Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Ngay cả nếu chúng ta hoàn toàn từ chối di sản của một đế quốc tàn bạo với hy vọng xây dựng lại và che chở những nền văn hoá “đích thực” trước đó, trong tất cả các trường hợp có thể xảy ra, những gì chúng ta bảo vệ được sẽ không có gì ngoài di sản của một đế quốc cũ hơn và không kém tàn bạo hơn. Những người bất mãn với sự phá hủy nền văn hoá Ấn Độ trong thời kỳ cai trị Ấn Độ của Anh, vô tình thần thánh hoá những di sản của Đế chế Mughal, và sự chinh phục của những vị vua Hồi giáo ở Delhi. Và bất cứ ai cố gắng để cứu “văn hoá Ấn Độ đích thực” khỏi những ảnh hưởng nước ngoài của những đế quốc Hồi giáo này, đã thần thánh hoá những di sản của Đế chế Gupta, Đế chế Kushan và Đế chế Maurya. Một người Hindu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể phá hủy tất cả những tòa nhà của kẻ chinh phục Anh để lại, chẳng hạn như nhà ga xe lửa chính của Mumbai, thế còn những công trình sót lại từ sự chiếm đóng Ấn Độ của những người Hồi giáo, chẳng hạn như Taj Mahal thì sao?

Không ai thực sự biết làm thế nào để trả lời câu hỏi hóc búa về di sản văn hoá này. Bất kể chúng ta đi theo con đường nào, bước đầu tiên là thừa nhận sự phức tạp của thế lưỡng nan này, và chấp nhận rằng cách phân chia quá khứ một cách đơn giản thành người tốt và kẻ xấu không dẫn đến đâu cả. Dĩ nhiên, trừ khi chúng ta sẵn sàng thừa nhận rằng mình thường đi theo sự dẫn đường của những kẻ xấu.

Đế chế Toàn cầu mới

Từ khoảng năm 200 TCN, hầu hết loài người đều đã sống trong những đế quốc. Tương lai cũng có vẻ sẽ như vậy. Nhưng lần này, đế quốc sẽ mang tính toàn cầu thực sự. Viễn cảnh về sự thống trị của Đế chế Toàn cầu có thể sắp xảy ra.

Khi thế kỷ 21 mở ra, chủ nghĩa dân tộc nhanh chóng bị mất chỗ đứng. Ngày càng có nhiều người tin rằng tất cả loài người là nguồn gốc hợp pháp của quyền lực chính trị, chứ không phải là những thành viên của một quốc gia cụ thể nào, và rằng việc bảo vệ nhân quyền và bảo vệ lợi ích của toàn bộ loài người nên là ánh sáng dẫn đường của chính trị. Nếu vậy, gần 200 quốc gia độc lập chính là một trở ngại hơn là một sự giúp ích. Kể từ khi người Thụy Điển, Indonesia và Nigeria xứng đáng có những quyền con người như nhau, phải chăng sẽ đơn giản hơn nếu có một chính phủ toàn cầu duy nhất bảo vệ chúng?

Sự xuất hiện của các vấn đề mang tính toàn cầu, chẳng hạn như băng tan ở hai cực, triệt tiêu dần đi bất cứ thứ gì có tính hợp pháp thuộc về các quốc gia độc lập. Không một nhà nước có chủ quyền nào có thể một mình khắc phục được hiện tượng ấm lên toàn cầu. Thiên mệnh của Trung Hoa đã được Trời ban cho để giải quyết các vấn đề của loài người. Thiên mệnh hiện đại sẽ được loài người mang ra để giải quyết những vấn đề của Trời, chẳng hạn như lỗ thủng tầng ozone, và sự tích tụ của khí gây hiệu ứng nhà kính. Sắc màu của Đế chế Toàn cầu có thể là màu xanh lá cây.

Vào năm 2014, thế giới vẫn còn bị phân mảnh chính trị, nhưng các quốc gia đang nhanh chóng mất đi sự độc lập của mình. Không một quốc gia nào thực sự có thể thực hiện những chính sách kinh tế độc lập, tuyên bố và tiến hành các cuộc chiến tranh như ý muốn, hoặc thậm chí tiến hành những công việc nội bộ của một quốc gia mà nó thấy thích hợp. Những quốc gia đang ngày càng mở cửa cho các guồng máy của thị trường toàn cầu, cho sự can thiệp của các công ty toàn cầu, và các tổ chức phi chính phủ, cho sự giám sát của dư luận toàn cầu và hệ thống tư pháp quốc tế. Những quốc gia buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu trong hành vi tài chính, chính sách môi trường, và công lý. Các dòng thác vô cùng mạnh mẽ của vốn tư bản, nguồn lực lao động và thông tin xoay chuyển và định hình thế giới, với sự xóa bỏ ngày càng nhiều những biên giới và quan điểm quốc gia.

Đế chế Toàn cầu đang được rèn đúc trước mắt chúng ta, không bị chi phối bởi bất kỳ quốc gia hay dân tộc cụ thể nào. Cũng giống như Đế chế La Mã giai đoạn cuối, nó bị cai trị bởi một nhóm ưu tú đa sắc tộc, và bị ràng buộc với nhau bởi một nền văn hoá chung và những lợi ích chung. Trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều các công ty, kĩ sư, chuyên gia, học giả, luật sư và những nhà quản lý được kêu gọi để gia nhập đế chế này. Họ phải đắn đo suy nghĩ xem có nên đáp ứng lời kêu gọi của đế chế, hay vẫn trung thành với quốc gia và dân tộc của họ. Và ngày càng có nhiều người lựa chọn đế chế.

12. Quy luật của tôn giáo

Trong một khu chợ trung cổ tại Samarkand, thành phố được xây dựng trên một ốc đảo Trung Á, các thương nhân Syria đang rờ tay trên những tấm lụa Trung Hoa mịn màng, những bộ lạc hung tợn từ vùng thảo nguyên thì bày bán từng toán nô lệ tóc rối bù mới đến từ cực tây, còn những chủ hàng bỏ túi mấy đồng tiền vàng bóng loáng in những ký tự kỳ quái và hình các ông vua lạ hoắc. Tại đây, một trong những ngã tư lớn giao cắt đông-tây, bắc-nam của thời đại đó, sự thống nhất của loài người là một thực tế mỗi ngày. Người ta cũng có thể quan sát quá trình tương tự khi quân đội Hốt Tất Liệt tập trung tiến đánh Nhật Bản vào năm 1281. Kỵ binh Mông Cổ trong những bộ trang phục bằng da và lông thú vai kề vai với đám bộ binh Trung Hoa đội nón tre, lính đồng minh Triều Tiên say xỉn gây gổ với đám thủy thủ xăm mình từ vùng biển Đông, công binh Trung Á mải nghe đến rớt hàm những câu chuyện ly kỳ của các nhà thám hiểm châu Âu, và tất cả đều tuân theo sự chỉ huy của một vị hoàng đế duy nhất.

Trong khi đó, xung quanh trung tâm ngôi đền thiêng Ka’aba ở Mecca, sự hợp nhất người với người lại được thể hiện bằng cách khác. Nếu bạn từng hành hương đến thánh địa Mecca, đi diễu quanh ngôi đền linh thiêng vào khoảng năm 1300, bạn có thể hòa mình cùng với đoàn người đến từ vùng Lưỡng Hà, áo choàng phất phơ trong gió, mắt lóe lên niềm hân hoan xuất thần, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện 99 tên gọi của Allah. Đằng trước bạn có thể sẽ là một tộc trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phong trần đến từ thảo nguyên châu Á, khập khiễng chống gậy và trầm tư vuốt râu. Ở một phía khác, trang sức vàng lấp lánh trên làn da đen bóng ấy có thể là một nhóm người Hồi giáo đến từ vương quốc Mali, châu Phi. Mùi thơm của cây đinh hương, nghệ, nhục đậu khấu và muối biển sẽ báo hiệu sự hiện diện của những người anh em đến từ Ấn Độ, hoặc có lẽ từ những hòn đảo gia vị bí ẩn ở phương Đông.

Ngày nay, tôn giáo thường được coi là một nguồn gốc của sự phân biệt đối xử, bất đồng và không thống nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, tôn giáo là đặc điểm thống nhất nhân loại đứng hàng thứ ba, cùng với tiền tệ và các đế chế. Vì mọi trật tự xã hội và hệ thống phân cấp đều được tưởng tượng, nên tất cả chúng đều rất mong manh, và xã hội càng lớn thì nó lại càng dễ vỡ hơn. Vai trò lịch sử quan trọng của tôn giáo là mang tới tính chính đáng siêu phàm cho những cấu trúc mong manh này. Tôn giáo khẳng định rằng luật pháp của chúng ta không phải là kết quả của sự thất thường nơi con người, mà được sắc phong bởi một quyền lực tuyệt đối và tối thượng. Điều này ít nhất giúp cho một số điều luật cơ bản vượt lên mọi thách thức, do đó đảm bảo sự ổn định xã hội.

Vì vậy, tôn giáo có thể được định nghĩa là một hệ thống các quy chuẩn và giá trị con người được xây dựng dựa trên niềm tin vào một trật tự siêu nhiên. Khái niệm này liên quan đến hai tiêu chí đặc trưng:

1. Tôn giáo cho rằng có một trật tự siêu nhiên, không phải là sản phẩm của ý tưởng bất chợt hoặc thỏa thuận của con người. Bóng đá chuyên nghiệp không phải là một tôn giáo, vì mặc dù có các luật lệ, nghi thức và nghi lễ, nhưng mọi người đều biết rằng con người tự nghĩ ra bóng đá, và bất cứ lúc nào FIFA cũng có thể tảng kích thước của cẩu môn hoặc hủy bỏ các quy tắc việt vị.

2. Căn cứ vào trật tự siêu nhiên này, tốn giáo thiết lập các chuẩn mực và giá trị mà nó coi là bắt buộc. Nhiều người phương Tây ngày nay tin vào ma quỷ, các câu chuyện thần tiên và thuyết luân hồi, nhưng những niềm tin này không phải là nguồn gốc của các tiêu chuẩn đạo đức và hành vi. Và như vậy, chúng không cấu thành một tôn giáo.

Mặc dù tôn giáo có khả nâng hợp pháp hoá trật tự xã hội và chính trị rộng rãi, nhưng không phải tất cả các tôn giáo đều kích hoạt tiềm năng này. Để đoàn kết mọi người dưới sự bảo trợ của tôn giáo trên một vùng lãnh thổ rộng lớn có những nhóm người khác nhau sinh sống, một tôn giáo phải có ít nhất hai đặc tính. Đầu tiên, nó phải tán thành một trật tự siêu nhiên phổ quát, luôn luôn đúng ở mọi thời điểm và không gian. Thứ hai, nó phải nhấn mạnh vào việc truyền bá niềm tin này đến tất cả mọi người. Nói cách khác, nó phải mang tính phổ quát và truyền giáo.

Các tôn giáo nổi tiếng nhất của lịch sử, như Hồi giáo và Phật giáo, đều có tính phổ quát và truyền giáo. Do đó mọi người có xu hướng tin rằng tất cả các tôn giáo đều giống như vậy. Trong thực tế, phần lớn các tôn giáo cổ xưa mang tính cục bộ và cá biệt. Những tín đồ của tôn giáo này tin vào các vị thần địa phương và các linh hồn, không quan tâm việc cải đạo toàn bộ loài người. Theo như chúng ta biết, những tôn giáo phổ quát và mang mục đích truyền đạo bắt đầu xuất hiện chỉ trong thiên niên kỷ 1 TCN. Sự xuất hiện của chúng là một trong những cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử, và đóng góp quan trọng cho sự thống nhất của nhân loại, giống như sự xuất hiện của các đế chế và tiền tệ toàn cầu.