Nguồn cội – Dan Brown

Cậu ta nói đúng, Ávila biết, và thêm một tuần nữa, khi việc điều trị của mình xong xuôi, mình sẽ lại về nhà, một mình và phiêu bạt trở lại.

“Ông sợ gì chứ?” Marco thúc giục. “Ông là một sĩ quan hải quân. Một người đàn ông trưởng thành từng chỉ huy một con tàu! Lẽ nào ông sợ giáo hoàng sẽ tẩy não ông trong vòng mười phút và bắt ông làm con tin à?”

Mình không chắc mình sợ gì, Ávila nghĩ, đăm đăm nhìn xuống cái chân bị thương của mình, cảm thấy nhỏ bé và bất lực một cách lạ lùng. Trong phần lớn cuộc đời mình, ông ta là người phụ trách, người ra lệnh. Ông ta thấy ngập ngừng về viễn cảnh nhận mệnh lệnh từ một ai đó khác.

“Không sao,” cuối cùng Marco nói, xiết lại đai an toàn. “Tôi xin lỗi. Tôi thấy là ông không được thoải mái. Tôi không định ép ông.” Anh ta đưa tay xuống khởi động xe.

Ávila cảm thấy như một kẻ ngốc. Marco thực tế chỉ là một cậu nhóc, bằng một phần ba tuổi của Ávila, lại mất một chân, đang cố giúp một kẻ đồng loại tàn tạ và Ávila đáp lại anh ta bằng việc tỏ ra vô ơn, hoài nghi và trịch thượng.

“Không,” Ávila nói. “Thứ lỗi cho tôi, Marco. Tôi rất vinh hạnh được nghe ngài ấy giảng đạo.”

CHƯƠNG 49

Kính chắn gió trên chiếc Tesla Model X của Edmond có thể mở rộng, biến đổi hình thái rất liền lạc vào nóc xe ở chỗ nào đó phía sau đầu Langdon, khiến cho ông có cảm giác mất phương hướng rằng mình đang lơ lửng bên trong một bong bóng thủy tinh.

Lái chiếc xe dọc theo cao tốc có trồng cây ở phía Bắc Barcelona, Langdon ngạc nhiên khi thấy mình lái xe quá cả giới hạn tốc độ chung của đường là 120 km/h. Động cơ điện êm ái và gia tốc tuyến tính của chiếc xe dường như làm cho mọi tốc độ đều có cảm giác gần như giống nhau.

Trên ghế bên cạnh ông, Ambra đang bận lướt Internet trên màn hình máy tính trên bảng đồng hồ rất lớn của xe, nói lại cho Langdon tin tức lúc này đang tung ra khắp thế giới. Một trang web chuyên về thuyết âm mưu ngầm vốn quanh năm hoạt động chìm nay đang nổi lên, bao gồm cả những tin đồn cho rằng Giám mục Valdespino móc nối các nguồn tiền cho giáo hoàng đối cử của Giáo hội Palmaria – người được cho là có các mối liên hệ quân sự với những người ủng hộ phong trào Carlist bảo thủ và có vẻ như chịu trách nhiệm không chỉ cho cái chết của Edmond, mà còn cả cái chết của Syed al-Fadl và Giáo trưởng Yehuda Köves.

Như lời Ambra đọc to, có thể thấy rõ rằng các kênh truyền thông khắp mọi nơi lúc này đang đặt cùng một câu hỏi: Liệu Edmond Kirsch có thể phát hiện ra điều gì có tính chất đe dọa đến mức một giám mục có tên tuổi và một phái Công giáo bảo thủ lại sát hại anh nhằm cố ngăn chặn tuyên bố của anh như vậy không?

“Số lượng người xem thật kinh ngạc,” Ambra nói, ngước mắt khỏi màn hình. “Sự quan tâm của công chúng đến câu chuyện này thật chưa từng có… dường như là cả thế giới đều sững sờ.”

Đúng lúc ấy, Langdon nhận ra rằng có lẽ có một điềm phúc trong họa cho vụ sát hại rùng rợn của Edmond. Với tất cả sự chú ý của truyền thông, khán giả toàn cầu của Kirsch đã tăng lên đông đảo hơn rất nhiều so với anh hình dung. Ngay lúc này, thậm chí khi đã chết, Edmond vẫn được cả thế giới lắng nghe.

Nhận ra điều đó khiến cho Langdon càng thêm quyết tâm đạt được mục tiêu của mình – tìm mật khẩu bốn mươi bảy mẫu tự của Edmond và công bố bài thuyết trình của anh ấy với thế giới.

“Vẫn chưa có tuyên bố gì từ Julián,” Ambra nói, nghe rất bối rối. “Không một lời nào từ Hoàng cung. Thật vô lý. Tôi từng có kinh nghiệm cá nhân với điều phối viên quan hệ công chúng của họ là Mónica Martín, và cô ấy luôn minh bạch, chia sẻ thông tin trước khi báo chí có thể nhào nặn nó. Tôi dám chắc cô ấy đang thúc giục Julián đưa ra một tuyên bố.”

Langdon ngờ rằng nàng nói đúng. Khi mà truyền thông đang kết tội vị cố vấn tôn giáo chính của hoàng cung về tội chủ mưu – thậm chí có khi là giết người – thì dường như lô-gic phải là Julián nên đưa ra một tuyên bố gì đó, thậm chí nếu chỉ là nói rằng hoàng cung đang điều tra các cáo buộc.

“Đặc biệt,” Langdon nói thêm, “nếu cô thấy rằng hoàng hậu tương lai của đất nước đứng ngay bên cạnh Edmond khi cậu ấy bị bắn. Hoàn toàn có thể là , Ambra. Ít nhất Hoàng tử cần nói ông ấy thấy nhẹ lòng vì cô an toàn.”

“Tôi không chắc anh ấy sẽ như vậy,” nàng nói không chút e ngại, rời mắt khỏi trình duyệt và ngả người trên ghế.

Langdon liếc sang. “Chậc, bất kể thế nào thì tôi cũng thấy mừng là cô an toàn. Tôi không chắc mình có thể một mình xoay xở tối nay không.”

“Một mình sao?” một giọng nói vang lên qua loa của xe. “Sao chúng ta quên nhanh thế nhỉ!”

Langdon phì cười trước vẻ giận dữ hậm hực của Winston. “Winston, thật sự Edmond lập trình cho anh thủ thế và kém vững vàng thế à?”

“Đâu có,” Winston nói. “Ông ấy lập trình cho tôi quan sát, học hỏi và bắt chước hành vi của con người. Giọng điệu của tôi cố tỏ ra hài hước thì đúng hơn – điều Edmond khuyến khích tôi phát triển. Không lập trình được sự hài hước… cái đó phải học hỏi.”

“Chậc, anh học rất cừ.”

“Vậy ư?” Winston khẩn khoản. “Có lẽ ngài nói lại câu đó được không?”

Langdon bật cười lớn. “Như tôi đã nói, anh học rất cừ.”

Lúc này, Ambra đã cho màn hình bảng đồng hồ quay trở lại trang mặc định – một chương trình hướng dẫn lưu thông gồm một ảnh vệ tinh trên đó nhìn thấy rõ một “ảnh chủ” nhỏ xíu chiếc xe của họ. Langdon còn thấy rằng họ vừa uốn lượn qua núi Collserola và giờ đang nhập vào Cao tốc B-20 hướng về Barcelona. Phía Nam vị trí của họ, trên ảnh vệ tinh, Langdon nhìn thấy thứ gì đó rất bất bình thường khiến ông chú ý – một vùng rừng rộng lớn ngay giữa đô thị. Cái khoảng xanh ấy thuôn dài và không có hình thù rõ rệt, chẳng khác gì một a míp khổng lồ.

“Đó là Công viên Parc Güell phải không?” ông hỏi.

Ambra liếc nhìn màn hình và gật đầu. “Mắt anh tinh đấy.”

“Edmond thường xuyên dừng chân ở đó,” Winston tiếp lời, “trên đường ông ấy từ sân bay về nhà.”

Giờ Langdon thấy ngạc nhiên. Parc Güell là một trong những kiệt tác nổi tiếng nhất của Antoni Gaudí – cũng chính là kiến trúc sư và nghệ sĩ có tác phẩm Edmond khoe ra trên vỏ điện thoại của mình. Gaudí rất giống với Edmond, Langdon nghĩ. Một người nhìn xa trông rộng đầy chất đột phá mà những quy tắc thông thường không thể áp dụng cho họ được.

Là một sinh viên say mê tự nhiên, Antoni Gaudí lấy cảm hứng kiến trúc của mình từ các hình thái hữu cơ, sử dụng “thế giới tự nhiên của Chúa” để giúp ông thiết kế những cấu trúc dựa theo hình thái sinh học thay đổi liên tục xuất hiện trên mặt đất. Không hề có đường thẳng trong tự nhiên, Gaudí từng được dẫn lời phát ngôn như vậy, và thực tế, có rất ít đường thẳng trong tác phẩm của ông.

Thường được mô tả là người khởi xướng cho loại hình “kiến trúc sống” và “thiết kế sinh học,” Gaudí đã sáng tạo ra những kỹ thuật chưa từng thấy trước đó cho nghề mộc, rèn, thủy tinh và gốm để “bao bọc” các tòa nhà của mình trong lớp da nhiều màu sắc, đầy ấn tượng.

Thậm chí giờ đây, gần một thế kỷ sau khi Gaudí qua đời, du khách từ khắp thế giới vẫn đổ về Barcelona để tìm hiểu phong cách hiện đại chủ nghĩa khó bắt chước được của ông. Những tác phẩm của ông gồm các công viên, các tòa nhà công cộng, các tư gia và dĩ nhiên cả kiệt tác của ông – Sagrada Família – Vương cung thánh đường Công giáo đồ sộ với “những ngọn tháp bọt biển” chọc trời nổi bật trên đường chân trời Barcelona và được giới phê bình ca tụng là “không giống bất kỳ thứ gì trong toàn bộ lịch sử nghệ thuật”.

Langdon luôn kinh ngạc trước sức tưởng tượng táo bạo của Gaudí đối với công trình Sagrada Família – một Vương cung thánh đường đồ sộ đến mức cho đến giờ vẫn đang trong quá trình xây dựng, gần một trăm bốn mươi năm sau lễ động thổ.

Tối nay, lúc Langdon nhìn hình ảnh vệ tinh trên xe của công trình Parc Güell nổi tiếng của Gaudí, ông lại nhớ lần đầu tới thăm công viên này khi còn là một sinh viên đại học – một chuyến đi dạo qua một vùng đất lạ lẫm gồm những cột trụ giống như những cái cây vặn xoắn lại để đỡ những lối đi được nâng cao, những chiếc ghế băng chẳng ra hình thù gì, những hang động với các đài phun nước giống hình những con rồng và cá, và một bức tường trắng nhấp nhô có đặc điểm hay thay đổi đến mức trông nó như cái tiên mao của một sinh vật đơn bào khổng lồ.

“Edmond yêu mọi thứ của Gaudí,” Winston nói tiếp, “đặc biệt là quan niệm của ông ấy coi tự nhiên như nghệ thuật hữu cơ.”

Tâm trí của Langdon lại trở về với phát hiện của Edmond. Tự nhiên. Hữu cơ. Sáng tạo. Ông chợt nhớ tới tác phẩm nổi tiếng của Gaudí ở Barcelona là Panots – những viên gạch lát lục giác đặt làm riêng cho vỉa hè của thành phố. Mỗi viên đều mang thiết kế xoáy giống nhau gồm những đường ngoằn ngoèo dường như vô nghĩa, thế nhưng khi tất cả được sắp xếp và xoay chiều theo ý đồ, một đồ hình bất ngờ sẽ hiện ra – khung cảnh dưới biển đem lại ấn tượng về phiêu sinh vật, vi khuẩn và thảm thực vật dưới biển – tác phẩm La Sopa Primordial như cách người dân địa phương gọi thiết kế này.

Món súp nguyên thủy của Gaudí, Langdon thầm nghĩ, lại thấy giật mình bởi thành phố Barcelona ăn khớp với trí tò mò của Edmond về sự khởi đầu của sự sống mới hoàn hảo làm sao. Lý thuyết khoa học thông dụng cho rằng sự sống bắt đầu từ món súp nguyên thủy của Trái Đất – những đại dương ban đầu nơi các núi lửa phun ra rất nhiều hóa chất, cuộn xoáy lẫn với nhau, liên tục bị tấn công bởi những tia chớp từ những cơn bão bất tận… cho tới khi đột nhiên, giống như một dạng ma tượng* cực nhỏ, những sinh vật đơn bào đầu tiên xuất hiện. (ma tượng, golem, là quái vật được tạo ra từ bùn đất, giống người nhưng mạnh hơn loài người.)

Tác giả: