Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Trong danh sách những môn học ở khoa Tâm lý học tại trường đại học của tôi, môn học bắt buộc đầu tiên trong chương trình là “Dẫn luận về Thống kê và Phương pháp luận trong Nghiên cứu Tâm lý”. Sinh viên ngành tâm lý năm thứ hai phải học “Các phương pháp Thống kê trong Nghiên cứu Tâm lý”. Khổng Tử, Phật, Jesus và Muhammad ắt sẽ bối rối, nếu bạn nói với họ rằng để hiểu được trí não con người và muốn chữa trị các bệnh của nó trước tiên cần nghiên cứu môn thống kê.

Tri thức là sức mạnh

Hầu hết mọi người đều gặp khó khăn khi tiêu hoá khoa học hiện đại, vì ngôn ngữ toán học của nó rất khó để bộ não chúng ta có thể hấp thụ được, và những phát hiện của nó thường mâu thuẫn với cảm tính thông thường. Trong số 7 tỉ người trên thế giới, bao nhiêu người thực sự hiểu cơ học lượng tử, sinh học tế bào hay kinh tế vĩ mô? Dẫu vậy, khoa học vẫn có được uy tín to lớn nhờ vào sức mạnh mới mà nó mang lại cho chúng ta. Tổng thống và tướng lĩnh có thể không hiểu gì về vật lý hạt nhân, nhưng họ hiểu rất rõ về những gì bom nguyên tử có thể làm được.

Năm 1620, Francis Bacon đã công bố một tuyên ngôn khoa học, với nhan đề Bộ công cụ mới. Trong đó, ông lập luận rằng “tri thức là sức mạnh”. Phép thử thực sự của “tri thức” không phải là liệu nó có đúng hay không, mà là liệu nó có trao quyền lực cho chúng ta hay không. Các nhà khoa học thường cho rằng không có lý thuyết nào là chính xác 100%. Do đó, chân lý là một phép thử tồi đối với tri thức. Phép thử thực sự chính là tính ứng dụng của nó. Một lý thuyết, nếu tạo điều kiện cho ta làm những điều mới, thì đó chính là tri thức.

Qua các thế kỷ, khoa học đã cung cấp cho chúng ta nhiều công cụ mới. Một số là công cụ tinh thần, chẳng hạn những công cụ dùng để dự đoán tỉ lệ tử vong và tăng trưởng kinh tế. Quan trọng hơn thế là công cụ công nghệ. Mối liên hệ giữa khoa học và công nghệ mạnh mẽ đến mức ngày nay mọi người có xu hướng nhầm lẫn giữa hai khái niệm. Chúng ta thường nghĩ rằng, không thể nào phát triển được những công nghệ mới nếu không có nghiên cứu khoa học, và rằng nghiên cứu là việc làm gần như vô nghĩa nếu không dẫn đến những công nghệ mới.

Trong thực tế, mối liên hệ giữa khoa học và công nghệ là một hiện tượng mới xảy ra rất gần đây. Trước năm 1300, khoa học và công nghệ là hai lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt. Khi Bacon kết nối chúng lại với nhau vào đầu thế kỷ 17, đó là một ý tưởng mang tính cách mạng. Trong thế kỷ 17 và 18, mối liên hệ này được thắt chặt thêm, nhưng nút buộc chỉ đến thế kỷ 19 mới được thắt lại. Thậm chí vào năm 1800, hầu hết các ông hoàng muốn có một quân đội hùng mạnh và phần lớn các tay trùm buôn bán muốn có một công việc kinh doanh thành công, đều không màng đến việc tài trợ cho nghiên cứu trong vật lý học, sinh học hay kinh tế học.

Tôi không có ý cho rằng không có ngoại lệ với quy luật này. Một sử gia giỏi có thể tìm thấy tiền lệ cho mọi thứ. Nhưng một sử gia sẽ còn giỏi hơn nếu biết khi nào những tiền lệ này chỉ là sự hiếu kỳ che phủ mất bức tranh lớn. Nói chung, hầu hết vua chúa và doanh nhân tiền hiện đại đã không tài trợ cho nghiên cứu về bản chất của vũ trụ để phát triển công nghệ mới, và hầu hết các nhà tư tưởng đã không cố gắng biến những khám phá của họ thành tiện ích công nghệ. Các bậc vua chúa đã tài trợ cho các cơ sở giáo dục với sứ mạng truyền bá tri thức truyền thống để gia cố cho trật tự hiện có.

Đây đó có người đã phát triển những công nghệ mới, nhưng chúng thường do mấy thợ thủ công ít học sáng tạo ra theo lối thử và sai, chứ không phải bởi những học giả theo đuổi nghiên cứu khoa học có hệ thống. Năm nay qua năm khác, các nhà sản xuất xe bò hay ngựa kéo vẫn tiếp tục làm cùng loại xe kéo với cùng loại vật liệu. Họ đã không trích một phần lợi nhuận hằng năm nào ra để nghiên cứu và phát triển những mẫu xe mới. Kiểu xe cũng thi thoảng được cải tiến, nhưng thường nhờ vào sự khéo léo của vài thợ mộc địa phương chưa bao giờ được đặt chân vào một trường đại học nào và thậm chí còn không biết đọc.

Điều này là có thật trong khu vực nhà nước cũng như tư nhân. Trong khi các nhà nước hiện đại kêu gọi những nhà khoa học của họ cung cấp giải pháp trong hầu hết mọi lĩnh vực của chính sách quốc gia, từ năng lượng, y tế, cho đến xử lý chất thải, thì những vương quốc cổ đại ít khi làm như vậy. Sự tương phản giữa thời đó và bây giờ thể hiện rõ ràng nhất trong việc chế tạo vũ khí. Khi tổng thống sắp mãn nhiệm Dwight Eisenhower báo động vào năm 1961 về sức mạnh ngày càng tăng của những cụm liên hợp quân sự-công nghiệp, ông đã bỏ qua một vế của phương trình. Lẽ ra ông phải báo động cho nước Mỹ về cụm liên hợp quân sự-công nghiệp-khoa học, bởi vì các cuộc chiến tranh ngày nay là sản phẩm của khoa học. Các lực lượng quân sự trên thế giới đề xướng, tài trợ kinh phí và chỉ đạo phần lớn việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của loài người.

Khi Thế chiến I sa lầy vào chiến tranh chiến hào bất tận, cả hai bên đều kêu gọi các nhà khoa học phá vỡ bế tắc và cứu nguy đất nước. Đội ngũ áo trắng đã đáp lại lời kêu gọi, và từ các phòng thí nghiệm tuôn ra một dòng chảy không dứt những loại vũ khí phi thường mới: máy bay chiến đấu, khí độc, xe tăng, tàu ngầm, súng liên thanh, đại bác, súng trường, và bom có uy lực hơn rất nhiều.

Khoa học đã đóng vai trò còn lớn hơn trong Thế chiến II. Đến cuối năm 1944, Đức đang thua cuộc và bại trận là điều sắp xảy ra. Một năm trước đó, đồng minh của Đức là Ý đã lật đổ Mussolini và đầu hàng quân Đồng minh. Nhưng quân Đức tiếp tục chiến đấu, mặc dù quân Anh, Mỹ và Liên Xô đang khép chặt vòng vây. Một lý do khiến binh lính và dân chúng Đức cho rằng không phải đã mất tất cả, là vì họ tin rằng các nhà khoa học Đức sắp đảo ngược tình thế với cái gọi là những vũ khí thần kỳ, chẳng hạn tên lửa V-2 và máy bay phản lực.

Tên lửa V-2 của Đức sẵn sàng trên dàn phóng

Hình 32. Tên lửa V-2 của Đức sẵn sàng trên dàn phóng. Nó đã không đánh bại được quân Đồng minh, nhưng nó nuôi hy vọng của người Đức vào một phép màu công nghệ cho đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

Trong khi Đức tiếp tục phát triển tên lửa và máy bay phản lực, dự án Manhattan của Mỹ đã chế tạo thành công bom nguyên tử. Đến khi bom đã sẵn sàng, vào đầu tháng Tám năm 1943, quân Đức đã đầu hàng, nhưng quân Nhật vẫn còn tiếp tục chiến đấu. Quân Mỹ sửa soạn đánh chiếm quần đảo của người Nhật. Người Nhật thề sẽ chống trả quân xâm lược và quyết tử, và đã có mọi lý do để tin rằng đó không phải là lời đe dọa vô căn cứ. Tướng lĩnh Mỹ nói với Tổng thống Harry S. Truman rằng nếu xâm lược Nhật Bản, Mỹ sẽ mất một triệu lính và sẽ kéo dài cuộc chiến sang tận năm 1946. Truman đã quyết định dùng loại bom mới. Sau hai tuần hứng chịu hai quả bom nguyên tử, Nhật Bản đã đầu hàng vô điều kiện và chiến tranh kết thúc.

Nhưng khoa học không chỉ là vũ khí tấn công. Nó còn đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của chúng ta. Ngày nay, nhiều người Mỹ tin rằng giải pháp cho nạn khủng bố là công nghệ chứ không phải chính trị. Họ tin rằng chỉ cần đầu tư thêm hàng triệu đô-la cho công nghệ nano, Mỹ có thể thả những con ruồi-bay-do-thám xuống từng hang động ở Afghanistan, từng đồn nhỏ ở Yemen và từng trại giam tại Bắc Phi. Một khi làm được điều đó, đội ngũ kế tục của Osama Bin Laden sẽ không thể pha một tách cà phê mà không bị một con ruồi-bay-do-thám CIA. truyền thông tin quan trọng này về tổng hành dinh ở Langley. Cấp thêm hàng triệu đô-la khác cho việc nghiên cứu về bộ óc, và mỗi sân bay có thể được trang bị những bộ quét FMRI siêu tinh vi ngay lập tức có thể nhận ra ý nghĩ tức giận và hận thù trong não người. Liệu điều này có thực sự thành công không? Không ai có thể biết được. Có khôn ngoan không khi phát triển những con ruồi do thám và máy quét đọc được ý nghĩ? Không chắc lắm. Dù vậy, khi bạn đọc những dòng này, Bộ Quốc phòng Mỹ đang chuyển hàng triệu đô-la cho các phòng thí nghiệm não bộ và công nghệ để hiện thực hoá ý tưởng này và những ý tưởng khác.

Nỗi ám ảnh với công nghệ quân sự – từ xe tăng, bom nguyên tử đến ruồi-bay-do-thám – là một hiện tượng đáng ngạc nhiên gần đây. Cho đến thế kỷ 19, đại đa số các cuộc cách mạng quân sự là sản phẩm của những thay đổi về mặt tổ chức hơn là về mặt công nghệ. Khi các nền văn minh xa lạ giao thoa lần đầu tiên, khoảng cách về công nghệ đôi khi đóng một vai trò quan trọng. Nhưng ngay cả trong các trường hợp như vậy, rất ít người nghĩ rằng phải chủ động tạo ra hay mở rộng những khoảng cách đó. Hầu hết các đế quốc không nổi lên nhờ vào những tài năng phi thường về công nghệ, còn những người cai trị chúng đã không nghĩ nhiều đến việc cải tiến công nghệ. Người Ả-rập đã không đánh bại Đế chế Sassanid nhờ vào cung kiếm siêu việt hơn, người Seljuk không có lợi thế kĩ thuật hơn so với người Byzantine, và người Mông Cổ đã không chinh phục Trung Hoa với sự trợ giúp của một số loại vũ khí mới. Thực tế, trong tất cả những trường hợp này, phe bại trận đã sở hữu kĩ thuật dân sự lẫn quân sự đều siêu việt hơn nhiều so với phe thắng trận.

Quân đội La Mã là một ví dụ đặc biệt phù hợp. Đó là quân đội thiện chiến nhất trong thời kỳ đó, nhưng nói về kĩ thuật, La Mã đã không có ưu thế gì hơn so với Đế chế Carthage, Macedonia hay Seleucid. Lợi thế của nó nằm ở lối tổ chức hiệu quả, kỷ luật sắt và nguồn nhân lực khổng lồ. Quân đội La Mã chưa bao giờ thành lập một cơ quan nghiên cứu và phát triển, vũ khí của nó gần như vẫn không tiến bộ mấy trong nhiều thế kỷ. Nếu các quân đoàn của Scipio Aemilianus – vị tướng đã san bằng thành Carthage và đánh bại người Numantia trong thế kỷ 2 TCN – xuất hiện bất ngờ 500 năm sau vào kỷ nguyên của Constantine Đại đế, Scipio đã có thể có một cơ hội đẩy triển vọng để đánh bại Constantine. Bây giờ hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra đối với một vị tướng cách đây vài trăm năm – ví dụ Albrecht von Wallenstein – thủ lĩnh một lực lượng của Đế chế La Mã Thần thánh trong Chiến tranh Ba mươi năm – nếu ông dẫn quân đội gồm các ngự lâm, lính bộ binh dùng giáo, và kị binh chống lại một lữ đoàn biệt kích của quân đội Mỹ đương đại. Wallenstein là một nhà chiến thuật lỗi lạc, và lính của ông là những chiến binh thiện chiến cừ khôi, nhưng tài năng của họ cũng vô dụng trước các loại vũ khí hiện đại.