Nguồn cội – Dan Brown

“Tại sao ông không nói cho ta chúng ta đang đi đâu?” Julián hỏi. “Tại sao lại phải nói dối và giữ bí mật?”

“Thần xin tạ lỗi, thần không còn lựa chọn nào khác. Hoàng thượng ra lệnh rất rõ ràng cho thần. Ngài lệnh cho thần bảo vệ điện hạ trước cái thế giới bên ngoài và trước mọi tin tức cho tới khi ngài có cơ hội đích thân nói chuyện với điện hạ.”

“Bảo vệ cho ta trước… tin tức gì chứ?”

“Thần nghĩ sẽ là tốt nhất nếu điện hạ để Hoàng thượng giải thích.”

Julián nhìn Giám mục một lúc lâu. “Trước khi ta gặp cha, có chuyện ta cần biết. Ông ấy còn minh mẫn không? Ông ấy còn sáng suốt không?”

Valdespino nhìn chàng không mấy chắc chắn. “Sao điện hạ lại hỏi vậy?”

“Bởi vì,” Julián trả lời, “những yêu cầu của cha dường như rất lạ lùng và hấp tấp.”

Valdespino gật đầu buồn bã. “Hấp tấp hay không thì Hoàng thượng vẫn là vua. Thần yêu và làm theo lệnh ngài. Tất cả chúng ta đều vậy.”

CHƯƠNG 73

Đứng cạnh nhau bên hòm trưng bày, Robert Langdon và Ambra Vidal chăm chú nhìn xuống bản thảo của William Blake, được chiếu rõ nhờ ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn dầu. Đức cha Beña đã tạm rời đi để chỉnh lại mấy chiếc ghế cho ngay ngắn, đồng thời lịch sự dành cho họ chút thời gian riêng tư.

Langdon có chút khó khăn khi đọc những con chữ bé xíu trên bản thảo viết tay của nhà thơ, nhưng phần tiêu đề lớn hơn hẳn ngay trên đầu trang thì nhìn rõ mồn một.

The Four Zoas

Nhìn những từ này, Langdon lập tức cảm thấy có tia hy vọng. The Four Zoas là tiêu đề một trong những tác phẩm thơ mang tính tiên tri nổi tiếng nhất của Blake – một tác phẩm đồ sộ được chia thành chín “đêm”, hay Chương. Các chủ đề của bài thơ, theo Langdon còn nhớ nhờ đọc hồi còn học đại học, tập trung vào sự kết thúc của tôn giáo truyền thống và sự thống trị tất yếu của khoa học.

Langdon lướt nhìn xuống các khổ văn bản, nhìn thấy các dòng chữ viết tay kết thúc lưng chừng trang giấy bằng “finis divisionem” – cụm từ tương đương với từ “Hết” được vẽ rất đẹp.

Đây là trang cuối của bài thơ, ông nhận ra vậy. Phần kết của một trong những kiệt tác mang tính tiên tri của Blake!

Langdon cúi người và nheo mắt nhìn những chữ viết tay nhỏ xíu, nhưng ông không tài nào đọc được nội dung trong ánh sáng đèn dầu tù mù.

Ambra cũng đã khom người, mặt gí sát lớp kính. Nàng lặng lẽ lướt đọc bài thơ, dừng lại để đọc to một dòng. “‘Và Loài người từ trong lửa đỏ bước tới, lũ quỷ dữ đều bị thiêu đốt.’” Nàng ngoảnh sang Langdon. “Quỷ dữ đều bị thiêu đốt ư?”

Langdon xem xét câu đó, lơ đễnh gật đầu. “Tôi tin Blake muốn nói đến việc loại bỏ thứ tôn giáo sa đọa. Một tương lai phi tôn giáo là một trong những điều tiên tri lặp đi lặp lại của ông ấy.”

Ambra trông đầy hy vọng. “Edmond nói dòng thơ yêu thích của anh ấy là một lời tiên tri mà anh ấy hy vọng sẽ thành sự thật.”

“Chà,” Langdon nói, “một tương lai không tôn giáo chắc chắn là điều Edmond muốn. Dòng đó có bao nhiêu mẫu tự?”

Ambra bắt đầu đếm nhưng rồi lắc đầu. “Năm mươi.”

Nàng lại đọc lướt bài thơ, một lúc sau thì dừng lại. “Thế còn câu này? ‘Những đôi mắt đang mở rộng của Con người nhìn thấu bề sâu của những thế giới kỳ lạ.’

“Có thể đấy,” Langdon nói, suy ngẫm về ý nghĩa của câu này. Tri thức của con người sẽ tiếp tục tăng lên và tiến hóa theo thời gian, giúp chúng ta nhìn sâu hơn vào chân lý.

“Lại quá nhiều chữ rồi,” Ambra nói. “Tôi sẽ tiếp tục.”

Khi nàng tiếp tục đọc lần xuống dưới trang sách, Langdon bắt đầu trầm ngâm đi đi lại lại phía sau nàng. Những dòng thơ nàng đã đọc cứ vang vọng trong tâm trí ông và gợi nhớ đến một ký ức xa xăm khi ông đọc thơ Blake trong một lớp “văn học Anh” ở Princeton.

Những hình ảnh bắt đầu hình thành, như thỉnh thoảng vẫn vậy với trí nhớ hình ảnh thị giác của Langdon. Những hình ảnh này gợi ra những hình ảnh mới, thành một chuỗi vô tận. Bỗng nhiên, đứng trong hầm mộ, Langdon vụt nhớ đến vị giáo sư của mình, người mà, khi lớp học đọc xong The Four Zoas, đứng trước mặt họ và hỏi những câu hỏi có từ lâu: Các em sẽ chọn gì? Một thế giới không tôn giáo? Hay một thế giới không khoa học? Sau đó vị giáo sư nói thêm: Rõ ràng, William Blake đã có sự lựa chọn, và không ở đâu hy vọng về tương lai của ông được tổng kết rõ hơn trong dòng cuối cùng của bài thơ trường thiên này.

Langdon hít một hơi thảng thốt và xoay người về phía Ambra, lúc này vẫn đang cắm cúi với bản thảo của Blake.

“Ambra – nhảy cóc xuống cuối bài thơ đi!” ông nói, giờ đã nhớ dòng cuối cùng của bài thơ.

Ambra nhìn xuống cuối bài thơ. Sau một lúc chăm chú, nàng quay lại phía ông với đôi mắt mở to và nét mặt ngạc nhiên.

Langdon đến chỗ cuốn sách cùng nàng, chăm chú nhìn xuống văn bản. Giờ khi đã biết dòng thơ ấy, ông có thể nhận ra các mẫu tự viết tay mờ mờ:

Mọi tôn giáo u tối tiêu vong & khoa học lành mạnh thống trị.

‘Mọi tôn giáo u tối tiêu vong’,” Ambra đọc to, “‘khoa học lành mạnh thống trị.’

Dòng thơ không chỉ là một lời tiên tri mà Edmond xác nhận, về cơ bản nó còn là lời tóm tắt cho bài thuyết trình của anh đầu giờ tối nay.

Các tôn giáo sẽ mai một… và khoa học sẽ thống trị.

Ambra bắt đầu đếm thật cẩn thận các mẫu tự trong dòng thơ, nhưng Langdon biết điều đó không cần thiết. Chính nó đây. Không nghi ngờ gì. Tâm trí ông đã chuyển sang việc truy cập Winston và công bố bài thuyết trình của Edmond. Kế hoạch của Langdon nhằm thực hiện việc đó như thế nào là điều ông cần giải thích riêng với Ambra.

Ông quay sang Đức cha Beña, vừa quay trở lại. “Đức cha?” ông hỏi. “Chúng con gần như đã xong việc ở đây rồi. Cảm phiền cha lên trên tầng và bảo các đặc vụ Cận vệ gọi trực thăng được không ạ? Chúng con cần đi ngay.”

“Dĩ nhiên rồi,” Đức cha Beña nói và đi thẳng lên cầu thang. “Ta hy vọng các con tìm được những gì các con phải tới đây tìm. Lát nữa ta sẽ gặp các con trên kia.”

Khi vị tu sĩ biến mất trên cầu thang, Ambra rời mắt khỏi cuốn sách với vẻ hoảng hốt bất ngờ.

“Anh Robert,” nàng nói. “Dòng này quá ngắn. Tôi đếm hai lần rồi. Nó chỉ có bốn mươi sáu mẫu tự. Chúng ta cần bốn mươi bảy cơ.”

“Sao cơ?” Langdon bước tới bên nàng, nheo mắt nhìn bản thảo và cẩn thận đếm từng mẫu tự viết tay. “Mọi tôn giáo u tối tiêu vong & khoa học lành mạnh thống trị.” Ông đếm đến bốn mươi sáu. Ông bối rối nghiên cứu lại dòng thơ. “Chắc chắn Edmond nói bốn mươi bảy, không phải bốn mươi sáu chứ?”

“Chắc chắn.”

Langdon đọc lại dòng thơ. Nhưng phải là câu này, ông nghĩ. Mình thiếu gì nhỉ?

Rất cẩn trọng, ông rà lại từng con chữ trong dòng cuối bài thơ của Blake. Ông gần rà đến cuối thì nhìn thấy nó.

… & khoa học lành mạnh thống trị.

“Cái ký hiệu &,” Langdon thốt lên. “Ký hiệu Blake dùng thay cho việc viết hẳn ra từ ‘còn*’.” (còn trong nguyên tác tiếng Anh là “and”, trong tiếng Latin là “et”. Để bảo đảm giữ nguyên được yếu tố kịch tính này, dịch giả chuyển dịch ký hiệu thành “còn” và “và” trong tiếng Việt để đạt số lượng mẫu tự tương ứng, dù ký hiệu này thường chỉ được hiểu tương đương từ “và” của tiếng Việt.)

Ambra nhìn ông lạ lẫm và sau đó lắc đầu. “Robert, nếu chúng ta thay từ ‘còn’… thì dòng thơ có bốn mươi tám mẫu tự. Quá dài.”

Không đúng. Langdon mỉm cười. Đó là một mật mã trong mật mã.

Langdon kinh ngạc trước sự cố ý bóp méo tinh quái của Edmond. Anh chàng thiên tài hoang tưởng này đã dùng một mánh đơn giản trong nghệ thuật in để bảo đảm rằng ngay cả khi ai đó phát hiện ra đâu là dòng thơ yêu thích của mình thì họ cũng vẫn không thể gõ chính xác nó được.

Mật mã ký hiệu &, Langdon nghĩ. Edmond vẫn nhớ nó.

Nguồn gốc của ký hiệu & luôn là một trong những điều đầu tiên Langdon dạy trong các lớp biểu tượng học của mình. Cái biểu tượng là một dấu tốc ký – đúng ra là một bức tranh thể hiện cho một từ. Trong khi nhiều người cho rằng ký hiệu này bắt nguồn từ từ “and” trong tiếng Anh nhưng thực tế nó bắt nguồn từ từ et trong tiếng La tinh. Thiết kế bất thường của ký hiệu này là sự hợp nhất trong nghệ thuật in của các chữ cái ET – kiểu chữ ghép ngày nay vẫn thấy được trong các phông chữ máy tính như Trebuchet, với ký hiệu rõ ràng bắt chước nguồn gốc La tinh của nó.

Langdon sẽ không bao giờ quên rằng cái tuần sau khi ông dạy lớp của Edmond về ký hiệu anh chàng thiên tài trẻ tuổi xuất hiện, mặc một chiếc áo phông có in thông điệp – Ampersand phone home! – một sự ám chỉ khôi hài đến bộ phim của Spielberg về một sinh vật ngoài trái đất có tên “ET” cố gắng tìm đường trở về nhà.

Giờ đây, đứng bên bài thơ của Blake, Langdon có thể hình dung ra mật khẩu bốn mươi bảy mẫu tự của Edmond rất rành rẽ trong đầu.

Mọitôngiáoutốitiêuvongvàkhoahọclànhmạnhthốngtrị

Edmond tinh anh, Langdon nghĩ bụng, nhanh chóng cho Ambra biết về cái mẹo khéo léo Edmond dùng để tăng thêm một cấp độ an ninh cho mật khẩu của mình.

Khi sự thật ấy trở nên rõ ràng với nàng, Ambra mới cười tươi và lần đầu Langdon nhìn thấy nụ cười của nàng kể từ lúc họ gặp nhau. “Ái chà,” nàng nói, “tôi đoán nếu chúng ta từng có nghi ngờ rằng Edmond Kirsch là một tay lập dị…”

Hai người cùng cười xòa, tranh thủ khoảnh khắc ấy để thở phào trong không gian tịch mịch của hầm mộ.

“Anh đã tìm được mật khẩu,” nàng nói, nghe đầy biết ơn. “Và tôi cảm thấy tiếc hơn bao giờ hết rằng tôi để mất điện thoại của Edmond. Nếu chúng ta vẫn còn thứ đó, thì chúng ta có thể khởi động bài thuyết trình của Edmond ngay lúc này rồi.”

“Không phải lỗi của cô,” ông nói trấn an. “Và, như tôi đã nói với cô, tôi biết cách tìm ra Winston mà.”

Ít nhất mình nghĩ mình làm được, ông trầm ngâm, hy vọng mình đúng.

Khi Langdon mường tượng ra khung cảnh của Barcelona, và cái câu đố khác thường còn nằm phía trước, sự im lặng của hầm mộ bị xé tan bởi một âm thanh chói tai vang vọng xuống cầu thang.

Bên trên, Đức cha Beña đang thét gọi tên họ.

Tác giả: