Nguồn cội – Dan Brown

Giờ màn hình trở lại với hình ảnh đáng ngại cho thấy cái bong bóng màu đen đang nở rộng nuốt lấy cái bong bóng màu xanh. Công nghệ giết chết con người ư? Langdon thấy ý tưởng đó thật hãi hùng, nhưng lòng ông lại mách ông rằng điều đó rất khó xảy ra. Với ông, khái niệm về một tương lai địa ngục giống như Kẻ hủy diệt nơi những cỗ máy săn đuổi tiêu diệt con người dường như trái ngược với thuyết Darwin. Con người kiểm soát công nghệ; con người có bản năng sinh tồn; con người sẽ không bao giờ cho phép công nghệ lấn lướt mình.

Thậm chí khi chuỗi những suy nghĩ logic này vụt qua trong tâm trí, Langdon vẫn biết mình rất ngây thơ. Từng tương tác với trí thông minh nhân tạo do Edmond sáng tạo là Winston, Langdon đã có được cái nhìn lướt qua rất hiếm hoi về trình độ tối tân trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Và trong khi Winston rõ ràng phục vụ những mong muốn của Edmond nhưng Langdon vẫn rất băn khoăn sẽ được bao lâu cho tới khi những cỗ máy như Winston bắt đầu ra những quyết định nhằm thỏa mãn ý muốn của chính chúng.

“Rõ ràng, nhiều người trước tôi đã dự đoán về giới công nghệ,” Edmond nói, “nhưng tôi thành công trong việc lập mô hình nó… và có thể cho thấy những gì nó sẽ làm với chúng ta.” Anh ra hiệu về phía cái bong bóng đen đúa, thứ mà đến năm 2050, đã choán trọn màn hình và cho thấy sự thống trị hoàn toàn trên hành tinh. “Tôi phải thừa nhận, mới nhìn qua, mô phỏng này vẽ lên một bức tranh khá u ám…”

Edmond ngừng lại, và một cái nháy mắt quen thuộc của anh lại xuất hiện.

“Nhưng chúng ta thật sự phải nhìn kỹ hơn một chút,” anh nói.

Giờ màn hình kéo gần vào bong bóng màu đen, phóng đại nó cho tới khi Langdon có thể thấy rằng khối cầu khổng lồ không còn là màu đen huyền nữa, mà chuyển màu tía thẫm.

“Như quý vị có thể thấy, cái bong bóng đen của công nghệ, khi nó nuốt chửng bong bóng con người, lại ngả sang một màu khác – màu tía – như thể hai màu đã trộn đều với nhau.”

Langdon tự hỏi liệu đây sẽ là tin tốt hay tin xấu.

“Những gì chúng ta đang thấy ở đây là một quá trình tiến hóa hiếm hoi gọi là cộng sinh bắt buộc,” Edmond nói. “Bình thường, tiến hóa là một quá trình chia đôi – một giống loài chia thành hai loài mới – nhưng đôi khi, trong những trường hợp hiếm hoi, nếu hai loài không thể tồn tại nếu thiếu nhau thì quá trình xảy ra theo hướng ngược lại… và thay vì một loài phân đôi, hai loài lại nhập làm một.”

Sự hợp nhất gợi cho Langdon nhớ đến thuyết hổ lốn – quá trình theo đó hai tôn giáo khác nhau hòa trộn để hình thành một tín điều hoàn toàn mới.

“Nếu quý vị không tin rằng con người và công nghệ sẽ hợp nhất,” Edmond nói, “hãy thử quan sát quanh mình xem.”

Màn hình hiển thị một loạt lát cắt rất nhanh – những hình ảnh con người khư khư điện thoại di động, đeo những thiết bị thực tế-ảo, điều chỉnh thiết bị Bluetooth đeo tai; những người đang chạy có đeo máy nghe nhạc ở cánh tay; một bàn ăn cơm tối gia đình với trung tâm là “chiếc loa thông minh”; một đứa trẻ ngồi trong cũi chơi với chiếc máy tính bảng.

“Đây chỉ là những bước sơ khởi của quá trình cộng sinh này,” Edmond nói. “Hiện chúng ta đang bắt đầu cấy các chip máy tính trực tiếp vào não bộ mình, bơm vào máu chúng ta những nanobot cực nhỏ tiêu thụ cholesterol và tồn tại trong chúng ta vĩnh viễn, chế tạo chân tay nhân tạo được điều khiển bằng trí óc chúng ta, sử dụng các công cụ chỉnh sửa gien như CRISPR để điều chỉnh hệ gien của mình, và, thật vậy, còn thiết kế một phiên bản nâng cao của chính chúng ta.”

Nét mặt của Edmond giờ dường như khá vui vẻ, toát ra sự đam mê và phấn khích.

“Loài người đang tiến hóa thành gì đó rất khác,” anh tuyên bố. “Chúng ta đang trở thành một giống loài lai – một quá trình hợp nhất giữa sinh học và công nghệ, vẫn những công cụ mà hôm nay tồn tại bên ngoài cơ thể chúng ta – điện thoại thông minh, thiết bị trợ thính, kính đọc sách, hầu hết các dược phẩm – trong năm mươi năm nữa sẽ tích hợp vào cơ thể chúng ta ở mức độ chúng ta sẽ không còn có thể coi mình là Người tinh khôn nữa.”

Một hình ảnh quen thuộc xuất hiện lại phía sau Edmond – quá trình tiến triển từ tinh tinh thành người hiện đại.

“Trong chớp mắt,” Edmond nói, “chúng ta sẽ trở thành trang tiếp theo trong cuốn sách lật của quá trình tiến hóa. Và khi như vậy, chúng ta sẽ nhìn lại Người tinh khôn ngày nay giống như cách giờ đây chúng ta đang nhìn lại người Neanderthal. Những công nghệ mới như điều khiển học, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật đông xác, kỹ thuật phân tử, và thực tế ảo sẽ làm thay đổi vĩnh viễn những gì là con người. Và tôi nhận ra có những người trong số quý vị tin rằng mình, với tư cách những Người tinh khôn, là giống loài được Chúa lựa chọn. Tôi có thể hiểu rằng cái tin này với quý vị có thể giống như tận thế vậy. Nhưng tôi xin quý vị, hãy tin tôi… tương lai thực tế tươi sáng hơn rất nhiều so với quý vị hình dung.”

Với niềm hy vọng và lạc quan phát tiết ra rất bất ngờ, nhà vị lai chủ nghĩa vĩ đại mô tả về ngày mai, một viễn cảnh về một tương lai khác hẳn với bất kỳ điều gì Langdon từng mạo muội hình dung.

Edmond mô tả rất thuyết phục về một tương lai trong đó công nghệ trở nên rẻ và thịnh hành đến mức nó xóa bỏ khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Một tương lai trong đó công nghệ môi trường đem lại cho hàng tỷ người nước uống, thực phẩm giàu dinh dưỡng, và khả năng tiếp cận năng lượng sạch. Một tương lai trong đó những bệnh tật như ung thư của Edmond bị loại bỏ, nhờ y học di truyền. Một tương lai trong đó sức mạnh ghê gớm của Internet cuối cùng được khai thác phục vụ giáo dục, thậm chí ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của thế giới. Một tương lai trong đó những người máy dây chuyền lắp ráp sẽ giải phóng công nhân khỏi những công việc vô vị để họ có thể theo đuổi những lĩnh vực có lợi hơn mở ra trong những ngành chưa từng hình dung đến.

Và, trên hết, một tương lai trong đó những công nghệ đột phá bắt đầu tạo ra thừa thãi tài nguyên thiết yếu cho nhân loại đến mức việc tranh giành chúng không còn cần thiết nữa.

Khi lắng nghe viễn cảnh tương lai của Edmond, Langdon cảm nhận được một xúc cảm ông không còn trải qua đã nhiều năm. Đó là thứ cảm xúc ông biết hàng triệu người xem khác cũng đang cảm thấy vào thời khắc này – một niềm lạc quan trỗi dậy không ngờ về tương lai.

“Nhưng tôi có một tiếc nuối về kỷ nguyên của những phép mầu sắp tới này.” Giọng Edmond vỡ òa với cảm xúc đột ngột. “Tôi tiếc rằng tôi sẽ không còn ở đây để chứng kiến nó. Hoàn toàn không được biết ngay cả với những bạn bè thân thiết của tôi, tôi bị bệnh đã một thời gian… có vẻ tôi sẽ không sống được mãi, như tôi đã dự tính.” Anh gượng nở một nụ cười chua chát. “Lúc quý vị xem đoạn phim này, chắc chắn tôi sẽ chỉ còn sống được vài tuần… có khi chỉ vài ngày. Thưa các bạn của tôi, xin hãy biết rằng việc trình bày với các bạn tối nay là vinh dự và niềm vui lớn nhất đời tôi. Tôi xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe.”

Giờ Ambra đã đứng lên, sát cạnh Langdon, cả hai cùng xem với tâm trạng ngưỡng mộ và buồn thương trong khi người bạn của họ trình bày với cả thế giới.

“Hiện chúng ta đang chấp chới trên một đỉnh cao lạ lẫm của lịch sử,” Edmond nói tiếp, “một thời khắc khi thế giới có cảm giác như bị đảo ngược, và chẳng có gì như chúng ta hình dung. Nhưng sự không chắc chắn luôn là một điềm báo cho thay đổi toàn diện; sự biến đổi luôn có biến động và sợ hãi đi trước. Tôi thúc giục quý vị hãy đặt niềm tin của mình vào khả năng của con người về sáng tạo và yêu thương, bởi vì hai sức mạnh này, khi kết hợp lại, sẽ nắm giữ sức mạnh để soi sáng mọi khoảng tối.”

Langdon đưa mắt nhìn Ambra và thấy những giọt nước mắt đang tuôn trên gương mặt nàng. Ông nhẹ nhàng với tay và choàng ôm lấy nàng, mắt vẫn nhìn trong khi người bạn sắp khuất xa của mình nói những lời cuối cùng với thế giới.

“Khi chúng ta tiến vào một ngày mai chưa xác định,” Edmond nói, “chúng ta sẽ biến đổi chính mình thành gì đó vĩ đại hơn chúng ta có thể hình dung, với những sức mạnh vượt xa những giấc mơ cuồng ngạo nhất của mình. Và khi làm vậy, có lẽ chúng ta không bao giờ quên sự uyên thâm của Churchill, người đã cảnh báo chúng ta: ‘Cái giá của sự vĩ đại… là trách nhiệm.’”

Những lời này ngân vang với Langdon, vì ông thường sợ nhân loại sẽ không đủ trách nhiệm để sử dụng những công cụ gây nghiện mà giờ họ đang phát minh ra.

“Mặc dù tôi là một người vô thần,” Edmond nói, “nhưng trước khi tôi rời xa quý vị, tôi xin quý vị đại xá cho phép tôi đọc cho quý vị nghe một bài kinh cầu nguyện mà tôi viết gần đây.”

Edmond viết một bài kinh ư?

“Tôi đặt nó là ‘Kinh cầu cho tương lai’.” Edmond nhắm mắt lại và đọc thật chậm, với sự tự tin đến ngạc nhiên. “Mong triết lý của chúng ta bắt kịp cùng công nghệ. Mong tình thương của chúng ta bắt kịp cùng sức mạnh. Và mong tình yêu, chứ không phải sự sợ hãi, là động lực để thay đổi.”

Đọc xong, Edmond Kirsch mở mắt ra. “Xin tạm biệt, các bạn của tôi, và cảm ơn các bạn,” anh nói. “Và tôi dám nói… Thượng lộ bình an.”

Edmond nhìn vào máy quay một lúc, và sau đó gương mặt anh biến mất thành cái màn hình nhiễu động màu trắng ồn ào. Langdon trân trân nhìn màn hình nhiễu ấy và cảm thấy trào dâng cảm giác hãnh diện với người bạn của mình.

Đứng bên cạnh Ambra, Langdon hình dung ra hàng triệu người trên khắp thế giới vừa chứng kiến thành tựu đầy xúc động của Edmond. Kỳ lạ thay, ông thấy mình băn khoăn tự hỏi liệu có phải đêm cuối cùng của Edmond trên cõi đời này đã diễn ra theo cách thức tốt đẹp nhất có thể hay không.

Tác giả: