Nguồn cội – Dan Brown

Người lái xe trân trân nhìn phía trước, hai môi run run.

“Anh là một người có đạo,” Ávila nói. “Ta đã thấy dấu thập ác trên kính chắn gió xe anh. Và anh nghĩ gì về ta không thành vấn đề nhưng anh có thể yên tâm khi biết rằng tối nay anh đang làm việc cho Chúa.” Ávila nói nốt. “Chúa ra tay bằng những cách thức bí ẩn.”

Ávila bước lùi lại và kiểm tra khẩu súng gốm giắt ở thắt lưng. Nó đã nạp sẵn viên đạn lẻ còn lại. Ông ta tự hỏi liệu mình có cần dùng đến nó tối nay không.

Ông ta đi tới bồn rửa và cho nước chảy qua bàn tay ngắm nhìn cái hình xăm mà Nhiếp chính vương đã hướng dẫn ông ta xăm lên đó phòng trường hợp bị bắt.

Một sự đề phòng không cần thiết, Ávila ngờ vậy, cảm thấy lúc này mình như một linh hồn khó phát hiện đang di chuyển qua màn đêm.

Ông ta ngước mắt lên tấm gương bẩn thỉu, giật mình trước diện mạo của mình. Lần cuối cùng Ávila nhìn thấy chính mình là lúc ông ta đang mặc cả bộ đồ trắng với một cái cổ áo hồ cứng và một chiếc mũ hải quân. Còn lúc này, khi đã lột bỏ phần trên bộ quân phục của mình, trông ông ta giống một gã lái xe tải hơn – chỉ còn mặc chiếc áo thun cổ chữ V và một chiếc mũ đánh bóng chày mượn của người lái xe.

Mỉa mai thay, cái con người xốc xếch trong gương gợi cho Ávila nhớ đến diện mạo của mình những ngày say xỉn oán hận bản thân sau vụ nổ sát hại gia đình mình.

Ta ở trong một cái hố không đáy.

Bước ngoặt, ông ta biết vậy, chính là cái ngày chuyên gia trị liệu thể chất của ông ta, gã Marco, lừa ông ta lái xe về vùng quê để gặp “giáo hoàng”.

Ávila sẽ không bao giờ quên lúc đến gần những ngọn tháp kỳ lạ của nhà thờ Palmaria, đi qua những cánh cổng an ninh sừng sững và bước vào một phần nhà thờ trong lễ mi-xa buổi sáng, nơi từng đám tín đồ đang quỳ gối cầu nguyện.

Điện thờ được chiếu sáng chỉ nhờ ánh sáng tự nhiên từ những ô cửa sổ kính màu cao, và không khí sặc mùi hương trầm. Khi Ávila nhìn thấy những chiếc bàn thờ dát vàng và những chiếc ghế gỗ bóng loáng, ông ta nhận ra rằng những lời đồn đại về tài sản khổng lồ của những người Palmaria là sự thật. Nhà thờ này đẹp chẳng kém gì bất kỳ nhà thờ lớn nào Ávila từng thấy, nhưng ông ta biết rằng cái nhà thờ Công giáo này không như bất kỳ nhà thờ nào khác.

Phái Palmaria là kẻ thù không đội trời chung của Vatican.

Đứng cùng Marco ở phía sau nhà thờ, Ávila đưa mắt nhìn ra khắp giáo đoàn và tự hỏi giáo phái này lớn mạnh như thế nào sau khi công khai thể hiện sự đối lập của mình với Rome. Rõ ràng, lời tố giác của phái Palmaria nhằm vào chủ nghĩa tự do ngày càng tăng của Vatican đã chạm trúng mối bận tâm của những tín đồ khao khát một sự thể hiện bảo thủ hơn của tín điều.

Tập tễnh đi trên đôi nạng theo lối đi giữa hai hàng ghế, Ávila cảm thấy mình như một kẻ tàn phế khốn khổ đang hành hương về Lourdes với hy vọng có một phép mầu chữa bệnh. Một thầy tiếp tân đón Marco và dẫn hai người tới chỗ ngồi đã được cách ly riêng ở hàng đầu. Những giáo dân gần đó tò mò liếc nhìn để xem người nào nhận được sự đối xử đặc biệt này. Ávila ước Marco đừng thuyết phục ông ta mặc bộ quân phục hải quân có huân huy chương.

Ta nghĩ ta sắp gặp giáo hoàng.

Ávila ngồi xuống và ngước mắt lên phía bàn thờ chính, nơi một giáo dân trẻ tuổi mặc vest đang đọc một cuốn Kinh thánh. Ávila nhận ra đoạn kinh này – Tin mừng theo thánh Mark.

“‘Nếu anh em có chuyện bất bình với ai,’” người ấy đọc “‘thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.’”

Tha thứ hơn ư? Ávila nghĩ bụng, cau mặt giận dữ. Ông ta cảm thấy như mình đã nghe lời này cả nghìn lần từ những cố vấn và nữ tu sĩ trong nhiều tháng sau vụ tấn công khủng bố.

Bài đọc kết thúc và tiếng một cây đàn ống vang lên trong điện thờ. Giáo đoàn đồng loạt đứng lên và Ávila miễn cưỡng đứng lên, nhăn mặt vì đau. Một cánh cửa kín đáo đằng sau bàn thờ mở ra và một bóng người xuất hiện, khiến cho cả đám đông lao xao kích động.

Người đàn ông trông độ năm mươi, hiên ngang và vương giả với tư thế phong nhã và ánh mắt hút hồn. Ông mặc áo thụng trắng, khăn lông choàng màu vàng, khăn thắt lưng thêu và đội chiếc mũ giáo hoàng đính châu báu. Ông tiến tới với hai tay chìa ra hướng về phía giáo đoàn, như đang bay lượn khi di chuyển về phía trung tâm bàn thờ.

“Ngài đấy,” Marco thì thào đầy hứng khởi. “Giáo hoàng Innocent XIV.”

Ông ta tự xưng là Giáo hoàng Innocent XIV ư? Ávila biết, phái Palmaria thừa nhận tính hợp pháp của tất cả các giáo hoàng tính đến Giáo hoàng Paul VI, người mất năm 1978.

“Chúng ta đến vừa kịp,” Marco nói. “Ngài sắp có bài thuyết pháp.”

Vị giáo hoàng di chuyển về phía trung tâm phần bàn thờ được tôn cao, bỏ qua bục giảng kinh và bước xuống để đứng ngang tầm với các giáo dân của mình. Ông chỉnh lại chiếc microphone gắn trên người, chìa hai tay ra và mỉm cười trìu mến.

“Chúc một buổi sáng tốt lành,” ông nói nhẹ như thì thầm.

Giáo đoàn đồng thanh đáp lời. “Buổi sáng tốt lành!

Vị giáo hoàng tiếp tục di chuyển xa khỏi phía bàn thờ, tiến gần hơn đến giáo đoàn của mình. “Chúng ta vừa nghe đọc một đoạn Tin lành theo thánh Mark,” ông bắt đầu nói, “một đoạn văn đích thân ta lựa chọn vì sáng nay ta sẽ nói về sự tha thứ.”

Vị giáo hoàng đi dần tới chỗ Ávila và dừng lại ở lối đi bên cạnh ông ta, chỉ cách vài phân. Ông không hề nhìn xuống. Ávila nhấp nhổm liếc Marco, gã gật đầu đầy phấn khích với ông.

“Tất cả chúng ta đều chật vật với sự tha thứ,” vị giáo hoàng nói với giáo đoàn. “Và đó là vì có những lúc những tội lỗi nhằm vào chúng ta dường như không thể tha thứ. Khi ai đó giết hại những người vô tội như một hành động thù hận thuần túy, chúng ta có nên làm như một số giáo hội vẫn dạy chúng ta, chìa má bên kia ra không?” Căn phòng im phăng phắc và vị giáo hoàng hạ giọng thấp hơn nữa. “Khi một kẻ quá khích bài Thiên Chúa đánh bom trong một buổi lễ thánh sáng sớm tại Nhà thờ lớn Seville, và quả bom đó đã giết hại những người mẹ và những đứa trẻ vô tội, làm sao có thể mong đợi chúng ta tha thứ được đây? Đánh bom là một hành động chiến tranh. Một cuộc chiến không chỉ chống lại những người Công giáo. Một cuộc chiến không chỉ chống lại những người Thiên Chúa giáo. Mà còn là một cuộc chiến chống lại cái thiện… chống lại chính Chúa Trời!”

Ávila nhắm mắt lại, cố gắng đè nén những hồi ức hãi hùng buổi sáng hôm đó, và tất cả sự giận dữ cùng đau khổ vẫn sôi sục trong tim ông ta. Khi cơn giận trào dâng, Ávila đột nhiên cảm thấy bàn tay trìu mến của vị giáo hoàng đặt lên vai mình. Ávila mở mắt ra, nhưng vị giáo hoàng vẫn không hề nhìn xuống ông ta. Cho dù vậy, cái chạm tay của ông ấy có cảm giác rất ổn định và đầy an ủi.

“Chúng ta đừng quên thời kỳ Terror Rojo* của chính chúng ta,” vị giáo hoàng nói tiếp, tay vẫn không rời vai Ávila. “Trong cuộc nội chiến của chúng ta, những kẻ thù của Chúa đã đốt phá các nhà thờ và tu viện của Tây Ban Nha, sát hại hơn sáu nghìn tu sĩ và tra tấn hàng trăm nữ tu, ép buộc các chị em phải nuốt tràng hạt trước khi xâm hại họ và ném họ xuống những hầm mỏ tới chết.” Ông ngừng lại và để cho những lời của mình lắng xuống. “Thứ hận thù đó không biến mất theo thời gian; thay vào đó, nó thối rữa, trở nên mạnh mẽ hơn, chờ đợi lúc trỗi dậy như một căn bệnh ung thư. Hỡi các con, ta cảnh báo các con, quỷ dữ sẽ nuốt chửng chúng ta nếu chúng ta không chiến đấu bằng sức mạnh. Chúng ta sẽ không bao giờ chế ngự được quỷ dữ nếu tiếng hô xung trận của chúng ta chỉ là ‘tha thứ’.” (Terror Rojo, Khủng bố Đỏ, là tên gọi được giới sử gia chỉ những hành động bạo lực diễn ra tại Tây Ban Nha từ năm 1936 cho tới khi kết thúc Nội chiến Tây Ban Nha “do các nhóm tả khuynh”. Những hành động này bao gồm việc sát hại hàng chục nghìn người (trong đó có 6.832 thành viên tăng lữ Công giáo, đa số vào mùa hè năm 1936 sau cuộc đảo chính quân sự) cũng như các vụ tấn công nhằm vào các địa chủ, các nhà công nghiệp, và các chính trị gia. Ngoài ra còn có tình trạng đốt các tu viện và nhà thờ.)

Ông ấy nói đúng, Ávila nghĩ thầm, đã từng tận mắt chứng kiến lúc còn trong quân ngũ rằng việc “mềm mại” với hành vi sai trái là cách tốt nhất để bảo đảm cho sai trái tăng lên.

“Ta tin rằng,” giáo hoàng nói tiếp, “trong một số trường hợp, tha thứ có thể rất nguy hiểm. Khi chúng ta tha thứ cho cái ác trên đời này, chúng ta đang cho phép cái ác lớn mạnh và lan rộng. Khi chúng ta đáp lại một hành động chiến tranh bằng một hành động khoan dung, chúng ta đang khuyến khích kẻ thù của mình tiếp tục có những hành động bạo lực. Đã đến lúc chúng ta phải làm như Chúa Jesus đã làm và lật tung những bàn tiền*, hét vang rằng: ‘Thứ này sẽ không đứng vững!’” (bàn tiền là chi tiết dựa trên một sự kiện quan trọng trong cuộc sống của Jesus, được ghi lại trong cả bốn sách Phúc Âm, trong đó chúa Jesus dùng sức mạnh để dẹp hết mọi người trong một đền thờ. Sự kiện này được ghi trong Phúc Âm thánh Matthew như sau: Đức Chúa Jesus vào đền thờ, đuổi hết kẻ bán người mua ở đó; đổ bàn của người đổi bạc và ghế của người bán bồ câu. Ngài phán cùng họ rằng: “Có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp.”)

Tôi đồng ý! Ávila muốn hô to trong khi giáo đoàn gật đầu tán thành.

“Nhưng chúng ta có hành động không?” vị giáo hoàng hỏi. “Giáo hội Công giáo ở Rome có tỏ rõ lập trường như Chúa Jesus đã làm không? Không, không hề. Giờ đây chứng ta đương đầu với những cái ác đen tối nhất thế giới không có gì ngoài khả năng tha thứ, yêu thương và trắc ẩn của chúng ta. Và vì thế chúng ta cho phép – không, chúng ta khuyến khích – cái ác phát triển. Đáp lại những tội ác cứ liên tục nhằm vào chúng ta, chúng ta cứ nói mãi về những lo ngại của chúng ta bằng thứ ngôn ngữ đứng đắn về mặt chính trị, nhắc nhở nhau rằng một kẻ xấu chỉ xấu do tuổi thơ đầy khó khăn, hoặc cuộc sống cùng cực, hoặc đã gánh chịu những tội ác nhằm vào những người yêu thương của kẻ đó – và vì thế sự hận thù của kẻ đó không phải là lỗi của họ. Ta nói, đủ rồi! Cái ác là cái ác! Tất cả chúng ta đều phải vật lộn với cuộc sống!”

Tác giả: