Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Nghiên cứu tiếp theo cho thấy lũ khỉ mồ côi của Harlow đã lớn lên với sự rối loạn tình cảm mặc dù chúng đã nhận được mọi chất dinh dưỡng cần thiết. Chúng không bao giờ thích ứng với xã hội loài khỉ, gặp khó khăn khi giao tiếp với những con khỉ khác, và bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng và tính gây hấn cao độ. Kết luận không thể tránh được là: khỉ có nhu cầu tâm lý và mong muốn, vượt lên nhu cầu vật chất của chúng, và nếu điều đó không được đáp ứng, chúng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong những thập kỷ sau, nhiều nghiên cứu đã cho thấy kết luận này không chỉ áp dụng với khỉ mà còn đối với những loài động vật có vú khác, cũng như các loài chim. Hiện nay, hàng triệu gia súc đang phải chịu đựng điều kiện sống tương tự như những con khỉ của Harlow, khi nông dân thường xuyên tách rời lũ bê, cừu và dê con ra khỏi mẹ chúng, và buộc chúng lớn lên trong sự cô lập.

Tổng kết lại, hiện nay hàng tỉ động vật nông trại sống như là một phần của một dây chuyền máy móc, và khoảng 50 tỉ trong số đó bị giết chết mỗi năm. Những phương pháp chăn nuôi công nghiệp đã dẫn đến một sự gia tăng mạnh về sản xuất nông nghiệp và dự trữ thức ăn cho người. Cùng với sự cơ giới hoá việc trồng cây, chăn nuôi công nghiệp là cơ sở cho toàn bộ trật tự kinh tế xã hội hiện đại. Trước khi có tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp, hầu hết thực phẩm sản xuất trên những cánh đồng và trong các trang trại bị “lãng phí” vào việc nuôi những người nông dân và động vật trong trại chăn nuôi. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ là có sẵn để nuôi các nghệ nhân, giáo viên, các linh mục và quan chức. Do đó, trong hầu hết các xã hội, hơn 90% dân số là nông dân. Tiếp theo tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp, số lượng nông dân ngày càng thu hẹp nhưng vẫn đủ để nuôi các nhân viên văn phòng và thợ máy ngày một tăng. Ngày nay, tại Hoa Kỳ, chỉ có 2% dân số sống bằng nghề nông, nhưng 2% này sản xuất không chỉ đủ nuôi toàn bộ dân số Hoa Kỳ, mà còn đủ xuất khẩu phần thặng dư để cung cấp cho phần còn lại của thế giới. Nếu không có tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp thì Cách mạng Công nghiệp đô thị đã không thể diễn ra – và có lẽ sẽ không có đủ bàn tay khối óc để trở thành nhân viên nhà máy và văn phòng.

Khi những nhà máy và văn phòng này thu hút hàng tỉ bàn tay khối óc, nguồn lực được giải phóng từ các cánh đồng canh tác, họ đã bắt đầu sản xuất ra hàng loạt sản phẩm với sự đa dạng chưa từng có. Con người hiện nay sản xuất ra nhiều thép hơn, nhiều quần áo hơn, và xây dựng nhiều công trình kiến trúc hơn bao giờ hết. Ngoài ra, con người còn sản xuất một loạt các hàng hoá gây kinh ngạc, mà trước đây không thể tưởng tượng nổi, chẳng hạn như bóng đèn, điện thoại di động, máy ảnh và máy rửa bát. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cung bắt đầu vượt quá cầu. Và một vấn đề hoàn toàn mới đã nảy sinh: ai sẽ là người mua tất cả những thứ này?

Thời đại mua sắm

Các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại phải liên tục gia tăng sản xuất nếu muốn tồn tại, giống như một con cá mập phải bơi hoặc sẽ chết ngộp. Tuy nhiên, chỉ sản xuất thôi chưa đủ. Phải có người mua các sản phẩm, nếu không các nhà công nghiệp và nhà đầu tư sẽ phá sản. Để ngăn chặn thảm họa này và để đảm bảo mọi người sẽ luôn mua bất cứ thứ gì ngành công nghiệp mới sản xuất ra, một hình thức mới của đạo đức xuất hiện: chủ nghĩa tiêu dùng.

Hầu hết mọi người trong suốt chiều dài lịch sử sống trong điều kiện thiếu thốn. Do đó thanh đạm là khẩu hiệu của họ. Đạo đức khắc khổ của những người Thanh giáo và sparta là hai ví dụ nổi tiếng. Một người tốt cần tránh sự xa xỉ, không bao giờ vứt đi thực phẩm chế biến, và vá lại chiếc quần rách thay vì mua một cái quần mới. Chỉ có vua và quý tộc mới tự cho phép mình công khai từ bỏ những giá trị như thế và thường phô trương sự giàu có của họ.

Chủ nghĩa tiêu dùng thấy việc tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ ngày càng nhiều chính là một điều tích cực. Nó khuyến khích mọi người chiều chuộng bản thân, làm hư bản thân, và thậm chí dần dần giết chính mình bởi sự tiêu dùng quá mức. Tính tiết kiệm là một bệnh dịch cần được chữa trị. Bạn không cần phải nhìn xa để thấy đạo đức tiêu dùng được áp dụng – chỉ cần đọc mặt sau một hộp ngũ cốc. Những dòng dưới đây lấy từ hộp ngũ cốc ăn sáng yêu thích của tôi, do công ty Telma của Israel sản xuất:

Đôi khi bạn cần một sự chăm sóc. Đôi khi bạn cần một chút năng lượng thêm. Có những lúc bạn cần theo dõi cân nặng của mình và có những lúc bạn cần phải ăn một thứ gì đó… Ngay bây giờ! Telma cung cấp các loại ngũ cốc ngon lành dành riêng cho bạn – ăn ngon mà không phải hối hận.

Đi kèm với sản phẩm trên là một quảng cáo cho một thương hiệu ngũ cốc khác tên là Health Treats:

Health Treats cung cấp nhiều loại ngũ cốc, trái cây và các loại hạt, mang lại một trải nghiệm kết hợp giữa hương vị, niềm vui và sức khỏe. Đáp ứng một bữa ăn khoái khẩu giữa ban ngày, thích hợp cho một lối sống lành mạnh.

Một sự thưởng thức thực sự với những hương vị vô cùng tuyệt vời [nhấn mạnh trong nguyên bản].

Trong hầu hết lịch sử, mọi người có thể cảm thấy khó chịu hơn là bị thu hút bởi một dòng chữ như vậy. Họ có thể coi điều đó là ích kỷ, suy đồi, tha hoá về mặt đạo đức. Chủ nghĩa tiêu dùng đã làm việc rất chăm chỉ, với sự giúp sức của tâm lý học đại chúng (“Hãy cứ làm đi!”) nhằm thuyết phục mọi người rằng khoái lạc rất tốt cho bạn, trong khi tính tiết kiệm là tự áp bức.

Nó đã thành công. Tất cả chúng ta đều là những người biết cách tiêu dùng. Chúng ta mua rất nhiều sản phẩm không thực sự cần, mà cho đến ngày hôm qua chúng ta vẫn không biết là chúng có tồn tại. Các nhà sản xuất cố tình thiết kế mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn, cũng như phát minh ra các mẫu mã mới không cần thiết của các sản phẩm hoàn toàn vừa ý mà chúng ta phải mua cho “hợp thời”. Mua sắm đã trở thành một trò tiêu khiển yêu thích, và hàng tiêu dùng đã trở thành trung gian cần thiết trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình, vợ, chồng và bạn bè. Ngày lễ tôn giáo như Giáng sinh đã trở thành lễ hội mua sắm. Ở Mỹ, thậm chí Ngày tưởng niệm (Memorial Day) – ban đầu là một ngày trọng đại để ghi nhớ những người lính ngã xuống – bây giờ là dịp để giảm giá đặc biệt. Hầu hết mọi người đánh dấu ngày này bằng cách mua sắm, có lẽ để chứng tỏ rằng những người bảo vệ tự do đã không chết một cách vô ích.

Sự nở rộ của đạo đức tiêu dùng được thể hiện rõ nhất trên thị trường thực phẩm. Các xã hội nông nghiệp truyền thống sống trong cái bóng khủng khiếp của nạn đói. Trong thế giới giàu có ngày nay, một trong những vấn đề sức khỏe hàng đầu là bệnh béo phì, nó tác động đến người nghèo (những người toàn nhồi bánh hamburger và pizza) thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với người giàu (những người ăn xà lách hữu cơ và sinh tố trái cây). Mỗi năm dân số Mỹ chi tiền vào chế độ ăn kiêng nhiều hơn số tiền cần thiết để nuôi sống tất cả những người đói khát ở phần còn lại của thế giới. Béo phì là một chiến thắng kép của chủ nghĩa tiêu thụ. Thay vì ăn ít, sẽ dẫn đến suy giảm kinh tế, người ta ăn quá nhiều và sau đó mua các sản phẩm ăn kiêng – đóng góp gấp đôi vào tăng trưởng kinh tế.

Làm thế nào chúng ta có thể dung hòa đạo đức tiêu dùng với đạo đức kinh doanh, theo đó lợi nhuận không nên lãng phí, và thay vào đó nên được tái đầu tư vào sản xuất? Rất đơn giản, giống như ở thời đại trước, ngày nay vẫn tồn tại một sự phân công lao động giữa giới thương lưu và người bình dân. Vào thời trung cổ ở châu Âu, giới quý tộc vung tiền một cách không cân nhắc vào những thứ xa xỉ quá mức, trong khi nông dân sống đạm bạc, để tâm đến từng xu. Giờ đây, hoàn cảnh đã đổi khác. Người giàu luôn chú trọng quản lý tài sản và các khoản đầu tư của họ, trong khi người nghèo thì đâm đầu vào nợ nần để mua xe hơi và tivi là những thứ họ không thực sự cần.

Đạo đức tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng là hai mặt của cùng một đồng tiền, một sự hợp nhất của hai điều răn. Điều răn tối thượng của những người giàu có là “Đầu tư!” Điều răn tối thượng của phần còn lại là “Mua!”

Đạo đức tư bản-tiêu dùng có tính chất cách mạng theo một nghĩa khác. Hầu hết các hệ thống đạo đức trước đây đã đặt con người vào một bản thỏa thuận khó khăn. Họ đã được hứa hẹn về một thiên đường, nhưng chỉ khi họ vun trồng sự nhân ái và khoan dung, vượt qua sân si và thù hận, cũng như hạn chế sự ích kỷ của họ. Đây là điều quá khó khăn cho hầu hết mọi người. Lịch sử của đạo đức là một câu chuyện buồn của những lý tưởng tuyệt vời mà không ai có thể chạm đến. Hầu hết các tín đồ Ki-tô đã không bắt chước Chúa Jesus, hầu hết các Phật tử không thể sống như Phật, và hầu hết các nho sĩ đều khiến cho Khổng Tử phải nổi giận.

Ngược lại, hầu hết mọi người thời nay sống thành công dựa trên lý tưởng của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng. Nền đạo đức mới hứa hẹn chốn thiên đường với điều kiện là người giàu vẫn tham lam và dành thời gian của họ làm ra nhiều tiền, và số đông quần chúng vẫn hoàn toàn tự do với những khát khao và đam mê của họ – mua nhiều và nhiều hơn nữa. Đây là tôn giáo đầu tiên trong lịch sử mà các tín đồ của nó thực sự làm được những gì họ được yêu cầu làm. Dẫu vậy, làm sao chúng ta biết được mình có thực sự được lên thiên đường hay không? Chúng ta chỉ trông thấy nó trên truyền hình.