Nguồn cội – Dan Brown

Tiến sĩ Bennett ngừng lại. “Và có lẽ có một cách đơn giản hơn. Sẽ ra sao nếu bằng cách nào đó chúng ta đóng gói được bộ gen người vào những viên nén nhỏ xíu và gửi hàng triệu viên vào không gian với hy vọng một viên có thể bén rễ, gieo mầm sự sống của con người lên một hành tinh xa xôi? Công nghệ này vẫn chưa có, nhưng chúng ta đang bàn đến nó như một lựa chọn khả dĩ cho sự sinh tồn của con người. Và nếu chúng ta tính đến chuyện ‘gieo mầm sự sống,’ thì lẽ tất nhiên là một dạng sống tiến bộ hơn có thể cũng đã tính đến điều đó.”

Giờ Langdon thấy nghi ngại không biết Tiến sĩ Bennett sẽ đi đến đâu với giả thuyết của ông ấy.

“Với điều này trong đầu,” ông tiếp tục, “tôi tin Edmond Kirsch có thể đã phát hiện được một dấu hiệu gì đó của sinh vật lạ – là vật lý, hóa học, hay số hóa thì tôi không biết – chứng minh rằng sự sống trên Trái Đất được gieo mầm từ vũ trụ. Tôi cần đề cập rằng Edmond và tôi từng có một cuộc tranh luận về chuyện này vài năm trước. Anh ấy không hề thích giả thuyết vi khuẩn vũ trụ bởi vì anh ấy tin, cũng như nhiều người, rằng chất liệu di truyền không thể sống nổi trong nhiệt độ và bức xạ chết người sẽ gặp phải trong hành trình dài tới Trái Đất. Về mặt cá nhân, tôi tin rằng hoàn toàn khả thi để bao kín ‘những hạt mầm sự sống’ này trong các khoang bảo vệ chống bức xạ và bắn chúng vào không gian để đưa người đi khắp vũ trụ theo một hình thức tạo nguồn gốc sự sống từ vũ trụ có công nghệ hỗ trợ.”

“Được rồi,” phát thanh viên nói, trông có vẻ bồn chồn, “nhưng nếu ai đó phát hiện được bằng chứng rằng con người đến từ một vỏ hạt gửi tới từ vũ trụ thì khi ấy điều đó có nghĩa là chúng ta không hề đơn độc trong vũ trụ.” Cô ngừng lại. “Mà, đáng kinh ngạc hơn nhiều…”

“Vâng?” Tiến sĩ Bennett mỉm cười lần đầu tiên.

“Nó có nghĩa là bất kỳ ai gửi các khoang đó sẽ phải… giống như chúng ta… loài người!”

“Phải, cũng là kết luận đầu tiên của tôi.” Nhà khoa học ngừng lời. “Rồi Edmond trao đổi thẳng với tôi. Anh ấy chỉ ra những sai lầm trong cách nghĩ đó.”

Câu này khiến phát thanh viên không chú ý. “Vậy niềm tin của Edmond là bất kỳ ai gửi những ‘hạt mầm’ này đều không phải là con người? Làm sao có thể như vậy được, nếu các hạt mầm, xin nói như vậy, là ‘công thức chế biến’ cho việc nhân giống loài người?”

“Con người chưa chín hẳn đâu,” nhà khoa học trả lời, “nói theo đúng lời Edmond như vậy.”

“Sao cơ ạ?”

“Edmond nói rằng nếu cái giả thuyết khoang hạt này là sự thật thì công thức chế biến được gửi tới Trái Đất có lẽ chỉ mới dở chừng lúc này – vẫn chưa hoàn chỉnh – nghĩa là con người chưa phải ‘thành phẩm’ mà thay vào đó mới chỉ là một giống loài trung gian đang tiến hóa thành gì đó khác… gì đó rất lạ lẫm.”

Phát thanh viên CNN trông vô cùng bối rối.

“Edmond cho rằng bất kỳ dạng sống tiến bộ nào đều sẽ không gửi công thức tạo loài người nhiều hơn là gửi công thức tạo tinh tinh.” Nhà khoa học cười khùng khục. “Thực tế Edmond quy kết tôi là một tín đồ Thiên Chúa giáo thiếu thực tế – đùa rằng chỉ có một tư duy tôn giáo mới có thể tin rằng con người là trung tâm của vũ trụ. Hoặc là sinh vật lạ sẽ gửi đường không bộ DNA ‘Adam and Eve’ hình thành trọn vẹn vào vũ trụ.”

“Chà, thưa Tiến sĩ,” phát thanh viên nói, rõ ràng không thấy thoải mái với hướng mà cuộc phỏng vấn đang diễn ra. “Thật là được mở mang nhiều khi trò chuyện với ông. Xin cảm ơn ông đã dành thời gian.”

Đoạn clip kết thúc và Ambra lập tức ngoảnh sang Langdon. “Anh Robert, nếu Edmond phát hiện ra bằng chứng cho thấy con người mới là một giống loài xa lạ tiến hóa dở chừng, thì khi đó sẽ làm nảy sinh một vấn đề còn lớn hơn nữa – chính xác chúng ta đang tiến hóa thành gì?”

“Đúng,” Langdon nói. “Và tôi tin Edmond đã nói đến vấn đề đó theo một cách hơi khác – như một câu hỏi: Chúng ta đang đi về đâu?”

Ambra có vẻ thảng thốt khi đi trọn một vòng. “Câu hỏi thứ hai của Edmond từ buổi thuyết trình tối nay.”

“Chính xác. Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đang đi về đâu? Rõ ràng, nhà khoa học NASA mà chúng ta vừa xem nghĩ Edmond nhìn lên bầu trời và thấy câu trả lời cho cả hai câu hỏi.”

Anh nghĩ gì vậy, Robert? Đây là những gì Edmond đã phát hiện ư?”

Langdon cảm nhận được lông mày mình nhíu lại đầy nghi ngờ khi ông cân nhắc các khả năng. Giả thuyết của nhà khoa học, dù rất thú vị, dường như quá chung chung và khác biệt hẳn với tư duy sắc bén của Edmond Kirsch. Edmond thích những gì đơn giản, rõ ràng và kỹ thuật. Cậu ấy là một nhà khoa học máy tính. Điều quan trọng hơn, Langdon không thể hình dung nổi Edmond sẽ chứng minh giả thuyết như vậy thế nào. Khai quật được một khoang hạt cổ ư? Phát hiện được một tín hiệu truyền dẫn lạ chăng? Cả hai giả thuyết đều sẽ lập tức là những đột phá, nhưng phát hiện của Edmond lại tốn thời gian.

Edmond nói cậu ấy làm việc với thứ này hàng tháng trời.

“Hẳn nhiên tôi không biết,” Langdon nói với Ambra, “nhưng linh cảm tôi mách bảo phát hiện của Edmond chẳng liên quan gì đến sự sống ngoài Trái Đất. Tôi thật sự tin cậu ấy đã phát hiện ra gì đó hoàn toàn khác.”

Ambra trông có vẻ ngạc nhiên, và sau đó là tò mò. “Tôi đoán có một cách duy nhất để tìm ra.” Nàng ra hiệu ra phía ngoài cửa sổ.

Trước mặt họ là những ngọn tháp lấp lánh của Sagrada Família.

CHƯƠNG 64

Giám mục Valdespino lén liếc nhìn nhanh Julián, người vẫn trân trân nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ chiếc xe mui kín hiệu Opel khi nó lao theo Đại lộ M-505.

Anh ta đang nghĩ gì? Valdespino thắc mắc.

Hoàng tử đã im lặng suốt gần ba mươi phút, gần như chẳng nhúc nhích ngoại trừ thỉnh thoảng theo phản xạ lại thò tay vào túi để lấy điện thoại, chỉ để nhận ra rằng chàng đã cất nó trong két an toàn của mình.

Ta cần giữ anh ta trong bóng tối, Valdespino nghĩ, lâu hơn thêm một chút.

Ở ghế trước, thầy tu trẻ từ nhà thờ vẫn đang lái xe theo hướng về Điền trang Hoàng tử, mặc dù chẳng mấy lúc Valdespino sẽ cần thông báo với Hoàng tử rằng chỗ ẩn dật của chàng không phải là đích đến của họ.

Julián đột ngột từ cửa sổ ngoảnh lại, vỗ vỗ lên vai thầy tu trẻ. “Làm ơn bật đài lên,” chàng nói. “Ta muốn nghe thời sự.”

Người đàn ông trẻ chưa kịp làm theo thì Valdespino đã nhổm tới trước và đặt một bàn tay rắn chắc lên vai anh ta. “Chúng ta cứ ngồi yên lặng chứ nhỉ?”

Julián ngoảnh lại phía Giám mục, rõ ràng rất khó chịu khi bị lấn lướt.

“Thần xin lỗi,” Valdespino nói ngay, cảm thấy sự mất niềm tin đang tăng lên trong mắt Hoàng tử. “Muộn rồi. Chỉ toàn chuyện tào lao. Thần thích im lặng suy ngẫm.”

“Ta vẫn suy ngẫm nãy giờ,” Julián nói, giọng đanh lại, “và ta muốn biết chuyện gì đang xảy ra trên đất nước của ta. Chúng ta hoàn toàn tự cách ly mình tối nay và ta bắt đầu băn khoăn liệu đây có phải là một ý hay.”

“Đó là một ý hay,” Valdespino quả quyết với chàng, “và thần rất biết ơn sự tin tưởng ngài dành cho thần.” Ông bỏ tay khỏi vai thầy tu trẻ và ra hiệu về phía hệ thống thu thanh. “Làm ơn bật kênh thời sự lên. Có lẽ Đài María España nhỉ?”

Valdespino hy vọng kênh Công giáo toàn thế giới này sẽ hòa nhã và khéo léo hơn hầu hết các kênh truyền thông khi nói về những diễn biến phiền phức tối nay.

Khi giọng của phát thanh viên phát ra qua hệ thống loa rẻ tiền trên xe, anh ta đang nói về phần thuyết trình và vụ ám sát Edmond Kirsch. Tất cả các kênh trên thế giới đều đang nói về sự việc này tối nay. Valdespino chỉ hy vọng tên của ông ta sẽ không xuất hiện trong bản tin.

Rất may, chủ đề lúc này có vẻ là những mối nguy hại của cái thông điệp bài tôn giáo mà Kirsch rao giảng, đặc biệt là mối đe dọa do ảnh hưởng của anh với giới trẻ ở Tây Ban Nha. Để lấy làm ví dụ, kênh này bắt đầu phát lại một bài giảng Kirsch trình bày gần đây tại Đại học Barcelona.

“Nhiều người trong chúng ta ngại gọi mình là vô thần,” Kirsch nói rất bình thản trước các sinh viên. “Nhưng vô thần không phải là một triết lý, vô thần cũng không phải là thế giới quan. Vô thần chỉ đơn giản là sự thừa nhận những điều hiển nhiên.”

Vài sinh viên vỗ tay tán đồng.

“Cái thuật ngữ ‘vô thần’,” Kirsch nói tiếp, “thậm chí chẳng cần tồn tại. Làm gì có ai cần phải tự nhận mình là một người ‘phi chiêm tinh’ hay ‘phi giả kim’ đâu. Chúng ta không có từ ngữ để chỉ những người vẫn nghi ngờ rằng Elvis còn sống, hay những người băn khoăn rằng sinh vật lạ vượt qua thiên hà chỉ để quấy rầy đám gia súc. Vô thần chẳng là gì khác hơn những tiếng ồn mà những con người duy lý tạo ra khi có những tín điều tôn giáo phi lý.”

Số lượng sinh viên vỗ tay tán thưởng tăng lên hẳn.

“Nhân tiện thì cái định nghĩa đó không phải của tôi,” Kirsch nói với họ. “Những lời ấy thuộc về nhà khoa học thần kinh Sam Harris. Và nếu các bạn chưa đọc thì các bạn cần phải đọc cuốn sách Thư gửi một dân tộc Thiên Chúa giáo của ông ấy.”

Valdespino cau mày, nhớ lại sự xôn xao mà cuốn sách của Harris, có tiêu đề Carta a Nación Cristiana trong tiếng Tây Ban Nha, tạo ra và lan rộng khắp Tây Ban Nha, mặc dù nó được viết cho người Mỹ.

“Bằng cách giơ cao tay,” Kirsch nói tiếp, “có bao nhiêu người trong các bạn tin vào bất kỳ vị thần cổ đại nào đó dưới đây: Apollo? Zeus? Vulcan?” Anh ngừng lại, sau đó bật cười. “Không một ai trong số các bạn à? Được rồi, vậy có vẻ là tất cả chúng ta đều là những người vô thần kính trọng những vị thần ấy.” Anh ngừng lại. “Tôi thì đơn giản là chọn tiến xa thêm một vị thần nữa.”

Đám đông vỗ tay to hơn.

“Thưa các bạn, tôi không hề nói tôi biết một sự thật rằng không hề có Chúa. Tất cả những gì tôi nói là nếu có một thế lực thần thánh đằng sau vũ trụ thì thế lực ấy sẽ cười như điên trước những tôn giáo chúng ta tạo ra nhằm cố định nghĩa nó.”

Tác giả: