Nguồn cội – Dan Brown

CHƯƠNG 83

Langdon và Ambra lướt nhìn mặt tiền của ngôi nhà nguyện lớn và thấy lối vào Trung tâm Siêu điện toán Barcelona ở đầu phía Nam của chính điện nhà thờ. Ở đây, một tiền sảnh bằng kính Plexiglas cực kỳ hiện đại đã được lắp ở phía ngoài phần mặt tiền mộc mạc, khiến cho nhà thờ có dáng vẻ pha trộn của một tòa nhà được xây giữa các thế kỷ.

Trong một khoảnh sân ngoài gần lối vào có một bức tượng bán thân cao gần bốn mét mô tả đầu của một chiến binh thời xa xưa. Langdon không thể hình dung được cái hiện vật này làm gì trên địa phận của một nhà thờ Công giáo, nhưng nhờ biết Edmond nên ông khá chắc chắn rằng nơi làm việc của anh sẽ là một chỗ đầy những điều mâu thuẫn.

Ambra đi vội tới lối vào chính và bấm nút gọi bên cửa. Khi Langdon nhập hội với nàng, một máy quay an ninh phía trên xoay về phía họ, quét qua quét lại một lúc khá lâu.

Sau đó cánh cửa rè rè mở ra.

Langdon và Ambra nhanh chóng lách qua lối cửa để vào một tiền sảnh rất rộng được hình thành từ phần hiên ban đầu của nhà thờ. Đó là một căn phòng đá khép kín, sáng lờ mờ và trống trơn. Langdon cứ đinh ninh sẽ có ai đó xuất hiện đón họ – có lẽ là một nhân viên của Edmond – nhưng gian sảnh vắng tanh.

“Không có ai ở đây ư?” Ambra thì thào.

Họ nhận ra những giai điệu thiêng liêng, dìu dịu của thứ âm nhạc nhà thờ thời trung cổ – một tác phẩm hợp xướng phức điệu dành cho giọng nam nghe hơi quen quen. Langdon không thể nhớ được nó nhưng sự hiện diện hết sức kỳ lạ của âm nhạc tôn giáo trong một cơ sở công nghệ cao với ông dường như là một sản phẩm của khiếu hài hước bông đùa của Edmond.

Sáng rực ngay trước mắt họ trên bức tường của sảnh, một màn hình plasma cực lớn là nguồn sáng duy nhất trong phòng. Màn hình đang chiếu những gì chỉ có thể mô tả là một dạng trò chơi máy tính nguyên thủy nào đó – từng nhóm chấm màu đen di chuyển loanh quanh trên một bề mặt màu trắng, giống như từng đám bọ bò lung tung không mục đích.

Không hoàn toàn là không mục đích, Langdon nhận ra như vậy và giờ đã biết các mô thức.

Cấp số do máy tính tạo ra rất nổi tiếng này – được biết là Sự sống – được phát minh vào những năm 1970 bởi một nhà toán học người Anh là John Conway. Các chấm đen – gọi là các tế bào – di chuyển, tương tác và tái sinh dựa trên một chuỗi các “quy tắc” đã xác định trước do người lập trình nhập vào. Luôn luôn như vậy, theo thời gian, được chỉ dẫn bằng “những quy tắc ước hẹn ban đầu” này, các chấm bắt đầu tự tổ chức thành các nhóm, chuỗi và mô thức tuần hoàn – những mô thức tiến hóa, trở nên phức tạp hơn và bắt đầu trông tương tự với các mô thức thấy trong tự nhiên đến kinh ngạc.

“Trò chơi Sự sống của Conway,” Ambra nói. “Tôi đã thấy một cỗ máy số hóa nhiều năm trước dựa trên thứ này – một sản phẩm hỗn hợp được đặt tên là Máy tự động tế bào.”

Langdon thấy rất ấn tượng, vì bản thân ông đã nghe nói đến Sự sống chỉ vì người phát minh ra nó, Conway, từng dạy tại Princeton.

Những hợp âm hợp xướng lại lọt vào tai Langdon. Mình cảm thấy như đã nghe bản này rồi. Có lẽ là một bản Thánh nhạc Phục hưng chăng?

“Anh Robert,” Ambra nói và chỉ tay. “Nhìn kìa.”

Trên màn hình hiển thị, những nhóm dấu chấm đang di chuyển tất bật đã đảo chiều và đang tăng tốc, như thể chương trình lúc này chạy ngược vậy. Chuỗi chuyển động tua ngược càng lúc càng nhanh, quay ngược thời gian. Số lượng các dấu chấm bắt đầu giảm dần… các tế bào không còn phân chia và nhân lên mà tái kết hợp… các cấu trúc của chúng càng lúc càng đơn giản cho tới khi chúng chỉ còn lại một nửa, vẫn tiếp tục hợp nhất… mới đầu còn tám, sau đó là bốn, rồi hai, tiếp đến…

Một.

Một tế bào duy nhất nhấp nháy chính giữa màn hình.

Langdon cảm thấy ớn lạnh. Nguồn gốc của sự sống.

Cái chấm đó chớp tắt, để lại một khoảng trống – một màn hình màu trắng trống trơn.

Trò chơi Sự sống kết thúc và phần nội dung lờ mờ bắt đầu hiện ra, càng lúc càng rõ hơn cho tới khi có thể đọc được.

Nếu chúng ta thừa nhận một Nguyên tắc Đầu tiên, tư duy vẫn khát khao được biết nó đến từ đâu và nó xuất hiện như thế nào.

“Là Darwin,” Langdon thì thào, nhận ra ngay cách diễn đạt hùng hồn của nhà thực vật học huyền thoại cho chính cái câu hỏi mà Edmond Kirsch vẫn đặt ra.

“Chúng ta từ đâu đến?” Ambra nói đầy phấn khích, miệng đọc dòng chữ.

“Chính xác.”

Ambra mỉm cười với ông. “Chúng ta sẽ đi tìm chứ?”

Nàng ra hiệu về phía không gian có trụ đỡ ngay bên cạnh màn hình, có vẻ như nối với nhà thờ chính.

Khi họ bước qua sảnh, màn hình tái khởi động lần nữa, lần này trình chiếu một tập hợp các từ ngữ xuất hiện ngẫu nhiên trên màn hình. Số lượng từ tăng lên liên tiếp và hỗn độn, với những từ mới xuất hiện, biến đổi hình thái, và kết hợp thành một chuỗi những cụm từ rất khó hiểu.

… tăng trưởng… chồi tươi mới… các nhánh xinh đẹp…

Khi hình ảnh ấy mở rộng, Langdon và Ambra nhìn thấy các từ ngữ xuất hiện dưới hình dạng một cái cây đang lớn dần.
Langdon và Ambra nhìn thấy các từ ngữ hiện lên dưới hình dạng một cái cây đang lớn

Gì thế này?

Họ chăm chú nhìn như bị hút vào hình đồ họa đó và tiếng của các giọng hát chay* càng lúc càng to xung quanh họ. Langdon nhận ra rằng họ không hề hát bằng tiếng Latin như ông nghĩ, mà bằng tiếng Anh. (giọng hát chay, cappella voice, là phong cách hát không cần nhạc đệm, thường áp dụng trong âm nhạc tôn giáo. Những người nghệ sĩ sẽ dùng giọng hát của mình kết hợp, hỗ trợ cho nhau bằng hòa thanh, bè phối để tạo nên nhạc điệu.)

“Chúa ơi, các từ trên màn hình,” Ambra nói. “Tôi nghĩ chúng khớp với tiếng nhạc.”

“Cô nói đúng,” Langdon tán thành, mắt nhìn những đoạn mới xuất hiện trên màn hình và được hát lên cùng lúc.

… bởi những nguyên tắc tác động chậm chạp… chứ không phải bởi những hành vi huyền diệu…

Langdon lắng nghe và nhìn, cảm thấy bối rối một cách lạ lùng trước sự kết hợp của các từ ngữ và tiếng nhạc. Phần nhạc rõ ràng là lễ nhạc, nhưng phần lời thì lại rất ngẫu nhiên.

… các sinh vật… sống mạnh mẽ nhất… chết yếu ớt nhất…

Langdon dừng sững lại.

Mình biết bài này!

Edmond từng dẫn Langdon tới một buổi biểu diễn bài này vài năm trước. Có tiêu đề là Missa Charles Darwin, đây là một bài thánh ca theo phong cách Thiên Chúa giáo trong đó nhà soạn nhạc tránh dùng phần lời tiếng Latin truyền thống và thay thế bằng các trích dẫn từ cuốn Về nguồn gốc giống loài của Charles Darwin để tạo thành một sự sắp xếp cạnh nhau buồn da diết của các giọng ca mộ đạo hát về sự tàn nhẫn của sàng lọc tự nhiên.

“Thật kỳ lạ,” Langdon nhận xét. “Edmond và tôi đã cùng nghe bài này một thời gian trước – cậu ấy rất mê nó. Thật trùng hợp được nghe lại.”

“Không trùng hợp đâu,” một giọng nói quen thuộc vang lên từ hệ thống loa trên đầu. “Edmond dạy tôi phải đón chào khách khứa đến nhà mình bằng cách trình diễn một chút âm nhạc mà họ thích thú và cho họ thấy gì đó thú vị để thảo luận.”

Langdon và Ambra sững sờ nhìn hệ thống loa như không tin nổi. Giọng nói vui vẻ chào đón họ là giọng Anh rất rõ rệt.

“Tôi rất vui các vị tìm được đường tới đây,” giọng nói nhân tạo quen thuộc lên tiếng. “Tôi không có cách gì liên hệ được với các vị.”

“Winston!” Langdon reo lên, ngạc nhiên cảm thấy mình lại nhẹ lòng hẳn khi kết nối lại được với một cỗ máy. Ông và Ambra nhanh chóng kể lại những gì đã xảy ra.

“Rất mừng được nghe lại giọng các vị,” Winston nói. “Giờ cho tôi biết, chúng ta đã có được những gì chúng ta tìm kiếm chưa?”

CHƯƠNG 84

“William Blake,” Langdon nói. “‘Mọi tôn giáo u tối tiêu vong và khoa học lành mạnh thống trị.’”

Winston chỉ dừng lại một chút xíu. “Dòng cuối cùng trong bài trường thi The Four Zoas của ông ấy. Tôi phải thừa nhận đó là một lựa chọn hoàn hảo.” Anh ta ngừng lại. “Tuy nhiên, con số bốn mươi bảy mẫu tự cần thiết…”

“Ký hiệu và,” Langdon nói, nhanh chóng giải thích mẹo dùng chữ ghép et của Kirsch.

“Quả đúng là Edmond tinh hoa,” giọng nói nhân tạo trả lời kèm một tiếng cười vụng về.

“Cho nên, Winston,” Ambra giục. “Giờ anh đã biết mật khẩu của Edmond, anh có thể khởi động phần thuyết trình còn lại của anh ấy không?”

“Dĩ nhiên là được,” Winston trả lời rất rành rẽ. “Tất cả những gì tôi cần là để các vị nhập mật khẩu bằng tay. Edmond đã lập tường lửa quanh dự án này nên tôi không trực tiếp truy cập nó được, nhưng tôi có thể đưa các vị tới phòng thí nghiệm của ông ấy và chỉ cho các vị chỗ nhập thông tin. Chúng ta có thể khởi động chương trình trong vòng chưa đầy mười phút nữa.”

Langdon và Ambra quay nhìn nhau, sự xác nhận đột ngột của Winston khiến họ sững sờ. Với tất cả những gì họ đã trải qua tối nay, khoảnh khắc chiến thắng cuối cùng này dường như đến quá đột ngột.

“Robert,” Ambra thì thào, đặt một tay lên vai ông. “Anh đã làm được. Cảm ơn anh.”

“Là nỗ lực chung mà,” ông mỉm cười.

“Liệu tôi có thể gợi ý rằng chúng ta nên di chuyển ngay tới phòng thí nghiệm của Edmond không?”, Winston nói. “Ở trong sảnh đây, các vị rất dễ lộ và tôi vừa dò được một vài bản tin thời sự nói rằng các vị đang ở khu vực này.”

Langdon không lấy làm ngạc nhiên; một trực thăng quân sự đáp xuống một công viên ngay giữa thành phố lớn ắt sẽ thu hút sự chú ý.

“Hãy cho chúng tôi biết nơi cần đến,” Ambra nói.

“Giữa mấy cây cột,” Winston trả lời. “Cứ theo giọng của tôi nhé.”

Trong sảnh, tiếng nhạc thánh ca dừng đột ngột, màn hình plasma chuyển về tối đen và từ lối vào chính, một loạt tiếng lịch kịch rất to vang lên khi các chốt hãm kiểm soát tự động vận hành.

Có lẽ Edmond đã biến cơ sở này thành một pháo đài, Langdon nhận ra như vậy, đưa mắt nhìn nhanh qua các cửa sổ rất dày trong sảnh, cảm thấy yên tâm khi khu vực có cây cối xung quanh nhà nguyện vắng ngắt. Ít nhất vào lúc này.

Lúc ông nhìn trở lại phía Ambra, ông thấy một chớp sáng phía cuối sảnh, soi tỏ một khuôn cửa giữa hai cây cột. Ông cùng Ambra bước tới, đi vào và thấy mình đứng trong một hành lang dài. Có thêm những chớp sáng ở đầu kia của hành lang, dẫn đường cho họ.

Khi Langdon và Ambra bắt đầu men theo hành lang, Winston nói với họ, “Tôi tin là để đạt được mức phổ cập tối đa, chúng ta cần phát đi một thông cáo báo chí toàn cầu ngay bây giờ, nói rằng bài thuyết trình của Edmond Kirsch quá cố sắp được phát trực tiếp. Nếu chúng ta cung cấp cho truyền thông thêm một khung cửa để công bố sự kiện này thì sẽ tăng lượng người theo dõi của Edmond rất nhiều.”

Tác giả: