lớn. Các nhà vũ trụ học đã vạch ra những công thức rất súc tích để mô tả vũ trụ mở rộng trong bất kỳ Thời gian cụ thể nào – ‘T’ – trong quá khứ hay tương lai. Tuy nhiên, khi họ thử nhìn lại khoảnh khắc lúc Vụ nổ Lớn xảy ra – nơi T bằng không – mọi tính toán đều sai bét, cho thấy những gì dường như là một đốm nhiệt lượng và tỉ trọng vô cực rất bí ẩn.”

Langdon và Ambra nhìn nhau, đầy ấn tượng.

“Lại chính xác,” Langdon nói. “Và vì tư duy con người không được trang bị để xử lý ‘vô cực’ tốt cho lắm nên hầu hết các nhà khoa học hiện giờ đều thảo luận về vũ trụ chỉ với những thời điểm sau Vụ nổ Lớn – trong đó T lớn hơn giá trị bằng không – giúp đảm bảo rằng tính toán không trở nên bí hiểm.”

Một trong những đồng nghiệp ở Harvard của Langdon – một vị giáo sư vật lý rất uy tín – đã phát ngán với các sinh viên chuyên ngành triết học tham dự buổi hội thảo Nguồn gốc Vũ trụ của ông ấy đến mức cuối cùng ông ấy trưng một tấm biển trên cửa phòng học của mình.

Trong lớp học của tôi, T > 0.

Với tất cả yêu cầu khi T = 0,

Xin mời ghé Khoa Tôn giáo.

“Thế còn thuyết Panspermia*?” Winston hỏi. “Quan niệm cho rằng sự sống trên Trái Đất được gieo mầm từ một hành tinh khác nhờ một sao băng hoặc bụi vũ trụ? Thuyết Panspermia được coi là một khả năng có giá trị khoa học để giải thích sự tồn tại của sự sống trên Trái Đất.” (thuyết Panspermia là thuyết nguồn gốc sự sống từ vũ trụ.)

“Cho dù thuyết đó đúng,” Langdon nêu ý kiến, “thì nó cũng không trả lời được xem lúc đầu sự sống bắt đầu trong vũ trụ như thế nào. Chúng ta chỉ mới trì hoãn vấn đề, phớt lờ nguồn gốc của trái bóng nảy và chưa giải quyết câu hỏi lớn: Sự sống từ đâu mà ra?”

Winston im lặng.

Ambra nhâm nhi ly rượu vang của mình, có vẻ thích thú với màn đối đáp qua lại của họ.

Khi chiếc Gulfstream G550 đạt độ cao và giữ thăng bằng, Langdon nhận thấy mình đang hình dung về những gì có ý nghĩa đối với thế giới nếu thực sự Edmond tìm ra câu trả lời cho câu hỏi từ lâu: Chúng ta từ đâu đến?

Thế nhưng, theo Edmond, câu trả lời đó chỉ là một phần của bí mật.

Cho dù chân lý có là gì thì Edmond cũng đã bảo vệ mọi chi tiết phát hiện của mình bằng một mật khẩu khó xử lý – một dòng thơ duy nhất gồm bốn mươi bảy mẫu tự. Nếu mọi thứ đều theo đúng kế hoạch, Langdon và Ambra sớm muộn sẽ tìm ra nó bên trong căn nhà của Edmond ở Barcelona.

CHƯƠNG 43

Gần một thập kỷ sau khi bắt đầu, “trang web đen” vẫn là một bí ẩn đối với đông đảo người dùng trực tuyến. Không thể truy cập được qua các cơ chế tìm kiếm truyền thống, vùng đất ma quỷ hung hiểm này của World Wide Web cung cấp đường truy cập ẩn danh tới cả danh mục khó tin toàn những hàng hóa và dịch vụ phi pháp.

Từ bước đầu rất khiêm tốn là làm chủ Silk Road (Con đường tơ lụa) – chợ đen trực tuyến đầu tiên chuyên bán ma túy phi pháp – trang web đen phát triển thành một mạng lưới rất rộng gồm các địa chỉ trái phép buôn bán vũ khí, ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, những bí mật chính trị và thậm chí cả các tội phạm có thể thuê được, bao gồm gái mại dâm, hacker, gián điệp, khủng bố và sát thủ.

Tác giả: