Nguồn cội – Dan Brown

Giọng nói nàng đang nghe là giọng của một người đàn ông thành khẩn và dễ tổn thương mà nàng đã phải lòng vài tháng trước. “Cảm ơn anh, Julián,” nàng thì thầm. “Điều đó rất có ý nghĩa.”

Khi giữa họ là sự im lặng ngượng nghịu, cuối cùng Ambra cũng thu hết can đảm hỏi câu hỏi khó khăn mà nàng thấy cần hỏi.

“Julián,” nàng thì thầm, “em cần biết tối nay anh có dính gì đến vụ sát hại Edmond Kirsch hay không.”

Hoàng tử im lặng. Cuối cùng khi chàng lên tiếng, giọng nói của chàng thắt lại vì đau đớn. “Ambra, anh đã khổ sở rất nhiều với chuyện em dành quá nhiều thời gian với Kirsch để chuẩn bị cho sự kiện này. Và anh rất không đồng ý với quyết định của em tham gia vào việc chủ trì cho một nhân vật gây tranh cãi như vậy. Thật lòng mà nói, anh mong em đừng bao giờ gặp anh ta.” Chàng ngừng lại. “Nhưng không, anh thề anh hoàn toàn không can dự gì vào vụ sát hại anh ta. Anh đã vô cùng kinh hãi vì nó… và rằng một vụ ám sát công khai lại diễn ra tại đất nước chúng ta. Thực tế rằng nó xảy ra chỉ cách người phụ nữ anh yêu thương có vài thước… khiến anh kinh sợ vô cùng.”

Ambra có thể nghe được sự thành thực trong giọng nói của chàng và cảm thấy nhẹ lòng hẳn. “Julián, em xin lỗi đã hỏi, nhưng với tất cả những bản tin thời sự, hoàng cung, Valdespino, câu chuyện bắt cóc… em chỉ không biết phải nghĩ gì nữa.”

Julián chia sẻ với nàng những gì chàng biết về cái trang web theo đuổi thuyết âm mưu xoay quanh vụ giết hại Kirsch. Chàng cũng nói với nàng về người cha đang hấp hối của mình, cuộc gặp gỡ cảm động của họ và tình trạng sức khỏe xấu đi rất mau của Đức vua.

“Hãy về nhà đi,” chàng thì thầm. “Anh cần gặp em.”

Rất nhiều cảm xúc mâu thuẫn nhau trào lên trong tim nàng khi nàng nghe được sự dịu dàng trong giọng chàng.

“Thêm một việc nữa,” chàng nói, giọng an ủi. “Anh có một ý tưởng điên rồ và anh muốn biết em nghĩ gì.” Hoàng tử ngừng lại. “Anh nghĩ chúng ta nên đình chuyện hứa hôn… và bắt đầu lại.”

Mấy lời này khiến Ambra choáng váng. Nàng biết hậu quả chính trị với Hoàng tử và hoàng cung sẽ rất lớn. “Anh… định làm thế sao?”

Julián cười một cách trìu mến. “Em yêu, để có cơ hội ngỏ lời lại với em một ngày nào đó, riêng tư… anh sẽ làm bất kỳ việc gì.”

CHƯƠNG 101

🌐 ConspiracyNet

TIN NÓNG

NHẮC LẠI NHỮNG ĐIỂM CHÍNH VỤ KIRSCH

TRỰC TIẾP!

RẤT ĐÁNG KINH NGẠC!

ĐỂ XEM LẠI VÀ BIẾT PHẢN ỨNG TRÊN TOÀN CẦU, XIN BẤM VÀO ĐÂY!

VÀ TRONG CÁC BẢN TIN NÓNG CÓ LIÊN QUAN…

GIÁO HOÀNG XƯNG TỘI

Các chức sắc Palmaria tới nay đều quyết liệt phủ nhận những luận điệu cho rằng họ có liên hệ với một người đàn ông được biết đến là Nhiếp chính vương. Bất luận kết quả điều tra thế nào, các nhà bình luận thời sự tôn giáo đều tin rằng vụ bê bối tối nay có thể là đòn chí mạng cho giáo hội gây tranh cãi này, mà Edmond Kirsch luôn cáo buộc phải chịu trách nhiệm cho cái chết của mẹ ông ấy.

Hơn nữa, với cả thế giới lúc này đang theo dõi sát Palmaria, các nguồn tin truyền thông vừa phát hiện một bản tin từ tháng Tư năm 2016. Bản tin này, lúc này đang được lan truyền, là một cuộc phỏng vấn trong đó giáo hoàng Palmaria cũ Gregorio XVIII (tức Ginés Jesús Hernández) thú nhận rằng giáo hội của ông ấy là “một sự vờ vịt ngay từ đầu” và được thành lập “như một kế hoạch trốn thuế.”

HOÀNG GIA: XIN LỖI, CÁC LUẬN ĐIỆU, ĐỨC VUA BỊ BỆNH

Hoàng gia đã đưa ra những thông báo khẳng định Tư lệnh Garza và Robert Langdon không hề làm bất kỳ điều gì sai lầm tối nay. Những lời xin lỗi công khai đã được gửi tới cả hai người.

Hoàng cung chưa bình luận gì về sự can dự rành rành của Giám mục Valdespino vào những tội ác tối nay, nhưng Giám mục được tin là đang ở cùng Hoàng tử Julián, người hiện đang có mặt tại một bệnh viện kín đáo, chăm sóc người cha đang hấp hối của ngài. Sức khỏe của Đức vua được thông báo là trong tình trạng rất xấu.

MONTE Ở ĐÂU?

Người cung cấp thông tin riêng của chúng tôi [email protected] dường như đã biến mất không một dấu vết và không hề tiết lộ nhận dạng của anh ấy hoặc cô ấy. Theo thăm dò người dùng của chúng tôi, hầu hết vẫn ngờ rằng “Monte” là một trong những môn đệ đam mê công nghệ của Kirsch, nhưng một giả thuyết mới hiện đang xuất hiện cho rằng biệt danh “Monte” có thể là viết gọn của “Mónica” – như trong tên điều phối viên quan hệ công chúng của Hoàng cung, Mónica Martín.

Sẽ có thêm tin mới khi chúng tôi nhận được!

CHƯƠNG 102

Có ba mươi ba “khu vườn Shakespeare” đang tồn tại trên khắp thế giới. Những công viên bách thảo này chỉ trồng những loài cây có tên trong các tác phẩm của William Shakespeare – bao gồm cả “hoa hồng mang thứ tên khác” của Juliet và đủ loại hoa hồng, hoa bướm, thì là, mao lương, cúc, và violet của Ophelia. Ngoài những khu vườn ở Stratford-upon-Avon, Vienna, San Francisco, và Công viên Trung tâm tại New York City, còn có một khu vườn Shakespeare tọa lạc kề bên Trung tâm Siêu điện toán Barcelona.

Trong quầng sáng lờ mờ của đèn đường phía xa, ngồi trên một chiếc ghế dài giữa đám cây mao lương, Ambra Vidal kết thúc cuộc trò chuyện trên điện thoại đầy xúc cảm với Hoàng tử Julián vừa khi Robert Langdon ra khỏi nhà nguyện đá. Nàng trao điện thoại lại cho hai đặc vụ Cận vệ và gọi Langdon, lúc này đã thấy nàng và đang tiến lại qua màn đêm đen.

Khi vị giáo sư người Mỹ thơ thẩn vào vườn, nàng không kìm được mỉm cười với cái cách ông ấy hất chiếc áo vest của mình qua vai và xắn ống tay áo lên, để lộ hẳn chiếc đồng hồ Chuột Mickey ra.

“Xin chào,” ông nói, nghe hoàn toàn mệt nhọc, dù trên gương mặt vẫn có nụ cười méo xẹo.

Khi hai người đi dạo quanh vườn, các sĩ quan Cận vệ để yên cho họ, và Ambra kể với Langdon về cuộc trò chuyện của nàng với Hoàng tử – việc Julián xin lỗi, lời khẳng định vô can của chàng, và đề nghị của chàng hủy bỏ lời hứa hôn của họ và bắt đầu hẹn hò lại.

“Một bạch mã hoàng tử thật sự,” Langdon nói đùa, mặc dù nghe rõ là ông rất ấn tượng.

“Anh ấy lo lắng cho tôi,” Ambra nói. “Tối nay thật mệt. Anh ấy muốn tôi về Madrid ngay. Cha anh ấy sắp mất, và Julián…”

“Ambra,” Langdon dịu dàng nói. “Cô không cần giải thích gì đâu. Cô nên đi đi.”

Ambra nghĩ nàng cảm thấy sự thất vọng trong giọng ông, và sâu thẳm trong lòng nàng cũng cảm thấy vậy. “Anh Robert,” nàng nói, “tôi có thể hỏi anh một câu hỏi riêng tư được không?”

“Dĩ nhiên rồi.”

Nàng ngập ngừng. “Với cá nhân anh… các quy luật vật lý có đủ không?”

Langdon liếc nhìn như thể ông trông đợi một câu hỏi hoàn toàn khác. “Đủ theo cách nào?”

“Đủ về mặt tâm linh,” nàng nói. “Liệu có đủ để sống trong một vũ trụ với những quy luật tự phát tạo ra sự sống không? Hay là anh thích… Chúa?” Nàng ngừng lại, vẻ bối rối. “Xin lỗi, sau tất cả những gì chúng ta trải qua tối nay, tôi biết đó là một câu hỏi kỳ cục.”

“Chà,” Langdon cười nói, “tôi nghĩ câu trả lời của tôi sẽ được lợi từ một giấc ngủ đêm no nê. Nhưng không, chẳng kỳ cục đâu. Suốt ngày người ta hỏi tôi liệu tôi có tin vào Chúa không.”

“Và câu trả lời của anh thế nào?”

“Tôi trả lời sự thật,” ông nói. “Tôi nói với họ rằng, với tôi, câu hỏi về Chúa nằm ở việc hiểu biết sự khác biệt giữa các mật mã và các mẫu thức.”

Ambra liếc mắt nhìn. “Tôi không chắc tôi hiểu ý anh.”

“Các mật mã và mẫu thức rất khác nhau,” Langdon nói. “Và rất nhiều người lẫn lộn hai thứ. Trong lĩnh vực của tôi, điều quan trọng là hiểu được sự khác biệt cơ bản của chúng.”

“Chuyện đó ư?”

Langdon dừng bước và quay sang nàng. “Một mẫu thức là bất kỳ chuỗi có tổ chức riêng nào. Các mẫu thức xảy ra ở khắp mọi nơi trong tự nhiên – bố cục hạt hình xoắn ốc của một bông hướng dương, các tế bào lục giác của một tổ ong, những gợn sóng tròn trên hồ nước khi có cá nhảy, vân vân.”

“Vâng. Thế còn các mật mã?”

“Mật mã rất đặc biệt,” Langdon nói, giọng cao hẳn. “Mật mã, theo định nghĩa, phải chứa đựng thông tin. Chúng phải có ý nghĩa hơn chỉ là hình thành một mẫu thức – các mật mã phải truyền dữ liệu và chuyển tải ý nghĩa. Những ví dụ về mật mã bao gồm ngôn ngữ viết, ký hiệu nhạc, các phương trình toán học, ngôn ngữ máy tính, và thậm chí những biểu tượng đơn giản như thập giá. Tất cả những ví dụ này có thể truyền ý nghĩa hoặc thông tin theo cách mà các bông hướng dương xoắn ốc không thể có.”

Ambra đã hiểu khái niệm, nhưng vẫn chưa rõ nó liên quan như thế nào đến Chúa.

“Sự khác biệt nữa giữa mật mã và mô thức,” Langdon nói tiếp, “là mật mã không xảy ra tự nhiên trên đời này. Các ký hiệu âm nhạc không nảy ra từ những cái cây, và các biểu tượng không tự vẽ trên cát. Mật mã là những sáng tạo chủ tâm của những ý thức thông tuệ.”

Ambra gật đầu. “Như vậy mật mã luôn có một ý định hoặc nhận thức đằng sau chúng.”

“Chính xác. Mật mã không xuất hiện một cách hữu cơ; chúng phải được tạo ra.”

Ambra nhìn ông một lúc lâu. “Thế còn DNA?”

Một nụ cười rất lành nghề xuất hiện trên môi Langdon. “Bingo,” ông nói. “Bộ mã di truyền. Đó là nghịch lý.”

Ambra cảm thấy thú vị. Bộ mã di truyền rõ ràng mang theo dữ liệu – những chỉ dẫn cụ thể về cách kiến tạo các cơ thể. Theo lô-gic của Langdon, điều đó chỉ có thể đồng nghĩa với một thứ. “Anh nghĩ DNA được tạo ra bởi một trí thông minh!”

Langdon giơ một bàn tay lên trong tư thế vờ tự vệ. “Bình tĩnh nào!” ông nói, cười to. “Cô đang giẫm lên một lãnh địa nguy hiểm đấy. Để tôi nói điều này nhé. Từ hồi tôi còn bé, tôi đã có linh cảm rằng đằng sau vũ trụ có một ý thức. Khi tôi chứng kiến sự chính xác của toán học, độ tin cậy của vật lý và tính đăng đối của vũ trụ, tôi không cảm thấy như thể mình đang quan sát thứ khoa học lạnh lùng; tôi cảm thấy như thể mình đang chứng kiến một dấu chân sống động… cái bóng của một thế lực vĩ đại hơn nào đó vượt xa tầm hiểu biết của chúng ta.”

Tác giả: