Nguồn cội – Dan Brown

Langdon gật đầu và liếc mắt về phía đầu đối diện của gian phòng, nơi những chiếc ghế tựa, một chiếc ghế dài và một chiếc xe đạp tập thể thao được bố trí trên một tấm thảm phương Đông.

Một cái hang siêu điện toán của con người, Langdon thầm nghĩ, cảm thấy ngờ rằng Edmond hẳn luôn chui vào cái hộp kính này khi thực hiện dự án của mình. Cậu ấy đã phát hiện được gì trên đó chứ? Sự do dự ban đầu của Langdon đã lắng đi và giờ ông cảm thấy sự tò mò mang tính tri thức ngày càng tăng – cái cảm giác khao khát được biết xem những bí mật gì đã được hé lộ ở đây, những bí mật gì đã được phơi bày bởi sự kết hợp của một bộ óc thiên tài và một cỗ máy hùng mạnh.

Ambra đã bước nhẹ qua sàn tới khối vuông đồ sộ và đang sửng sốt đăm đăm nhìn cái bề mặt xám lam bóng loáng của nó. Langdon tiến đến chỗ nàng, bóng cả hai phản chiếu trên mặt ngoài sáng bóng của khối vuông.

Đây là một chiếc máy tính ư? Langdon băn khoăn. Không như cỗ máy dưới nhà, thứ này hoàn toàn im lặng – chậm chạp và vô hồn – một khối kim loại nguyên khối.

Cái sắc xanh xanh của cỗ máy khiến Langdon nhớ đến một siêu máy tính những năm 1990 có tên “Deep Blue”, từng khiến cả thế giới sững sờ vì đánh bại đương kim vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov. Kể từ đó, những tiến bộ trong ngành công nghệ điện toán gần như không tài nào lĩnh hội được.

“Các vị có muốn nhìn bên trong không?” Winston lên tiếng qua mấy chiếc loa phía trên.

Ambra thảng thốt nhìn lên trên. “Nhìn bên trong khối vuông này à?”

“Tại sao không chứ?” Winston trả lời. “Edmond sẽ rất hãnh diện được chỉ cho các vị xem sự vận hành bên trong nó đấy.”

“Không cần đâu,” Ambra nói, hướng ánh mắt về phía văn phòng của Edmond. “Tôi muốn tập trung vào việc nhập mật khẩu. Chúng tôi thực hiện việc đó thế nào đây?”

“Sẽ chỉ mất vài giây thôi và chúng ta vẫn có hơn mười một phút trước khi có thể khởi động. Cứ nhìn ngắm bên trong đi.”

Trước mặt họ, một tấm bảng bên cạnh khối vuông đối diện văn phòng của Edmond bắt đầu trượt mở, lộ ra một ô thủy tinh dày. Langdon và Ambra đi vòng qua và áp mặt vào ô cửa trong suốt.

Langdon đinh ninh sẽ nhìn thấy một mớ dây nhợ và đèn nhấp nháy dày đặc nữa. Nhưng ông lại chẳng thấy thứ gì kiểu đó cả. Trước sự ngỡ ngàng của ông, bên trong khối vuông tối om và trống không – hệt một căn phòng nhỏ bỏ trống. Thứ duy nhất bên trong có vẻ như là từng cuộn hơi ẩm màu trắng bốc lên không khí như thể căn phòng chính là một chiếc tủ lạnh có thể vào trong được. Tấm bảng dày bằng Plexiglas tỏa ra khí lạnh đến kinh ngạc.

“Chẳng có gì ở đây,” Ambra nói.

Langdon cũng chẳng nhìn thấy gì nhưng vẫn cảm nhận được một xung động lặp đi lặp lại rất nhẹ phát ra từ bên trong khối vuông.

“Cái nhịp đập rất chậm đó,” Winston nói, “là hệ thống làm lạnh pha loãng ống xung động. Nghe giống như quả tim người vậy.”

Phải, chính thế, Langdon nghĩ thầm, cảm thấy khó chịu với sự so sánh đó.

Rất chậm rãi, những bóng đèn đỏ bên trong bắt đầu chiếu sáng những gì trong khối vuông. Mới đầu, Langdon chỉ nhìn thấy màn sương trắng và không gian trơ trụi – một gian buồng hình vuông trống không. Sau đó, khi ánh sáng tăng lên, có gì đó lóe lên trong không gian phía trên sàn, và ông nhận ra có một hình trụ kim loại khó hiểu từ trên trần buông xuống giống một nhũ đá.

“Và thứ này,” Winston nói, “là những gì khối vuông phải giữ lạnh.”

Cái thiết bị hình trụ buông từ trên trần xuống dài khoảng một mét rưỡi, bao gồm bảy vòng tròn đặt nằm ngang, càng lên trên càng giảm dần về đường kính, tạo thành một cây cột gồm nhiều tầng đĩa gắn liền với nhau nhờ những thanh rất mảnh chạy dọc. Không gian giữa các đĩa kim loại bóng loáng đó là một mớ lưa thưa những dây nhợ thanh mảnh. Xung quanh toàn bộ thiết bị này lởn vởn một làn hơi ẩm lạnh lẽo bốc lên.

“E-Wave,” Winston tuyên bố. “Một đột phá – nếu quý vị bỏ qua cho cách chơi chữ ấy – vượt xa D-Wave của NASA/Google.”

Winston nhanh nhẹn giải thích rằng D-Wave – “chiếc máy tính lượng tử” phôi thai đầu tiên của thế giới – đã mở ra một thế giới mới mẻ về sức mạnh của máy tính mà các nhà khoa học vẫn đang phải vật vã tìm cách nắm bắt. Điện toán lượng tử, chứ không phải sử dụng một phương pháp lưu trữ thông tin nhị phân, tạo ra việc sử dụng các trạng thái lượng tử của các hạt ở cấp độ hạ nguyên tử, dẫn đến đột phá phi thường về tốc độ, sức mạnh và độ linh hoạt.

“Chiếc máy tính lượng tử của Edmond,” Winston nói, “về mặt cấu trúc không hề khác với D-Wave. Điểm khác biệt là khối vuông kim loại bao bọc máy tính. Khối vuông được bọc lớp osmium – một nguyên tố hóa học hiếm siêu nặng giúp cải thiện hẳn khả năng che chắn từ, nhiệt và lượng tử và tôi ngờ rằng còn góp phần vào khiếu thích kịch tính của Edmond nữa.”

Langdon mỉm cười, vì chính ông cũng có suy nghĩ tương tự.

“Trong mấy năm qua, trong khi Phòng nghiệm Trí tuệ Lượng tử của Google sử dụng các loại máy như D-Wave để tăng cường kiến thức của máy thì Edmond lại bí mật vượt qua tất cả mọi người bằng chính cỗ máy này. Và ông ấy làm việc đó nhờ sử dụng một ý tưởng táo bạo duy nhất…” Winston ngừng lại. “Cơ chế lưỡng viện.”

Langdon cau mày. Hai viện của Quốc hội ư?

“Là bộ não hai thùy,” Winston tiếp tục. “Bán cầu trái và phải.”

Là trí não hai ngăn, giờ thì Langdon nhận ra. Một trong những điều khiến con người có sức sáng tạo là hai nửa của não bộ có chức năng hoàn toàn khác nhau. Não trái thiên về phân tích và ngôn ngữ, trong khi não phải thiên về trực giác và “thích” hình ảnh hơn ngôn từ.

“Bí quyết,” Winston nói, “là Edmond quyết định tạo ra một bộ não nhân tạo mô phỏng não bộ con người – tức là, được chia thành bán cầu trái và phải. Thế nhưng, trong trường hợp này, nó là cách bố trí tầng trên – tầng dưới thì đúng hơn.”

Langdon bước lùi lại và ngó qua sàn nhìn cỗ máy đang chạy ù ù dưới nhà rồi nhìn trở lại cái “nhũ đá” im lìm bên trong khối vuông. Hai cỗ máy khác biệt kết hợp làm một – một trí não hai ngăn.

“Khi buộc phải làm việc với tư cách một khối duy nhất,” Winston nói, “hai cỗ máy này chấp nhận các cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề – do đó trải qua những kiểu xung đột và thỏa hiệp tương tự như xảy ra giữa các thùy của não người, làm gia tăng rất lớn khả năng học hỏi, sáng tạo của trí tuệ nhân tạo, và, theo nghĩa nào đó… cả nhân tính nữa. Trong trường hợp của tôi, Edmond cho tôi những công cụ để tự dạy cho mình về nhân tính bằng cách quan sát thế giới quanh mình và bắt chước theo những đặc tính của con người – hài hước, hợp tác, đánh giá giá trị và thậm chí cả nhận thức về đạo đức.”

Thật phi thường, Langdon nghĩ. “Vậy chiếc máy tính kép này về cơ bản chính là… anh phải không?”

Winston bật cười. “Chà, cỗ máy này là tôi cũng không khác gì bộ não vật chất của các vị chính là các vị. Quan sát bộ não của chính các vị trong một cái bồn, quý vị sẽ không nói, ‘Thứ đó chính là tôi’ đâu. Chúng ta là tổng hòa những tương tác diễn ra bên trong cơ chế mà.

“Winston,” Ambra xen vào, lúc này đang tiến lại phía khu vực làm việc của Edmond. “Còn bao nhiêu thời gian cho tới lúc khởi động?”

“Năm phút bốn mươi ba giây,” Winston trả lời. “Chúng ta chuẩn bị chứ?”

“Phải, xin mời,” nàng nói.

Tấm chắn trên ô cửa sổ quan sát từ từ trượt về vị trí, và Langdon quay về đứng cùng Ambra trong phòng thí nghiệm của Edmond.

“Winston,” nàng nói. “Căn cứ vào tất cả công việc của anh ở đây với Edmond, tôi ngạc nhiên là anh lại không hề biết tí gì về phát hiện của anh ấy.”

“Xin nói lại, thưa cô Vidal, thông tin của tôi được chia ngăn và tôi có dữ liệu giống như cô có,” anh ta đáp. “Tôi chỉ có thể đưa ra một phỏng đoán dựa trên kiến thức.”

“Và đó là gì?” Ambra hỏi, ngó nghiêng quanh văn phòng của Edmond.

“Chà, Edmond nói rằng phát hiện của ông ấy sẽ ‘thay đổi mọi thứ’, Theo kinh nghiệm của tôi, những phát hiện có khả năng biến đổi nhất trong lịch sử đều dẫn đến những mô hình được chỉnh sửa lại của vũ trụ – những đột phá như sự phủ nhận mô hình Trái Đất phẳng của Pythagoras, thuyết nhật tâm của Copernicus, thuyết tiến hóa của Darwin, và việc phát hiện ra thuyết tương đối của Einstein – tất cả đều đã làm thay đổi mạnh mẽ thế giới quan của nhân loại và cập nhật mô hình vũ trụ hiện tại của chúng ta.”

Langdon ngước nhìn chiếc loa trên đầu. “Vậy là anh phỏng đoán Edmond đã phát hiện được gì đó gợi ý về một mô hình vũ trụ mới phải không?”

“Đó là một suy luận hợp lý,” Winston đáp, tốc độ nói nhanh hơn. “Mare-Nostrum hóa ra lại là một trong những máy tính ‘mô phỏng’ tuyệt nhất trên thế giới, chuyên về những mô phỏng phức tạp, nổi tiếng nhất là ‘Alya Đỏ’ – một quả tim người ảo, hoạt động đầy đủ và chính xác đến tận cấp độ tế bào. Dĩ nhiên, với việc bổ sung thêm một cấu phần lượng tử gần đây, thiết bị này có thể mô phỏng các hệ thống phức tạp hơn cả triệu lần so với các cơ quan ở người.”

Langdon hiểu khái niệm nhưng vẫn không tài nào hình dung được Edmond có thể mô phỏng được cái gì để trả lời các câu hỏi Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta đang đi về đâu?

“Winston?” Ambra gọi lại từ chỗ bàn làm việc của Edmond. “Chúng ta bật thứ này bằng cách nào?”

“Tôi có thể giúp cô,” Winston trả lời.

Ba màn hình LCD lớn trên bàn nhấp nháy hoạt động vừa khi Langdon đến bên cạnh Ambra. Khi những hình ảnh trên màn hình hiện rõ, cả hai cùng thảng thốt bước lùi lại.

“Winston… hình ảnh đó là trực tiếp à?” Ambra hỏi.

“Vâng, dữ liệu trực tiếp truyền về từ các máy quay an ninh bên ngoài của chúng tôi. Tôi nghĩ các vị biết rồi. Họ đến cách đây vài giây.”

Tác giả: