Nguồn cội – Dan Brown

Ông nghĩ đến mong ước từ lâu của Edmond nhằm hủy hoại Giáo hội Palmaria, và cái cách vụ ám sát anh được thực hiện bởi một thành viên của Giáo hội Palmaria gần như chắc chắn đạt được mục tiêu đó ngay lập tức và lâu dài.

Ông nghĩ đến thái độ khinh bỉ của Edmond dành cho những kẻ thù cay nghiệt nhất của mình – những kẻ cuồng tín tôn giáo mà, nếu Edmond chết vì ung thư, sẽ mãn nguyện tuyên bố rằng anh bị Chúa trừng phạt. Như bọn họ đã làm vậy, không một chút suy nghĩ, trong trường hợp của tác giả vô thần Christopher Hitchens. Nhưng giờ đây quan niệm của công chúng sẽ là Edmond bị hạ sát bởi một kẻ cuồng tôn giáo.

Edmond Kirsch – bị tôn giáo sát hại – tử đạo vì khoa học.

Langdon đứng bật lên, khiến cho toa xe lắc lư từ bên này sang bên kia. Ông bíu lấy ô cửa sổ để ngỏ để đứng vững, và khi toa xe kẽo kẹt, Langdon nghe thấy những lời của Winston từ tối qua còn văng vẳng.

“Edmond muốn tạo dựng một tôn giáo mới… dựa trên khoa học.”

Như bất kỳ ai đọc về lịch sử tôn giáo đều có thể xác thực, chẳng có gì gắn kết niềm tin của con người nhanh hơn là một người chết cho sự nghiệp của mình. Đức Christ trên thập giá. Kedoshim* của Do Thái giáo. Shahid* của Hồi giáo. (Kedoshim, mang nghĩa “những điều thiêng liêng”, là phần đọc Ngũ thư hằng tuần thứ 30 trong chu kỳ đọc Ngũ thư thường niên của người Do Thái, thường đọc vào tháng 4 hoặc 5. Thuật ngữ này đôi khi cũng được dùng để chỉ sáu triệu người Do Thái bị tàn sát trong cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã. Shahid nghĩa là Người tử đạo.)

Tử đạo là trung tâm của toàn bộ tôn giáo.

Những ý tưởng đang hình thành trong tâm trí Langdon càng lúc càng khiến ông thấy rối bời hơn sau mỗi khắc qua đi.

Các tôn giáo mới đem lại câu trả lời mới cho những câu hỏi lớn của cuộc sống.

Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đang đi về đâu?

Các tôn giáo mới lên án sự cạnh tranh với họ.

Đêm qua Edmond coi khinh mọi tôn giáo trên Trái Đất này.

Các tôn giáo mới hứa hẹn một tương lai tốt hơn, và rằng thiên đường đang chờ đợi.

Sự sung túc: Tương lai tốt đẹp hơn bạn nghĩ.

Dường như là Edmond đã kiểm tra kỹ càng mọi việc một cách hệ thống.

“Winston?” Langdon thì thào, giọng ông run run. “Ai thuê sát thủ giết Edmond?”

“Đó là Nhiếp chính vương.”

“Phải,” Langdon nói, giờ càng dứt khoát hơn. “Nhưng Nhiếp chính vương là ai? Ai là người đã thuê một thành viên Giáo hội Palmaria ám sát Edmond giữa buổi thuyết trình trực tiếp của cậu ấy?”

Winston ngừng lại. “Tôi nghe giọng ngài có sự nghi ngờ, thưa Giáo sư, và xin ngài đừng lo lắng. Tôi được lập trình để bảo vệ Edmond. Tôi nghĩ về ông ấy như một người bạn tốt nhất.” Anh ta ngừng lại. “Là một học giả, chắc chắn ngài đã đọc cuốn Of Mice and Men*.” (Of Mice and Men, Của chuột và người, là tiểu thuyết của tác giả John Steinbeck, xuất bản năm 1937.)

Lời nhận xét này dường như chẳng ăn nhập gì cả. “Dĩ nhiên, nhưng việc đó thì có gì…”

Hơi thở của Langdon tắc lại trong cổ họng. Mất một lúc, ông cứ nghĩ toa cáp treo bị trượt khỏi ray. Đường chân trời nghiêng về một bên, và Langdon phải tóm lấy vách toa để khỏi ngã.

Cống hiến, táo bạo, giàu tình thương. Đó là những cụm từ Langdon đã lựa chọn khi ở trường trung học để bảo vệ một trong những hành động nổi tiếng nhất của tình bạn trong văn học – đoạn kết thúc gây sốc của tiểu thuyết Của chuột và người – một người đàn ông đã phải giết người bạn yêu quý của mình để tránh cho anh ta một kết cục kinh khủng.

“Winston,” Langdon thì thào. “Làm ơn… đừng.”

“Xin hãy tin tôi,” Winston nói. “Edmond muốn mọi việc theo cách này.”

CHƯƠNG 105

Tiến sĩ Mateo Valero – giám đốc Trung tâm Siêu điện toán Barcelona – cảm thấy mất phương hướng khi ông gác máy và ra khỏi điện thờ chính của Nhà nguyện Torre Girona để nhìn lại chiếc máy tính hai tầng ấn tượng của Edmond Kirsch.

Đầu giờ sáng nay, Valero biết rằng ông sẽ là “chủ nhân” mới của cỗ máy đột phá này. Tuy nhiên, những cảm xúc phấn khích và nể sợ ban đầu của ông vừa tiêu tan.

Vài phút trước, ông nhận được một cuộc gọi khẩn thiết từ giáo sư người Mỹ nổi tiếng Robert Langdon.

Langdon thở không ra hơi kể một câu chuyện mà chỉ một ngày trước Valero sẽ nghĩ là khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, ngày hôm nay, xem bài thuyết trình ấn tượng của Kirsch cũng như nhìn cỗ máy E-Wave trên thực tế của anh, ông thiên về hướng tin có thể việc đó phần nào là sự thật.

Câu chuyện mà Langdon kể là chuyện vô hại… một câu chuyện về sự trong sáng của máy móc làm đúng những gì được yêu cầu. Luôn như vậy. Không sai sót. Valero đã dành cả đời mình nghiên cứu về những cỗ máy này… học lấy cái nghệ thuật tinh tế để khai thác tiềm năng của chúng.

Nghệ thuật chính là ở chỗ biết cách yêu cầu.

Valero liên tục cảnh báo rằng trí thông minh nhân tạo đang phát triển với một tốc độ mau lẹ, và rằng những chỉ dẫn nghiêm ngặt cần được đặt ra cho khả năng tương tác của máy móc với thế giới con người.

Phải thừa nhận, kiềm thúc tạo cảm giác phản trực giác với hầu hết những người có tầm nhìn về công nghệ, đặc biệt là trước những khả năng tuyệt vời giờ đây đang nở rộ gần như mỗi ngày. Vượt xa cả câu chuyện sáng tạo, có rất nhiều vận hội lớn được thực hiện trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, và chẳng có gì xóa nhòa ranh giới đạo đức nhanh hơn là lòng tham của con người.

Valero luôn là một người ngưỡng mộ thiên tài táo bạo của Kirsch. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nghe như thể Edmond đã bất cẩn, đẩy ranh giới đi xa một cách nguy hiểm với sáng tạo cuối cùng của mình.

Một sáng tạo mình sẽ không bao giờ biết, giờ Valero nhận ra như vậy.

Theo lời Langdon, Edmond đã tạo ra ngay trong E-Wave một chương trình trí thông minh nhân tạo tiến bộ đến kinh ngạc – “Winston” – được lập trình để tự xóa vào lúc một giờ chiều ngày hôm sau khi Kirsch mất. Vài phút trước, trước sự khẩn khoản của Langdon, Tiến sĩ Valero đã xác nhận rằng một phần rất quan trọng trong các ngân hàng dữ liệu của E-Wave thực tế đã biến mất vào đúng thời điểm đó. Phần bị xóa là phần dữ liệu “viết đè” trọn vẹn khiến cho nó không thể cứu vãn được.

Cái tin này dường như khiến Langdon bớt lo lắng, nhưng vị giáo sư người Mỹ đề nghị có một cuộc gặp gỡ ngay lập tức để thảo luận về những vấn đề sau đó. Valero và Langdon thống nhất gặp vào sáng mai tại phòng thí nghiệm.

Về nguyên tắc, Valero hiểu bản năng của Langdon muốn công khai câu chuyện ngay lập tức. Vấn đề sẽ là độ tin tưởng.

Sẽ chẳng ai tin điều đó.

Mọi dấu vết về chương trình trí thông minh nhân tạo của Kirsch đã bị xóa, cùng với bất kỳ hồ sơ giao tiếp hay nhiệm vụ nào của nó. Khó khăn hơn, sáng tạo của Kirsch vượt xa trình độ hiện tại đến mức Valero có thể nghe những cộng sự của chính mình – do thiếu hiểu biết, ghen tị hoặc tự bảo vệ – cáo buộc Langdon thêu dệt ra toàn bộ câu chuyện.

Dĩ nhiên, còn có vấn đề về hậu quả với công chúng. Nếu câu chuyện của Langdon thực tế là đúng, thì cỗ máy E-Wave sẽ bị buộc tội như là một dạng quái vật Frankenstein nào đó. Sau đó thì những cây chĩa rơm và những bó đuốc sẽ không còn xa tí nào.

Hoặc tệ hơn thế, Valero nhận ra.

Vào thời buổi tấn công khủng bố quá khích như thế này, ai đó có thể đơn giản là quyết định cho thổi bay toàn bộ nhà nguyện, tuyên bố mình là người cứu rỗi cho cả nhân loại.

Rõ ràng, Valero phải nghĩ rất nhiều trước cuộc gặp gỡ với Langdon. Tuy nhiên, lúc này, ông có một lời hứa phải giữ.

Ít nhất cho tới khi chúng ta có một số câu trả lời.

Cảm thấy rầu rĩ một cách lạ lùng, Valero cho phép mình nhìn lần cuối chiếc máy tính hai tầng phi thường. Ông lắng nghe nhịp thở nhè nhẹ của nó khi những máy bơm lưu chuyển dung dịch làm mát qua hàng triệu tế bào của nó.

Khi ông đi lần tới phòng điện để khởi động lệnh đóng toàn bộ hệ thống, ông cảm thấy có một thôi thúc bất ngờ – một cảm giác thúc ép mà ông chưa bao giờ có trong sáu mươi ba năm cuộc đời.

Thôi thúc cầu nguyện.

Tít cao trên đỉnh lối đi cao nhất của lâu đài Montjuïc, Robert Langdon đứng một mình và đăm đăm nhìn cái vách đá dựng đứng ở dưới khu cảng xa xăm phía dưới. Gió đã nổi, và ông cảm thấy có phần mất thăng bằng, như thể trạng thái cân bằng tâm lý của ông đang trong quá trình bị chỉnh lại.

Bất chấp những lời trấn an từ giám đốc trung tâm Siêu tin học Barcelona, tiến sĩ Valero, Langdon vẫn cảm thấy lo lắng và rất bực bội. Âm vang giọng nói hồ hởi của Winston vẫn văng vẳng trong tâm trí ông. Chiếc máy tính của Edmond đã bình thản nói cho tới phút cuối cùng.

“Tôi ngạc nhiên khi nghe thấy về lo sợ của ngài, thưa giáo sư,” Winston nói, “nhất là khi niềm tin của chính ngài được xây dựng trên một hành động mơ hồ về đạo đức lớn hơn rất nhiều.”

Langdon còn chưa kịp trả lời, một tin nhắn đã xuất hiện trên chiếc điện thoại của Edmond.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một.

– John 3:16

“Chúa của ngài đã nhẫn tâm hy sinh con của ông ấy,” Winston nói, “bỏ mặc người ấy chịu đựng trên thập giá suốt hàng giờ. Với Edmond, tôi chẳng hề đau xót khi kết thúc sự chịu đựng của một người sắp chết để thu hút sự chú ý đến những công trình vĩ đại của ông ấy.”

Trong toa cáp treo ngột ngạt, Langdon sửng sốt nghe trong khi Winston bình thản đưa ra những lý lẽ bào chữa cho tất cả mọi hành động gây phiền lòng của anh ta.

Cuộc chiến của Edmond với Giáo hội Palmaria, Winston giải thích, đã gợi ý cho Winston tìm và thuê Đô đốc Luis Ávila – một tín đồ thành kính có lịch sử nghiện ma túy khiến ông ta rất dễ bị lợi dụng và thành một ứng viên hoàn hảo để hủy hoại uy tín của Giáo hội Palmaria. Với Winston, việc tự nhận là Nhiếp chính vương đơn giản là thực hiện một số liên lạc và sau đó chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Ávila. Trên thực tế những người Palmaria vô can và không hề đóng vai trò gì trong cái âm mưu tối hôm đó.

Tác giả: