Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Vậy tại sao con người không từ bỏ nông nghiệp khi dự định ban đầu bị đổ bể? Một phần là do phải cần đến vài thế hệ thì những thay đổi nhỏ mới tích lũy lại và biến đổi một xã hội, và đến lúc đó thì không ai còn nhớ rằng mình đã từng sống rất khác. Và phần vì sự gia tăng dân số đã làm cho nhân loại không thể trở về tình trạng ban đầu được nữa. Nếu chấp nhận việc cày cấy làm tăng dân số của một làng từ 100 lên 110 thì 10 người nào sẽ tình nguyện chết đói để cho những người khác có thể trở lại thời kỳ xưa cũ tốt đẹp đây? Không thể trở lại được nữa. Cái bẫy đã sập xuống.

Việc mưu cầu một cuộc sống dễ chịu hơn đã dẫn đến nhiều thử thách cam go hơn, không phải cho con người trước đó, mà cho chính chúng ta hôm nay. Có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp chấp nhận những công việc căng thẳng tại các công ty quyền lực, thề rằng họ sẽ làm việc chăm chỉ kiếm tiền để có thể về hưu và theo đuổi những công việc họ thực sự yêu thích ở tuổi 33? Nhưng theo thời gian và đến tuổi đó, họ lại có nhiều giấy vay nợ, những đứa con đi học, những ngôi nhà ngoại ô đòi hỏi ít nhất hai xe hơi cho một gia đình, và họ cảm thấy cuộc đời sẽ không đáng sống nếu thiếu rượu ngon và những kỳ nghỉ đắt tiền ở nước ngoài. Họ phải làm gì đây, quay trở lại đào xới đất? Không, họ sẽ nỗ lực gấp đôi và làm việc như nô lệ.

Một trong những quy luật sắt của lịch sử, đó là những thứ xa hoa có xu hướng trở thành những thứ phải có và sẽ tạo ra những nghĩa vụ mới. Một khi con người đã quen với sự xa hoa nào đó, họ sẽ cho đó là hiển nhiên. Rồi họ bắt đầu mong đợi nó. Cuối cùng họ sẽ không thể sống thiếu nó. Hãy lấy một ví dụ tương tự khác ở thời đại của chúng ta. Trong một vài thế kỷ gần đây, chúng ta đã phát minh ra vô số thiết bị để tiết kiệm thời gian, nghĩ rằng chúng sẽ làm cho cuộc sống dễ chịu và thảnh thơi hơn, như máy giặt, máy hút bụi, máy rửa bát, điện thoại, điện thoại di động, máy vi tính, email. Trước đây, người ta cần rất nhiều công sức để viết một bức thư, để địa chỉ, dán tem lên phong bì, và cho nó vào hòm thư. Phải mất vài ngày, vài tuần, thậm chí là vài tháng để nhận được thư trả lời. Ngày nay, tôi có thể viết nhanh một bức thư, gửi nó đến một nơi cách xa nửa vòng Trái đất, và (nếu địa chỉ của tôi là trên mạng) tối sẽ nhận được thư trả lời trong vòng một phút sau đó. Tôi đã tránh được mọi phiền toái và tiết kiệm thời gian, nhưng tôi có đang sống một cuộc đời thảnh thơi hơn hay không?

Thật buồn là không. Quay trở lại kỷ nguyên của những bức thư chậm như sên, con người thường chỉ viết thư khi họ có điều gì quan trọng cần phải thuật lại. Thay vì viết ngay những điều vừa xuất hiện trong tâm trí mình, họ cân nhắc một cách cẩn thận những gì họ muốn nói và làm thế nào để diễn đạt nó. Họ mong đợi nhận được một câu trả lời cũng được suy nghĩ kĩ càng như vậy. Hầu hết mọi người viết và nhận rất ít thư trong một tháng và hiếm khi cảm thấy bị ép buộc phải trả lời ngay lập tức. Ngày nay, tôi nhận được hàng tá thư điện tử mỗi ngày, tất cả đều từ những người muốn được trả lời luôn. Chúng ta nghĩ rằng mình đang tiết kiệm thời gian; thay vào đó, chúng ta tăng tốc guồng quay cuộc sống lên chục lần so với tốc độ trước đây, làm cho những ngày làm việc của mình trở nên đầy lo âu và bối rối.

Ở đâu đó, một người bảo thủ lạc hậu từ chối mở một tài khoản email, cũng giống như cách đây hàng ngàn năm có những bầy người đã từ chối làm nông nghiệp và trốn chạy cái bẫy xa xỉ. Nhưng Cách mạng Nông nghiệp không cần đến mọi bầy người ở một vùng nào đó tham gia vào. Nó chỉ cần một. Ngay khi một bầy người ở lại sinh sống lâu dài và bắt đầu việc cày bừa, thì dù là ở Trung Đông hay Trung Mỹ, nông nghiệp đều có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Từ khi nông nghiệp tạo ra những điều kiện cho sự phát triển nhân khẩu một cách nhanh chóng, nông dân thường có thể vượt qua những kẻ hái lượm bằng số lượng người. Những kẻ hái lượm có thể chạy trốn, rời bỏ những vùng đất săn bắt của mình để tới cánh đồng và đồng cỏ, hoặc có thể nhặt cái cày lên. Cách nào đi nữa, cuộc sống cũ cũng đã kết thúc.

Câu chuyện về cái bẫy xa xỉ đã chỉ ra một bài học quan trọng. Sự tìm kiếm một cuộc sống dễ chịu hơn của nhân loại đã giải phóng những sức mạnh to lớn, biến đổi thế giới theo những cách mà không ai hình dung hay mong muốn. Không ai mưu tính Cách mạng Nông nghiệp hoặc tìm kiếm sự phụ thuộc của con người vào việc trồng trọt ngũ cốc. Từ một loạt những quyết định thông thường chủ yếu nhằm lấp đẩy những cái bụng rỗng và có được một chút an toàn, đã có tác động tích tụ trong việc ép buộc những người hái lượm cổ đại dành cả ngày của mình để gánh mấy thùng nước đầy dưới ánh nắng thiêu đốt.

Sự can thiệp của thần linh

Viễn cảnh trên đã lý giải rằng Cách mạng Nông nghiệp là một tính toán sai lầm. Rất có khả năng. Lịch sử chứa đầy những sai lầm còn ngớ ngẩn hơn nhiều. Nhưng còn một khả năng khác. Có thể không phải việc kiếm tìm một cuộc sống dễ chịu hơn đã tạo ra sự thay đổi. Có thể Sapiens có những mong muốn khác, và chủ ý làm cuộc sống của mình vất vả hơn để đạt được chúng.

Các nhà khoa học luôn muốn quy sự phát triển lịch sử cho các yếu tố kinh tế và nhân khẩu học buồn tẻ. Nó phù hợp hơn với những phương pháp lý trí và toán học của họ. Trong lịch sử hiện đại, các học giả không thể tránh khỏi việc đưa vào các nhân tố phi vật chất như ý thức hệ và văn hoá. Bằng chứng thành văn ép buộc họ. Chúng ta có đủ các tài liệu, thư từ, hồi ký để chứng tỏ rằng Thế chiến II xảy ra không phải do thiếu hụt thực phẩm hay áp lực dân số. Nhưng chúng ta không có tài liệu từ nền văn hoá Natuhan, vì vậy khi nghiên cứu về những thời kỳ cổ đại, các nhà duy vật chiếm ưu thế tuyệt đối. Thật khó để chứng minh rằng con người trước khi có chữ viết đã bị thôi thúc bởi niềm tin hơn là những nhu cầu kinh tế.

Song, trong một vài trường hợp hiếm hoi, chúng ta có đủ may mắn để tìm ra được những manh mối tiết lộ. Vào năm 1995, các nhà khảo cổ học bắt đầu khai quật một khu vực thuộc phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là Göbekli Tepe. Trong những địa tầng cổ xưa nhất, họ không phát hiện ra dấu hiệu nào của sự định cư, những ngôi nhà, hay những hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, họ đã phát hiện ra những kiến trúc vĩ đại được chống đỡ bằng cột trụ và trang trí bằng các hình chạm khắc vô cùng đẹp mắt. Mỗi cột đá nặng đến 7 tấn và cao tới 5 mét. Ở mỏ đá gần đấy, họ tìm thấy một cột đá đã được chạm trổ một nửa, nặng 50 tấn. Tổng cộng, họ phát hiện ra khoảng hơn 10 kiến trúc vĩ đại, cái lớn nhất có bề ngang gần 30 mét.

Các nhà khảo cổ học đã quá quen thuộc với những công trình kiến trúc hoành tráng như vậy được phát hiện ở nhiều di chỉ trên thế giới – nổi tiếng nhất là bãi đá cổ Stonehenge ở Anh. Song, khi nghiên cứu về Göbekli Tepe, họ đã khám phá ra một sự thật kinh ngạc. Stonehenge có niên đại khoảng năm 2500 TCN và được xây dựng bởi một xã hội nông nghiệp phát triển. Những kiến trúc ở Göbekli Tepe có niên đại khoảng năm 9500 TCN, và mọi bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng chúng do những người săn bắt hái lượm xây dựng nên. Cộng đồng khảo cổ học ban đầu cảm thấy khó mà tin vào những phát hiện này, nhưng các cuộc kiểm tra sau đó đã xác nhận niên đại sớm của những công trình kiến trúc đó, cũng như những người xây dựng nên chúng đã sống trong một xã hội tiền nông nghiệp. Các khả năng của người hái lượm cổ đại và sự phức tạp về văn hoá của họ có vẻ gây ấn tượng vượt xa những dự đoán trước đây.

Khu di tích vĩ đại ở Göbekli Tepe

Hình 12. Những gì còn sót lại của công trình vĩ đại ở Göbekli Tepe

Cột đá trang trí (cao khoảng 5 mét) ở khu di tích lịch sử Göbekli Tepe

Một trong những cột đá được trang trí (cao khoảng 5 mét)

Tại sao một xã hội hái lượm lại xây dựng được những công trình kiến trúc như vậy. Chúng không mang mục đích vị lợi rõ ràng. Chúng không phải là những lò sát sinh voi ma-mút, cũng không phải là nơi che mưa che nắng hay nơi ẩn nấp để trốn tránh sư tử. Chỉ còn một giả định là chúng được xây dựng cho một mục đích văn hoá thần bí nào đó mà các nhà khảo cổ học đã phải mất thời gian giải đoán vất vả. Dù là gì đi nữa, người hái lượm đã nghĩ rằng rất đáng để bỏ nhiều công sức và thời gian xây dựng những công trình này Cách duy nhất để xây dựng được Göbekli Tepe là hàng ngàn con người thuộc rất nhiều bầy người và bộ lạc khác nhau phải hợp tác trong một khoảng thời gian dài. Chỉ có tôn giáo hoặc hệ thống ý thức hệ phức tạp mới có thể duy trì được những nỗ lực như vậy.

Göbekli Tepe còn nắm giữ những bí mật lý thú khác. Trong nhiều năm, các nhà di truyền học đã truy tìm nguồn gốc của lúa mì thuần chủng. Những phát hiện gần đây đã chỉ ra rằng có ít nhất một biến thể đã được thuần chủng, giống lúa mì einkorn, có nguồn gốc từ đồi Karaçadag, cách Göbekli Tepe khoảng 30 km.

Đây khó có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó kiểu như là trung tâm văn hoá Göbekli Tepe bằng cách nào đó có liên hệ giữa việc thuần hoá ban đầu của con người với lúa mì và giữa lúa mì với con người. Để có thể nuôi dưỡng được những người xây dựng và sử dụng các kiến trúc vĩ đại này, đòi hỏi phải có một lượng thực phẩm cực kỳ lớn. Như vậy có thể là con người đã chuyển từ việc hái lượm lúa mì hoang sang việc chăm chỉ trồng lúa mì, không chỉ để làm tăng lượng cung cấp thực phẩm bình thường mà còn để hỗ trợ xây dựng và vận hành một ngôi đền. Trong hình dung thông thường, những người đi khai hoang ban đầu sẽ xây dựng một ngôi làng, và khi nó trở nên thịnh vượng, họ sẽ xây dựng một ngôi đền ở khu trung tâm. Nhưng Göbekli Tepe lại cho thấy rằng, đền thờ có thể được xây dựng đầu tiên, sau đó làng mới mọc lên quanh nó.