Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Vì vậy ở đây, những dòng trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ được hiểu theo ngôn ngữ sinh học như sau:

Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người tiến hoá một cách khác nhau, họ sinh ra với những đặc điểm có thể biến đổi nhất định, và trong số đó là sống và theo đuổi lạc thú.

Những người ủng hộ cho sự công bằng và quyền con người có thể bị tổn thương bởi dòng tranh luận trên. Phản ứng của họ có thể kiểu như “Chúng tôi biết rằng con người không bình đẳng về mặt sinh học! Nhưng nếu chúng tôi tin rằng tất cả chúng ta bình đẳng về bản chất, nó sẽ giúp chúng ta tạo ra một xã hội phồn vinh và ổn định”. Tôi không tranh luận về điều này. Nó chính xác là những gì tôi muốn nói về “trật tự tưởng tượng”. Chúng ta tin vào một trật tự riêng biệt không phải vì nó là một sự thật khách quan, mà bởi tin vào nó sẽ làm chúng ta có thể hợp tác hiệu quả và tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Những trật tự tưởng tượng không phải là những âm mưu xấu xa hoặc những ảo tưởng vô ích. Hơn nữa, chúng còn là cách duy nhất để một số lớn người có thể hợp tác hiệu quả. Tuy vậy, cũng nên nhớ rằng Hammurabi có thể bảo vệ nguyên tắc về sự phân tầng của ông ta bằng việc sử dụng cùng một logic: “Ta hiểu rằng, những người ưu tú, thường dân và nô lệ không phải là những hạng người khác nhau. Nhưng nếu chúng ta tin như vậy, nó sẽ giúp chúng ta có thể tạo ra một xã hội ổn định và phồn vinh”.

Những người thực sự tin tưởng

Có vẻ nhiều người cảm thấy lúng túng khi đọc những đoạn trước. Hầu hết chúng ta ngày nay được giáo dục để phản ứng như vậy. Rất dễ dàng để chấp nhận Bộ luật Hammurabi là một huyền thoại, nhưng chúng ta không muốn nghe rằng nhân quyền cũng là một huyền thoại. Nếu con người nhận thức được rằng nhân quyền chỉ tồn tại trong tưởng tượng, liệu có mối nguy hiểm nào làm xã hội của chúng ta sụp đổ hay không? Voltaire đã nói về Chúa rằng, “Không có Chúa, nhưng đừng nói điều đó cho người đầy tớ của tôi, e rằng anh ta sẽ giết tôi vào ban đêm”. Hammurabi hẳn sẽ nói điều tương tự như vậy về nguyên tắc trong hệ thống phân tầng của ông ta, giống như Thomas Jefferson khi nói về quyền con người. Homo sapiens không có những quyền tự nhiên, giống như loài nhện, linh cẩu, tinh tinh. Nhưng đừng nói điều này với lũ đầy tớ của chúng ta, vì chúng sẽ giết chúng ta trong đêm.

Những nỗi sợ hãi như vậy được bào chữa rất hợp lý. Một trật tự tự nhiên là một trật tự ổn định. Lực hấp dẫn không thể ngừng hoạt động vào ngày mai, ngay cả nếu con người ngừng tin vào nó. Ngược lại, một trật tự tưởng tượng luôn ở trong tình trạng nguy hiểm của sự sụp đổ, bởi nó phụ thuộc vào huyền thoại, và huyền thoại sẽ biến mất khi con người ngừng tin vào chúng. Để có thể bảo vệ một trật tự tưởng tượng, đòi hỏi những cố gắng liên tục và vất vả. Một vài trong những nỗ lực này được thực hiện dưới hình thức bạo lực và áp bức. Các lực lượng quân đội, cảnh sát, tòa án và nhà tù đang làm việc liên tục để cưỡng ép con người hành động theo một trật tự tưởng tượng. Nếu một người Babylon cổ đại làm mù mắt hàng xóm của anh ta, những hình thức bạo lực luôn là cần thiết để luật lệ “một mắt đổi một mắt” được thi hành. Vào năm 1860, khi phần lớn người Mỹ đã quyết định rằng, nô lệ châu Phi cũng là những con người và vì vậy phải được hưởng quyền tự do, thì một cuộc nội chiến đẫm máu đã diễn ra để ép các bang miền Nam đồng thuận với quyết định này.

Tuy nhiên, một trật tự tưởng tượng không thể được giữ vững chỉ bằng bạo lực. Nó còn đòi hỏi phải có cả những người thực sự tin tưởng. Nhà quý tộc Talleyrand, người bắt đầu sự nghiệp tắc kè hoa của ông ta dưới thời Louis XVI, sau này phục vụ dưới cả chế độ cách mạng lẫn chính quyền Napoleon, và chuyển lòng trung thành kịp thời lúc cuối đời sang chế độ quân chủ vừa được phục hồi, đã tổng kết kinh nghiệm làm việc cho các chính phủ qua nhiều thập kỷ như sau: “Bạn có thể làm được nhiều việc bằng lưỡi lê, nhưng ngồi lên chúng sẽ khá khó chịu”. Hơn nữa, bất kể lưỡi lê có hiệu quả thế nào, quan trọng là phải có ai đó sử dụng chúng. Tại sao những binh lính, cai ngục, thẩm phán và cảnh sát lại duy trì một trật tự tưởng tượng trong khi họ không tin vào chúng? Trong mọi hoạt động tập thể của con người, khó nhất trong việc tổ chức chính là bạo lực. Khi nói rằng trật tự xã hội được duy trì bởi lực lượng quân đội, lập tức một câu hỏi nảy ra: cái gì đang duy trì trật tự quân đội? Sẽ không thể tổ chức được quân đội nếu chỉ dùng sự ép buộc. ít nhất, phải có một số chỉ huy và binh lính phải thực sự tin vào điều gì đó, có thể là Chúa, danh dự, tổ quốc, nhân cách hay tiền.

Một câu hỏi thú vị hơn liên quan đến nhóm đứng trên đỉnh kim tự tháp xã hội. Tại sao họ lại mong muốn thi hành một trật tự tưởng tượng, nếu bản thân họ không tin vào nó? Người ta hay cho rằng giới tinh hoa làm vậy do tính tham lam, không tin người. Song, một kẻ hoài nghi không tin vào điều gì cả thì khó mà tham lam được. Không khó để đáp ứng những nhu cầu sinh học khách quan của Homo sapiens. Sau khi những nhu cầu này được đáp ứng, thêm nhiều tiền sẽ được sử dụng vào việc xây dựng kim tự tháp, đi nghỉ vòng quanh thế giới, tài trợ những chiến dịch tranh cử, góp tiền cho những tổ chức khủng bố bạn thích, hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán kiếm thêm nhiều tiền – tất cả đều là những hoạt động mà một kẻ hoài nghi thực sự sẽ thấy cực kỳ vô nghĩa. Diogenes, triết gia Hy Lạp sáng lập trường phái hoài nghi,[11] sống trong một thùng gỗ. Alexander Đại đế có lần đến thăm Diogenes khi ông đang thư giãn trong nắng và hỏi liệu mình có thể làm điều gì cho ông hay không, triết gia hoài nghi đã trả lời người chinh phục quyền năng, “Vâng, có một điều ngài có thể làm cho tôi. Làm ơn dịch sang bên một chút. Ngài đang che mất ánh nắng”.

Đó là lý do mà những người hoài nghi không xây dựng các đế chế, và tại sao một trật tự tưởng tượng chỉ có thể được duy trì nếu phần lớn dân chúng, đặc biệt là phần đông giới tinh hoa và lực lượng an ninh, thực sự tin vào nó. Nền dân chủ của Mỹ sẽ không thể kéo dài 230 năm nếu như đa số các tổng thống và nghị sĩ không còn tin vào nhân quyền. Hệ thống kinh tế hiện đại sẽ không thể tồn tại dù chỉ một ngày nếu phần lớn các nhà đầu tư và chủ ngân hàng không còn tin vào chủ nghĩa tư bản.

Những bức tường tù ngục

Làm thế nào bạn có thể khiến con người tin vào một trật tự tưởng tượng như nền dân chủ hoặc chủ nghĩa tư bản? Đầu tiên, bạn chẳng bao giờ thừa nhận trật tự đó được tưởng tượng ra. Bạn luôn khăng khăng rằng trật tự duy trì xã hội là một thực tế khách quan được những vị thần vĩ đại hay các luật lệ tự nhiên tạo ra. Con người không bình đẳng, không phải bởi Hammurabi nói như vậy, mà bởi thần Enlil và Marduk quy định như vậy. Con người bình đẳng không phải vì Thomas Jefferson nói như vậy, mà vì Chúa đã tạo ra họ theo cách như vậy. Thị trường tự do là hệ thống kinh tế tốt nhất không phải bởi Adam Smith đã nói như vậy, mà bởi đó là những luật lệ bất biến của tự nhiên.

Bạn cũng có thể giáo dục con người một cách kĩ lưỡng. Từ thời điểm mà họ sinh ra, bạn có thể luôn nhắc cho họ nhớ về những luật lệ của trật tự tưởng tượng, cái có thể kết hợp với bất cứ thứ gì và tất cả mọi thứ. Chúng có thể được lồng vào những câu chuyện cổ tích, phim truyền hình, tranh ảnh, bài hát, phép xã giao, tuyên truyền chính trị, kiến trúc, đơn thuốc và thời trang. Ví dụ, ngày nay mọi người tin vào sự công bằng, nên thời trang với bọn trẻ nhà giàu là mặc quần jean, vốn ban đầu là của tầng lớp lao động. Trong thời trung cổ, con người tin vào sự phân chia giai cấp, vì vậy không có nam quý tộc trẻ tuổi nào lại mặc một chiếc áo khoác của nông dân. Vào thời đó, được gọi là “Ông” hoặc “Bà” là một đặc quyền hiếm hoi dành cho giới quý tộc, và thường được đánh đổi bằng máu. Ngày nay tất cả các thư từ lịch sự, bất kể người nhận là ai, đều bắt đầu bằng “Ông hoặc Bà thân mến”.

Khoa học xã hội và nhân văn dành phần lớn năng lực của mình để giải thích chính xác cách một trật tự tưởng tượng được dệt vào tấm thảm cuộc sống. Trong phạm vi giới hạn của mình, chúng ta chỉ có thể bàn luận lướt qua bề ngoài. Có ba nhân tố chính ngăn cản con người nhận thức rằng trật tự tổ chức cuộc sống của họ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của mình:

a. Trật tự tưởng tượng được nhúng vào thế giới vật chất. Mặc dù trật tự tưởng tượng chỉ tồn tại trong tâm trí của chúng ta, nhưng nó có thể được đan xen vào thực tế vật chất quanh chúng ta, và thậm chí được khắc trên đá. Hầu hết người phương Tây ngày nay tin vào chủ nghĩa cá nhân. Họ cho rằng mỗi người là một cá nhân mà giá trị của anh ta không phụ thuộc vào việc người khác nghĩ gì về mình. Mỗi người chúng ta đều có một tia sáng lấp lánh bên trong, mang đến giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời mình. Ở các trường học phương Tây hiện đại, cha mẹ và thầy cô nói với bọn trẻ rằng, nếu bị bạn cùng lớp trêu chọc, chúng nên lờ đi. Chỉ bản thân chúng, chứ không phải người khác, biết được giá trị thực của mình.

Trong kiến trúc hiện đại, những biến đổi huyền thoại này đã vượt qua cả trí tưởng tượng để tạo hình trên đá và vữa. Một ngôi nhà hiện đại lý tưởng được chia ra làm nhiều phòng nhỏ, do đó mỗi đứa trẻ có thể có không gian riêng tư, tránh khỏi tầm nhìn, cấp cho nó một sự tự trị tối đa. Căn phòng riêng tư này thường có cửa, và trong nhiều gia đình phải chấp nhận một thực tế là đứa trẻ sẽ đóng và có thể là khoá cửa. Thậm chí cha mẹ bị cấm bước vào nếu không gõ cửa và xin phép. Căn phòng được trang trí theo sở thích của đứa trẻ, với những tấm áp phích của các ngôi sao nhạc rock dán đầy trên tường và tất bẩn vứt đầy trên sàn. Ai đó lớn lên trong một không gian như vậy sẽ không thể không tưởng tượng mình là “một cá nhân” mà giá trị thực sự được bắt nguồn từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài.