Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Vết rạn nứt đầu tiên trong cơ chế cũ đó xuất hiện từ khoảng 10.000 năm trước đây, trong Cách mạng Nông nghiệp. Sapiens, mơ ước về con gà béo núc và chậm chạp, phát hiện ra rằng nếu họ cho một con gà mái béo nhất giao phối với một con gà trống chậm chạp nhất, con của cặp gà trên sẽ có cả hai đặc điểm béo và chậm chạp. Nếu bạn cho đám con cái này giao phối với nhau, bạn có thể tạo ra một giống gà béo và chậm chạp. Đây là giống gà không có trong tự nhiên, được tạo ra từ thiết kế thông minh của con người chứ không phải từ một vị thần.

Tuy nhiên, so với một vị thần toàn năng, Homo sapiens chỉ có những kĩ năng thiết kế rất hạn chế. Sapiens có thể sử dụng gây giống chọn lọc để đi tắt và đẩy nhanh quá trình chọn lọc tự nhiên, thường tác động tới loài gà, nhưng họ không thể mang lại những đặc điểm hoàn toàn mới, chưa từng có từ nguồn gen của những con gà hoang dã. Theo một cách nào đó, mối quan hệ giữa Homo sapiens và gà giống như nhiều mối quan hệ cộng sinh tương tự khác, thường tự phát sinh theo cách của riêng chúng trong tự nhiên. Sapiens đã gia tăng những áp lực chọn lọc đặc biệt lên các giống gà, khiến cho những con gà béo ú và chậm chạp sinh sôi nảy nở, giống như việc ong thụ phấn lựa chọn những bông hoa, khiến cho hoa có màu sắc tươi sáng hơn dễ có cơ hội được thụ phấn.

Ngày nay, cơ chế 4 tỉ năm tuổi của chọn lọc tự nhiên đang đối mặt với một thách thức hoàn toàn khác. Trong các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, giới khoa học đang thiết kế nên những sinh vật sống. Họ phá vỡ các quy luật chọn lọc tự nhiên mà không bị trừng phạt, không bị kiểm chế, kể cả bởi đặc tính ban đầu của một sinh vật. Vào năm 2000, Eduardo Kac, một nghệ sĩ đồng thời là nhà sinh vật học người Brazil, đã quyết định tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mới: một con thỏ màu xanh huỳnh quang. Kac liên lạc với một phòng thí nghiệm của Pháp và cấp cho họ một số tiền để thiết kế một con thỏ có màu lông phát sáng đúng theo yêu cầu của ông. Các nhà khoa học Pháp đã lấy một cái phôi của loài thỏ trắng bình thường, cấy vào ADN của nó một gen được lấy từ một con sứa phát sáng màu xanh lá cây, và thế là, họ cho ra đời một con thỏ phát sáng màu xanh lá cây! Kac đặt tên con thỏ là Alba.

Không thể giải thích sự tồn tại của thỏ Alba theo các quy luật chọn lọc tự nhiên. Nó là sản phẩm của thiết kế thông minh. Nó cũng là một điểm báo trước về những gì sắp đến. Nếu tiềm năng mà Alba báo hiệu được hiện thực hoá đầy đủ – và nếu nhân loại không tự hủy diệt mình trong khoảng thời gian đó – thì Cách mạng Khoa học có thể chứng minh rằng nó lớn hơn nhiều so với một cuộc cách mạng lịch sử đơn thuần. Nó có thể trở thành cuộc cách mạng sinh học quan trọng nhất kể từ khi xuất hiện sự sống trên Trái đất. Sau 4 tỉ năm chọn lọc tự nhiên, Alba bước vào buổi bình minh của một kỷ nguyên vũ trụ mới, trong đó cuộc sống sẽ được điều hành bởi thiết kế thông minh. Nếu điều này xảy ra, với sự nhận thức muộn màng, toàn bộ lịch sử nhân loại đến thời điểm đó có thể được diễn giải lai như một quá trình thử nghiệm và học hỏi nhằm cách mạng hoá trò chơi cuộc sống. Quá trình này cần được hiểu từ góc nhìn qua nhiều tỉ năm của vũ trụ, thay vì từ quan điểm của con người trong hàng thiên niên kỷ.

Các nhà sinh học trên thế giới đang bị khoá chặt trong trận chiến với phong trào thiết kế thông minh, họ phản đối việc giảng dạy thuyết tiến hoá Darwin trong các trường học, và tuyên bố rằng sự phức tạp sinh học chứng tỏ phải có một đấng sáng tạo, người nghĩ ra tất cả các chi tiết sinh học từ trước. Các nhà sinh học có thể đúng về quá khứ, nhưng trớ trêu thay những người ủng hộ thiết kế thông minh lại suy luận đúng về tương lai.

Tại thời điểm viết cuốn sách này, việc thay thế chọn lọc tự nhiên bởi thiết kế thông minh có thể xảy ra theo một trong ba cách sau: qua kĩ thuật sinh học, kĩ thuật cyborg (cyborg là những thực thể kết hợp các bộ phận hữu cơ với phi hữu cơ) hay các kĩ thuật về sự sống vô cơ.

Của chuột và người

Kĩ thuật sinh học là sự can thiệp cố ý của con người trên cấp độ sinh học (ví dụ cấy một gen) nhằm thay đổi hình dạng, khả năng, nhu cầu hay mong muốn của một sinh vật, hiện thực hoá một số ý tưởng văn hoá đã có từ trước, chẳng hạn lòng yêu thích nghệ thuật của Eduardo Kac.

Xét về bản chất thì chẳng có điều gì mới mẻ về kĩ thuật sinh học. Con người đã sử dụng nó trong nhiều thiên niên kỷ nhằm định hình lại bản thân và các sinh vật khác. Một ví dụ đơn giản là chuyện thiến. Con người đã thiến bò đực khoảng 10.000 năm trước để tạo ra bò nhà ít hung hăng, do đó dễ huấn luyện để kéo cày hơn. Con người cũng thiến thanh niên nam để tạo ra ca sĩ giọng nữ cao với tiếng hát mê hoặc và hoạn quan, những người có thể được giao việc giám sát hậu cung của nhà vua một cách an toàn.

Nhưng những tiến bộ gần đây trong sự hiểu biết của chúng ta về cách thức các sinh vật hoạt động, tới tận cấp độ tế bào và hạt nhân, đã mở ra những khả năng mà trước đây không thể hình dung nổi. Ví dụ, ngày nay chúng ta có thể không chỉ đơn thuần thiến một người đàn ông, mà còn thay đổi giới tính của anh ta thông qua những phương pháp phẫu thuật và thay đổi hoóc-môn. Nhưng đó không phải là tất cả. Hãy xem xét sự bất ngờ, ghê tởm và kinh hoàng xảy ra vào năm 1996, khi bức ảnh dưới đây xuất hiện trên báo chí và truyền hình.

Tế bào xương sụn bò phát triển trên lưng con chuột

Hình 46. Trên lưng con chuột này, các nhà khoa học đã cấy lên đó một “cái tai” từ tế bào xương sụn bò. Nó là một tiếng vang kỳ lạ từ bức tượng nhân sư từ hang Stadel. 30.000 năm trước, con người đã mơ tưởng về việc kết hợp các loài khác nhau. Ngày nay, họ thực sự có thể tạo ra được những con lai như vậy.

Đây không phải là hình ảnh Photoshop. Đây là hình ảnh nguyên bản của một con chuột thật mà các nhà khoa học cấy tế bào xương sụn bò lên lưng nó. Họ đã có thể kiểm soát sự phát triển của các mô mới, và trong trường hợp này định hình nó thành một thứ trông giống như một cái tai người. Quá trình này có thể sớm cho phép họ tạo ra những cái tai nhân tạo mà sau đó có thể cấy cho con người.

Thậm chí nhiều kỳ tích đáng chú ý hơn nữa có thể được thực hiện với kĩ thuật di truyền, đó là lý do mà nó đặt ra một loạt các vấn đề về đạo đức, chính trị và tư tưởng. Và không chỉ một người độc thần ngoan đạo, luôn phản đối việc con người không nên chiếm đoạt vai trò của Thiên Chúa mới thấy có vấn đề. Nhiều người vô thần cũng khẳng định rằng họ bị sốc bởi ý tưởng rằng các nhà khoa học đang xỏ chân vào chiếc giày của tự nhiên. Các nhà hoạt động về quyền của động vật phê phán các phòng thí nghiệm kĩ thuật di truyền đã gây ra đau khổ cho động vật, và cả những con vật trong trang trại bị công nghệ hoá mà không đếm xỉa gì đến nhu cầu và mong muốn của chúng. Các nhà hoạt động nhân quyền e rằng kĩ thuật di truyền có thể được sử dụng để tạo ra siêu nhân, những người sẽ biến phần còn lại của nhân loại thành nô lệ. Họ đã đem tới cái nhìn khải huyền về chế độ độc tài sinh học có thể nhân bản những người lính không biết sợ và những công nhân biết vâng lời. Nhận định phổ biến là có quá nhiều cơ hội đang mở ra nhanh chóng, và kĩ nâng biến đổi gen theo cách nhân tạo vượt xa khả năng vận dụng kĩ năng này một cách khôn ngoan về lâu về dài.

Kết quả là hiện nay chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ tiềm năng của kĩ thuật di truyền. Hầu hết các sinh vật hiện đang được thiết kế là những loài có vai trò chính trị thấp kém nhất – thực vật, nấm, vi khuẩn và côn trùng. Chẳng hạn như, dòng vi khuẩn E. coli, một loài vi khuẩn sống cộng sinh trong ruột của con người (và sẽ gây lo lắng khi nó thoát khỏi ruột và gây nhiễm trùng chết người), đã được biến đổi gen để sản xuất nhiên liệu sinh học. E. coli và một số loài nấm cũng đã được thiết kế để sản xuất insulin, do đó làm giảm chi phí của việc điều trị bệnh tiểu đường. Một gen được chiết xuất từ một loài cá Bắc cực đã được đưa vào khoai tây, khiến giống khoai tây này chống được sương giá.

Một vài loài động vật có vú cũng trở thành đối tượng của kĩ thuật di truyền. Hằng năm ngành công nghiệp sữa bị thiệt hại hàng tỉ đô-la do bệnh viêm vú, một căn bệnh tấn công bầu vú bò sữa. Các nhà khoa học đang thử nghiệm với bò sữa biến đổi gen có chứa lysostaphin trong sữa, một chất được tổng hợp sinh hoá có khả năng tấn công vi khuẩn gây bệnh. Ngành công nghiệp chế biến thịt lợn đã bị ảnh hưởng nặng về doanh thu, bởi người tiêu dùng cảnh giác với các chất béo không lành mạnh trong giảm bông và thịt xông khói, giờ lại có hy vọng đối với những giống lợn đang được thử nghiệm cấy ghép với vật liệu di truyền từ một con sâu. Các gen mới sẽ giúp cho những con lợn chuyển hoá axit béo omega 6 không tốt thành người anh em họ khỏe mạnh của nó là omega 3.

Thế hệ tiếp theo của công nghệ di truyền sẽ tạo ra những con lợn với hàm lượng chất béo tốt cho sức khỏe dễ như trò chơi trẻ con. Các nhà di truyền học đã không chỉ đơn thuần làm tăng gấp sáu lần tuổi thọ trung bình của các loài sâu, mà còn thiết kế nên những con chuột thiên tài có bộ nhớ tiến bộ vượt bậc và có kĩ năng học tập. Loài chuột đồng là loài gặm nhấm mình nhỏ, béo mập, và hầu hết chúng đều có quan hệ lăng nhăng. Nhưng có một loài mà trong đó chuột đực và chuột cái hình thành các mối quan hệ đối ngẫu lâu dài. Các nhà di truyền học tuyên bố đã phân lập được gen chịu trách nhiệm cho mối quan hệ đối ngẫu này. Nếu việc bổ sung một gen có thể biến một gã Don Juan thành một người chồng chung thủy và yêu thương, chẳng phải chúng ta không còn xa mấy với việc có thể thiết kế di truyền không chỉ khả năng cá nhân của các loài gặm nhấm (và con người), mà còn cả cấu trúc xã hội của chúng?