Nguồn cội – Dan Brown

Langdon rất ấn tượng với phần mô tả trên và thầm ước sinh viên của chính ông cũng có sự hiểu biết rành rẽ về kiệt tác của Michelangelo như vậy.

“Maman cũng không khác David,” Winston nói. “Một sự đối lập tương cận táo bạo không kém giữa các nguyên lý mẫu đối chọi nhau. Về bản chất, con nhện đen là một sinh vật đáng sợ – một kẻ săn mồi chuyên bắt các nạn nhân bằng mạng lưới của nó rồi giết thịt. Mặc dù nguy hiểm chết người, nó vẫn được khắc họa ở đây với một bọc trứng đang phát triển, sắp nở, khiến cho nó vừa là kẻ săn mồi vừa là sinh vật tổ – phần thân khỏe khoắn tọa lạc trên đỉnh những chiếc chân mảnh khảnh đến khó tin, thể hiện cả sự mạnh mẽ lẫn sự mỏng manh. Có thể gọi Maman là một David thời hiện đại, nếu ngài muốn.”

Không đời nào,” Langdon mỉm cười trả lời, “nhưng tôi phải thừa nhận phân tích của anh khiến tôi có chất liệu để suy ngẫm.”

“Tốt quá, vậy thì để tôi giới thiệu với ngài tác phẩm cuối cùng. Thật tình cờ nó lại là nguyên bản của Edmond Kirsch.”

“Thật sao? Tôi chưa hề biết Edmond lại là một nghệ sĩ.”

Winston cười to. “Tôi sẽ để ngài tự đánh giá.”

Langdon để Winston hướng dẫn ông đi qua các ô cửa sổ tới một hốc tường rộng rãi bên trong có một nhóm quan khách tụ tập trước một mảng bùn khô rất lớn treo trên tường. Mới nhìn, mảng đất sét cứng đanh ấy gợi cho Langdon nhớ tới một chương trình trưng bày hóa thạch của bảo tàng. Nhưng chỗ bùn này không hề có hóa thạch. Thay vào đó, nó có những vết khắc rất thô tương tự như dấu vết một đứa trẻ có thể vạch ra bằng một cái que trên nền xi măng ẩm.

Đám đông trông có vẻ chẳng lấy gì làm ấn tượng.

“Edmond thực hiện cái này à?” một người phụ nữ mặc đồ da chồn với cặp môi bơm căng Botox càu nhàu. “Tôi không hiểu gì cả.”

Người thầy trong Langdon không nhịn được lên tiếng. “Thực tế thì khá tài tình,” ông ngắt lời. “Cho đến giờ, nó là tác phẩm ưa thích của tôi trong cả bảo tàng này.”

Người phụ nữ xoay người, mắt nhìn ông với vẻ xem thường. “Ồ thật sao? Vậy hãy khai sáng cho tôi đi nào.”

Rất hân hạnh. Langdon bước tới chỗ đám dấu vết hằn khắc một cách thô bạo vào bề mặt đất sét.
Dấu vết trên bề mặt đất sét

“Chà, trước hết,” Langdon nói, “Edmond khắc tác phẩm này trên đất sét như một sự kính trọng dành cho thứ ngôn ngữ viết sớm nhất của nhân loại, chữ hình nêm.”

Người phụ nữ chớp mắt, vẻ không lấy gì làm chắc.

“Ba vết hằn sâu ở giữa,” Langdon nói tiếp, “là cách đánh vần từ ‘cá’ trong tiếng Assyria. Nó được gọi là chữ tượng hình. Nếu bà nhìn kỹ, bà có thể hình dung cái miệng há to của con cá hướng về bên phải, cũng như những cái vảy tam giác trên thân mình nó.”

Cả nhóm người đều nghiêng đầu ngoẹo cổ, ngắm nghía lại tác phẩm.

“Và nếu quý vị nhìn từ đây,” Langdon vừa nói vừa chỉ vào một loạt vết lõm bên trái con cá, “quý vị có thể thấy rằng Edmond in những dấu chân trên bùn đằng sau con cá, thể hiện cho bước tiến hóa lịch sử của cá lên đất liền.”

Những cái đầu bắt đầu gật gù tán thưởng.

“Và cuối cùng,” Langdon nói, “cái dấu hoa thị bất đối xứng bên phải – cái biểu tượng mà dường như con cá sắp nuốt lấy – là một trong những biểu tượng về Chúa cổ xưa nhất lịch sử.

Người phụ nữ môi Botox quay lại và quắc mắt nhìn ông. “Một con cá định ăn Chúa à?”

“Rõ ràng là vậy. Đó là một phiên bản mang tính bông đùa loài cá của Darwin – tiến hóa ăn tôn giáo.” Langdon hờ hững nhún vai với nhóm người. “Như tôi nói, khá tài tình.”

Lúc Langdon rời đi, ông vẫn nghe thấy đám đông rì rầm phía sau và Winston bật lên tiếng cười. “Rất thú vị, thưa Giáo sư! Edmond sẽ rất biết ơn bài giảng ngẫu hứng của ngài. Không có nhiều người giải mã được tác phẩm đó đâu.”

“Ôi dào,” Langdon nói, “thực tế thì đó là công việc của tôi mà.”

“Vâng, và giờ tôi có thể hiểu tại sao ngài Kirsch lại đề nghị tôi xem ngài như một vị khách siêu đặc biệt. Thực tế, ông ấy dặn tôi chỉ cho ngài xem thứ gì đó mà không vị khách nào khác được trải nghiệm tối nay.”

“Ồ? Đó là thứ gì thế?”

“Bên phải các cửa sổ chính, ngài có thấy một hành lang có rào cách ly không?”

Langdon ngó sang bên phải mình. “Tôi thấy rồi.”

“Tốt rồi. Mời theo chỉ dẫn của tôi.”

Langdon ngập ngừng làm theo những hướng dẫn từng bước của Winston. Ông bước tới lối vào hành lang và sau khi kiểm tra kỹ rằng không có ai theo dõi, ông thận trọng nép vào phía sau những cây cột thẳng đứng và lẩn nhanh theo hành lang khuất bóng hẳn.

Lúc này, đã bỏ lại đám đông ở tiền sảnh phía sau, Langdon đi khoảng chín mét tới một cánh cửa kim loại có một bàn phím bấm số.

“Hãy nhập sáu chữ số này,” Winston nói và thông báo cho Langdon dãy số.

Langdon nhập mã, cánh cửa có tiếng lách cách.

“Tốt rồi, thưa Giáo sư, xin mời vào.”

Langdon đứng một lúc, không dám chắc chuyện gì sắp tới. Sau khi trấn tĩnh lại, ông đẩy cửa mở ra. Không gian phía sau gần như tối om.

“Tôi sẽ bật đèn cho ngài,” Winston nói. “Xin hãy bước vào và đóng cửa lại.”

Langdon nhích vào bên trong, căng mắt ra nhìn trong bóng tối. Ông đóng cánh cửa lại phía sau mình, tiếng khóa lạch xạch vang lên.

Dần dần, thứ ánh sáng dìu dịu bắt đầu sáng lên quanh rìa căn phòng, để lộ ra một không gian như hang núi khó hình dung nổi – một gian phòng rộng hơ rộng hoác – như một khoang chứa máy bay dành cho cả một phi đội phản lực cỡ lớn.

“Chính xác là ba nghìn một trăm năm mươi tám mét vuông,” Winston nói.

Gian phòng này hoàn toàn nuốt chửng khu tiền sảnh.

Khi các ngọn đèn tiếp tục sáng dần lên thêm, Langdon nhìn thấy một nhóm những hình thù rất lớn nằm trên sàn – bảy hoặc tám bóng đen tối thui – như những con khủng long đang gặm cỏ trong đêm.

“Tôi đang thấy cái thứ quái quỷ gì thế này?” Langdon hỏi.

“Nó có tên gọi là Vật chất thời gian.” Giọng nói vui vẻ của Winston vang lên trong tai nghe của Langdon. “Đây là tác phẩm nghệ thuật nặng nhất của bảo tàng. Gần chín trăm tấn.”

Langdon vẫn đang cố xác định phương hướng. “Và tại sao riêng tôi lại ở đây?”

“Như tôi đã nói, ngài Kirsch dặn tôi chỉ cho ngài xem những thứ đáng kinh ngạc này.”

Các bóng đèn dần sáng rõ, nhấn chìm không gian rộng lớn trong thứ ánh sáng dìu dịu và Langdon chỉ có thể trân trối nhìn khung cảnh trước mắt mình đầy sững sờ.

Mình vừa bước vào một vũ trụ song song.

CHƯƠNG 7

Đô đốc Luis Ávila đến khu vực kiểm tra an ninh của bảo tàng và liếc nhìn đồng hồ để bảo đảm rằng mình vẫn đúng lịch trình.

Hoàn hảo.

Ông ta chìa Giấy Căn cước Quốc gia của mình cho các nhân viên rà quét theo danh sách khách mời. Trong thoáng chốc, mạch đập của Ávila rộn lên khi không tìm thấy tên của ông ta trong danh sách. Cuối cùng, họ cũng tìm thấy ở cuối cùng – một trường hợp bổ sung phút cuối – và Ávila được phép vào.

Đúng y như Nhiếp chính vương đã hứa với mình. Bằng cách nào ông ấy làm được việc này, Ávila không biết được. Nghe nói danh sách khách mời tối nay rất sít sao.

Ông ta tiếp tục đi tới chỗ máy dò kim loại, nơi ông ta móc điện thoại di động và đặt lên khay. Sau đó, với sự cẩn trọng cực kỳ, ông ta lấy một chuỗi tràng hạt bằng kim loại nặng khác thường từ trong túi áo khoác của mình ra và đặt lên trên chiếc điện thoại.

Nhẹ nhàng thôi, ông ta tự nhủ. Rất nhẹ thôi.

Người cảnh vệ rà quét ông ta bằng thiết bị dò kim loại và mang cái khay đồ cá nhân sang mé bên kia.

“Que rosario tan bonito,” người cảnh vệ nói, trầm trồ trước chuỗi hạt kim loại, gồm một sợi xích hạt chắc chắn và một cây thập giá tròn cạnh rất dày dặn. (Que rosario tan bonito nghĩa là Chuỗi hạt đẹp quá!)

“Gracias,” Ávila trả lời. Đích thân ta chế tạo nó đấy. (Gracias nghĩa là Cảm ơn anh.)

Ávila đi qua máy dò không gặp sự cố gì. Sang phía bên kia, ông ta lấy lại điện thoại và chuỗi hạt, nhẹ nhàng cất lại vào túi trước khi tiến tới khu vực kiểm tra an ninh thứ hai, nơi ông ta được trao cho một chiếc tai nghe âm thanh khác thường.

Ta không cần tour tham quan bằng âm thanh, ông ta nghĩ. Ta có việc phải làm.

Lúc băng qua tiền sảnh, ông ta kín đáo vứt chiếc tai nghe vào một cái thùng rác.

Tim ông ta đập thình thịch lúc ông ta nhìn khắp tòa nhà, tìm một chỗ riêng tư để liên hệ với Nhiếp chính vương và cho ông ấy biết ông ta đã vào bên trong an toàn.

Vì Chúa, đất nước và Đức vua, ông ta nghĩ. Nhưng chủ yếu vì Chúa.

Thời điểm đó, ở khu vực hẻo lánh xa xôi nhất của vùng sa mạc dãi ánh trăng bên ngoài Dubai, vị allamah khả kính bảy mươi tám tuổi, Syed al-Fadl đang vô cùng đau đớn khi bò qua lớp cát sâu. Ông không thể đi xa hơn được nữa.

Da al-Fadl phồng rộp và bỏng rát, cổ họng ông đau đến mức ông gần như không thể hít nổi một hơi. Những trận gió đầy cát đã khiến ông mù lòa từ nhiều giờ trước và ông vẫn bò tiếp. Đã có lúc, ông nghĩ mình nghe thấy tiếng rền rĩ xa xa của những chiếc xe mui trần bánh to, nhưng có lẽ đó chỉ là tiếng gió hú. Niềm tin của al-Fadl rằng Thượng đế sẽ cứu ông đã qua đi từ lâu. Đám kền kền không còn lượn vòng tròn nữa, chúng đang đi theo sau ông.

Cái gã Tây Ban Nha cao lớn chặn cướp chiếc xe của al-Fadl đêm qua chẳng hé răng lấy một lời khi hắn lái xe của vị allamah vào sâu trong sa mạc mênh mông này. Sau một tiếng chạy xe, gã Tây Ban Nha ấy dừng lại và ra lệnh cho al-Fadl ra khỏi xe, rồi bỏ mặc ông trong bóng tối mà không hề có thức ăn hay nước uống.

Kẻ bắt cóc al-Fadl không hề đưa ra dấu hiệu nhận diện hay lời giải thích nào cho hành động của hắn. Manh mối khả dĩ duy nhất al-Fadl thoáng thấy là một cái vết rất lạ trên bàn tay phải của hắn – một biểu tượng ông không nhận ra được.
al-Fadl thoáng thấy hình xăm trên bàn tay phải của Ávila

Trong nhiều giờ, al-Fadl lê bước qua cát và kêu cứu một cách vô vọng. Giờ đây, khi vị tu sĩ bị mất nước nghiêm trọng, gục ngã trong thứ cát ngột ngạt và cảm thấy tim mình kiệt quệ, ông vẫn tự vấn cái câu hỏi mà ông đã đặt ra suốt nhiều giờ.

Tác giả: