Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Các thế hệ tương lai đã để ý. Giới tinh hoa trí thức và quan chức của vùng Lưỡng Hà cổ đại đã tôn thờ Bộ luật này, những người sao chép bản thảo học việc đã tiếp tục sao chép nó rất lâu sau khi Hammurabi chết và đế chế của ông lụi tàn. Vì vậy, Bộ luật Hammurabi là một nguồn tài liệu tốt để hiểu về trật tự xã hội lý tưởng vùng Lưỡng Hà cổ đại.

Văn bản bắt đầu bằng việc tuyên bố rằng các vị thần Anu, Enlil và Marduk, đứng đầu trong tất cả các vị thần ở vùng Lưỡng Hà, đã cử Hammurabi “đem công lý phủ khắp mặt đất, để tiêu diệt kẻ xấu và cái ác, để ngăn kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu”. Sau đó nó liệt kê khoảng 300 phán quyết, được đưa ra ở dạng công thức được thiết lập “Nếu một điều là như vậy và xảy ra như vậy, thì đây là các phán quyết”. Ví dụ, các phán quyết từ 196-199 và 209-214 như sau:

196. Nếu một người đàn ông ưu tú làm mù mắt một người đàn ông ưu tú khác, người ta sẽ làm mù mắt anh ta.

197. Nếu anh ta làm gãy xương của một người đàn ông ưu tú khác, người ta sẽ làm gãy xương anh ta.

198. Nếu anh ta làm mù mắt một thường dân hoặc làm gãy xương một thường dân, anh ta sẽ phải cân và nộp 60 shekel bạc.

199. Nếu anh ta làm mù mắt một nô lệ của một người đàn ông ưu tú hoặc làm gãy xương một nô lệ của một người đàn ông ưu tú, anh ta sẽ phải cân và nộp một nửa giá trị của nô lệ đó (quy ra bạc).

209. Nếu một người đàn ông ưu tú đánh một người đàn bà ưu tú và làm cô ta sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 10 shekel bạc đền cho cái thai của chị ta.

210. Nếu người đàn bà đó bị chết, người ta sẽ giết chết con gái anh ta.

211. Nếu anh ta đánh và làm cho một người đàn bà thường dân sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 5 shekel bạc.

212. Nếu người đàn bà đó bị chết, anh ta sẽ phải cân và nộp 30 shekel bạc.

213. Nếu anh ta đánh một nữ nô lệ của một người đàn ông ưu tú và làm cho cô ta sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 2 shekel bạc.

214. Nếu nữ nô lệ đó bị chết, anh ta sẽ phải cân và nộp 20 shekel bạc.

Sau khi liệt kê các phán quyết, Hammurabi tuyên bố lần nữa rằng:

Đây là những phán quyết công bằng mà Hammubari, vị vua tài ba xây dựng nên và do đó đã dẫn dắt mọi người đi theo con đường của chân lý và cách sống đúng đắn… Ta là Hammurabi, một vị vua cao quý. Ta đã không bỏ mặc hay lơ đễnh đối với con người mà thần Enlil ban cho ta chăm sóc và thần Marduk giao cho ta chăn dắt.

Bộ luật Hammurabi khẳng định rằng trật tự xã hội Babylon bắt nguồn từ những nguyên tắc phổ quát và vĩnh cửu của công lý, được các vị thần xướng lên. Nguyên tắc của hệ thống phân tầng là hết sức quan trọng. Theo Bộ luật này, con người được chia thành hai giới tính và ba tầng lớp: người ưu tú, thường dân và nô lệ. Thành viên của mỗi giới và tầng lớp có giá trị khác nhau. Mạng sống của một nữ thường dân trị giá 30 shekel bạc, của một nữ nồ lệ là 20 shekel bạc, trong khi đôi mắt của một nam thường dân trị giá 60 shekel bạc.

Bộ luật cũng hình thành một sự phân tầng chặt chẽ trong các gia đình, theo đó con cái không phải là những người độc lập mà là tài sản của cha mẹ chúng. Vì vậy, nếu một người đàn ông ưu tú giết con gái của một người đàn ông ưu tú khác, con gái của kẻ giết người sẽ bị trừng phạt. Với chúng ta, thật kỳ lạ khi mà kẻ giết người vẫn bình an vô sự, trong khi cô con gái ngây thơ vô tội của anh ta lại bị giết, nhưng với Hammurabi và người dân Babylon thì điều này là công bằng tuyệt đối. Bộ luật Hammurabi dựa trên giả thuyết rằng nếu tất cả các thần dân của nhà vua đều chấp nhận vị trí của mình trong hệ thống phân tầng và hành động phù hợp, thì hàng triệu thần dân của đế quốc này có thể hợp tác một cách hiệu quả. Vì vậy xã hội của họ có thể sản xuất ra đủ thực phẩm cho tất cả thành viên, phân phối chúng hiệu quả, bảo vệ dân chúng khỏi kẻ thù, mở rộng lãnh thổ đế chế để đạt được sự giàu có hơn và an ninh tốt hơn.

Khoảng 3.300 năm sau cái chết của Hammurabi, dân cư ở 13 thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ cảm thấy rằng, nhà vua Anh đang đối xử không công bằng với họ. Các đại diện của họ đã tụ tập ở thành phố Philadenphia, và ngày 4 tháng Bảy năm 1776, các thuộc địa này đã tuyên bố rằng dân cư của họ không còn là thần dân của Vương quốc Anh. Tuyên ngôn Độc lập của họ đã tuyên bố những nguyên tắc phổ quát và vĩnh cửu của công lý, điều mà giống như các nguyên tắc của Hammurabi, được truyền cảm hứng bởi một sức mạnh siêu phàm. Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng nhất được viết bởi vị thần của người Mỹ có phần khác so với nguyên tắc của những vị thần của người Babylon. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ khẳng định rằng:

Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.

Giống như Bộ luật Hammurabi, văn kiện sáng lập ra nước Mỹ đảm bảo rằng nếu con người hành động theo những nguyên tắc thiêng liêng của mình, hàng triệu người sẽ có thể hợp tác hiệu quả, sống an toàn và bình yên trong một xã hội công bằng và thịnh vượng. Giống như Bộ luật Hammurabi, Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ không chỉ là một tài liệu được chấp nhận ở thời điểm và nơi sinh ra nó, nó còn được chấp nhận bởi các thế hệ tương lai. Trong vòng 200 năm qua, học sinh ở Mỹ đã sao chép và học thuộc lòng nó.

Hai văn bản trên cho chúng ta thấy một thế lưỡng nan hiển nhiên. Cả Bộ luật Hammurabi và Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ đều tuyên bố vạch ra những nguyên tắc phổ quát và vĩnh cửu về công lý, nhưng theo người Mỹ thì tất cả mọi người đều bình đẳng, trong khi theo người Babylon, con người rõ ràng là không bình đẳng. Tất nhiên người Mỹ nói rằng họ đúng và Hammurabi sai. Đương nhiên, Hammurabi sẽ trả miếng rằng họ đúng còn người Mỹ sai. Thực tế là cả hai đều sai. Hammurabi và những Tổ phụ Lập quốc Mỹ đều tưởng tượng ra một thực tế bị chi phối bởi các nguyên tắc phổ quát và bất biến về công lý, như là sự công bằng hay hệ thống phân tầng. Song, nơi duy nhất mà những nguyên tắc phổ quát như vậy tồn tại là trong trí tưởng tượng phong phú của Sapiens, và trong các huyền thoại mà họ sáng tác và kể cho nhau nghe. Những nguyên tắc này không có giá trị khách quan.

Rất dễ để chúng ta chấp nhận rằng việc phân chia con người thành “đẳng cấp ưu tú” và “thường dân” là một điều tưởng tượng. Song, quan niệm cho rằng mọi người đều bình đẳng cũng chỉ là một huyền thoại. Mọi người đều bình đẳng với nhau theo nghĩa nào? Có sự thật khách quan nào, nằm ngoài trí tưởng tượng của con người, trong đấy chúng ta thực sự bình đẳng? Mọi người bình đẳng với nhau về mặt sinh học ư? Hãy thử cắt nghĩa dòng chữ quan trọng nhất trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ theo ngôn ngữ sinh học:

Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.

Theo sinh học, con người không phải được sáng tạo ra. Họ tiến hoá. Và chắc chắn, họ không tiến hoá để “bình đẳng”. Ý tưởng bình đẳng gắn bó chặt chẽ với quan niệm về sáng tạo. Người Mỹ lấy ý tưởng bình đẳng từ Ki-tô giáo, trong đó lập luận rằng mọi người đều có một linh hồn tuyệt diệu được tạo ra, và mọi linh hồn này đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tin vào các huyền thoại Ki-tô giáo về Thiên Chúa, về sự sáng tạo và linh hồn, thì khi nói mọi người đều “bình đẳng” có nghĩa là gì? Tiến hoá dựa trên sự khác biệt, chứ không phải sự bình đẳng. Mỗi người đều mang một bộ gen khác nhau chút ít, và nó chịu các ảnh hưởng môi trường khác nhau từ khi sinh ra. Nó dẫn đến sự phát triển các phẩm chất khác nhau, mang đến những cơ hội sống sót khác nhau. Vì vậy “được sinh ra bình đẳng” nên được hiểu là “tiến hoá khác nhau”.

Giống như con người chưa bao giờ được sáng tạo ra, nên trên phương diện sinh học, chẳng có “Đấng tạo hoá” nào “ban cho” con người bất cứ cái gì? Chỉ có một quá trình tiến hoá không nhìn thấy được, không có bất cứ mục đích nào, dẫn tới sự sinh ra của các cá nhân. “Được tạo hoá ban cho” nên được hiểu đơn giản là “sinh ra”.

Công bằng mà nói, không có những điều như là quyền trong sinh học. Chỉ có các bộ phận cơ thể, các khả năng và các đặc điểm. Con chim bay không phải vì nó có quyền được bay, mà bởi vì nó có cánh. Và cũng không đúng khi nói rằng các bộ phận cơ thể, các khả năng và các đặc điểm này là “không thể xâm phạm được”. Nhiều trong số chúng trải qua quá trình biến đổi không ngừng, và có thể biến mất hoàn toàn theo thời gian. Đà điểu là một loài chim đánh mất khả năng bay của mình. Vì vậy “quyền không thể xâm phạm được” phải được hiểu là “những đặc điểm có thể biến đổi”.

Và những đặc điểm nào ở con người đã tiến hoá? “Cuộc sống”, chắc chắn rồi. Nhưng còn “tự do”? Không có một khái niệm nào như vậy trong sinh học. Giống như sự công bằng, các quyền và những công ty trách nhiệm hữu hạn, tự do là một khái niệm mà con người tự sáng tạo ra và nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của họ. Từ quan điểm sinh học, sẽ vô nghĩa khi nói rằng con người trong những xã hội dân chủ thì tự do, trong khi con người trong những chế độ độc tài thì không tự do. Thế còn “hạnh phúc” thì sao? Cho đến nay, các nghiên cứu sinh học đã thất bại trong việc đưa ra một định nghĩa rõ ràng về hạnh phúc hoặc cách để đo lường nó khách quan. Hầu hết các nghiên cứu sinh học đều chỉ thừa nhận sự tồn tại của lạc thú, thứ dễ định nghĩa và đo lường hơn. Vì vậy, “sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” nên được hiểu là “sống và theo đuổi lạc thú”.