Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Ở hầu hết mọi nơi và mọi thời điểm, công cuộc tìm kiếm thức ăn cung cấp chế độ dinh dưỡng lý tưởng. Điều này không ngạc nhiên lắm, vì đây là chế độ ăn uống của con người trong suốt hàng trăm ngàn năm, và cơ thể con người cũng đã thích nghi tốt với nó. Bằng chứng từ các bộ xương hoá thạch chỉ ra rằng người hái lượm cổ xưa thường ít bị chết đói hoặc thiếu dinh dưỡng, và nhìn chung chế độ dinh dưỡng khiến cho họ cao hơn và khỏe mạnh hơn con cháu nông dân của họ sau này. Tuổi thọ trung bình dường như chỉ vào khoảng 40, nhưng điều này phần lớn là do tỉ lệ tử vong cao ở trẻ em. Trẻ em khi đã vượt qua những năm đầu đời nguy hiểm hoàn toàn có cơ hội tốt để sống đến tuổi 60, và một số thậm chí còn sống đến 80. Trong khi đó với người hiện đại, phụ nữ 43 tuổi có thể chỉ sống thêm 20 năm, và chỉ có khoảng 3-8% dân số thọ trên 60 tuổi.

Bí mật thành công của người cổ đại, giúp họ không chết đói và thiếu dinh dưỡng, nằm ở chế độ ăn uống đa dạng của họ. Nông dân thường có một chế độ ăn uống rất hạn chế và không cân bằng. Đặc biệt là trong thời kỳ tiền hiện đại, hầu hết nguồn dinh dưỡng cung cấp cho một xã hội nông nghiệp đến từ một loại cây duy nhất, như lúa mì, khoai tây, gạo. Do đó, họ bị thiếu một số vitamin, khoáng chất và thành phần dinh dưỡng khác cần cho con người. Người nông dân truyền thống điển hình tại Trung Hoa ăn cháo vào bữa sáng, ăn cơm bữa trưa, và lại ăn cơm bữa tối. Nếu may mắn, anh ta có thể mong đợi để ăn giống như thế vào hôm sau. Ngược lại, người cổ đại thường xuyên ăn hàng chục loại thực phẩm khác nhau. Tổ tiên của chúng ta có thể ăn hoa quả và nấm vào bữa sáng; trái cây, ốc sên và rùa dùng để ăn trưa; và thịt thỏ nướng với hành tây dại cho bữa tối. Thực đơn ngày mai có thể hoàn toàn khác. Sự đa dạng này đảm bảo cho người cổ xưa nhân được mọi chất dinh dưỡng cần thiết.

Hơn nữa, do không bị lệ thuộc vào bất kỳ loại thực phẩm duy nhất nào, nên họ ít chịu ảnh hưởng khi một nguồn thực phẩm nào đó biến mất. Các xã hội nông nghiệp sẽ gặp phải nạn đói khi hạn hán, hỏa hoạn, động đất tàn phá vụ lúa hoặc khoai tây cả năm. Xã hội hái lượm khó có thể miễn dịch với các thảm họa tự nhiên, và cũng khổ sở bởi những đợt thiếu thốn và đói khát, nhưng họ thường có thể đối phó với những thảm họa như thế dễ dàng hơn. Nếu họ bị mất một số lượng lương thực đáng kể, họ có thể hái lượm hoặc săn các loài khác, hay chuyển tới một khu vực ít bị ảnh hưởng hơn.

Người hái lượm cổ đại cũng ít chịu các bệnh truyền nhiễm. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm được sản sinh ra từ xã hội nông nghiệp và công nghiệp (như bệnh đậu mùa, bệnh sởi và bệnh lao) có nguồn gốc từ động vật được thuần hoá và truyền bệnh cho con người chỉ sau Cách mạng Nông nghiệp. Người hái lượm cổ đại chỉ thuần hoá loài chó, tránh được sự truyền bệnh tai họa này. Hơn nữa, hầu hết mọi người trong các xã hội nông nghiệp và công nghiệp sống trong những khu định cư lâu dài đông đúc, mất vệ sinh, là các hang ổ lý tưởng cho dịch bệnh. Những bầy nhỏ người cổ đại rong ruổi khắp các vùng đất hầu như không thể xuất hiện dịch bệnh.

Chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng, tuần làm việc tương đối ngắn, và hiếm gặp các bệnh truyền nhiễm đã khiến nhiều chuyên gia coi các xã hội kiếm ăn tiền nông nghiệp là “xã hội nguyên thủy giàu có”. Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu lý tưởng hoá cuộc sống của người cổ đại. Mặc dù họ đã sống cuộc đời tốt hơn so với hầu hết mọi người trong xã hội nông nghiệp và công nghiệp, nhưng thế giới xung quanh họ có thể vẫn đầy khắc nghiệt và không khoan nhượng. Các giai đoạn thiếu thốn và khó khăn khá phổ biến, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh rất cao, và một tai nạn nhỏ hôm nay có thể dễ dàng biến thành một bản án tử hình. Hầu hết mọi người có thể được hưởng sự thân mật gần gũi khi bầy di cư liên tục, nhưng những người bất hạnh, vốn phải chịu sự thù địch hay nhạo báng của các thành viên trong bầy mình, có thể phải chịu đau khổ. Những kẻ hái lượm hiện đại thi thoảng bỏ mặc, hoặc thậm chí giết hại người già cả hoặc người tàn tật nếu họ không thể theo kịp bầy. Trẻ sơ sinh và trẻ em không mong muốn đều có thể bị giết, và thậm chí có những trường hợp hiến tế người vì lý do tôn giáo.

Những người Aché săn bắt hái lượm, sống trong các khu rừng của Paraguay cho đến thập niên 1960, đem đến một góc nhìn đen tối về cuộc sống hái lượm. Khi một thành viên quan trọng trong bộ lạc chết đi, người Aché có phong tục giết chết một cô bé và chôn cả hai cùng nhau. Các nhà nhân học đã phỏng vấn cư dân Aché, ghi nhận một trường hợp trong đó một bầy đã bỏ rơi người đàn ông trung niên bị ốm và không thể theo kịp những người khác. Ông ta đã bị để lại dưới gốc cây. Kền kền vây quanh ông ta, chờ đợi một bữa ăn thịnh soạn. Nhưng người đàn ông đó đã hồi phục, run rẩy bước đi, và ông ta đã xoay xở để tái hòa nhập bẩy. Cơ thể của ông ta dính đầy phân chim, từ đó ông ta có biệt danh là “Phân Kền Kền”.

Khi một phụ nữ Aché già yếu trở thành gánh nặng cho bầy, một thanh niên có thể giết bà ta bằng cú đánh vào đầu với chiếc rìu từ đằng sau. Một người đàn ông Aché kể cho các nhà nhân học hiếu kỳ những câu chuyện thời trai trẻ của mình trong rừng nhiệt đới. “Tôi thường giết chết các bà già. Tôi cũng đã giết các dì của tôi… Phụ nữ sợ tôi… bây giờ, ở đây với người da trắng, tôi đã trở nên yếu ớt”. Trẻ em sinh ra không có tóc bị coi là kém phát triển, bị giết chết ngay lập tức. Một phụ nữ kể lại rằng đứa con đầu lòng của cô bị giết vì những người đàn ông trong bầy không muốn có thêm một bé gái. Trong trường hợp khác, một người đàn ông đã giết một cậu bé vì ông ta “đang chán đời còn đứa trẻ thì lại khóc”. Một đứa trẻ khác bị chôn sống vì “trông nó buồn cười và những đứa khác cười nhạo nó”.

Dù vậy, chúng ta nên cần trọng, không nên phán xét vội vàng về người Aché. Các nhà nhân học đã sống với họ trong nhiều năm cho biết bạo lực giữa những người lớn hiếm khi xảy ra. Cả nữ giới và nam giới có thể tự do thay đổi đối tác theo ý muốn. Họ cười và cười liên tục, không có hệ thống phân tầng lãnh đạo, và thường xa lánh những kẻ độc đoán. Họ rất hào phóng với số của cải ít ỏi của mình, và không bị ám ảnh bởi sự thành công hay giàu có. Những điều họ coi là giá trị nhất trong đời là mối quan hệ xã hội tốt và tình bạn chân thành. Họ coi việc giết hại trẻ em, người bệnh và người già giống như chúng ta ngày nay nhìn nhận việc phá thai và cái chết nhân đạo. Cũng nên lưu ý rằng nông dân Paraguay săn đuổi và giết người Aché không thương tiếc. Buộc phải né tránh kẻ thù có thể khiến người Aché chấp nhận một thái độ đặc biệt khắc nghiệt đối với bất cứ ai có thể trở thành gánh nặng với bầy.

Sự thật là xã hội Aché, giống như bất cứ xã hội loài người nào, đều rất phức tạp. Chúng ta không nên biến họ thành ác quỷ hoặc thiên thần, khi sự hiểu biết về họ còn rất hời hợt. Aché không phải thiên thần cũng không phải ác quỷ, họ là những con người. Và những người săn bắt hái lượm cổ đại cũng vậy.

Nói chuyện về những hồn ma

Chúng ta có thể nói gì về đời sống tâm linh và tinh thần của người sản bắt hái lượm cổ đại? Các nền tảng của nền kinh tế hái lượm có thể được tái tạo khá chắc chắn dựa trên các yếu tố định lượng và khách quan. Ví dụ, chúng ta có thể tính toán một người cần bao nhiêu calo mỗi ngày để tồn tại, nhận bao nhiêu calo từ 1 kg quả óc chó, và có bao nhiêu quả óc chó có thể thu thập được từ một cánh rừng có diện tích 1 km². Với dữ liệu này, chúng ta có thể dự đoán một cách khoa học về tầm quan trọng của quả óc chó trong chế độ ăn uống của họ.

Nhưng liệu họ có coi quả óc chó là một món khoái khẩu hay một thứ đáng ngán? Họ có tin rằng cây óc chó là nơi các linh hồn ẩn náu? Họ có thấy lá cây óc chó đẹp? Nếu một chàng trai cổ đại muốn dẫn một cô gái đến một nơi lãng mạn, liệu bóng mát của một cây óc chó có đủ? Theo đúng định nghĩa, thế giới của tư tưởng, niềm tin và cảm giác rất khó giải mã.

Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng niềm tin vật linh rất phổ biến trong xã hội kiếm ăn cổ xưa. Thuyết vật linh (xuất phát từ “anima” nghĩa là “linh hồn” hay “tinh thần” trong tiếng Latin) là tín ngưỡng cho rằng hầu hết mọi địa điểm, mọi con vật, mọi cây cối và mọi hiện tượng tự nhiên đều có nhận thức và cảm xúc, có thể giao tiếp trực tiếp với con người. Do đó, người theo thuyết vật linh có thể tin rằng tảng đá lớn trên đỉnh đồi có những ham muốn và nhu cầu. Tảng đá có thể tức giận về điều gì đó mà con người đã làm và vui mừng bởi một số hành động khác. Tảng đá có thể nhắc nhở con người hoặc đưa ra ước nguyện. Về phần mình, con người có thể tác động lên tảng đá bằng cách xoa dịu hoặc đe dọa nó. Không chỉ tảng đá, mà cây sồi ở chân đồi cũng là một thực thể sống, và cũng vậy, là dòng nước chảy dưới đồi, dòng suối chảy qua khoảng rừng trống, những bụi cây mọc xung quanh, con đường mòn dẫn đến bãi đất trống, các con chuột đồng, chó sói và quạ uống nước ở đó. Trong thế giới của những người vật linh, các vật thể và sinh vật không phải là các thực thể duy nhất có linh hồn. Còn có các thực thể phi vật chất – linh hồn của người chết, những loài thân thiện và ác độc, những gì mà ngày nay chúng ta gọi là ác quỷ, tiên hay thiên thần.