Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Nhưng định nghĩa về hạnh phúc này đã bị một số học giả thách thức. Trong một nghiên cứu nổi tiếng, Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel kinh tế, yêu cầu mọi người liệt kê lại một ngày làm việc điển hình, xem xét từng sự việc một, và đánh giá xem họ thích hay không thích mỗi thời điểm như thế nào. Ông phát hiện ra một điều dường như nghịch lý trong quan điểm của hầu hết mọi người về cuộc sống của họ. Thử nói về việc nuôi con. Kahneman thấy rằng khi đếm những khoảnh khắc vui vẻ và những khoảnh khắc cực nhọc, nuôi một đứa trẻ hoá ra là một chuyện khá khó chịu. Nó bao gồm phần lớn các việc thay tã, rửa chén và đối phó với cơn giận dữ của trẻ, điều mà không ai thích làm. Tuy nhiên, hầu hết các cha mẹ tuyên bố rằng con cái là nguồn hạnh phúc lớn nhất của họ. Liệu điều đó có nghĩa là người ta không thực sự biết những gì là tốt cho mình?

Đó là một lựa chọn. Một lựa chọn khác là những phát hiện cho thấy hạnh phúc không phải là việc có nhiều thời điểm vui vẻ hơn những thời điểm khó chịu. Thay vào đó, hạnh phúc bao gồm việc coi toàn bộ cuộc sống của mình là có ý nghĩa và đáng giá. Nhận thức và đạo đức là nhân tố cấu thành hạnh phúc. Các giá trị của chúng ta tạo ra mọi sự khác biệt trong cách chúng ta thấy mình là “một kẻ nô lệ khốn khổ trước một nhà độc tài bé bỏng” hoặc là “âu yếm nuôi dưỡng một cuộc sống mới”. Như Nietzsche đã viết, nếu bạn hiểu tại sao phải sống, bạn gần như có thể sống bất kỳ cách sống nào. Một cuộc sống có ý nghĩa có thể cực kỷ thỏa mãn ngay cả giữa lúc khó khăn, trong khi một cuộc sống vô nghĩa là một thử thách khủng khiếp, bất kể nó thoải mái thế nào.

Mặc dù mọi người trong tất cả các nền văn hoá và thời đại đều cảm thấy cùng một loại lạc thú và đau đớn, nhưng ý nghĩa mà họ đã gán cho những trải nghiệm của mình có thể rất khác nhau. Nếu vậy, lịch sử của hạnh phúc có thể hỗn loạn hơn rất nhiều so với những gì các nhà sinh học tưởng tượng. Đó là một kết luận rằng không nhất thiết phải ủng hộ thời hiện đại. Đánh giá cuộc sống theo từng phút một, người trung cổ chắc chắn sẽ cảm thấy nó khó khăn. Tuy nhiên, nếu họ tin lời hứa về hạnh phúc mãi mãi ở thế giới bên kia, họ cũng có thể đã xem cuộc sống của họ ý nghĩa và đáng giá hơn nhiều những người thế tục hiện đại, mà về lâu dài chẳng thể mong đợi điều gì ngoài một sự lãng quên hoàn toàn và vô nghĩa. Khi được hỏi “Bạn có hài lòng với toàn bộ cuộc sống của mình không?”, người trung cổ có thể sẽ chấm điểm khá cao đối với câu hỏi về hạnh phúc chủ quan.

Vậy có phải tổ tiên thời trung cổ của chúng ta cảm thấy hạnh phúc, vì họ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong những ảo tưởng tập thể về thế giới bên kia? Đúng. Miễn là không ai phá tan những mộng mơ của họ, thì tại sao không nên làm như vậy? Theo đó, chúng ta có thể nói từ quan điểm thuần khoa học, cuộc sống con người là hoàn toàn vô nghĩa. Con người là kết quả của quá trình tiến hoá mù, hoạt động không theo một mục tiêu hay mục đích nào. Những hành động của chúng ta không phải là một phần của một vài kế hoạch vũ trụ thần thánh, và nếu hành tinh Trái đất có bị nổ tung vào sáng mai, vũ trụ có lẽ sẽ vẫn tiếp tục những hoạt động của nó như bình thường. Theo như chúng ta có thể nói vào thời điểm này, tính chủ quan của con người sẽ không được nhớ đến. Do đó bất kỳ ý nghĩa nào mà mọi người gán cho cuộc sống của họ chỉ là ảo tưởng mà thôi. Những ý nghĩa về thế giới bên kia mà người trung cổ tìm thấy trong cuộc sống của họ cũng chẳng ảo tưởng hơn so với những ý nghĩa mà người hiện đại theo chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tư bản tìm thấy. Nhà khoa học nói rằng, cuộc sống của anh có ý nghĩa bởi anh làm gia tăng kho tàng tri thức nhân loại, người lính tuyên bố rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa bởi anh ta đã chiến đấu để bảo vệ quê hương mình, và các doanh nhân tìm được ý nghĩa trong việc xây dựng một công ty mới, tất cả đều ảo tưởng không kém một con người trung cổ đã tìm thấy ý nghĩa trong việc đọc thánh kinh, tham gia một cuộc thập tự chinh hoặc xây một nhà thờ mới.

Vì vậy, có lẽ hạnh phúc đang đồng bộ hoá ảo tưởng cá nhân của một người với những ảo tưởng tập thể hiện hành. Miễn là câu chuyện cá nhân của tôi còn phù hợp với các câu chuyện của những người xung quanh tôi, thì tôi có thể thuyết phục bản thân rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa, và tìm thấy hạnh phúc trong niềm tin đó.

Đây là một kết luận khá buồn. Liệu hạnh phúc có thực sự phụ thuộc vào sự ảo tưởng?

Hiểu chính mình

Nếu hạnh phúc dựa trên việc cảm thấy những cảm giác dễ chịu, vậy thì để hạnh phúc hơn chúng ta cần phải tái cấu trúc hệ thống sinh hoá của mình. Nếu hạnh phúc dựa trên cảm giác rằng cuộc sống có ý nghĩa, vậy để hạnh phúc hơn chúng ta cần phải lừa dối mình hiệu quả hơn. Có lựa chọn thứ ba không?

Cả hai quan điểm trên chia sẻ giả định rằng hạnh phúc là một dạng cảm giác chủ quan (hoặc về khoái lạc hay ý nghĩa), và rằng để đánh giá hạnh phúc của mọi người, tất cả chúng ta cần phải làm là hỏi họ cảm thấy thế nào. Đối với nhiều người trong chúng ta, điều đó có vẻ hợp lý vì tôn giáo chiếm ưu thế của thời đại chúng ta là chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa tự do thánh hoá những cảm giác chủ quan của mỗi cá nhân. Nó xem những cảm xúc như là nguồn gốc tối thượng của quyền lực. Điều gì tốt và điều gì xấu, điều gì đẹp đẽ và điều gì xấu xa, điều gì nên làm và điều gì không nên làm, tất cả đều được quyết định bởi những gì mà mỗi chúng ta cảm nhận.

Chính trị tự do dựa trên ý tưởng rằng các cử tri hiểu biết rõ nhất, và không cần Anh Cả nói cho chúng ta biết điều gì là tốt cho chúng ta. Kinh tế tự do dựa trên ý tưởng rằng khách hàng luôn đúng. Nghệ thuật tự do tuyên bố rằng cái đẹp nằm trong mắt của kẻ quan sát. Người học trong các trường trung học và đại học khai phóng được dạy để nghĩ về bản thân. Thương mại thúc giục chúng ta “Cứ làm đi!” Những bộ phim hành động, kịch sân khấu, tiểu thuyết và nhạc pop liên tục nhồi sọ chúng ta rằng: “Hãy thành thật với chính mình”, “Lắng nghe chính mình”, “Làm theo điều trái tim bạn mách bảo”. Jean Jacques Rousseau đã phát biểu quan điểm này một cách rất cổ điển rằng: “Những gì tôi cảm thấy tốt – sẽ là tốt. Những gì tôi cảm thấy xấu – sẽ là xấu .

Những người được nuôi dạy từ bé thơ bằng những khẩu hiệu như vậy, sẽ dễ dàng tin rằng hạnh phúc là một cảm giác chủ quan và mỗi cá nhân biết rõ khi nào mình hạnh phúc hay đau khổ. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ tồn tại với chủ nghĩa tự do mà thôi. Hầu hết các tôn giáo và ý thức hệ trong suốt lịch sử nói rằng có những thước đo khách quan cho sự tốt lành và cái đẹp, cho cách mọi thứ nên diễn ra. Họ nghi ngờ những tình cảm và sở thích của người bình thường. Tại lối vào của đền thờ thần Apollo ở Delphi, khách hành hương sẽ được chào đón bởi dòng chữ: “Hiểu chính mình”. Hàm ý là một người bình thường không biết gì về con người thật của anh ta, và do đó có thể sẽ không biết gì về hạnh phúc thật sự. Freud có lẽ sẽ đồng tình với quan điểm đó.[18]

Và các nhà thần học Ki-tô giáo cũng vậy. Thánh Paul và Thánh Augustine biết rõ rằng nếu bạn hỏi mọi người về hạnh phúc, hẩu hết đều muốn quan hệ tình dục hơn là cầu nguyện Thiên Chúa. Điều đó liệu có chứng minh rằng quan hệ tình dục là chìa khoá để hạnh phúc? Không phải theo Paul và Augustine. Nó chỉ chứng minh nhân loại sinh ra đã mắc tội, và mọi người có thể dễ dàng bị quyến rũ bởi quỷ Satan. Từ quan điểm Ki-tô giáo, đại đa số người dân khá giống với những tên nghiện heroin. Hãy tưởng tượng rằng một nhà tâm lý học bắt tay vào một nghiên cứu hạnh phúc đối với người sử dụng ma túy. Ông thăm dò ý kiến của người nghiện và nhận thấy tất cả họ đều đồng tình rằng họ chỉ hạnh phúc khi sử dụng thuốc phiện. Liệu nhà tâm lý học sẽ xuất bản một công trình nghiên cứu, tuyên bố rằng heroin là chìa khoá của hạnh phúc?

Y tưởng cho rằng chúng ta không nên tin vào những cảm giác không chỉ giới hạn trong Ki-tô giáo. ít nhất là khi nói đến giá trị của những cảm giác, thậm chí Darwin và Dawkins có thể tìm thấy điểm chung với Thánh Paul và Thánh Augustine. Theo lý thuyết gen vị kỷ, chọn lọc tự nhiên khiến cho mọi người, giống như các sinh vật khác, chọn những gì là tốt cho sự sinh sản các gen của họ, thậm chí nếu nó có hại cho họ với tư cách những cá nhân. Hầu hết nam giới dành cuộc sống của họ để làm việc cực nhọc, lo lắng, cạnh tranh và chiến đấu, thay vì vui hưởng hạnh phúc bình yên, bởi ADN của họ thao túng họ cho những mục đích ích kỷ riêng mình. Giống như quỷ Satan, ADN sử dụng những thú vui thoáng qua để cám dỗ con người và đặt họ dưới sức mạnh của nó.

Do đó, hầu hết các tôn giáo và triết học đã chọn cách tiếp cận hạnh phúc rất khác biệt với chủ nghĩa tự do. Quan điểm của Phật giáo là đặc biệt thú vị. Phật giáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của câu hỏi về hạnh phúc có lẽ nhiều hơn bất kỳ tín ngưỡng nào khác của con người. Trong suốt 2.500 năm, các Phật tử đã nghiên cứu có hệ thống bản chất và nguyên nhân của hạnh phúc, đó là lý do dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng trong cộng đồng khoa học về triết học và những bài thực hành thiển định của họ.

Phật giáo chia sẻ nhận thức cơ bản với phương pháp tiếp cận sinh học về hạnh phúc, cụ thể là hạnh phúc bắt nguồn từ các quá trình xảy ra trong cơ thể của một người, không phải từ những sự kiện ở thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, khởi đầu từ quan niệm giống nhau, Phật giáo đã đưa ra những kết luận rất khác.