Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Trong khi hệ thống thuộc địa Pháp đổ vỡ, Đế quốc Anh lại đang mở rộng nhanh chóng. Giống như Đế chế Hà Lan trước đó, Đế quốc Anh đã được thiết lập và điều hành chủ yếu bởi các công ty cổ phần tư nhân có mặt trên thị trường chứng khoán London. Những khu định cư của người Anh đầu tiên ở Bắc Mỹ đã được thiết lập vào đầu thế kỷ 17 bởi các công ty cổ phần như London, Plymouth, Dorchester và Massachusetts.

Tiểu lục địa Ấn Độ cũng không phải do chính quyền Anh đô hộ, mà do quân đội đánh thuê của công ty Đông Ấn Anh (British East India Company). Công ty này còn thành công hơn cả công ty VOC. Từ trụ sở chính ở phố Leadenhall, London, họ đã cai trị Đế chế Ấn Độ hùng mạnh trong khoảng một thế kỷ, duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ lên đến 350.000 binh lính, đông hơn nhiều quân đội hoàng gia Anh. Chỉ đến năm 1858, hoàng gia Anh mới quốc hữu hoá Ấn Độ cùng với quân đội riêng của công ty Đông Ấn. Napoleon đã chế giễu dân Anh, gọi họ là quốc gia của những chủ hiệu buôn. Thế nhưng, những chủ hiệu buôn đã đánh bại chính Napoleon, và đế chế của họ đã trở thành đế chế lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay.

Nhân danh tư bản

Sự quốc hữu hoá Indonesia của hoàng gia Hà Lan (1800), và Ấn Độ của hoàng gia Anh (1858) hầu như không chấm dứt mối tương giao giữa chủ nghĩa tư bản với đế quốc. Ngược lại, mối liên hệ này còn mật thiết hơn trong thế kỷ 19. Các công ty cổ phần không cần phải thiết lập và cai trị những thuộc địa riêng nữa – người quản lý của chúng và những chủ cổ phần bây giờ đang giật những sợi dây quyền lực ở London, Amsterdam, Paris, họ có thể tin cậy vào nhà nước để chăm sóc cho những lợi ích của họ. Như Marx và các nhà phê bình xã hội khác đã châm biếm, những chính phủ phương Tây đang trở thành công đoàn của chủ nghĩa tư bản.

Ví dụ tai tiếng nhất về việc các chính phủ đã đòi hỏi những món tiền lớn như thế nào là Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất, nổ ra giữa Anh và Trung Hoa (1840-1842). Trong nửa đầu thế kỷ 19, công ty Đông Ấn Anh và nhiều doanh nhân Anh đã trở nên giàu có bằng việc xuất khẩu các loại thuốc, đặc biệt là thuốc phiện, sang Trung Hoa. Hàng triệu người Trung Hoa đã trở nên nghiện ngập, làm suy nhược nền kinh tế và xã hội của đất nước. Vào cuối những năm 1830, chính quyền Trung Hoa đã ban hành một lệnh cấm buôn bán bất hợp pháp thuốc phiện, nhưng các thương gia thuốc phiện người Anh đơn giản là làm ngơ luật này. Giới chức Trung Hoa bắt đầu tịch thu và tiêu hủy các chuyến hàng chở thuốc phiện. Những tổ chức kinh doanh thuốc phiện có sự liên hệ mật thiết với chính quyền Anh – nhiều nghị sĩ và bộ trưởng nội các trong thực tế đang nắm cổ phần ở những công ty thuốc phiện – vì vậy họ đã gây áp lực buộc chính phủ phải hành động.

Năm 1840, Anh đã tuyên chiến với Trung Hoa nhân danh “tự do thương mại”. Đây là một chiến thắng dễ dàng. Người Trung Quốc đầy tự tin đã không đọ sức nổi với những vũ khí kỳ diệu tân tiến của Anh -tàu hơi nước, đại bác hạng nặng, hỏa tiễn và súng liên thanh. Theo hiệp ước hòa bình sau đó, Trung Hoa đã đồng ý không giới hạn hoạt động buôn bán thuốc phiện của thương gia Anh, và đền bù cho những thiệt hại mà tuần cảnh Trung Hoa gây cho họ. Thêm nữa, người Anh đã yêu cầu và nhận được quyền kiểm soát Hồng Kông, nơi đã trở thành căn cứ an toàn cho các chuyến hàng vận chuyển buôn bán thuốc phiện (người Anh nắm giữ Hồng Kông đến tận năm 1997). Trong những năm cuối thế kỷ 19, khoảng 40 triệu người Trung Hoa, một phần mười dân số của đất nước, là những con nghiện thuốc phiện.

Ai Cập cũng vậy, đã phải học cách tôn trọng cánh tay vươn dài của chủ nghĩa tư bản Anh. Trong suốt thế kỷ 19, các nhà đầu tư Pháp và Anh đã cho giới cầm quyền Ai Cập vay những khoản tiền rất lớn, trước tiên để đầu tư cho dự án xây dựng kênh đào Suez, và sau đó để đầu tư cho những công trình ít thành công hơn nhiều. Khối nợ của Ai Cập tăng lên, và các chủ nợ châu Âu ngày càng can thiệp nhiều hơn vào những vấn đề chính trị của Ai Cập. Năm 1881, những người theo chủ nghĩa dân tộc Ai Cập thấy đã quá đủ và tiến hành nổi dậy. Họ tuyên bố đơn phương xóa bỏ mọi khoản nợ nước ngoài. Nữ hoàng Victoria cảm thấy không vui. Một năm sau, bà đã phái quân đội và hải quân đến sông Nile, và Ai Cập nằm dưới sự bảo hộ của Anh cho đến tận sau Thế chiến II.

Đó không phải là những cuộc chiến duy nhất nổ ra vì lợi ích của các nhà đầu tư. Thực tế, chiến tranh tự nó có thể trở thành một loại hàng hoá, giống như thuốc phiện. Năm 1821, người Hy Lạp đã nổi dậy chống lại Đế chế Ottoman. Cuộc khởi nghĩa làm dấy lên sự đồng cảm sâu sắc trong giới tự do và lãng mạn ở Anh – nhà thơ Lord Byron thậm chí đã đi sang Hy Lạp để chiến đấu bên cạnh quân nổi dậy. Nhưng các nhà tài phiệt ở London cũng ngửi thấy một cơ hội tốt. Họ đề nghị những lãnh tụ nổi dậy phát hành Trái phiếu Khởi nghĩa Hy Lạp trên thị trường chứng khoán London. Người Hy Lạp hứa sẽ hoàn trả tiền trái phiếu, cộng với lãi suất, nếu và khi họ giành được độc lập. Những nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu vì muốn sinh lợi, hay vì đồng cảm với chính nghĩa của người dân Hy Lạp, hoặc cả hai. Giá của những trái phiếu này tăng và giảm trên thị trường chứng khoán London ăn nhịp với các thành công và thất bại quân sự trên chiến trường Hy Lạp. Người Thổ Nhĩ Kỳ dần chiếm được ưu thế. Với sự thất bại đến nơi của phe nổi dậy, những chủ trái phiếu phải đối mặt với viễn cảnh mất sạch tiền. Lợi ích của những chủ trái phiếu cũng là lợi ích quốc gia, vì vậy người Anh đã tổ chức một hạm đội quốc tế vào năm 1827, đánh chìm hạm đội Ottoman trong trận hải chiến Navarino. Sau nhiều thế kỷ bị nô dịch, Hy Lạp cuối cùng cũng được tự do. Nhưng tự do đến cùng với một khoản nợ khổng lồ mà một quốc gia mới không có cách nào trả nổi. Nền kinh tế Hy Lạp đã bị đem thế chấp cho những chủ nợ Anh trong nhiều thập kỷ.

Mối liên hệ mật thiết giữa tư bản và chính trị đã có những tác động sâu rộng lên thị trường tín dụng. Tổng lượng tín dụng của một nền kinh tế được xác định không chỉ bởi những yếu tố kinh tế thuần túy, như là tìm thấy một mỏ dầu mới hoặc phát minh ra một loại máy móc mới, mà còn bởi những biến cố chính trị như thay đổi chế độ hay những chính sách ngoại giao nhiều tham vọng hơn. Sau trận Navarino, các nhà tư bản Anh đã sẵn sàng đầu tư tiền của họ vào những thương vụ liều lĩnh ở nước ngoài. Họ đã thấy rằng nếu một con nợ nước ngoài từ chối hoàn trả vốn vay, đội quân của Nữ hoàng sẽ lấy lại tiền cho họ.

Trận hải chiến Navarino (1827)

Hình 39. Trận hải chiến Navarino (1827).

Đây chính là lý do mà ngày nay xếp hạng tín dụng của một quốc gia rất quan trọng đối với tình trạng kinh tế lành mạnh của nó, hơn rất nhiều so với nguồn tài nguyên thiên nhiên. Xếp hạng tín dụng xác định một quốc gia có đủ khả năng trả nợ hay không. Bên cạnh dữ liệu kinh tế thuần túy, người ta đưa vào cân nhắc cả những yếu tố chính trị, xã hội và văn hoá. Một quốc gia có nhiều dầu, nhưng bị nguyền rủa vì một chính quyền chuyên chế, chiến tranh liên miên, và một hệ thống tư pháp tham nhũng thường sẽ bị xếp hạng tín dụng thấp. Kết quả là, quốc gia đó có thể vẫn còn tương đối nghèo vì không có khả năng huy động nguồn vốn cần thiết để khai thác phần lớn những mỏ dầu đầy ắp của mình. Một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng được hưởng hòa bình, có hệ thống tư pháp công bằng và chính phủ tự do, có thể nhận được một đánh giá tín dụng cao. Như vậy, họ có thể huy động đủ vốn với lãi suất thấp để hỗ trợ một hệ thống giáo dục tốt, và thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao phát triển thịnh vượng.

Sự sùng bái thị trường tự do

Tư bản và chính trị ảnh hưởng qua lại đến mức mối tương quan giữa chúng đã gây ra sự tranh luận sôi nổi giữa những nhà kinh tế, chính trị gia, cũng như giữa công chúng nói chung. Những nhà tư bản hăng hái có xu hướng biện luận rằng tư bản nên được tự do gây tác động lên chính trị, nhưng chính trị không được phép ảnh hưởng đến tư bản. Họ giải thích rằng khi các chính phủ can thiệp vào thị trường, những lợi ích chính trị khiến thị trường có những khoản đầu tư thiếu khôn ngoan, hậu quả là tăng trưởng diễn ra chậm hơn. Ví dụ, chính phủ có thể đánh thuế nặng vào những nhà tư bản công nghiệp, và dùng tiền này để trợ cấp thất nghiệp thật rộng rãi, điều vốn được đông đảo cử tri ưa thích. Theo quan điểm của nhiều doanh nhân, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chính phủ không đụng đến tiền của họ. Họ sẽ dùng khoản tiền đó, họ nói thế, để mở những nhà máy mới và thuê những người thất nghiệp vào làm việc.

Theo quan điểm này, chính sách kinh tế khôn ngoan nhất là giữ cho chính trị đứng ngoài kinh tế, giảm thuế và giảm quy định của chính phủ xuống mức tối thiểu, và cho phép sức mạnh thị trường hoàn toàn tự do đi theo con đường phát triển tự nhiên của chúng. Những nhà đầu tư tư nhân, không bị các vấn đề chính trị gây áp lực, sẽ đầu tư tiền của mình vào nơi mà họ có thể thu được nhiều lợi nhuận nhất, vì vậy con đường để bảo đảm sự tăng trưởng tốt nhất cho kinh tế – vốn sẽ có lợi cho tất cả mọi người, từ các nhà tư bản công nghiệp đến những người làm công – là khiến chính phủ can thiệp càng ít càng tốt. Lý thuyết thị trường tự do ngày nay là biến thể phổ biến nhất và có ảnh hưởng nhất của tín ngưỡng tư bản. Những người ủng hộ nhiệt thành nhất của thị trường tự do chỉ trích gay gắt các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài cũng như những chương trình trợ cấp xã hội trong nước. Họ đưa ra cùng một lời khuyên cho các chính phủ, như trước đây những thiền sư đã khẳng định: chỉ cần không làm gì cả.