Nguồn cội – Dan Brown

Chàng thanh niên gõ vào thiết bị đầu cuối và dòng chữ xuất hiện.

Chúng ta đến từ đâu?

Chúng ta đang đi về đâu?

“Nói cách khác,” Edmond nói, “quý vị sẽ hỏi về nguồn cộisố phận của chúng ta. Và khi quý vị đặt ra những câu hỏi này, đây sẽ là phản hồi của máy tính.”

Thiết bị đầu cuối hiện lên:

DỮ LIỆU KHÔNG ĐẦY ĐỦ ĐỂ CÓ PHẢN HỒI CHÍNH XÁC.

“Không hữu ích cho lắm”, Kirsch nói, “nhưng ít nhất nó rất trung thực.”

Giờ hình ảnh bộ não người xuất hiện.

“Tuy nhiên, nếu quý vị hỏi chiếc máy tính sinh học nhỏ bé này – Chúng ta đến từ đâu? – sẽ có chuyện khác xảy ra.”

Từ bộ não chảy ra một dòng những hình ảnh tôn giáo – Chúa chìa tay truyền sự sống cho Adam, Prometheus nặn một con người nguyên thủy từ bùn, thần Brahma tạo ra con người từ các bộ phận khác nhau của cơ thể chính mình, một vị thần châu Phi tách những đám mây và đưa hai người hạ xuống mặt đất, một vị thần Na Uy tạo ra một người đàn ông và một người đàn bà từ cây gỗ trôi dạt.

“Và giờ quý vị hỏi,” Edmond nói, “Chúng ta đang đi về đâu?”

Thêm nhiều hình ảnh tiết ra từ bộ não – những thiên đường tinh khôi, những địa ngục dữ dội, chữ tượng hình chỉ Cuốn sách Người chết của Ai Cập, những hình khắc trên đá mô tả cảnh xuất hồn, cách thể hiện của người Hy Lạp về Cánh đồng Elysian*, những mô tả khó hiểu về Gilgul neshamot*, những đồ hình đầu thai của Phật giáo và Hindu giáo, các vòng tròn của thuyết thần trí về Hạ địa*. (Cánh đồng Elysian còn gọi là Elysium, được cho là nơi yên nghỉ cuối cùng của linh hồn những người anh hùng và đức hạnh trong thần thoại và tôn giáo Hy Lạp. Gilgul neshamot mô tả một khái niệm bí hiểm về sự đầu thai. Trong tiếng Hebrew, từ gilgul nghĩa là “chu kỳ/vòng” hay “bánh xe” còn neshamot là số nhiều của “linh hồn”. Các linh hồn được xem là “luân chuyển” qua “các cuộc đời” hay “các kiếp”, được gắn với những thể xác người khác nhau. Linh hồn gắn với thể xác nào còn tùy thuộc vào nhiệm vụ cụ thể của họ trong thế giới vật chất, cấp độ tinh thần của thể xác kiếp trước và vân vân. Hạ địa, Summerland, là tên gọi được những người theo thuyết thần trí dùng để chỉ cấp độ cao nhất của thế giới bên kia mà chúng ta mong được bước vào.)

“Với bộ óc con người,” Edmond giải thích, “bất kỳ câu trả lời nào cũng tốt hơn là không có câu trả lời. Chúng ta cảm thấy rất khó chịu khi đối diện với ‘dữ liệu không đầy đủ’ và vì thế bộ não của chúng ta sáng tạo ra dữ liệu – cung cấp cho chúng ta, ít nhất là vậy, ảo giác về trật tự – tạo ra vô vàn triết lý, thần thoại và tôn giáo để trấn an chúng ta rằng thực tế có một trật tự và cấu trúc cho thế giới vô hình.”

Trong khi các hình ảnh tôn giáo tiếp tục tuôn trào, Edmond nói với xúc cảm mãnh liệt càng lúc càng tăng.

“Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đi về đâu? Những câu hỏi cơ bản này về sự tồn tại của con người luôn ám ảnh tôi, và trong nhiều năm tôi đã mơ ước tìm ra câu trả lời.” Edmond ngừng lại, giọng anh trở nên u sầu. “Bi thảm thay, vì giáo điều tôn giáo, hàng triệu người tin rằng họ đã biết câu trả lời cho những câu hỏi lớn lao này. Và vì không phải mọi tôn giáo đều đưa ra những câu trả lời giống nhau, cho nên các nền văn hóa đều đi đến chỗ tranh giành xem câu trả lời của ai mới là đúng và phiên bản câu chuyện về Chúa nào mới là Câu chuyện Đích thực Duy nhất.”

Màn hình trên đầu các vị khách bùng lên hình ảnh súng đại bác và những quả đạn cối nổ tung – một chuỗi những hình ảnh bạo lực mô tả các cuộc chiến tranh tôn giáo, tiếp theo là hình ảnh những người tị nạn khóc lóc, những gia đình mất chỗ ở và những xác chết dân thường.

“Kể từ buổi đầu lịch sử tôn giáo, giống loài chúng ta đã vướng vào làn đạn chằng chéo không bao giờ kết thúc – những người vô thần, người Thiên Chúa giáo, người Hồi giáo, người Do Thái, người Hindu, những tín đồ trung thành của mọi tôn giáo – và điều duy nhất gắn kết tất cả chúng ta là khát vọng sâu thẳm của chúng ta về hòa bình.”

Những hình ảnh dữ dội của chiến tranh biến mất và bị thay thế bằng bầu trời tĩnh lặng với những vì sao nhấp nháy.

“Hãy tưởng tượng điều đó sẽ xảy ra nếu chúng ta biết được câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống một cách mầu nhiệm… nếu tất cả chúng ta đều đột nhiên nhìn thấy bằng chứng không thể nhầm lẫn và chúng ta nhận ra mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc mở rộng vòng tay và chấp nhận nó… cùng nhau, như một giống loài.”

Hình ảnh một thầy tu xuất hiện trên màn hình, hai mắt nhắm lại cầu nguyện.

“Thẩm vấn tinh thần luôn là lãnh địa của tôn giáo, khuyến khích chúng ta có niềm tin mù quáng vào những điều răn dạy của tôn giáo, thậm chí khi chúng chẳng hề đem lại ý nghĩa lô-gic.”

Lúc này, một chuỗi hình ảnh mô tả những tín đồ cuồng nhiệt xuất hiện, tất cả đều nhắm mắt, đang hát, cúi đầu, ca tụng cầu nguyện.

“Nhưng tín điều,” Edmond tuyên bố, “theo đúng định nghĩa của nó, đòi hỏi đặt niềm tin của quý vị vào thứ gì đó không thể nhìn thấy và không thể định nghĩa, chấp nhận như là sự thật mà bằng chứng thực nghiệm về nó không hề tồn tại. Và vì thế; rất dễ hiểu tất cả chúng ta đều đi đến chỗ đặt lòng tin của mình vào những thứ khác nhau bởi vì không hề có chân lý chung.” Anh ngừng lại. “Tuy nhiên…”

Những hình ảnh trên trần nhà tan thành một bức ảnh duy nhất, một nữ sinh viên, mắt mở to chăm chú, đăm đăm nhìn xuống một cái kính hiển vi.

“Khoa học là phản đề của tín điều,” Kirsch tiếp tục. “Khoa học, theo định nghĩa, là cố gắng tìm ra bằng chứng vật chất cho những gì chưa được biết hoặc chưa được định nghĩa, và để bác bỏ sự mê tín và nhận thức sai lệch để tôn vinh những sự thật đáng kể. Khi khoa học đưa ra một câu trả lời, câu trả lời đó có giá trị chung. Con người không lao vào chiến tranh vì điều đó, họ tập hợp xung quanh nó.”

Lúc này màn hình chiếu một đoạn phim lịch sử từ các phòng thí nghiệm ở NASA, CERN, và nơi khác – nơi các nhà khoa học thuộc mọi sắc tộc nhảy nhót trong niềm vui chung và ôm chầm lấy nhau khi một thông tin mới được hé lộ.

“Thưa các bạn của tôi,” giờ Edmond thì thầm, “tôi đã có nhiều dự đoán trong đời mình. Và tối nay tôi sẽ đưa ra một dự đoán nữa.” Anh hít một hơi dài chậm rãi. “Kỷ nguyên của tôn giáo đang dần chấm hết,” anh nói, “và kỷ nguyên của khoa học đang tới.”

Sự im lặng bao trùm khắp căn phòng.

“Và tối nay, nhân loại sắp có bước nhảy vọt theo hướng đó.”

Những lời ấy khiến Langdon cảm thấy rùng mình bất ngờ. Cho dù phát hiện bí mật này có là gì thì rõ ràng Edmond cũng đang dàn dựng sân khấu cho một sự đối đầu lớn giữa anh và các tôn giáo của thế giới.

CHƯƠNG 18

🌐 ConspiracyNet

BẢN TIN CẬP NHẬT EDMOND KIRSCH

MỘT TƯƠNG LAI KHÔNG CẦN TÔN GIÁO?

Trong một chương trình phát trực tiếp hiện đang đạt con số chưa có tiền lệ là ba triệu người xem trực tuyến, nhà vị lai chủ nghĩa Edmond Kirsch có vẻ sẵn sàng công bố một phát kiến khoa học mà ông ấy cho biết sẽ trả lời hai câu hỏi dai dẳng nhất của loài người.

Sau phần giới thiệu rất hấp dẫn của giáo sư Đại học Harvard Robert Langdon đã được ghi hình trước, Edmond Kirsch có phần chỉ trích rất thẳng thắn đối với niềm tin tôn giáo, trong đó ông ấy vừa đưa ra một dự đoán táo bạo, “Kỷ nguyên của tôn giáo đang tiến dần đến kết thúc.”

Cho đến lúc này tối nay, nhà vô thần nổi tiếng có phần thận trọng và biết tôn trọng hơn thường lệ một chút. Để xem tập hợp những lời chỉ trích phản tôn giáo trước đây của Kirsch, xin bấm vào đây.

CHƯƠNG 19

Ngay bên ngoài bức tường vải của sân khấu mái vòm, Đô đốc Ávila di chuyển vào vị trí, ẩn kín nhờ cả mê cung giàn giáo. Do ở vị trí thấp, ông ta giấu được cái bóng của mình và lúc này ông ta ngồi thu mình chỉ cách lớp ngoài cùng của bức vách gần phía trước thính phòng có vài phân.

Im lặng, ông ta thò tay vào túi và lấy chuỗi tràng hạt.

Thời gian là rất quan trọng.

Nhích bàn tay dọc theo chuỗi hạt, ông ta tìm được cây thánh giá kim loại nặng trịch, cảm thấy ngạc nhiên vì đám bảo vệ dùng thiết bị dò tìm kim loại ở dưới nhà lại để lọt món đồ này qua mặt họ mà không hề liếc mắt đến lần thứ hai.

Dùng một lưỡi dao cạo giấu trong phần thân cây thánh giá, Đô đốc Ávila rạch một đường chạy dọc dài khoảng mười lăm centimet trên bức vách bằng vải. Rất nhẹ nhàng, ông ta tách thành một lối mở và nhìn qua đó vào một thế giới khác – một cánh đồng cây cối nơi hàng trăm vị khách đang ngả người trên những tấm chăn và đăm đăm nhìn lên những vì sao.

Họ không thể hình dung được chuyện gì sắp tới.

Ávila mừng khi thấy hai đặc vụ Cận vệ Hoàng gia chọn vị trí ở phía đối diện của cánh đồng, gần góc phía trước bên phải của thính phòng. Họ đứng nghiêm đến cứng đờ, kín đáo khuất trong mấy bóng cây. Trong thứ ánh sáng lờ mờ, họ sẽ không thể nhìn thấy Ávila cho tới khi đã quá muộn.

Gần đám cận vệ, người duy nhất nữa đứng là giám đốc bảo tàng Ambra Vidal, dường như đang rất bất an khi nàng xem bài thuyết trình của Kirsch.

Hài lòng với vị trí của mình, Ávila khép vết rạch lại và tập trung sự chú ý vào cây thánh giá. Giống như hầu hết những cây thập giá, nó có hai đoạn ngắn tạo thành thanh ngang. Tuy nhiên, trên cây thập giá này, hai đoạn ấy được gắn vào thân dọc bằng nam châm và có thể tháo rời được.

Ávila nắm lấy một đoạn ngang của cây thánh giá và dùng lực bẻ mạnh. Đoạn ngang đó rơi vào tay ông ta và một vật nhỏ xíu rơi ra. Ávila làm tương tự với đoạn bên kia, khiến cho cây thánh giá không còn thanh ngang – giờ nó chỉ là một khối kim loại chữ nhật trên một sợi xích nặng trịch.

Tác giả: