Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Khởi đầu khiêm tốn này đã sinh ra một hệ thống thời gian mang tính toàn cầu, đồng bộ đến từng số thập phân của một giây. Khi các phương tiện truyền thông lần đầu lên sóng – đầu tiên là radio, sau đó là truyền hình – họ tiến vào thế giới của sự đồng bộ hoá thời gian, trở thành đối tượng tiên phong truyền bá cho điều đó. Xen giữa các chương trình phát thanh là tín hiệu thời gian, tiếng bíp đó có thể vươn tới những mảnh đất xa xôi, các con tàu có thể dùng nó để chỉnh lại đồng hồ. Sau đó, các đài phát thanh áp dụng thông lệ phát sóng tin tức theo giờ. Ngày nay, thông báo đầu tiên của tất cả các đài phát thanh tin tức – quan trọng hơn cả tin chiến tranh nổ ra – chính là thông báo về thời gian. Trong suốt Thế chiến II, đài BBC News đã phát sóng cho những vùng châu Âu bị Đức quốc xã chiếm đóng. Mỗi chương trình tin tức mở ra với giai điệu phát sóng trực tiếp của tiếng chuông đồng hồ Big Ben – âm thanh huyền diệu của sự tự do. Các nhà vật lý tài ba người Đức đã tìm ra cách xác định điều kiện thời tiết ở London dựa trên sự sai lệch nhỏ trong giai điệu của sóng truyền phát. Thông tin này đem lại ưu thế vô giá cho không quân Đức. Khi mật vụ Anh phát hiện ra điều này, họ thay thế tiếng đồng hồ trực tiếp bằng một bản ghi âm của chiếc đồng hồ nổi tiếng.

Để có thể vận hành hệ thống thời gian một cách đồng bộ, những chiếc đồng hồ giá rẻ nhưng chính xác và tiện dụng trở nên phổ biến. Ở các thành phố như Assyria, Sassanid hoặc Inca, ta có thể bắt gặp chủ yếu là đồng hồ Mặt trời. Tại các thành phố thời trung cổ châu Âu thường có một chiếc đồng hồ duy nhất, cỗ máy khổng lồ gắn trên đỉnh tòa tháp cao ở quảng trường thị trấn. Những tháp đồng hồ vốn nổi tiếng không chính xác, nhưng vì không có đồng hồ nào trong thành phố sai khác với nó, nên nếu có sai thì gần như cũng chẳng làm sao. Hiện nay, trong nhà của một gia đình giàu có thường có nhiều đồng hồ hơn toàn bộ số đồng hồ của một đất nước thời trung cổ. Bạn có thể biết thời gian bằng cách nhìn vào đồng hồ đeo tay, nhìn vào màn hình điện thoại, nhìn vào đồng hồ báo thức cạnh giường, nhìn vào đồng hồ trên tường nhà bếp, nhìn vào lò vi sóng, tivi hoặc đầu DVD, hay máy tính của bạn, thời gian không thể rời khỏi mắt bạn. Sẽ rất khó khăn để bạn không biết bây giờ là mấy giờ.

Một người bình thường xem giờ vài chục lần mỗi ngày, bởi vì hầu như tất cả mọi điều chúng ta làm đều phải thực hiện đúng thời hạn. Chiếc đồng hồ đánh thức chúng ta dậy lúc 7 giờ, chúng ta làm rã đồ đông lạnh trong lò vi sóng chính xác 50 giây, đánh răng trong vòng ba phút cho đến khi bàn chải đánh răng điện kêu bíp, bắt chuyến tàu lúc 7:40 đến nơi làm việc, chạy trên máy chạy bộ tại phòng tập thể dục cho đến khi có thông báo nửa tiếng đã trôi qua, ngồi trước tivi lúc 19 giờ để xem chương trình yêu thích của mình, bị gián đoạn bằng những đoạn quảng cáo thương mại trị giá 1.000 đô-la mỗi giây, và cuối cùng trút bỏ mọi cảm giác lo lắng của chúng ta lên bác sĩ trị liệu, người hạn chế thời gian lảm nhảm của chúng ta còn đúng 50 phút mỗi lần điều trị.

Cách mạng Công nghiệp đã mang đến hàng tá biến động lớn trong xã hội loài người. Thích ứng với thời gian công nghiệp chỉ là một trong số đó. Những ví dụ đáng chú ý khác bao gồm đô thị hoá, sự biến mất của nền nông nghiệp thuần túy, sự gia tăng của giai cấp vô sản công nghiệp, sự trao quyền cho những người bình thường, dân chủ hoá, văn hoá giới trẻ và sự tan rã của chế độ phụ hệ.

Tuy nhiên, tất cả những biến động này quá nhỏ bé so với cuộc cách mạng xã hội quan trọng nhất chưa từng xảy ra với loài người: sự sụp đổ của gia đình và cộng đồng địa phương, được thay thế bằng chính quyền và thị trường. Chúng ta có thể khẳng định rằng, từ thời điểm sớm nhất, hơn một triệu năm trước, con người sống trong các cộng đồng nhỏ, thân mật, hầu hết các thành viên là họ hàng thân thuộc. Cách mạng Nhận thức và Cách mạng Nông nghiệp không làm thay đổi điều đó. Chúng kết nối các gia đình và cộng đồng với nhau tạo ra các bộ lạc, thành phố, vương quốc và đế chế, nhưng gia đình và cộng đồng vẫn là những viên gạch nền tảng của tất cả xã hội loài người. Cách mạng Công nghiệp, mặt khác, chỉ cần chưa đầy hai thế kỷ để phá tan những nền tảng này thành cát bụi. Hầu hết chức năng truyền thống của gia đình và cộng đồng đã được bàn giao cho chính quyền và thị trường.

Sự sụp đổ của gia đình và cộng đồng

Trước khi có Cách mạng Công nghiệp, cuộc sống hằng ngày của hầu hết mọi người xoay quanh ba trụ cột: gia đình hạt nhân, gia đình mở rộng và cộng đồng gắn bó.[17] Hầu hết mọi người làm việc trong các doanh nghiệp gia đình – ví dụ trong các trang trại hoặc xưởng gia đình – hoặc làm việc trong doanh nghiệp hộ gia đình láng giềng. Gia đình cũng là hệ thống phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, công nghiệp xây dựng, công đoàn, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, đài phát thanh, truyền hình, báo chí, ngân hàng và thậm chí cả cảnh sát.

Khi một người bị bệnh, gia đình chăm sóc người đó. Khi một người già đi, gia đình hỗ trợ, và các con là quỹ hưu trí. Khi một người qua đời, gia đình chăm sóc lũ trẻ mồ côi. Nếu ai đó muốn xây dựng một túp lều, gia đình sẽ giúp một tay. Nếu ai đó muốn mở doanh nghiệp, gia đình sẽ kiếm khoản tiền cần thiết. Nếu ai đó muốn kết hôn, gia đình sẽ lựa chọn, hoặc ít nhất là xem xét kĩ lưỡng người vợ hoặc chồng tương lai. Nếu xung đột phát sinh với hàng xóm, gia đình sẽ chung tay bảo vệ người đó. Nhưng nếu một người bệnh đã quá nặng mà gia đình không thể xoay xở nổi, hoặc một công việc kinh doanh mới đòi hỏi một khoản đầu tư quá lớn, hoặc các cuộc tranh cãi hàng xóm leo thang đến đỉnh điểm bạo lực, các cộng đồng địa phương sẽ đến để giải cứu.

Các cộng đồng cung cấp sự giúp đỡ trên cơ sở truyền thống địa phương và một nền kinh tế của những ân huệ, mà thường khác rất nhiều với các quy luật cung cầu của thị trường tự do. Trong một cộng đồng trung cổ kiểu cũ, khi người hàng xóm của tôi cần giúp đỡ, tôi sẽ giúp xây dựng túp lều và bảo vệ bầy cừu cho anh ta mà không mong báo đáp. Khi tôi cần giúp đỡ, hàng xóm của tôi sẽ trả ơn. Đồng thời, một lãnh chúa địa phương có thể bắt tất cả dân làng xây dựng lâu đài cho ông ta mà không cần trả một xu. Đổi lại, dân làng nhờ ông ta bảo vệ khỏi bọn cướp và quân man rợ. Cuộc sống làng quê tham gia nhiều giao dịch nhưng lại hiếm khi phải trả tiền. Tất nhiên, vẫn có một số thị trường nhưng vai trò của chúng còn hạn chế. Bạn có thể mua các loại gia vị quý hiếm, vải và các công cụ, sử dụng dịch vụ của các luật sư và bác sĩ. Tuy nhiên, chỉ có chưa đầy 10% các sản phẩm và dịch vụ là hay được sử dụng cũng như mua bán trên thị trường. Hầu hết nhu cầu của con người được gia đình và cộng đồng chăm sóc.

Cũng có những vương quốc và đế chế đã tiến hành các nhiệm vụ quan trọng như phát động chiến tranh, xây dựng đường sá và cung điện. Với những mục đích đó, các vị vua tăng thuế, thậm chí tăng số lượng binh lính và dân lao động. Tuy nhiên, ngoài vài ngoại lệ, thường thì họ không can thiệp vào công việc hằng ngày của các gia đình và cộng đồng. Thậm chí nếu có muốn, hầu hết các vị vua cũng sẽ khá vất vả khi làm vậy. Những nền kinh tế nông nghiệp truyền thống không có nhiều thặng dư để nuôi đám đông quan chức, cảnh sát, nhân viên xã hội, giáo viên và bác sĩ. Do đó, hầu hết các nhà lãnh đạo không phát triển rộng rãi hệ thống phúc lợi xã hội, dịch vụ y tế hay giáo dục. Họ phó mặc các vấn đề đó trong tay của gia đình và cộng đồng. Cũng có những dịp hiếm hoi nhà cấm quyền cố gắng can thiệp mạnh hơn vào cuộc sống hằng ngày của giai cấp nông dân (như thời nhà Tần ở Trung Hoa), họ làm như vậy bằng cách biến những người đứng đầu gia đình và các trưởng lão của cộng đồng thành tay sai của chế độ.

Những khó khăn trong thông thương và liên lạc thường khiến các vị vua khó lòng can thiệp vào vấn đề nội bộ của các cộng đồng xa xôi, nên nhiều vương quốc đã nhường ngay cả những đặc quyền hoàng gia cơ bản nhất – chẳng hạn như đánh thuế và giải quyết bạo lực – cho các cộng đồng này. Ví dụ, Đế chế Ottoman cho phép tự giải quyết những mối thù gia đình truyền kiếp theo lối thực thi công lý, thay vì sử dụng một lực lượng lớn cảnh sát hoàng gia. Nếu anh em họ của tôi đã giết ai đó, anh trai của nạn nhân có thể giết tôi để trả thù. Các Sultan ở Istanbul hay thậm chí là tổng trấn không can thiệp vào các cuộc đụng độ như vậy, miễn là bạo lực vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được.

Tại Trung Hoa đời nhà Minh (1368-1644), dân số đã được tổ chức thành hệ thống bảo giáp. Mười gia đình được nhóm lại để tạo thành một giáp, và mười giáp thành một bảo. Khi một thành viên của một bảo phạm tội, các thành viên khác của bảo đó có thể trừng phạt anh ta, đặc biệt là những người lớn tuổi. Thuế được đánh vào bảo, và trách nhiệm thuộc về các trưởng lão trong mỗi bảo chứ không phải thuộc về các quan chức, họ phải đánh giá tình hình của mỗi gia đình và xác định số tiền thuế cần trả. Từ quan điểm của đế chế, hệ thống này có một lợi thế rất lớn. Thay vì duy trì hàng ngàn quan chức và nhân viên thuế vụ theo dõi thu nhập và chi phí của mỗi gia đình, nhiệm vụ này được để lại cho những trưởng lão trong cộng đồng. Các trưởng lão biết chính xác giá trị của mỗi cá nhân trong cộng đồng là bao nhiêu, họ thường có thể đòi tiền thuế mà không cần dính líu đến quân đội hoàng gia.