Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Thấu hiểu được đa thần sẽ cho phép khoan dung tôn giáo nhiều hơn. Một mặt, người theo thuyết đa thần tin vào một quyền năng tối cao và hoàn toàn không vị lợi, mặt khác cũng tin vào những quyền năng có thiên vị và thành kiến, các tín đồ của một vị thần này không gặp khó khăn gì trong việc chấp nhận sự tồn tại và quyền năng của các vị thần khác. Đa thần giáo về bản chất là cởi mở, và hiếm khi ngược đãi những kẻ “dị giáo” và “ngoại đạo”.

Ngay cả khi những người đa thần giáo chinh phục các đế chế lớn, họ cũng không cố gắng cải đạo những thần dân của mình. Người Ai Cập, La Mã và Aztec đã không gửi các nhà truyền giáo đến những vùng đất xa lạ để truyền bá việc thờ phụng thần Osiris, Jupiter hay Huitzilopochtli (vị thần tối cao của người Aztec), và chắc chắn càng không cử quân đội tới vì mục đích đó. Những dân tộc bị trị trên khắp đế chế được kỷ vọng sẽ thờ thần linh cùng các nghi lễ của đế chế, vì các vị thần và các nghi thức đó bảo vệ và hợp thức hoá cho đế chế. Tuy nhiên, họ không bị yêu cầu phải từ bỏ thần linh và nghi lễ bản địa của mình. Trong Đế chế Aztec, những người nô lệ có nghĩa vụ phải xây dựng các đền thờ thần Huitzilopochtli, nhưng chúng được xây dựng bên cạnh đền thờ các vị thần địa phương chứ không phải thay thế chúng. Trong nhiều trường hợp, chính tầng lớp ưu tú của đế chế tự tiếp nhận các vị thần và nghi lễ của người dân bị trị. Người La Mã thì vui vẻ thêm nữ thần châu Á Cybele và nữ thần Ai Cập Isis vào đền thờ bách thần của mình.

Vị thần duy nhất mà người La Mã từ lâu đã không chịu dung thứ là vị thần độc tôn và loan báo tin mừng của các tín đồ Ki-tô. Đế chế La Mã không yêu cầu các tín đồ Ki-tô từ bỏ tín ngưỡng và nghi lễ của họ, nhưng muốn họ tôn kính các thần linh bảo hộ đế chế và tôn kính Hoàng đế La Mã như thánh thần. Đây được xem là sự tuyên thệ cho lòng trung thành về mặt chính trị. Khi các tín đồ Ki-tô giáo kịch liệt phản đối điều đó, và tiếp tục từ chối tất cả các nỗ lực thỏa hiệp, người La Mã phản ứng bằng cách ngược đãi những người mà họ cho là phần tử lật đổ chính quyền. Và ngay cả điều này cũng chỉ được thực hiện nửa vời. Trong 300 năm từ sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập giá cho đến sự cải đạo của Hoàng đế Constantine, các hoàng đế La Mã theo thuyết đa thần đã khơi mào khoảng bốn cuộc thanh trừng tín đồ Ki-tô. Các nhà quản lý và thống đốc địa phương kích động một số hành động bạo lực chống lại người Ki-tô giáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta cộng tất cả các nạn nhân của tất cả những cuộc thanh trừng đó lại, hoá ra trong ba thế kỷ, những người La Mã đa thần giết hại không nhiều hơn một vài nghìn tín đồ Ki-tô. Ngược lại, trong suốt 1.500 năm tiếp theo, có tới hàng triệu tín đồ Ki-tô bị giết bởi chính những người Ki-tô nhằm bảo vệ những luận giải có phần khác biệt về tôn giáo, tình yêu thương và lòng từ bi.

Những cuộc chiến tôn giáo giữa người Công giáo và Tin Lành càn quét châu Âu trong thế kỷ 16 và 17 đặc biệt khét tiếng. Tất cả những người tham chiến có liên quan đều chấp nhận vai trò thiêng liêng của Chúa Jesus và Phúc âm của ngài về lòng từ bi và tình yêu thương. Tuy nhiên, họ không đồng ý về bản chất của thứ tình yêu này. Người Tin Lành cho rằng tình yêu của Thiên Chúa lớn tới mức Thiên Chúa đã nhập thế bằng xác thịt, tự để cho mình bị tra tấn và đóng đinh, qua đó cứu rỗi các tội tổ tông và mở cánh cửa thiên đường cho tất cả những người tuyên xưng đức tin vào Ngài. Tín đồ Công giáo thì cho rằng đức tin đó là cần thiết nhưng chưa đủ. Để được lên thiên đường, các tín đồ phải tham gia vào các nghi lễ nhà thờ và làm việc thiện. Tín đồ Tin Lành bác bỏ điều này, cho rằng sự đổi chác làm tầm thường sự vĩ đại và tình yêu nơi Thiên Chúa. Kẻ nào nghĩ rằng cánh cửa lên thiên đường phụ thuộc vào những việc phúc thiện cá nhân chính là phóng đại tầm quan trọng của mình, chính là ngụ ý rằng sự khổ ải của Chúa Jesus trên thập tự giá và tình yêu của Người đối với nhân loại vẫn là chưa đủ.

Những tranh chấp về thần học trở nên bạo liệt tới mức vào thế kỷ 16 và 17, người Công giáo và Tin Lành giết hại hàng chục vạn tín đồ của nhau. Vào ngày 23 tháng Tám năm 1372, tín đồ Công giáo tại Pháp đề cao tầm quan trọng của phúc thiện, đã tấn công những cộng đồng Tin Lành để cao tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Trong cuộc tấn công này, được gọi là Thảm sát ngày lễ Thánh Bartholomew, có tới 5.000 đến 10.000 tín đồ Tin Lành đã bị giết hại trong vòng chưa đấy 24 giờ. Khi Giáo hoàng ở Rome nghe tin từ Pháp, ông vui mừng cho tổ chức lễ hội cầu nguyện ăn mừng sự kiện và cắt cử Giorgio Vasari trang trí một phòng của Vatican bằng bức bích họa về vụ thảm sát (căn phòng hiện đang giới hạn đối với du khách). Số người Ki-tô giáo bị chính những anh em Ki-tô hữu giết hại trong 24 giờ đó còn lớn hơn số nạn nhân này của Đế chế La Mã đa thần trong suốt thời gian tồn tại của nó.

Đấng tối cao là duy nhất

Theo thời gian, một số tín đồ đa thần giáo trở nên quá yêu mến một vị thần bảo hộ đặc biệt của họ tới mức ngày càng tách khỏi đa thần giáo cơ bản. Họ bắt đầu tin rằng vị thần của họ là vị thần duy nhất, và rằng trên thực tế Ngài là quyền lực tối cao của cả vũ trụ. Nhưng đồng thời họ vẫn tiếp tục xem Ngài là đấng có những vị lợi, thiên kiến riêng, và tin rằng họ có thể thỏa hiệp với Ngài. Chính điều đó đã sinh ra thuyết độc thần, và tín đồ của tôn giáo này khẩn cầu quyền năng tối cao của vũ trụ giúp họ khỏi bệnh, trúng xổ số và giành chiến thắng trong chiến tranh.

Độc thần giáo đầu tiên mà chúng ta biết đến xuất hiện ở Ai Cập vào khoảng năm 350 TCN, khi Pharaoh Akhenaten tuyên bố một trong các vị thần nhỏ trong bách thần Ai Cập, thần Aten, trên thực tế chính là Đấng tối cao cai trị vũ trụ. Akhenaten thể chế hoá tục thờ thần Aten thành quốc giáo và cố gắng kiểm soát việc thờ phụng mọi vị thần khác. Tuy nhiên, cuộc cách mạng tôn giáo của ông đã không thành công. Sau khi ông chết, tục thờ thần Aten bị bãi bỏ và quay lại với tục thờ bách thần như cũ.

Thuyết đa thần đâu đó vẫn tiếp tục đẻ ra các thuyết độc thần khác, nhưng chúng vẫn nằm ngoài lề, nhất là vì chúng không thể tiêu hoá nổi thông điệp phổ quát của mình. Ví dụ, Do Thái giáo cho rằng Đấng tối cao của vũ trụ có những vị lợi và thiên kiến, mà vị lợi chủ yếu của Ngài là đối với đất nước Do Thái tí hon và trong vùng đất heo hút của Israel. Do Thái giáo không có gì nhiều để hấp dẫn đối với các nước khác, và trong suốt sự tồn tại của mình, nó không phải là một tôn giáo có chủ trương truyền giáo. Giai đoạn này có thể được gọi là giai đoạn “độc thần cục bộ”.

Một sự đột phá lớn đã xảy ra với Ki-tô giáo. Đức tin này khởi nguồn từ một giáo phái Do Thái bí truyền có mục tiêu thuyết phục người Do Thái tin rằng Chúa Jesus thành Nazareth là đấng cứu thế mà họ hằng mong ngóng từ lâu. Tuy nhiên, một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của giáo phái, Thánh Paul thành Tarsus, lập luận rằng nếu quyền lực tối cao của vũ trụ có những vị lợi và thiên kiến, và nếu Ngài buộc phải nhập thế bằng xác phàm và chết trên thập giá để cứu độ nhân loại, thì đây là điều mà tất cả mọi người đều phải biết, chứ không chỉ riêng người Do Thái. Vì vậy cần phải loan báo tin mừng – Phúc âm – của Chúa Jesus – ra toàn thế giới.

Các lập luận của Paul đã gặp mảnh đất màu mỡ. Người Ki-tô giáo bắt đầu tổ chức các hoạt động truyền giáo rộng rãi nhắm đến tất cả mọi người. Ở một trong những bước ngoặt lạ lùng nhất của lịch sử, giáo phái Do Thái bí truyền này đã thống lĩnh trên toàn bộ Đế chế La Mã hùng mạnh.

Thành công của Ki-tô giáo được coi là mô hình cho một tôn giáo độc thần nữa xuất hiện ở bán đảo Ả-rập trong thế kỷ 7 – Hồi giáo. Giống như Ki-tô giáo, Hồi giáo khi sơ khai cũng là một giáo phái nhỏ bé ở một góc hẻo lánh của thế giới, nhưng trong một bất ngờ mang tính lịch sử còn lạ lùng và chóng vánh hơn, nó đã bứt phá khỏi sa mạc Ả-rập và chinh phục một đế chế rộng lớn trải dài từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ. Từ đó về sau, tư tưởng độc thần đóng một vai trò trung tâm trong lịch sử thế giới.

Tín đồ độc thần giáo có xu hướng cuồng tín và truyền đạo hơn rất nhiều so với tín đồ đa thần giáo. Một tôn giáo mà công nhận tính hợp pháp của các tín ngưỡng khác thường có hàm ý rằng, hoặc là Đấng tối cao của tôn giáo đó không phải là quyền lực tối thượng của vũ trụ, hoặc là tôn giáo đó chỉ nhận được từ Đấng tối cao một phần chân lý phổ quát. Vì thường tin rằng mình đang nắm trong tay toàn bộ thông điệp của một và chỉ một Đấng tối cao mà thôi, nên tín đồ độc thần giáo đã bị thôi thúc phải báng bổ tất cả các tôn giáo còn lại. Trong hai thiên niên kỷ qua, tín đồ độc thần giáo vẫn không ngừng củng cố quyền hành của mình qua việc triệt tiêu bằng bạo lực đối với tất cả các tôn giáo cạnh tranh khác.

Biện pháp này có hiệu quả. Vào đầu thế kỷ 1, hầu như không có một tín đồ độc thần giáo nào trên thế giới. Khoảng năm 500, một trong những đế chế lớn nhất thế giới – Đế chế La Mã – trở thành một chính thể Ki-tô giáo, các nhà truyền giáo tất bật truyền bá Ki-tô giáo đến các vùng đất khác thuộc châu Âu, châu Á và châu Phi. Đến cuối thiên niên kỷ 1, hầu hết mọi người ở châu Âu, Tây Á, Bắc Phi là những tín đồ độc thần giáo, và các đế quốc từ Đại Tây Dương đến dãy Himalaya đều khẳng định họ được sắc phong bởi một Đấng vĩ đại duy nhất. Đến đầu thế kỷ 16, độc thần giáo thống trị ở hầu hết Á-Phi, trừ Đông Á và các vùng phía nam châu Phi, nó bắt đầu vươn các xúc tu tua tủa của mình về Nam Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương. Ngày nay, hầu hết mọi người bên ngoài Đông Á tuân theo một độc thần giáo này hay một độc thần giáo khác, và trật tự chính trị toàn cầu được xây dựng trên những nền tảng độc thần giáo.

Sự lan tỏa của Ki-tô giáo và Hồi giáo.

Bản đồ 5. Sự lan tỏa của Ki-tô giáo và Hồi giáo.