Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Cách mạng Khoa học không phải là một cuộc cách mạng về tri thức. Trên hết, nó là một cuộc cách mạng về sự ngu dốt. Khám phá lớn lao đặt nền móng cho Cách mạng Khoa học chính là việc loài người chưa có câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất của họ.

Những truyền thống tri thức tiền hiện đại, như Hồi giáo, Ki-tô giáo, Phật giáo và Khổng giáo đã khẳng định rằng, mọi thứ quan trọng mà loài người cần biết về thế giới đều đã được biết rồi. Những vị thần vĩ đại, hay Đấng tối cao toàn năng, hay những bậc hiền triết trước đây đã sở hữu mọi sự uyên thâm mà họ tiết lộ cho chúng ta qua các bộ kinh và những truyền thống truyền miệng. Dân gian thu nạp kiến thức bằng cách mày mò từ những văn bản và những truyền thống cổ đại, học hành thấu đáo từ chúng. Thật không thể tin rằng Kinh Thánh, kinh Koran, hay kinh Vệ Đà đã bỏ qua một bí mật quan trọng của vũ trụ – một bí mật mà có thể vẫn chưa được những sinh vật bằng xương bằng thịt khám phá.

Những truyền thống tri thức cổ đại chỉ thừa nhận hai loại ngu dốt. Thứ nhất, một cá nhân có thể không biết gì về một thứ gì đó quan trọng. Để thu lượm kiến thức cần thiết, anh ta chỉ cần đi hỏi một bậc minh triết hơn. Không cần phải khám phá những điều mà chưa ai từng biết. Ví dụ, chẳng hạn có một nông dân vùng quê Yorkshire nào đó ở thế kỷ 13 muốn biết loài người xuất thân từ đâu, anh ta sẽ mặc định truyền thống Ki-tô giáo nắm giữ câu trả lời chính xác, và tất cả những gì anh ta làm là chỉ cần đến hỏi linh mục địa phương.

Thứ hai, một truyền thống toàn vẹn có thể rất mù mờ về những thứ không quan trọng. Theo định nghĩa, bất cứ những gì mà các vua chúa vĩ đại hay bậc minh triết trong quá khứ, nếu đã không buồn nói cho chúng ta biết, thì đều là những thứ không quan trọng. Ví dụ, nếu người nông dân Yorkshire của chúng ta muốn biết loài nhện dệt mạng của chúng như thế nào, thì đi hỏi linh mục cũng chẳng ích gì, vì không có đáp án nào cho câu hỏi này trong bất kỳ cuốn Kinh Thánh nào. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ki-tô giáo có khiếm khuyết, mà là việc tìm hiểu xem loài nhện dệt mạng thế nào là điều không quan trọng. Xét cho cùng, Chúa biết rất rõ cách loài nhện làm việc đó thế nào. Nếu việc này là thông tin có ý nghĩa sống còn, không thể thiếu được cho sự thịnh vượng và cứu rỗi của nhân loại, thì hẳn Chúa đã đưa ra lời giải thích thấu đáo trong Kinh Thánh rồi.

Ki-tô giáo không cấm mọi người nghiên cứu về nhện. Nhưng những học giả về loài nhện – nếu có người nào như vậy vào thời trung cổ ở châu Âu – đã phải chấp nhận vai trò thứ yếu của họ trong xã hội và rằng những phát hiện của họ không dính dáng gì đến những chân lý vĩnh cửu của Ki-tô giáo. Bất kể điều gì một học giả có thể khám phá về loài nhện hay loài bướm, hay loài chim sẻ Galapagos, thì thứ kiến thức đó đều gần như vô vị, không có nghĩa lý gì đối với những chân lý cơ bản của xã hội, chính trị và kinh tế.

Trên thực tế, mọi thứ không bao giờ hoàn toàn đơn giản như vậy. Ở mọi thời kỳ, ngay cả thời kỳ sùng đạo và bảo thủ nhất, đều có những người cho rằng có những thứ quan trọng mà truyền thống toàn vẹn của họ mù tịt về chúng. Tuy nhiên, những người như vậy thường bị gạt ra ngoài xã hội, hoặc bị ngược đãi – nếu không thì họ đã hình thành một truyền thống mới và bắt đầu tranh luận rằng họ đã biết tất cả những gì cần phải biết. Ví dụ, nhà tiên tri Muhammad bắt đầu sự nghiệp tôn giáo của mình bằng cách lên án đồng bào Ả-rập của ông đã sống mà không biết đến chân lý thiêng liêng. Thế nhưng chính Muhammad lập tức lý luận rằng ông đã biết chân lý toàn vẹn rồi, và tín đồ bắt đầu gọi ông là “Nhà tiên tri Cuối cùng”. Từ đó về sau, không cần sự thiên khải nào nữa, ngoài những gì Muhammad đã mang đến.

Khoa học hiện đại là một truyền thống tri thức độc đáo, bởi nó công khai thừa nhận sự ngu dốt tập thể liên quan đến những câu hỏi quan trọng nhất. Darwin không bao giờ nhận mình là “Nhà sinh vật học cuối cùng” hay mình đã giải được câu đố về sự sống một lần và mãi mãi. Sau nhiều thế kỷ nghiên cứu khoa học trên phạm vi rộng, các nhà sinh vật học thừa nhận rằng họ vẫn chưa có bất kỳ kiến giải giá trị nào về việc bộ não đã tạo ra ý thức như thế nào. Các nhà vật lý thừa nhận rằng họ không biết điều gì đã gây ra vụ nổ BigBang, hay làm thế nào để dung hòa giữa cơ học lượng tử với thuyết tương đối rộng.

Trong các trường hợp khác, những lý thuyết khoa học cạnh tranh gây tranh luận dữ dội dựa trên những bằng chứng mới liên tục xuất hiện. Một ví dụ điển hình là các tranh luận về việc điều hành nền kinh tế thế nào cho tốt nhất. Dù mỗi nhà kinh tế học đều có thể khẳng định phương pháp của họ là tốt nhất, song lý thuyết chính thống thay đổi với mỗi cuộc khủng hoảng tài chính và bong bóng thị trường chứng khoán, và người ta thường chấp nhận rằng những nhận định cuối cùng về kinh tế vẫn chưa được nói ra.

Trong các trường hợp khác, những lý thuyết cụ thể được củng cố kiên định bởi những bằng chứng có sẵn, tới mức mọi lựa chọn thay thế khác từ lâu đã bị bỏ rơi bên vệ đường. Những lý thuyết như vậy được chấp nhận là chân lý – nhưng tất cả mọi người đều đồng ý rằng, nếu có bằng chứng mới xuất hiện phản bác lại lý thuyết, nó sẽ phải được sửa đổi hoặc loại bỏ. Các ví dụ hay về những trường hợp này là lý thuyết kiến tạo mảng và thuyết tiến hoá.

Tinh thần sẵn sàng thừa nhận sự ngu dốt khiến khoa học hiện đại trở nên năng động hơn, linh hoạt hơn, và ham tìm tòi hơn bất kĩ truyền thống nào trước đó của tri thức. Điều này giúp mở toang năng lực hiểu biết về cách thức hoạt động của thế giới, cũng như khả năng phát minh ra những công nghệ mới của chúng ta. Nhưng nó đặt ra cho chúng ta một vấn đề nghiêm trọng mà hầu hết ông bà tổ tiên chúng ta không phải đối mặt. Giả định hiện tại của chúng ta rằng chúng ta không biết hết mọi thứ, và thậm chí những kiến thức mà ta đang sở hữu cũng chỉ là nhất thời phát huy ảnh hưởng đến cả những huyền thoại chung tạo điều kiện cho hàng triệu người lạ mặt có thể hợp tác hiệu quả với nhau. Nếu có bằng chứng cho thấy nhiều trong số những huyền thoại đó là đáng ngờ, làm thế nào chúng ta có thể giữ vững xã hội? Làm thế nào các cộng đồng, quốc gia và hệ thống quốc tế của chúng ta có thể vận hành?

Tất cả những nỗ lực hiện đại để ổn định trật tự chính trị xã hội đã không có lựa chọn nào khác ngoài dựa vào một trong hai phương pháp phi khoa học:

  • Chấp nhận một lý thuyết khoa học, và đi ngược lại với những tập quán khoa học chung, tuyên bố rằng đó là một chân lý cuối cùng và tuyệt đối. Áp dụng phương pháp này có Đức quốc xã (tuyên bố những chính sách kỳ thị chủng tộc của họ là hệ quả của các thực tế sinh học).
  • Gác khoa học ra ngoài và sống theo một chân lý tuyệt đổi phi khoa học. Đây là chiến lược của chủ nghĩa nhân văn tự do được xây dựng trên một niềm tin giáo điều vào giá trị độc đáo và các quyền con người – một học thuyết mà, thật bẽ bàng, có ít điểm chung với những nghiên cứu khoa học về Homo sapiens.

Nhưng chúng ta không nên ngạc nhiên vì điều này. Ngay cả bản thân khoa học cũng phải dựa vào những niềm tin tôn giáo và hệ tư tưởng để biện minh và tài trợ cho nghiên cứu của nó.

Văn hoá hiện đại, dù sao đi nữa, đã sẵn sàng đón nhận sự ngu dốt ở chừng mức lớn hơn nhiều so với bất kỳ văn hoá nào trước đó. Một trong những thứ khiến trật tự xã hội hiện đại có thể duy trì được, đó là sự truyền bá của niềm tin gần như tôn giáo trong kĩ thuật và các phương pháp nghiên cứu khoa học mà ở mức độ nào đó đã thế chỗ cho niềm tin vào các chân lý tuyệt đối.

Giáo điều khoa học

Khoa học hiện đại không có giáo điều. Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung cho các phương pháp nghiên cứu: đều dựa vào việc thu thập các quan sát thực nghiệm – những gì chúng ta có thể quan sát được với ít nhất một trong những giác quan của mình – và hệ thống chúng lại với sự giúp đỡ của những công cụ toán học.

Xuyên suốt lịch sử, con người đã thu thập những quan sát thực nghiệm, nhưng tầm quan trọng của những quan sát này thường bị giới hạn. Tại sao lại đi lãng phí nguồn lực quý giá để có được những quan sát mới, trong khi chúng ta đã có tất cả các đáp án mà chúng ta cần có? Nhưng khi con người hiện đại đi đến chỗ thừa nhận mình không biết câu trả lời cho một số câu hỏi rất quan trọng, họ thấy mình buộc phải đi tìm kiếm kiến thức hoàn toàn mới. Kết quả là, phương pháp nghiên cứu hiện đại đang thống lĩnh hiện nay mặc nhiên thừa nhận sự thiếu sót của những kiến thức cũ. Thay vì nghiên cứu những truyền thống cũ, ngày nay trọng tâm được đặt vào các quan sát và thử nghiệm mới. Khi quan sát hiện tại xung đột với truyền thống quá khứ, chúng ta ưu tiên cho việc quan sát. Dĩ nhiên, các nhà vật lý phân tích quang phổ của những thiên hà xa xôi, các nhà khảo cổ phân tích những phát hiện từ một thành phố Thời đại Đồ đồng, và các nhà chính trị học nghiên cứu sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản đã không gạt bỏ truyền thống. Họ bắt đầu bằng việc nghiên cứu những gì các nhà thông thái cổ đại đã nói và viết ra. Nhưng ngay từ năm thứ nhất đại học, các nhà vật lý, khảo cổ và chính trị học giàu khát vọng này đều được dạy rằng nhiệm vụ của họ là phải đi xa hơn tẩm hiểu biết của Einstein, Heinrich Schliemann và Max Weber.