Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Điều này đặc biệt đúng với bảy thập kỷ đã trôi qua kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Trong thời gian này con người lần đầu tiên phải đối mặt với khả nâng tự hủy diệt hoàn toàn, đã trải qua tương đối nhiều các cuộc chiến tranh và diệt chủng. Tuy nhiên, những thập kỷ này cũng là thời kỳ yên bình nhất trong lịch sử nhân loại – thực sự rất yên bình. Thật đáng ngạc nhiên bởi chính những thập kỷ này đã trải qua sự thay đổi về kinh tế, xã hội và chính trị nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó. Các mảng kiến tạo lịch sử đang di chuyển với tốc độ điên cuồng, nhưng những ngọn núi lửa vẫn im lặng. Trật tự đàn hồi mới dường như có thể chứa đựng và thậm chí kích thích những sự thay đổi triệt để về mặt cấu trúc mà không đổ vỡ thành xung đột bạo lực.

Hòa bình trong thời đại chúng ta

Hầu hết mọi người không đánh giá cao về hòa binh của thời đại mình đang sống. Không ai trong chúng ta sống ở ngàn năm trước, vì vậy chúng ta dễ dàng quên đi thế giới đã từng bạo lực như thế nào. Và khi chiến tranh trở nên hiếm hơn, chúng thu hút nhiều sự chú ý hơn. Nhiều người nghĩ về các cuộc chiến tranh hiện đang hoành hành ở Afghanistan và Iraq hơn là về nền hòa bình mà hầu hết người Brazil và Ấn Độ đang được tận hưởng.

Quan trọng hơn, chúng ta có thể dễ dàng liên hệ đến sự khổ đau của cá nhân hơn là của cả một dân tộc. Tuy nhiên, để hiểu về quá trình lịch sử vĩ mô, chúng ta cần phải kiểm tra những số liệu thống kê toàn thể chứ không phải là những câu chuyện cá nhân. Trong năm 2000, chiến tranh làm 310.000 người thiệt mạng, và tội phạm bạo lực giết chết 320.000 sinh mạng khác. Mỗi nạn nhân và mọi nạn nhân đều là một thế giới bị phá hủy, một gia đình bị đổ nát, để lại vết thương cho bạn bè và người thân về lâu dài. Tuy nhiên, từ góc độ vĩ mô, con số 830.000 nạn nhân chỉ chiếm 1,3% trong số 56 triệu người đã chết vào năm 2000. Cũng trong năm đó có tới 1,26 triệu người đã chết bởi tai nạn xe hơi (chiếm 2,25% trong tổng số tử vong) và 815.000 người tự tử (chiếm 1,45%).

Những con số trong năm 2002 thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn. Trong số 57 triệu người chết, chỉ có 172.000 người chết trong chiến tranh và 569.000 người chết vì tội phạm bạo lực (tổng cộng 741.000 nạn nhân của bạo lực do con người gây ra). Trái lại, 873.000 người chết vì tự sát. Điều này cho thấy chỉ một năm sau vụ tấn công ngày 11/9, mặc dù tất cả đều bàn luận xung quanh chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh, nhưng một người bình thường có khả năng tự tử cao hơn là bị giết bởi một tên khủng bố, một quân nhân hay một kẻ buôn ma túy.

Hầu hết các nơi trên thế giới, mọi người đi ngủ mà không phải sợ nửa đêm một bộ tộc láng giềng có thể bao vây làng mình và giết tất cả mọi người. Những người Anh khá giả đi du lịch trong ngày từ Nottingham tới London qua cánh rừng Shenvood mà không phải sợ một nhóm cướp giả dạng sẽ phục kích và lấy tiền của họ để chia cho người nghèo (hay nhiều khả năng sẽ giết hại họ để lấy tiền cho bản thân). Những học sinh không phải e sợ giáo viên phạt nặng, trẻ em không phải lo bị bán làm nô lệ khi cha mẹ chúng không thể trả các hoá đơn, phụ nữ biết rằng pháp luật cấm chồng họ đánh đập và buộc họ phải ở nhà. Càng ngày trên thế giới những kỳ vọng trên càng được đáp ứng.

Sự suy giảm của bạo lực phần lớn bắt nguồn từ sự trỗi dậy của chính quyền. Trong suốt lịch sử, tình trạng bạo lực hầu hết được phát sinh từ mối hận thù địa phương giữa gia đình và cộng đồng. (Thậm chí ngày nay, như các con số ở trên cho thấy, tội phạm địa phương là mối đe dọa cao hơn nhiều so với một cuộc chiến tranh quốc tế). Như chúng ta đã thấy, nông dân thời tiền sử không hề biết tới tổ chức chính trị nào lớn hơn cộng đồng địa phương, họ phải chịu đựng tình trạng bạo lực tràn lan. Khi các vương quốc và đế chế trở nên hùng mạnh hơn, chúng giúp kiềm chế cộng đồng và làm giảm mức độ bạo lực. Trong các vương quốc phân tán quyền lực của châu Âu thời trung cổ, khoảng 20-40 người/100.000 dân bị giết mỗi năm. Trong những thập kỷ gần đây, khi các chính quyền và thị trường trở nên uy quyền và các cộng đồng đã biến mất, tỉ lệ bạo lực còn giảm xuống nữa. Hiện nay, số vụ án mạng trung bình toàn cầu chỉ còn 9/100.000 người, và hầu hết các vụ án mạng diễn ra tại những quốc gia yếu kém như Somalia và Colombia. Trong các chính quyền tập trung quyền lực ở châu Âu, tỉ lệ án mạng trung bình mỗi năm là 1/100.000 người.

Chắc chắn có những trường hợp chính quyền sử dụng quyền lực để giết công dân của mình, và những trường hợp như vậy thường in đậm thành kí ức và nỗi sợ của chúng ta. Trong thế kỷ 20, hàng chục triệu người, có khi đến hàng trăm triệu người đã bị giết bởi lực lượng an ninh chính quyền. Tuy nhiên, từ góc độ vĩ mô, các tòa án và cảnh sát do nhà nước điều hành đã gia tăng mức độ an toàn trên khắp thế giới. Ngay cả trong chế độ độc tài áp bức, khả năng để một người hiện đại chết trong tay người khác cũng thấp hơn so với ở xã hội tiền hiện đại. Năm 1964, một chế độ độc tài quân sự được thành lập tại Brazil. Chế độ này cai trị đất nước cho đến năm 1983. Suốt 20 năm đó, hàng ngàn người Brazil đã bị sát hại bởi chế độ này. Hàng ngàn người khác bị bắt giam và tra tấn. Tuy nhiên, ngay cả trong những năm tồi tệ nhất, khả năng để một người Brazil bình thường sinh sống ở Rio de Janeiro phải chết trong tay người khác vẫn thấp hơn so với các thổ dân thuộc bộ lạc Waorani, Arawete hoặc Yanomamo, những người sống sâu trong rừng rậm Amazon, nơi không có quân đội, cảnh sát, trại giam. Các nghiên cứu nhân học đã cho thấy một phần tư tới một nửa cánh đàn ông thổ dân sớm hay muộn cũng chết vì xung đột bạo lực tranh giành tài sản, phụ nữ hay thanh danh.

Sự nghỉ hưu của các đế chế

Vấn đề bạo lực trong lòng các chính quyền đã giảm hoặc tăng lên kể từ năm 1943 có lẽ vẫn còn gây tranh cãi. Điều không ai có thể phủ nhận là bạo lực quốc tế đã sụt giảm xuống mức kỷ lục. Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là sự sụp đổ của các đế quốc châu Âu. Trong suốt lịch sử, các đế quốc đã nghiền nát những cuộc nổi loạn với bàn tay sắt, và khi ngày diệt vong đến, một đế chế sắp chết sử dụng tất cả sức mạnh còn lại để tự cứu bản thân, và thường dẫn đến một cuộc tắm máu. Sự sụp đổ cuối cùng của nó thường dẫn đến tình trạng vô chính phủ và các cuộc chiến nối tiếp. Kể từ năm 1945, hầu hết các đế quốc đã chọn sự thoái vị sớm trong hòa bình. Quá trình sụp đổ đã diễn ra tương đối nhanh, êm đềm và có trật tự.

Năm 1945, Anh cai trị một phần tư thế giới. 30 năm sau người Anh chỉ còn cai trị một vài hòn đảo nhỏ. Trong khoảng thời gian đó, Anh rút lui khỏi hết thuộc địa này đến thuộc địa khác mà không phải nổ súng dữ dội, không phải mất đi hàng ngàn binh lính, và không phải sát hại quá nhiều người. Chí ít thì một vài lời khen thường dành cho Mahatma Gandhi vì tinh thần bất bạo động thực ra vốn dành cho Đế quốc Anh. Những nơi từng thuộc đế quốc đã giành lại được độc lập, hầu hết những nơi đó có đường biên giới vững chắc và sống hòa bình cùng các nước láng giềng. Đúng là hàng chục ngàn người đã thiệt mạng dưới bàn tay của Đế quốc Anh đáng sợ, và ở một số điểm nóng, việc Anh rút lui đã dẫn đến sự bùng nổ xung đột sắc tộc cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng (đặc biệt là ở Ấn Độ). Tuy nhiên, khi so sánh với chiều dài lịch sử nói chung, sự rút lui của người Anh là một ví dụ điển hình của hòa bình và trật tự. Đế quốc Pháp cứng đầu hơn nhiều. Sự sụp đổ của nó kéo theo những hành động đẫm máu của đội quân hậu tập ở Việt Nam và Algeria, lấy đi hàng trăm ngàn sinh mạng. Tuy nhiên, Pháp cũng rút lui khỏi phần thuộc địa còn lại của họ một cách nhanh chóng và hòa bình, để lại đằng sau các quốc gia có trật tự chứ không phải là một mớ bòng bong hỗn tạp.

Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1989 thậm chí còn bình yên hơn, ngoại trừ sự bùng lên của xung đột sắc tộc vùng Balkan, Caucasus và Trung Á. Chưa bao giờ một đế chế hùng mạnh lại biến mất nhanh chóng và lặng lẽ đến vậy. Liên Xô của năm 1989 đã không gặp phải thất bại quân sự nào ngoại trừ ở Afghanistan, không bị xâm lược từ bên ngoài, không có nổi loạn, thậm chí cũng không có những chiến dịch bất tuân dân sự kiểu Martin Luther King trên quy mô lớn. Liên Xô vẫn có hàng triệu binh sĩ, hàng chục ngàn xe tăng và máy bay, và đủ loại vũ khí hạt nhân để quét sạch toàn bộ nhân loại vài lần nữa. Hồng quân Xô-viết và các đội quân thuộc Hiệp ước Warsaw khác vẫn trung thành. Chỉ cần Mikhail Gorbachev, người lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, ra lệnh, Hồng quân sẽ phục tùng tuyệt đối.

Tuy nhiên, giai cấp ưu tú của chế độ Xô-viết, và các chế độ cộng sản trong hầu hết các nước Đông Âu (Romania và Serbia là những trường hợp ngoại lệ), quyết định không sử dụng dù chỉ một phần rất nhỏ sức mạnh quân sự này. Khi các thành viên nhận thức được tiến trình giải thể, họ từ bỏ vũ lực, thừa nhận thất bại, đóng gói hành lý và đi về nhà. Gorbachev và các đồng chí của ông ta đã buông bỏ nhẹ nhàng không chỉ những lãnh thổ thuộc Liên Xô trong Thế chiến II, mà còn cả những vùng chiếm đóng từ xưa của các Nga hoàng như vùng Baltic, Ukraine, Caucasus và Trung Á. Thật rùng mình khi mường tượng điều gì có thể xảy ra nếu Gorbachev hành xử giống như các lãnh đạo Serbia – hay như người Pháp ở Algeria.

Mâu thuẫn cục bộ

Các quốc gia giành được độc lập từ tay đế quốc rõ ràng không còn chút hứng thú nào với chiến tranh. Với rất ít ngoại lệ, từ năm 1945 các quốc gia đã không còn xâm chiếm nước khác để chinh phục và nuốt chửng họ. Những cuộc chinh phục như vậy là chủ đề chính của lịch sử chính trị từ thời xa xưa. Đó là cách mà hầu hết các đế chế vĩ đại được thành lập, và là cách mà những người cai trị và dân chúng kỳ vọng mọi thứ sẽ diễn ra. Nhưng những cuộc chinh phục như của người La Mã, Mông Cổ và Ottoman không thể diễn ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới ngày nay. Kể từ năm 1945, không một quốc gia độc lập nào được công nhận bởi Liên Hiệp Quốc bị chinh phục và xóa sổ khỏi bản đồ. Những cuộc chiến tranh quốc tế ở mức độ hạn hẹp vẫn diễn ra lúc này hay lúc khác, và hàng triệu người vẫn chết trong chiến tranh, nhưng các cuộc chiến không còn là một chuẩn mực.