Nguồn cội – Dan Brown

“Winston?” ông nói, bật thiết bị lên. “Alo?”

Một tiếng cạch khẽ và chất giọng Anh vi tính hóa xuất hiện trở lại.

“Xin chào Giáo sư. Vâng, tôi đây ạ. Ngài Kirsch đã đề nghị tôi đưa ngài lên thang máy phục vụ bởi vì thời gian quá ít không kịp trở lại tiền sảnh. Ông ấy cũng nghĩ ngài sẽ đánh giá cao loại thang máy phục vụ cỡ lớn.”

“Cậu ấy tốt bụng quá. Cậu ấy biết tôi sợ không gian chật hẹp.”

“Giờ thì tôi cũng đã biết. Và tôi sẽ không quên.”

Winston hướng dẫn Langdon đi qua cửa hông vào một hành lang xi măng và buồng thang máy. Đúng như đã hứa, khoang thang máy rất rộng rãi, rõ ràng được thiết kế để vận chuyển những tác phẩm nghệ thuật quá khổ.

“Nút trên cùng,” Winston nói lúc Langdon bước vào. “Tầng ba.”

Khi họ đến đích, Langdon bước ra.

“Rẽ phải ạ,” giọng nói vui vẻ của Winston vang lên trong đầu Langdon. “Chúng ta sẽ đi qua phòng trưng bày bên trái ngài. Đó là lối trực tiếp nhất dẫn tới thính phòng.”

Langdon theo chỉ dẫn của Winston băng qua một phòng trưng bày rộng rãi bày biện rất nhiều sắp đặt nghệ thuật kỳ quái: một khẩu đại bác bằng thép rõ ràng đã bắn những khối sáp đỏ tròn tròn nhớp nháp lên một bức tường trắng; một chiếc ca nô quấn bằng dây thép bùng nhùng chắc chắn không nổi được; toàn bộ một thành phố thu nhỏ làm bằng những khối kim loại bóng láng.

Khi họ đi qua phòng trưng bày về phía lối ra, Langdon nhận thấy mình đang ngơ ngác trân trối nhìn một tác phẩm đồ sộ choán hết cả không gian.

Chính thức đấy, ông quả quyết, mình đã tìm được tác phẩm lạ lùng nhất trong bảo tàng này.

Choán hết bề rộng của toàn bộ căn phòng, rất nhiều tượng chó sói bằng gỗ được tạo dáng rất năng động, phóng nước đại thành một hàng dài băng ngang phòng trưng bày nơi chúng nhảy vọt lên không trung và va mạnh người vào một bức tường kính trong suốt, hình thành một đống xác chó sói cao nghểu.

“Tác phẩm ấy có tên Tiến tới,” Winston hồn nhiên giới thiệu. “Chín mươi chín con sói mù quáng phóng mình vào một bức tường nhằm tạo hình tượng về tâm lý bầy đàn, tình trạng thiếu can đảm để thể hiện khác biệt với chuẩn mực.”

Cái nghịch lý của sự biểu trưng này gây ấn tượng mạnh cho Langdon. Mình ngờ rằng Edmond sẽ thể hiện sự khác biệt rất mạnh so với chuẩn mực trong buổi tối hôm nay.

“Bây giờ, nếu ngài tiếp tục đi thẳng tới trước,” Winston nói, “ngài sẽ thấy lối ra bên trái của tác phẩm hình viên kim cương nhiều màu sắc kia. Nghệ sĩ này là một trong những người Edmond rất yêu thích.”

Langdon nhận thấy bức tranh màu sắc tươi tắn trước mặt và lập tức nhận ra những nét nguệch ngoạc đã thành thương hiệu, các màu cơ bản và cái con mắt lơ lửng đầy tính chất bông lơn.

Joan Miró*, Langdon nghĩ, luôn cảm thấy thích thú với tác phẩm vui đùa của nghệ sĩ nổi tiếng người Barcelona, vốn có cảm giác như một sự pha trộn giữa một cuốn sách màu sắc dành cho trẻ em và một ô cửa sổ kính màu theo trường phái siêu thực. (Joan Miró (1893-1983) là họa sĩ, nhà điêu khắc và nghệ sĩ gốm người Tây Ban Nha, được đánh giá là theo trường phái siêu thực. Trong nhiều bài phỏng vấn từ những năm 1930 trở đi, Miró bày tỏ thái độ coi thường các phương pháp vẽ thông thường, cho đó là cách ủng hộ xã hội tư sản, và nổi tiếng khi tuyên bố “ám sát hội họa” để ủng hộ việc phá vỡ những yếu tố thị giác của ngành hội họa đã được định hình.)
Chân dung tự họa của nghệ sĩ nổi tiếng người Barcelona

Tuy nhiên, khi Langdon đến ngang tầm với tác phẩm, ông dừng sững lại, giật mình khi thấy rằng bề mặt của nó hoàn toàn trơn láng, không hề nhìn thấy một nét bút nào. “Là một bản sao à?”

“Không, đó là bản gốc,” Winston trả lời.

Langdon nhìn gần hơn. Rõ ràng tác phẩm được in bằng một máy in khổ lớn. “Winston, đây là một bản in. Nó thậm chí còn không hề có toan.”

“Tôi không sáng tác trên chất liệu toan,” Winston trả lời. “Tôi sáng tạo nghệ thuật về mặt hình ảnh và sau đó Edmond in ra cho tôi.”

“Khoan đã,” Langdon nói vẻ không tin. “Thứ này của anh à?”

“Vâng, tôi cố gắng bắt chước phong cách của Joan Miró.”

“Tôi có thể nhận thấy điều đó,” Langdon nói. “Anh thậm chí còn ký tên… Miró.”

“Không hề,” Winston nói. “Xin hãy nhìn lại xem. Tôi ký là Miro… không có dấu. Trong tiếng Tây Ban Nha, từ miro có nghĩa là ‘Tôi nhìn’.”

Thông minh lắm, Langdon phải thừa nhận như vậy, ngắm nghía con mắt theo phong cách Miró đang nhìn người xem từ chính giữa tác phẩm của Winston.

“Edmond đề nghị tôi tạo ra một bức chân dung tự họa, và đây là những gì tôi sáng tác.”

Đây là chân dung tự họa của anh bạn sao? Langdon lại liếc nhìn tập hợp những nét nguệch ngoạc không đều nhau. Hẳn anh bạn phải là một chiếc máy tính trông rất kỳ lạ.

Gần đây, Langdon đã đọc về hứng thú ngày càng tăng của Edmond đối với việc dạy cho máy tính cách sáng tạo nghệ thuật thuật toán – tức là nghệ thuật được tạo ra bởi những chương trình máy tính cực kỳ phức tạp. Điều đó đặt ra một câu hỏi nhức nhối: khi một máy tính sáng tạo nghệ thuật thì nghệ sĩ là ai – máy tính hay người lập trình? Tại Học viện Công nghệ Massachusetts, một triển lãm gần đây về nghệ thuật thuật toán cực kỳ hoàn hảo đã đặt ra một vấn đề rất khó giải cho ngành nhân văn của Đại học Harvard: Có phải nghệ thuật là những gì khiến chúng ta thành con người?

“Tôi cũng soạn cả nhạc,” Winston lên tiếng. “Sau này ngài nên yêu cầu Edmond bật một vài bản cho ngài, ngài sẽ tò mò đấy. Còn lúc này, ngài cần khẩn trương lên. Buổi thuyết trình sắp bắt đầu rồi.”

Langdon rời phòng trưng bày và nhận ra mình đang ở trên một lối đi rất cao nhìn xuống tiền sảnh chính. Ở mé đối diện của không gian nhiều hang hốc này, các hướng dẫn viên đang thúc giục một vài vị khách đi lung tung cuối cùng ra khỏi thang máy, dồn họ theo hướng Langdon về phía một ô cửa phía trước.

“Chương trình tối nay được sắp đặt mở màn chỉ sau vài phút nữa,” Winston nói. “Ngài có thấy lối vào không gian thuyết trình không?”

“Tôi thấy rồi. Ngay trước mặt.”

“Tốt lắm. Một điểm cuối cùng. Khi ngài đi vào, ngài sẽ thấy mấy cái thùng thu thập tai nghe. Edmond đề nghị ngài không trả lại cái của ngài, mà cứ giữ lấy. Như thế này, sau chương trình, tôi có thể hướng dẫn ngài ra khỏi bảo tàng qua một cửa hậu, nơi ngài tránh được đám đông và chắc chắn tìm được một chiếc taxi.”

Langdon hình dung ra chuỗi những chữ cái và con số lạ lùng mà Edmond đã viết vội trên tấm danh thiếp, dặn ông đưa nó cho người lái taxi. “Winston, tất cả những gì Edmond viết ra là ‘BIO-EC346’. Cậu ấy gọi đó là một mật mã cực kỳ đơn giản.”

“Ông ấy nói sự thật đấy,” Winston trả lời rất nhanh. “Bây giờ, thưa Giáo sư, chương trình sắp bắt đầu rồi. Tôi hy vọng ngài thấy thích màn thuyết trình của ngài Kirsch và tôi mong được hỗ trợ ngài sau đó.”

Với một tiếng cách đột ngột, giọng Winston biến mất.

Langdon lại gần mấy cánh cửa vào, gỡ tai nghe của mình và đút cái thiết bị nhỏ xíu ấy vào túi áo khoác. Xong xuôi, ông vội vã bước qua cửa cùng một vài vị khách cuối cùng đúng lúc cánh cửa khép lại sau lưng ông.

Một lần nữa, ông thấy mình trong một không gian bất ngờ.

Chúng ta đứng nghe thuyết trình à?

Langdon cứ đinh ninh đám đông tụ tập trong một thính phòng ngồi thoải mái để nghe công bố của Edmond, nhưng thay vào đó, hàng trăm khách khứa đứng túm tụm trong một không gian trưng bày quét sơn trắng chật chội. Gian phòng không hề có tác phẩm nghệ thuật hay chỗ ngồi nào – chỉ có một cái bục ở bức tường phía xa, hai bên là màn hình LCD rất lớn có dòng chữ:

Chương trình trực tiếp sắp bắt đầu sau 2 phút 07 giây

Langdon bỗng cảm thấy phải dè chừng và mắt ông tiếp tục lướt xuống phía dưới màn hình LCD để đọc dòng chữ thứ hai, mà ông phải đọc tới lần thứ hai:

Số người tham dự từ xa hiện tại: 1.953.694

Hai triệu người ư?

Kirsch đã nói với Langdon anh sẽ phát trực tiếp thông báo của mình, nhưng con số này dường như là không tưởng, và mỗi khắc trôi qua, đồng hồ hiển thị lại tăng lên nhanh hơn.

Một nụ cười hiện trên gương mặt Langdon. Chàng sinh viên cũ của ông chắc chắn đã rất thành công. Câu hỏi lúc này là: Edmond sắp nói chuyện quỷ quái gì?

CHƯƠNG 13

Trong một sa mạc đẫm ánh trăng ngay phía đông Dubai, một chiếc xe địa hình mui trần Sand Viper 1100 ngoặt gấp sang trái và phanh kít lại, thổi cả một màn cát cuộn lên ngay phía trước những ngọn đèn pha sáng quắc.

Người thiếu niên ngồi phía sau vô lăng giật kính của mình ra và nhìn chằm chằm thứ cậu vừa suýt chẹt qua. Sợ hãi, cậu leo ra khỏi xe và đến gần cái hình thù đen thẫm trong cát.

Chắc chắn, đó chính là thứ có vẻ là vậy.

Trong ánh sáng đèn pha của cậu, nằm úp mặt xuống cát là một thân người bất động.

Marhaba?” cậu bé gọi to. “Xin chào?”

Không có phản ứng.

Cậu bé dám khẳng định đó là một con người nhờ trang phục của người đó – một chiếc mũ chechia* truyền thống cùng chiếc áo dài thawb* rộng rãi – và người này trông béo tốt và thấp lùn. Những dấu chân của ông ấy đã bị thổi bay từ lâu, cũng như không thấy vệt bánh xe nào hay dấu hiệu gì để biết xem làm cách nào ông ấy có thể lần mò xa đến thế này trong hoang mạc trơ trụi. (chechia hay còn gọi là taqiyah là loại mũ sọ tròn, thấp quen thuộc của tín đồ Hồi giáo thường được đội cho các mục đích tôn giáo. thawb là loại áo dài đến đầu mắt cá chân, thường có ống tay dài, là trang phục truyền thống dành cho nam giới, rất thịnh hành ở bán đảo Arab.)

Marhaba?” cậu bé nhắc lại.

Không thấy gì.

Ngập ngừng không biết phải làm gì khác, cậu bé thò chân ra và khẽ hẩy nhẹ vào sườn người đàn ông. Mặc dù cơ thể ông tròn ủng, nhưng da thịt ông có cảm giác căng cứng, đã bị gió và mặt trời hong khô.

Chết hoàn toàn.

Cậu bé cúi xuống, nắm lấy vai người đàn ông và lật ông nằm ngửa lên. Đôi mắt vô hồn của người kia trừng trừng nhìn lên trời. Gương mặt và bộ râu của ông phủ đầy cát, nhưng cho dù bẩn thỉu, trông ông vẫn có gì đó thân thiện, thậm chí còn quen thuộc, như một người ông hay một người bác dễ gần.

Tác giả: