Nguồn cội – Dan Brown

“Ý kiến rất hay,” Ambra nói, sải bước nhanh hơn. “Nhưng anh nghĩ chúng ta cần đợi bao lâu? Tôi không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.”

“Mười bảy phút,” Winston trả lời. “Thời gian đó sẽ đặt chương trình phát sóng vào ngay đầu giờ… ba giờ sáng ở đây và là giờ cao điểm trên toàn nước Mỹ.”

“Tuyệt vời,” nàng đáp.

“Rất tốt,” Winston phụ họa. “Thông cáo báo chí sẽ đưa ra ngay bây giờ và phần khởi động bài thuyết trình sẽ thực hiện trong vòng mười bảy phút nữa.”

Langdon căng lên mới theo kịp kế hoạch nhanh như điện của Winston.

Ambra dẫn đường đi trước dọc theo hành lang. “Và tối nay ở đây có bao nhiêu nhân viên?”

“Không có ai,” Winston đáp. “Edmond rất coi trọng vấn đề an ninh. Không hề có nhân viên nào ở đây. Tôi điều hành toàn bộ các mạng máy tính, cùng với đèn chiếu sáng, hệ thống làm mát và an ninh. Edmond có đùa rằng trong kỷ nguyên nhà ‘thông minh’ này, ông ấy là người đầu tiên có một nhà thờ thông minh.”

Langdon chỉ nghe một phần, còn đầu óc ông thì đang bận với những lo lắng đột ngột đến liên quan tới những hành động họ sắp thực hiện. “Winston, anh có thật sự nghĩ giờ là thời điểm tung ra thuyết trình của Edmond không?”

Ambra dừng sững lại và trân trối nhìn ông. “Robert, dĩ nhiên là đúng rồi! Đó là lý do chúng ta ở đây! Cả thế giới đang theo dõi! Chúng ta cũng không biết liệu còn ai khác sẽ đến và tìm cách ngăn chúng ta lại không – chúng ta cần làm việc này bây giờ, trước khi quá muộn!”

“Tôi đồng tình,” Winston nói. “Từ quan điểm hoàn toàn là thống kê, câu chuyện này đang tiến dần đến điểm bão hòa của nó. Được đo đếm bằng đơn vị terabyte dữ liệu truyền thông, phát hiện của Edmond Kirsch giờ là một trong những tin thời sự lớn nhất của thập niên này – không có gì ngạc nhiên nếu xét đến việc cộng đồng trực tuyến tăng lên theo hàm số mũ như thế nào trong mười năm qua.”

“Anh Robert?” Ambra thúc giục, mắt nàng cố tìm kiếm mắt ông. “Anh có điều gì lo lắng vậy?”

Langdon ngập ngừng, cố xác định nguồn cơn cảm giác không chắc chắn đến rất đột ngột của mình. “Tôi đoán mình chỉ thấy lo lắng cho lợi ích của Edmond ở chỗ tất cả những thuyết âm mưu tối nay – giết người, bắt cóc, âm mưu hoàng gia – sẽ làm lu mờ phát hiện khoa học của cậu ấy.”

“Đó là một luận điểm rất có cơ sở, thưa Giáo sư,” Winston xen vào. “Mặc dù tôi tin nó bỏ sót một sự thật quan trọng: những câu chuyện âm mưu đó chính là một lý do quan trọng cho thấy tại sao lại có rất nhiều khán giả trên khắp thế giới giờ đều đang theo dõi. Có đến 3,8 triệu người trong chương trình phát sóng trực tuyến của Edmond lúc chập tối nay; còn bây giờ, sau tất cả những sự kiện gay cấn suốt mấy tiếng qua, tôi ước tính rằng khoảng hai trăm triệu người đang theo dõi câu chuyện này qua các bản tin thời sự trực tuyến, mạng xã hội, truyền hình và phát thanh.”

Con số đó có vẻ khiến Langdon choáng váng, mặc dù ông nhớ rằng hơn hai trăm triệu người đã từng xem vòng chung kết FIFA World Cup và năm trăm triệu người theo dõi cuộc đổ bộ lên mặt trăng đầu tiên cách đây nửa thế kỷ khi chưa có ai có Internet và truyền hình còn lâu mới thịnh hành khắp toàn cầu.

“Ngài có thể không thấy điều này trong lĩnh vực học thuật, thưa Giáo sư,” Winston nói, “nhưng cả thế giới còn lại đã trở thành một chương trình truyền hình thực tế. Điều mỉa mai là, những người tìm cách ngăn cản Edmond tối nay đã thực hiện điều ngược lại; Edmond giờ có lượng người xem đông đảo nhất đối với bất kỳ tuyên bố khoa học nào trong lịch sử. Điều đó khiến tôi nhớ đến sự kiện Vatican lên án cuốn sách Thiên Chúa giáo và tính nữ thiêng liêng của ngài và kết quả là cuốn sách lập tức trở thành một cuốn sách bán chạy.”

Gần được là sách bán chạy, Langdon nghĩ, nhưng luận điểm của Winston có lý.

“Tăng tối đa lượng người xem luôn là một trong những mục tiêu cơ bản của Edmond tối hôm nay,” Winston nói.

“Cậu ấy nói đúng đấy,” Ambra nói, mắt nhìn Langdon. “Khi Edmond và tôi suy nghĩ về sự kiện trực tiếp ở Guggenheim, anh ấy rất ám ảnh với việc tăng sự tham gia của những người theo dõi và thu hút được càng nhiều người xem càng tốt.”

“Như tôi đã nói,” Winston nhấn mạnh, “chúng ta đang dần tiến đến điểm bão hòa về truyền thông và không có thời điểm nào để tiết lộ phát hiện của ông ấy tốt hơn lúc này.”

“Tôi hiểu,” Langdon nói. “Chỉ cần nói cho chúng tôi biết cần làm gì.”

Tiếp tục đi dọc hành lang, họ gặp một vật cản bất ngờ – một chiếc thang được dựng vụng về ngang qua hàng lang như thể để thực hiện công việc sơn vẽ – khiến cho không thể nào đi tiếp được nếu không dẹp bỏ chiếc thang hay chui qua bên dưới nó.

“Cái thang này,” Langdon nêu ý kiến. “Tôi hạ nó xuống nhé?”

“Không,” Winston nói. “Edmond cố tình bố trí nó ở đó từ rất lâu rồi.”

“Tại sao vậy?” Ambra hỏi.

“Như quý vị có thể biết rồi, Edmond xem thường thói mê tín dưới mọi hình thức. Ông ấy đi qua bên dưới chiếc thang hàng ngày trên đường tới chỗ làm – một cách chế nhạo thần thánh. Hơn nữa, nếu có vị khách hay kỹ thuật viên nào không chịu đi qua bên dưới cái thang này, Edmond đều tống khứ họ ra khỏi tòa nhà.”

Lúc nào cũng có cơ sở. Langdon mỉm cười, nhớ lại chuyện Edmond từng công khai mắng ông vì ‘cầu may*’. Robert, trừ phi thầy là một tín đồ Druid bí mật vẫn còn gõ lên những thân cây để đánh thức chúng dậy, nếu không xin hãy vứt cái thứ mê tín ngu ngốc ấy vào quá khứ cho rồi! (cầu may trong nguyên tác là knock on wood, là hành động cầu may bằng cách gõ lên đồ đạc bằng gỗ. Tục này xuất phát từ quan niệm cho rằng trong những cái cây có những vị thần may mắn có thể giúp đỡ con người nên khi cần may mắn, người ta nên gõ vào một cái cây để gọi thần cây xin trợ giúp.)

Ambra dấn tới, khom người xuống và chui qua bên dưới thang. Với một chút lo lắng phải thừa nhận là phi lý, Langdon làm theo.

Khi họ qua mé bên kia, Winston hướng dẫn họ đi vòng qua một góc nhà tới một cánh cửa an ninh rất lớn có hai máy quay và một máy quét sinh trắc học.

Một tấm biển làm bằng tay treo bên trên cửa: Phòng 13.

Langdon nhìn con số khét tiếng rủi ro ấy. Edmond lại chọc tức thần thánh một lần nữa.

“Đây là lối vào phòng thí nghiệm của ông ấy,” Winston nói. “Ngoài những kỹ thuật viên được thuê giúp Edmond kiến tạo nó, rất ít người được phép tiếp cận.”

Nói xong, cánh cửa an ninh phát ra tiếng ì ì rất to và Ambra không bỏ lỡ thời gian nắm lấy tay nắm và gắng kéo cho nó mở ra. Nàng bước một bước qua ngưỡng cửa, dừng sững lại, và đưa tay lên bưng miệng há to đầy thảng thốt. Khi Langdon nhìn vượt qua nàng hướng vào điện thờ của nhà thờ, ông hiểu ngay phản ứng của nàng.

Gian phòng lớn rộng thênh thang của nhà nguyện bị choán hết bởi một buồng thủy tinh lớn nhất mà Langdon từng thấy. Khu vực quây kín trong suốt ấy choán lấy toàn bộ sàn và vươn cao tới tận phần trần cao hai tầng của nhà nguyện.

Cái buồng đó dường như được chia thành hai tầng.

Trên tầng thứ nhất, Langdon có thể nhìn thấy vài trăm tủ kim loại bằng cỡ tủ lạnh sắp xếp thành hàng giống như những dãy ghế trong nhà thờ hướng về phía một chiếc bàn thờ. Các tủ này đều không có cửa và những gì bên trong chúng đều hiện rõ mồn một. Cả mớ ma trận rối beng chằng chịt toàn những dây điện màu đỏ tươi lòng thòng buông xuống từ những mạng lưới điểm tiếp xúc dày đặc, uốn vòng xuống phía sàn, nơi chúng kết lại với nhau thành từng bó như cuộn thừng rất dày chạy giữa các cỗ máy, tạo nên thứ trông giống như một mạng lưới các mạch máu.

Hỗn loạn có trật tự, Langdon nghĩ.

“Trên sàn thứ nhất,” Winston nói, “các vị nhìn thấy siêu máy tính MareNostrum nổi tiếng – bốn mươi tám nghìn tám trăm chín mươi sáu lõi Intel nối thành một mạng InfiniBand FDR10 – một trong những cỗ máy nhanh nhất thế giới. MareNostrum đã có ở đây lúc Edmond chuyển đến, và thay vì gỡ bỏ nó, ông ấy muốn hợp nhất nó, vì thế đơn giản là ông ấy mở rộng… lên phía trên.”

Giờ Langdon có thể thấy rằng tất cả những bó dây nhợ của MareNostrum đều hội tụ ở trung tâm phòng, tạo thành một khối duy nhất giống như một cái dây leo khổng lồ chạy thẳng đứng lên trần tầng một.

Khi ánh mắt Langdon ngước nhìn lên tầng hai của cái khối hình chữ nhật bằng thủy tinh khổng lồ ấy, ông thấy một hình ảnh hoàn toàn khác. Tại đây, ở chính giữa sàn, trên một bục tôn cao là một khối vuông màu xám lam bằng kim loại rất lớn – ngót nghét một mét vuông – không hề có dây nhợ, đèn nhấp nháy, hay bất kỳ cái gì của nó để cho thấy nó có thể là chiếc máy tính hiện đại mà Winston hiện đang xây dựng với hệ thống thuật ngữ khó giải đoán.

“… qubits thay thế cho các số nhị phân… các phép chồng đè trạng thái… các thuật toán lượng tử… vướng mắc và hiệu ứng chui hầm…”

Giờ Langdon hiểu tại sao ông và Edmond nói về nghệ thuật nhiều hơn là tin học.

“… kết quả là mười lũy thừa mười lăm các tính toán điểm di động mỗi giây,” Winston kết luận. “Làm cho sự hợp nhất của hai cỗ máy rất khác nhau này thành siêu máy tính mạnh nhất thế giới.”

“Lạy Chúa tôi,” Ambra thì thào.

“Thực tế,” Winston đính chính, “Chúa của Edmond.”

CHƯƠNG 85

🌐 ConspiracyNet

TIN NÓNG

PHÁT HIỆN CỦA KIRSCH LÊN SÓNG CHỈ VÀI PHÚT NỮA!

Vâng, thật sự sắp diễn ra!

Một thông cáo báo chí từ khu vực của Edmond Kirsch vừa xác nhận rằng phát hiện khoa học đã được biết trước rất rộng rãi của ông ấy – bị cản trở sau vụ ám sát nhà vị lai chủ nghĩa – sẽ được truyền trực tiếp ra thế giới vào đầu giờ sáng (ba giờ sáng giờ địa phương tại Barcelona).

Số người xem đang tăng lên vùn vụt, và số liệu thống kê số người tham gia trực tuyến trên toàn cầu cao chưa từng có.

Trong bản tin liên quan, Robert Langdon và Ambra Vidal được cho là vừa bị phát hiện tiến vào khu vực Nhà nguyện Torre Girona – nơi đặt Trung tâm Siêu điện toán Barcelona, nơi được tin là Edmond Kirsch vẫn làm việc suốt mấy năm qua. Liệu đây có phải là nơi bài thuyết trình sẽ được truyền trực tiếp từ đó hay không thì ConspiracyNet vẫn chưa thể khẳng định.

Xin hãy sẵn sàng cho bài thuyết trình của Kirsch, phát trực tiếp trên ConspiracyNet tại đây.

Tác giả: