Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Trong thời kỳ hiện đại, giới quý tộc đã bị thay thế bởi một tầng lớp ưu tú mới, những thành viên của tầng lớp này là tín đồ đích thực của tín ngưỡng tư bản. Tầng lớp ưu tú tư bản mới không bao gồm các công tước và hầu tước, mà gồm những chủ tịch hội đồng quản trị, chuyên gia chứng khoán và các nhà tư bản công nghiệp. Sự giàu có của những nhà tài phiệt này vượt xa các quý tộc thời trung cổ, nhưng họ không mấy chú ý đến chuyện tiêu xài hoang phí, và phần lợi nhuận dành cho những hoạt động phi sản xuất chiếm tỉ lệ nhỏ hơn nhiều.

Các quý tộc thời trung cổ đều vận trang phục sặc sỡ bằng vàng hay bằng lụa, và dành nhiều thời gian để tham dự yến tiệc, lễ hội và những trận cưỡi ngựa đấu thương sôi nổi. Trong khi đó, các quý ông CEO hiện đại, khoác những bộ đồng phục đơn điệu, gọi là com-lê, khiến tất cả họ trông như một đàn quạ, và họ có rất ít thời gian cho các lễ hội. Một nhà tư bản mạo hiểm điển hình sẽ vội vã lao từ cuộc họp kinh doanh này sang cuộc họp kinh doanh khác, cố gắng tìm ra chỗ để đầu tư vốn của mình, và theo dõi sự lên xuống của những cổ phiếu và trái phiếu mà ông ta sở hữu. Đúng vậy, quần áo của ông ta có thể mang nhãn hiệu Versace, và ông ta có thể đi khắp nơi bằng máy bay riêng, nhưng các chi phí này không đáng là bao so với những gì mà ông ta đầu tư vào sự tăng trưởng kinh tế của con người.

Không chỉ các doanh nhân có thế lực, mặc quần áo đắt tiền hiệu Versace, mới là những nhà đầu tư làm tăng trưởng kinh tế. Người dân bình thường và cơ quan chính phủ cũng có chung suy nghĩ như vậy. Có bao nhiêu cuộc trò chuyện trong bữa tối ở những khu phố bình dân không sớm thì muộn cũng bị sa lầy trong sự tranh luận bất tận về chuyện chẳng biết nên đầu tư tiền tiết kiệm của họ vào thị trường chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản? Các chính phủ cũng cố gắng để đầu tư tiền thuế vào những hoạt động kinh doanh sản xuất sẽ làm gia tăng lợi nhuận trong tương lai – ví dụ, việc xây dựng một bến cảng mới có thể giúp xuất khẩu sản phẩm từ các nhà máy dễ dàng hơn, khiến họ có thể đóng thuế nhiều hơn, vì vậy tiền thu thuế của chính phủ trong tương lai sẽ tăng lên. Một chính phủ khác có thể thích đầu tư vào giáo dục hơn, dựa trên nền tảng là những công dân có học thức sẽ tạo cơ sở cho những ngành công nghiệp mới có kĩ thuật cao và sinh lời lớn, đóng nhiều thuế mà không cần những hải cảng có cơ sở thiết bị đắt tiền.

Chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu như một lý thuyết về cách vận hành của nền kinh tế. Nó vừa mang tính mô tả vừa mang tính quy tắc -nó giải thích về cách thức hoạt động của tiền bạc, và đưa ra ý tưởng rằng sự tái đầu tư lợi nhuận trong sản xuất sẽ dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nhưng chủ nghĩa tư bản dần trở nên vượt xa hơn một học thuyết kinh tế rất nhiều. Hiện nay, nó bao gồm một lý thuyết đạo đức – một bộ những bài giảng về cách mọi người nên ứng xử ra sao, giáo dục con cái của họ và suy nghĩ như thế nào. Nguyên lý cơ bản của nó cho rằng tảng trưởng kinh tế chính là ân điển tối cao, hoặc chí ít là đại diện cho ân điển tối cao, vì công lý, tự do và thậm chí cả hạnh phúc, tất cả đều phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Hãy hỏi một nhà tư bản làm cách nào mang cống lý và tự do chính trị đến một nơi như Zimbabwe hay Afghanistan, và hẳn bạn sẽ nhận được một bài giảng, rằng sự sung túc kinh tế và việc tầng lớp trung lưu phát triển mạnh là không thể thiếu cho những cơ chế dân chủ ổn định như thế nào, và về sự cần thiết của việc khắc sâu những giá trị của tự do kinh doanh, tiết kiệm, và tự lực vào tâm trí những người dân bộ lạc ở Afghanistan.

Tín ngưỡng mới này cũng đã có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của khoa học hiện đại. Nghiên cứu khoa học thường được tài trợ bởi chính phủ hoặc doanh nghiệp tư nhân. Khi chính phủ tư bản và các doanh nghiệp xem xét việc đầu tư vào một dự án khoa học cụ thể, những câu hỏi đầu tiên thường là, “Dự án này có cho phép chúng ta gia tăng sản xuất và lợi nhuận hay không? Nó có tạo ra tăng trưởng kinh tế hay không?” Một dự án mà không thể vượt qua được những chướng ngại này thì có rất ít cơ hội tìm được nhà tài trợ. Không một tiến trình lịch sử nào của khoa học hiện đại có thể loại bỏ chủ nghĩa tư bản ra khỏi bức tranh toàn cảnh.

Trái lại, sẽ không thể hiểu được lịch sử của chủ nghĩa tư bản nếu không đưa khoa học vào. Niềm tin của chủ nghĩa tư bản vào sự tăng trưởng kinh tế không ngừng đã đi ngược lại với những gì mà hiện tại chúng ta biết về vũ trụ. Một xã hội của loài sói sẽ vô cùng ngu xuẩn nếu tin rằng nguồn cung những con cừu sẽ tiếp tục tăng vô hạn. Tuy vậy, nền kinh tế của con người vẫn thành công trong việc tăng trưởng theo cấp số nhân trong suốt kỷ nguyên hiện đại, nhờ vào việc cứ mỗi vài năm, các nhà khoa học lại đưa ra một khám phá hay một cải tiến mới – chẳng hạn như châu Mỹ, động cơ đốt trong hoặc cừu nhân bản. Các ngân hàng và chính phủ in tiền, nhưng cuối cùng, chính các nhà khoa học mới là người trả tiền cho những hoá đơn.

Trong những năm vừa qua, các ngân hàng và chính phủ đã in tiền giấy một cách điên cuồng. Mọi người đều sợ rằng khủng hoảng kinh tế thời nay có thể gây gián đoạn cho sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, họ đã in khống hàng ngàn tỉ đô-la, euro và yên Nhật từ hư không, bơm vốn tín dụng với lãi suất thấp vào hệ thống, và hy vọng rằng những nhà khoa học, kĩ thuật viên và kĩ sư sẽ thành công trong việc đưa ra thứ gì đó thực sự to lớn, trước khi bong bóng nổ tung. Mọi chuyện phụ thuộc vào những người làm việc trong các phòng thí nghiệm. Những khám phá mới trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học và công nghệ nano có thể tạo ra toàn bộ những ngành công nghệ mới, mà lợi nhuận của chúng có thể bù đắp cho hàng ngàn tỉ tiền ảo mà ngân hàng và chính phủ đã tạo ra kể từ năm 2008. Nếu các phòng thí nghiệm không thể biến những kỳ vọng này thành hiện thực trước khi bong bóng nổ tung, thì chúng ta đang đi đến những giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Columbus tìm kiếm một nhà đầu tư

Chủ nghĩa tư bản đã đóng vai trò quyết định không chỉ trong sự phát triển của khoa học hiện đại, mà còn trong sự xuất hiện của chủ nghĩa đế quốc châu Âu. Và chính chủ nghĩa đế quốc châu Âu đã tạo ra hệ thống tín dụng của chủ nghĩa tư bản. Dĩ nhiên, vốn tín dụng không được phát minh ở châu Âu hiện đại. Nó đã tồn tại trong hầu hết những xã hội nông nghiệp, và vào đầu thời kỷ hiện đại sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản châu Âu gắn liền với sự phát triển kinh tế ở châu Á. Hãy nhớ rằng, đến cuối thế kỷ 18, châu Á đã là cường quốc kinh tế lớn của thế giới, có nghĩa là người châu Âu nắm giữ rất ít tư bản trong tay so với những người Trung Hoa, Hồi giáo hay Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong các hệ thống chính trị xã hội của Trung Hoa, Ấn Độ và thế giới Hồi giáo, tín dụng chỉ đóng một vai trò thứ yếu. Các thương gia và ngân hàng ở những thị trường của Istanbul, Isfahan, Delhi và Bắc Kinh có thể đã suy nghĩ theo phương thức của chủ nghĩa tư bản, nhưng các vị vua, tướng lĩnh trong những cung điện và pháo đài có xu hướng coi thường các thương gia và tư tưởng thương mại. Hầu hết các đế chế ngoài châu Âu ở đầu kỷ nguyên hiện đại đều được thiết lập bởi những nhà chinh phục vĩ đại như Nurhaci và Nader Shah, hoặc bởi tầng lớp quan lại và quân sự ưu tú như nhà Thanh và Đế chế Ottoman. Những cuộc chiến được tài trợ bằng tiền thuế và sự cướp bóc (mà không có sự phân định rạch ròi với nhau), chúng phụ thuộc rất ít vào hệ thống tín dụng, và họ còn ít quan tâm hơn nữa đến lợi nhuận của các ngân hàng và nhà đầu tư.

Mặt khác, ở châu Âu, các vua chúa và tướng lĩnh dần tiếp nhận lối suy nghĩ của thương nhân, cho đến khi các thương gia và ngân hàng trở thành thiểu số ưu tú thống trị. Công cuộc chinh phục thế giới của châu Âu ngày càng được tài trợ bằng vốn tín dụng hơn là tiền thuế, và ngày càng được dẫn dắt bởi nhiều nhà tư bản mà tham vọng chính là tối đa hoá lợi nhuận trên khoản đầu tư của họ. Những đế chế được xây dựng bởi các ngân hàng và thương gia mặc áo choàng đội mũ có chóp cao, đã đánh bại những đế chế được xây dựng bởi vua chúa và quý tộc trong y phục vàng lấp lánh và áo giáp sáng loáng. Những đế chế thương mại chỉ đơn giản là khôn ngoan hơn nhiều trong việc tài trợ cho những cuộc chinh phục của họ. Không ai muốn phải nộp thuế, nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ đầu tư.

Năm 1484, Christopher Columbus đã đến gặp Vua Bồ Đào Nha để đề nghị vị vua này tài trợ một đội tàu sẽ đi về hướng tây nhằm tìm kiếm một tuyến đường thương mại mới đến Đông Á. Những cuộc thám hiểm như vậy rất liều lĩnh và tốn kém. Cần rất nhiều tiền để đóng tàu đi biển, mua nhu yếu phẩm, trả lương cho thủy thủ và quân đội -không có gì bảo đảm rằng việc đầu tư sẽ mang lại kết quả. Vua Bồ Đào Nha đã từ chối.

Giống như một doanh nhân bắt đầu khởi nghiệp ngày nay, Columbus đã không bỏ cuộc. Ông trình bày ý tưởng của mình với những nhà đầu tư có tiềm năng khác ở Ý, Pháp, Anh, và thêm một lần nữa ở Bồ Đào Nha. Lần nào ông cũng bị từ chối. Sau đó, ông đã thử vận may của mình với Ferdinand và Isabella, những người đang cai trị vương quốc Tây Ban Nha vừa thống nhất. Ông bắt đầu với một số nhà vận động hành lang đầy kinh nghiệm, và với sự giúp đỡ của họ, ông đã thuyết phục thành công Nữ hoàng Isabella đầu tư vào chuyến thám hiểm. Như ai cũng biết, Isabella đã trúng số độc đắc. Những khám phá của Columbus đã cho phép người Tây Ban Nha có thể chinh phục châu Mỹ, nơi họ thiết lập những mỏ khai thác vàng bạc, cũng như những đồn điền trồng mía và thuốc lá, từ đó giúp làm giàu cho các vị vua Tây Ban Nha, ngân hàng và thương gia, vượt xa giấc mơ điên rồ nhất của họ.