Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Thứ hai, ngay cả thời hoàng kim ngắn ngủi của nửa cuối thế kỷ này có thể cũng đã gieo mầm thảm họa cho tương lai. Trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã phá hoại sự cân bằng sinh thái của Trái đất theo vô vàn cách, với những hậu quả dường như sẽ rất thảm khốc. Rất nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta đang phá hủy những nền tảng thịnh vượng của con người trong một bữa tiệc tiêu thụ điên cuồng, vô trách nhiệm.

Cuối cùng, chúng ta có thể chúc mừng bản thân bởi những thành tích chưa từng có của Sapiens hiện đại, chỉ khi chúng ta hoàn toàn bỏ qua số phận của tất cả các loài động vật khác. Phần lớn sự giàu có vật chất vốn được ca tụng, che chắn chúng ta khỏi bệnh tật và đói nghèo, đã được tích lũy bằng sự hy sinh của những con khỉ trong phòng thí nghiệm, những con bò sữa và gà trên băng chuyền sản xuất. Trong hai thế kỷ qua, hàng chục tỉ con vật đó đã phải chịu một chế độ khai thác công nghiệp với sự tàn ác chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trái đất. Nếu chúng ta chỉ cần công nhận một phần mười những gì các nhà hoạt động bảo vệ động vật đang khẳng định, thì nền nông nghiệp hiện đại hoá đã có thể được coi là tội ác lớn nhất trong lịch sử. Khi đánh giá hạnh phúc toàn cầu, thật sai lầm khi chỉ tính hạnh phúc của tầng lớp thượng lưu, của dân châu Âu, hoặc của đàn ông. Và có lẽ cũng là sai nếu chúng ta chỉ xem xét hạnh phúc của con người.

Đong đếm hạnh phúc

Đến nay chúng ta vẫn thảo luận về hạnh phúc như thể nó chủ yếu là sản phẩm của các yếu tố vật chất, chẳng hạn như sức khỏe, chế độ ăn uống và sự giàu có. Nếu người ta giàu hơn và khỏe mạnh hơn, thì họ cũng phải hạnh phúc hơn. Nhưng có thực sự là như vậy? Triết gia, linh mục và nhà thơ đã nghiền ngẫm về bản chất của hạnh phúc trong hàng thiên niên kỷ, và nhiều người đã kết luận rằng, yếu tổ xã hội, đạo đức và tinh thần tác động đến hạnh phúc của chúng ta nhiều như tác động của điều kiện vật chất. Có thể những người trong các xã hội giàu có, hiện đại cũng phải chịu đựng sự xa lánh, cảm giác trống trải vô nghĩa, cho dù họ rất giàu có. Trong khi ông bà của chúng ta tuy nghèo khó hơn, nhưng lại cảm thấy viên mãn về cộng đồng, tôn giáo, duy trì sợi dây gắn kết với thiên nhiên.

Trong những thập kỷ gần đây, các nhà tâm lý học và sinh học đã chấp nhận thách thức: nghiên cứu một cách khoa học những gì thực sự làm con người hạnh phúc. Liệu rằng đó có phải là tiền, gia đình, gen di truyền, hay đức hạnh? Bước đầu tiên là xác định điều gì cần đo đếm. Định nghĩa được chấp nhận phổ quát về hạnh phúc là “trạng thái khỏe mạnh về thể chất/tinh thần một cách chủ quan”. Hạnh phúc, theo quan điểm này, là điều mà tôi đang cảm thấy bên trong con người mình, một cảm giác sung sướng nhất thời hoặc mãn nguyện kéo dài với cuộc sống đang diễn ra của tôi. Nếu hạnh phúc là điều cảm nhận từ bên trong, làm thế nào ta có thể đo được nó từ bên ngoài? Cứ cho là chúng ta có thể làm như vậy, bằng cách yêu cầu mọi người nói cho chúng ta biết về các cảm nghĩ của họ. Vì vậy, khi các nhà tâm lý hay sinh học muốn đánh giá thang hạnh phúc của mọi người, họ sẽ đưa cho họ bảng câu hỏi để họ tích vào, rồi sau đó tính toán kết quả thu được.

Một bảng câu hỏi điển hình về hạnh phúc chủ quan sẽ yêu cầu những người được hỏi cho điểm trên thang điểm từ 0 đến 10 đối với các nhận định như “Tôi cảm thấy hài lòng với con người hiện tại của tôi”, “Tôi cảm thấy cuộc sống là rất thỏa mãn”, “Tôi lạc quan về tương lai” và “Cuộc sống thật tốt”. Nhà nghiên cứu sau đó tổng hợp các câu trả lời và tính toán mức độ hạnh phúc chủ quan chung của người được phỏng vấn.

Bảng câu hỏi như vậy được sử dụng để đối chiếu hạnh phúc với các yếu tố khách quan khác nhau. Trong một nghiên cứu, hai đối tượng được so sánh là: 1000 người kiếm được 100.000 đô-la một năm với 1000 người kiếm được 50.000 đô-la. Nếu nghiên cứu phát hiện ra rằng nhóm đầu tiên có một mức độ hạnh phúc chủ quan trung bình là 8,7, trong khi nhóm sau có mức độ trung bình chỉ là 7,3, nhà nghiên cứu có thể đi đến kết luận thỏa đáng rằng có một mối tương quan tích cực giữa sự giàu có và hạnh phúc chủ quan. Nói một cách đơn giản, tiền bạc mang lại hạnh phúc. Phương pháp tương tự có thể được sử dụng để kiểm tra xem liệu những người sống trong các xã hội dân chủ có hạnh phúc hơn những người sống trong chế độ độc tài, và liệu người kết hôn có hạnh phúc hơn người độc thân, ly hôn hoặc góa vợ hay không.

Điều này cung cấp một nền tảng cho các nhà sử học: họ có thể kiểm tra sự giàu có, tự do chính trị và tỉ lệ ly dị trong quá khứ. Nếu con người hạnh phúc hơn trong một xã hội dân chủ và người còn bạn đời hạnh phúc hơn những người ly dị, nhà sử học có cơ sở để lý luận rằng tiến trình dân chủ hoá trong vài thập kỷ qua đã góp phần gia tăng hạnh phúc của nhân loại, trong khi đó tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng chỉ ra xu hướng ngược lại.

Lối suy nghĩ này không phải là không có khiếm khuyết, nhưng trước khi chỉ ra một số lỗ hổng trong đó, cũng đáng để chúng ta xem xét những kết luận kể trên.

Một kết luận thú vị là tiền thực sự mang lại hạnh phúc. Nhưng chỉ đến một cái mốc nào đó và vượt qua mốc đó, nó lại gần như không mấy giá trị. Đối với những người bị mắc kẹt ở nấc thang kinh tế thấp nhất, nhiều tiền hơn đồng nghĩa với việc cảm thấy hạnh phúc hơn.

Nếu bạn là một bà mẹ Mỹ đơn thân, có thu nhập 12.000 đô-la một năm với công việc dọn dẹp nhà cửa, và bạn đột nhiên trúng số 500.000 đô-la, có thể bạn sẽ thấy một cơn sóng hạnh phúc chủ quan dâng trào bất tận. Bạn sẽ có thể nuôi con, mua quần áo cho con mà không chìm thêm vào nợ nần. Tuy nhiên, nếu bạn là một tổng giám đốc điều hành hàng đầu, với thu nhập 250.000 đô-la một năm, trúng số 1 triệu đô-la, hay hội đồng quản trị công ty của bạn đột nhiên quyết định tăng lương gấp đôi cho bạn, hạnh phúc thăng hoa của bạn có thể chỉ kéo dài vài tuần. Theo một kết quả thực nghiệm, nó gần như chắc chắn sẽ không tạo ra một sự khác biệt lớn trong tâm trạng của bạn về lâu dài. Bạn sẽ mua một chiếc xe sang, chuyển vào sống trong một ngôi nhà nguy nga, thường xuyên uống loại vang thượng hạng Chateau Pétrus thay vì loại California Cabernet, nhưng rồi tất cả dường như sẽ trở thành thông lệ và không có gì đặc biệt.

Một phát hiện thú vị khác là bệnh tật chỉ làm vơi đi hạnh phúc trong một thời gian ngắn, nhưng là nguồn gốc đau khổ lâu dài nếu tình trạng của một người vẫn không ngừng xấu đi, hoặc nếu bệnh đó gây ra đau đớn triển miên và suy nhược. Những người được chẩn đoán mắc bệnh mạn tính như tiểu đường thường sầu não trong một thời gian, nhưng nếu bệnh tình không trầm trọng thêm, họ sẽ thích nghi với tình trạng mới của mình, và cũng tự thấy mình hạnh phúc như những người hoàn toàn khỏe mạnh. Hãy tưởng tượng rằng Lucy và Luke là cặp song sinh thuộc tầng lớp trung lưu, cùng đồng ý tham gia vào một nghiên cứu về hạnh phúc chủ quan. Trên đường trở về từ phòng thí nghiệm tâm lý học, xe của Lucy bị một xe buýt đâm trúng, khiến cho Lucy bị gãy mấy cái xương và một chân thì bị tàn tật vĩnh viễn. Vừa khi đội giải cứu đưa cô ra khỏi đống đổ nát, chuông điện thoại reo và Luke la tướng lên rằng anh vừa trúng giải xổ số độc đắc trị giá 10 triệu đô-la. Hai năm sau, cô sẽ vẫn đi khập khiễng và anh thì giàu có hơn rất nhiều, nhưng khi nhà tâm lý học lại đến để thực hiện nghiên cứu triển khai tiếp theo, rất có khả năng là cả hai người đều đưa ra cùng những câu trả lời giống như những câu họ trả lời vào buổi sáng định mệnh đó.

Gia đình và cộng đồng dường như có tác động nhiều đối với hạnh phúc của chúng ta hơn là tiền bạc và sức khỏe. Những người có gia đình gắn kết, sống trong các cộng đồng gần gũi và hỗ trợ nhau thì hạnh phúc hơn khá nhiều so với những người có gia đình bất thường và chưa bao giờ tìm được (hoặc chưa bao giờ tìm) một cộng đồng để gia nhập. Hôn nhân cũng là điều đặc biệt quan trọng. Những nghiên cứu lặp đi lặp lại đã phát hiện ra rằng có một mối tương quan rất chặt chẽ giữa các cuộc hôn nhân hạnh phúc với hạnh phúc chủ quan cao, và giữa những cuộc hôn nhân tồi tệ với đau khổ. Điều này vẫn đúng bất kể điều kiện kinh tế hay thậm chí thể chất ra sao. Một người tật nguyền, lại túng quẫn, nhưng bên cạnh là một người vợ hoặc chồng yêu thương, một gia đình tận tâm và một cộng đồng ấm áp, thì có thể cảm thấy hạnh phúc hơn một tỉ phú cô độc, với điều kiện cái nghèo của con người tật nguyền kia chưa tới nỗi cùng cực và bệnh tật của anh ta cũng không phải là quá nặng hay quá đau đớn.

Điều này đặt ra giả thuyết, rằng những cải thiện to lớn về điều kiện vật chất trong hai thế kỷ qua đã bị trung hòa bởi sự sụp đổ của gia đình và cộng đồng. Nếu vậy, một người bình thường ngày nay cũng có khi chẳng hạnh phúc hơn so với năm 1800. Ngay cả sự tự do mà chúng ta đánh giá rất cao cũng có thể chống lại chúng ta. Chúng ta có thể chọn bạn đời, bạn bè và hàng xóm, nhưng họ có thể chọn rời bỏ chúng ta. Với một cá nhân sử dụng quyền lực chưa từng có để quyết định con đường riêng của mình trong cuộc sống, chúng ta thấy ngày càng khó duy trì các cam kết. Do đó chúng ta sống trong một thế giới ngày càng cô đơn hơn của những cộng đồng và gia đình ngày càng lỏng lẻo.

Nhưng phát hiện quan trọng nhất là hạnh phúc thật sự không phụ thuộc vào các điều kiện khách quan của sự giàu có, sức khỏe hoặc thậm chí là cộng đồng. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào tương quan giữa điều kiện khách quan và mong đợi chủ quan. Nếu bạn muốn có một con bò đực chở hàng và có một con bò đực chở hàng, bạn đã được thỏa mãn. Nếu bạn muốn một chiếc Ferrari mới cóng và chỉ nhận được chiếc Fiat đã cũ, bạn sẽ cảm thấy thiếu thốn. Đây là lý do mà theo thời gian, việc trúng số có tác động đến hạnh phúc của con người tương tự như một vụ tai nạn xe hơi gây thương tật. Khi mọi thứ được cải thiện, những kỳ vọng sẽ gia tăng, và do đó những cải tiến đáng kể trong điều kiện khách quan có thể khiến chúng ta không hài lòng. Khi mọi việc xấu đi, kỳ vọng thu hẹp lại, và kết quả là ngay cả một căn bệnh nghiêm trọng vẫn có thể khiến bạn hạnh phúc như khi còn hoàn toàn khỏe mạnh trước đây.