Nguồn cội – Dan Brown

Kẻ nào lại có thể muốn mình chết chứ?

Đầy kinh hoảng, ông nhận ra một câu trả lời hợp lý duy nhất.

CHƯƠNG 8

Ánh mắt Robert Langdon bị cuốn từ khối hình đồ sộ này sang khối tiếp theo. Mỗi khối đều là một tấm thép sừng sững được cuộn lại rất khéo và rồi đặt đứng chênh vênh bằng rìa cạnh của nó, tự giữ thăng bằng để tạo thành một bức tường không hề có sự chống đỡ. Những bức tường uốn cong này cao tới ngót nghét bốn mét rưỡi và được uốn vặn thành những hình thù khác nhau – một dải ruy băng lượn sóng, một vòng tròn mở, một cuộn thép để lỏng.

Vật chất thời gian,” Winston nhắc lại. “Và nghệ sĩ là Richard Serra. Cách ông ấy sử dụng những bức tường không hề được chống đỡ bằng thứ phương tiện nặng nề như vậy tạo ảo giác về sự thiếu vững chãi. Nhưng thực tế, những thứ này rất vững. Ngài thử hình dung một tờ tiền đô la mà ngài cuộn tròn quanh một chiếc bút chì, khi ngài tháo bút chì ra, đồng tiền được cuộn lại của ngài có thể đứng khá ổn trên rìa cạnh của nó, được chống đỡ bằng chính dạng hình học của nó.”

Langdon dừng bước và trân trân nhìn cái vòng tròn khổng lồ bên cạnh mình. Kim loại đã bị ô xy hóa, tạo cho nó thứ màu đồng cháy và một lượng hữu cơ thô. Tác phẩm này toát lên cả sức mạnh rất lớn lẫn cảm giác thăng bằng rất tinh tế.

“Thưa Giáo sư, ngài có nhận thấy hình thù đầu tiên này lại không hoàn toàn kín không?”

Langdon tiếp tục đi quanh hình tròn và thấy rằng hai đầu của bức tường không gặp nhau, như thể một đứa trẻ đã cố vẽ một vòng tròn nhưng thiếu nét vậy.

“Cách kết nối được làm lệch tạo ra một lối đi thu hút du khách tiến vào bên trong để khám phá không gian âm tính.”

Trừ phi vị khách đó tình cờ lại sợ cảm giác bị nhốt kín, Langdon nghĩ, chân bước nhanh hơn.

“Tương tự,” Winston nói, “trước mặt ngài, ngài thấy ba dải ruy băng thép uốn khúc, chạy theo một đội hình song song tương đối, đủ gần nhau để hình thành hai đường hầm lượn sóng dài hơn ba mươi mét. Nó được gọi là Con rắn, và các vị khách trẻ của chúng tôi rất thích chạy qua đó. Thực tế, hai vị khách đứng ở hai đầu đối diện có thể khẽ thì thầm và vẫn nghe rõ được tiếng nhau, như thể họ đang đối diện nhau vậy.”

“Ấn tượng đây, anh Winston, nhưng anh làm ơn giải thích xem tại sao Edmond lại đề nghị anh cho tôi xem gian triển lãm này đi.” Cậu ta biết mình đâu có thích thứ này.

Winston trả lời. “Tác phẩm cụ thể mà ông ấy đề nghị tôi chỉ cho ngài xem có tên là Đường xoắn ốc và nó ngay phía trước ở góc bên phải. Ngài thấy nó không?”

Langdon nheo mắt nhìn về phía xa. Cái thứ trông như cách xa đến nửa dặm kia ấy hả? “Vâng, tôi thấy rồi.”

“Tuyệt lắm, chúng ta đi tới đó chứ?”

Langdon đưa ánh mắt thăm dò một lượt không gian mênh mông rồi tiến tới đường xoắn ốc ở phía xa trong khi Winston tiếp tục nói.

“Thưa Giáo sư, tôi nghe nói Edmond Kirsch là người rất ngưỡng mộ công việc của ngài – đặc biệt là những tư tưởng của ngài về sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các truyền thống tôn giáo xuyên suốt lịch sử và những tiến hóa của các truyền thống ấy như phản ánh trong nghệ thuật. Bằng nhiều cách thức, lĩnh vực lý thuyết trò chơi và tin học dự báo của Edmond khá tương đồng – phân tích sự lớn mạnh của các hệ thống khác nhau và dự đoán xem chúng sẽ phát triển như thế nào theo thời gian.”

“Chậc, rõ ràng cậu ấy rất thạo rồi. Nói cho cùng thì người ta gọi cậu ấy là Nostradamus* thời hiện đại cơ mà.” (Nostradamus là tên Latin hóa của Michel de Nostredame (1503 – 1566), bác sĩ và nhà tiên tri người Pháp. Ông là tác giả cuốn sách Les Prophéties (Những lời tiên tri), một bộ sưu tập những lời tiên đoán của ông được xuất bản lần đầu năm 1555. Sách là tập hợp những bài đoản thi bốn câu, mỗi nhóm một trăm câu nói về một thế kỷ; lời lẽ trong quyển sấm ký này mơ hồ, khó hiểu, miêu tả những biến cố được tiên đoán sẽ xảy đến cho thế giới từ giữa thế kỷ XVI cho đến năm 3797, được cho là năm tận thế.)

“Vâng. Mặc dù cách so sánh ấy hơi xúc phạm, nếu ngài có hỏi tôi.”

“Sao anh phải nói như vậy chứ?” Langdon vặn lại. “Nostradamus là nhà tiên tri nổi tiếng nhất mọi thời đại đấy.”

“Tôi không có ý phản đối, thưa Giáo sư, nhưng Nostradamus viết gần một nghìn bài thơ tứ tuyệt lời lẽ dễ dãi mà, hơn bốn thế kỷ qua, được hưởng lợi từ những cách hiểu đầy sáng tạo của những kẻ mê tín luôn tìm cách nghĩ ra ý nghĩa ở những chỗ chẳng có nghĩa gì cả tất cả mọi chuyện từ Thế chiến Thứ hai đến cái chết của Công nương Diana hay vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới. Quá ư ngớ ngẩn. Ngược lại, Edmond Kirsch công bố một số lượng rất hạn chế những dự đoán rất cụ thể nhưng đều trở thành sự thật trong một thời gian rất ngắn ngủi – tin học đám mây, xe hơi không người lái, con chip xử lý vận hành chỉ cần năm nguyên tử. Ngài Kirsch không phải Nostradamus.”

Mình sai rồi, Langdon nghĩ. Người ta nói Edmond Kirsch tạo ra lòng trung thành rất ghê gớm trong những người làm việc cùng cậu ấy và rõ ràng Winston là một trong những đệ tử nhiệt thành của Kirsch.

“Vậy ngài có thích chuyến tham quan của tôi không?” Winston hỏi, đổi chủ đề khác.

“Rất thích. Edmond thật đáng nổi danh vì đã tạo ra công nghệ hướng dẫn tham quan từ xa quá hoàn hảo này.”

“Vâng, hệ thống này là giấc mơ của Edmond suốt nhiều năm và ông ấy đã dành ra một số lượng thời gian và tiền bạc không thể tính được để bí mật phát triển hệ thống ấy.”

“Thật sao? Công nghệ này xem ra cũng không phức tạp lắm. Tôi phải thừa nhận rằng lúc đầu tôi có phần hoài nghi, nhưng anh vừa thuyết phục được tôi – quả là một cuộc trò chuyện thú vị.”

“Ngài nói vậy thật là rộng bụng, mặc dù tôi hy vọng lúc này tôi không làm hỏng mọi chuyện bằng việc thừa nhận sự thật. Tôi e là tôi đã không hoàn toàn thành thực với ngài.”

“Sao cơ?”

“Trước hết, tên thật của tôi không phải là Winston. Mà là Art.”

Langdon bật cười. “Một hướng dẫn viên bảo tàng tên là Art à? Chà chà, tôi không trách anh dùng một cái tên giả đâu. Rất hân hạnh được biết anh, Art.”

“Hơn nữa, khi ngài hỏi tôi tại sao tôi lại không đích thân bách bộ cùng ngài, tôi đã cho ngài câu trả lời chính xác về việc ngài Kirsch muốn duy trì các nhóm nhỏ. Nhưng câu trả lời đó chưa hoàn chỉnh. Còn một lý do nữa khiến chúng ta nói chuyện qua tai nghe chứ không phải trực diện.” Anh ta ngừng lại. “Thực tế, tôi không có khả năng di chuyển về mặt vật lý.”

“Ồ… tôi xin lỗi.” Langdon hình dung ra Art đang ngồi trên một chiếc xe lăn trong một tổng đài điện thoại và cảm thấy tiếc là Art sẽ nhận thức được việc phải giải thích tình trạng của bản thân.

“Không cần phải cảm thấy thương hại cho tôi đâu. Tôi quả quyết với ngài rằng chân cẳng trông sẽ rất kỳ lạ với tôi đấy. Tôi không hoàn toàn trông như ngài hình dung đâu.”

Bước chân Langdon chậm lại. “Ý anh là sao?”

“Cái tên ‘Art’ không hẳn là một cái tên vì nó là một cụm viết tắt. ‘Art’ là rút gọn của từ ‘artificial’ (nhân tạo) mặc dù ngài Kirsch thích từ ‘synthetic’ hơn.” Giọng nói dừng lại một lúc. “Sự thật của vấn đề, thưa Giáo sư, là buổi tối nay ngài đang tương tác với một hướng dẫn viên nhân tạo. Một dạng máy tính.”

Langdon nhìn quanh, vẻ ngờ vực. “Đây có phải là một trò đùa vui không?”

“Không hề, thưa Giáo sư. Tôi rất nghiêm túc. Edmond Kirsch đã mất một thập kỷ và gần một tỷ đô la cho lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, và tối nay ngài là một trong những người đầu tiên trải nghiệm kết quả sức lao động của ông ấy. Toàn bộ chuyến tham quan của ngài được thực hiện bởi một hướng dẫn viên nhân tạo. Tôi không phải con người.”

Langdon không chấp nhận nổi chuyện này dù chỉ một giây. Cách diễn đạt và ngữ pháp của người kia rất hoàn hảo và ngoại trừ tiếng cười hơi vụng về, anh ta là một diễn giả lịch thiệp như bất kỳ ai Langdon từng gặp. Hơn nữa, cuộc trò chuyện vui vẻ của họ tối nay bao quát rất nhiều chủ đề và đủ sắc thái.

Mình đang bị theo dõi, giờ Langdon nhận ra như vậy, đưa mắt rà khắp các bức tường để dò các máy quay video giấu kín. Ông nghi ngờ mình đã vô thức tham gia vào một tác phẩm lạ lẫm của “nghệ thuật trải nghiệm” – một kịch bản được dàn dựng rất khéo từ những điều vô lý. Họ biến mình thành một con chuột trong mê cung.

“Tôi không thấy dễ chịu lắm với chuyện này,” Langdon tuyên bố, giọng ông vang rền khắp gian trưng bày vắng vẻ.

“Tôi rất xin lỗi,” Winston nói. “Điều đó hoàn toàn hiểu được. Tôi phỏng chừng rằng có thể ngài thấy khó tiếp nhận được tin này. Tôi hình dung được đó là lý do tại sao Edmond lại đề nghị tôi đưa ngài vào đây trong một không gian riêng tư, tránh khỏi mọi người khác. Thông tin này không được tiết lộ cho những vị khách khác của ông ấy.”

Mắt Langdon nhìn thật kỹ không gian lờ mờ để xem liệu còn ai khác ở đó không.

“Đương nhiên như ngài biết,” giọng nói tiếp tục, nghe không hề bối rối trước sự khó chịu của Langdon, “bộ não người là một hệ thống nhị phân – các khớp thần kinh hoặc kích thích hoặc không – chúng bật hoặc tắt, giống như bộ chuyển mạch của máy tính. Bộ não có hơn một trăm nghìn tỉ bộ chuyển mạch, có nghĩa là làm ra một bộ não không hẳn là vấn đề công nghệ mà là vấn đề về quy mô.”

Langdon chẳng nghe mấy. Ông lại bước đi, tập trung chú ý đến một tấm biển “Exit” (Lối thoát) có mũi tên chỉ về đầu kia của phòng trưng bày.

“Thưa Giáo sư, tôi nhận ra chất người trong giọng nói của tôi khó nhận ra là do máy móc tạo ra, nhưng thực tế lời nói là bộ phận quá dễ. Thậm chí một thiết bị sách điện tử chín mươi chín đô la cũng làm được công việc khá ổn là bắt chước giọng nói người. Edmond đã phát minh ra cả tỷ.”

Tác giả: