Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Cũng như vậy, chính trị là một hệ thống hỗn độn cấp hai. Nhiều người chỉ trích các nhà Xô-viết học đã không tiên đoán được cuộc cách mạng năm 1989, và khiển trách nặng nề những nhà nghiên cứu Trung Đông vì đã không lường trước được những cuộc cách mạng Mùa xuân Ả-rập năm 2011. Điều này thật không công bằng. Các cuộc cách mạng, theo định nghĩa, là điều không thể đoán trước được. Một cuộc cách mạng đoán trước được thì sẽ khống bao giờ nổ ra.

Tại sao không? Hãy tưởng tượng đó là năm 2010, và một số nhà khoa học chính trị thiên tài móc ngoặc với một tay phù thủy máy tính để phát triển một thuật toán chính xác tuyệt đối, mà khi kết hợp với một giao diện hấp dẫn có thể bán ra thị trường như một phần mềm dự đoán cách mạng. Họ bán dịch vụ của mình cho Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập để đổi lấy một khoản tiền hậu hĩnh, ngầm báo cho Mubarak biết rằng theo dự đoán của họ, một cuộc cách mạng chắc chắn sẽ bùng nổ ở Ai Cập vào năm tiếp theo. Mubarak sẽ phản ứng thế nào? Khả năng cao là ông sẽ ngay lập tức giảm thuế, đem hàng tỉ đô-la phát không cho các công dân của mình – và cũng cho tăng cường lực lượng cảnh sát chìm để phòng xa. Những biện pháp đón đầu này đã thành công. Mỗi năm đến rồi đi, và thật bất ngờ, không có cuộc cách mạng nào. Mubarak đòi lại tiền. “Thuật toán của các ông thật vô giá trị!” Ông hét lên với những nhà khoa học. “Lẽ ra tôi đã có thể xây một cung điện khác, thay vì đem tiêu tất cả số tiền đó!” “Nhưng cách mạng đã không xảy ra là vì chúng tôi đã dự đoán nó”, các nhà khoa học bào chữa. “Nhà tiên tri là người dự đoán những điều không xảy ra ư?” Mubarak vừa nói vừa ra hiệu cho cận vệ bắt giữ họ. “Tôi có thể kiếm được hàng tá những kẻ như thế với giá gần như cho không ngoài chợ Cairo”.

Vậy tại sao lại nghiên cứu về lịch sử? Không giống như vật lý hay kinh tế, lịch sử không phải là phương tiện để đưa ra những dự đoán chính xác. Chúng ta nghiên cứu lịch sử không phải để biết tương lai, mà để mở rộng chân trời hiểu biết của mình, để hiểu rằng tình trạng hiện nay của chúng ta không phải do tự nhiên, cũng không phải do tất yếu, và kết quả là chúng ta có nhiều lựa chọn hơn mình tưởng. Ví dụ, nghiên cứu việc người châu Âu đã thống trị người châu Phi như thế nào giúp chúng ta nhận ra, rằng không có gì là tự nhiên hay tất yếu về sự phân biệt chủng tộc, và rằng thế giới lẽ ra cũng có thể được sắp xếp theo một cách khác.

2. Nữ thần sử học mù lòa

Chúng ta không thể giải thích những lựa chọn của lịch sử, nhưng chúng ta có thể nói điều gì đó rất quan trọng về chúng: những lựa chọn của lịch sử đã không được quyết định vì lợi ích của con người. Hoàn toàn chưa có bằng chứng cho thấy hạnh phúc của con người nhất định được cải thiện theo dòng lịch sử đang cuồn cuộn chảy. Không có bằng chứng cho thấy các nền văn hoá có ích cho con người nhất định phải thành công và lan rộng, còn những nền văn hoá ít có lợi hơn thì biến mất. Không có bằng chứng cho thấy Ki-tô giáo là một lựa chọn tốt đẹp hơn so với Mani giáo, hay Đế chế Ả-rập thì tốt hơn so với Đế chế Sasanid của người Ba Tư.

Không có bằng chứng nào cho thấy lịch sử đang vận hành vì lợi ích của con người, vì chúng ta thiếu một cái cân khách quan để đo đếm những lợi ích như vậy. Các nền văn hoá khác nhau định nghĩa về chân thiện mĩ khác nhau, và chúng ta không có thước đo khách quan để xét đoán chúng. Dĩ nhiên, kẻ chiến thắng luôn tin rằng định nghĩa của họ là chính xác. Nhưng tại sao chúng ta phải tin theo kẻ chiến thắng? Tín đồ Ki-tô tin rằng chiến thắng của Ki-tô giáo trước Mani giáo là có lợi cho loài người, nhưng nếu chúng ta không chấp nhận thế giới quan của Ki-tô giáo thì chẳng có lý do gì để đồng ý với họ. Tín đồ Hồi giáo tin rằng sự sụp đổ của Đế chế Sassanid trước người Hồi giáo đã mang lại lợi ích cho loài người. Nhưng những lợi ích này chỉ hiển nhiên khi chúng ta chấp nhận thế giới quan Hồi giáo. Rất có thể nhân loại sẽ tốt đẹp hơn nếu cả Ki-tô giáo và Hồi giáo đều rơi vào lãng quên, hoặc bị đánh bại.

Ngày càng có nhiều học giả xem văn hoá như là một căn bệnh nhiễm trùng hay ký sinh trên não, còn con người là vật chủ vô thức của nó. Ký sinh trùng hữu cơ, như virus, sống trong cơ thể vật chủ của chúng. Chúng sinh sôi nảy nở và lan truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác, lấy dinh dưỡng từ vật chủ, làm họ bị suy kiệt, và thậm chí giết chết họ. Miễn là vật chủ sống đủ lâu để lây truyền ký sinh trùng, còn ký sinh trùng thì chẳng quan tâm mấy đến tình trạng của vật chủ. Giống như cách này, tư tưởng văn hoá sống bên trong trí óc con người. Chúng sinh sôi nảy nở và lây truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác, đôi khi làm suy kiệt vật chủ, và có lúc giết chết họ. Một tư tưởng văn hoá – chẳng hạn niềm tin vào thiên đường Ki-tô giáo trên những đám mây – có thể thôi thúc một người dành cả đời mình cho sứ mạng truyền bá tư tưởng đó, cho dù phải đánh đổi bằng mạng sống. Người thì chết, nhưng tư tưởng thì nhân rộng. Theo cách tiếp cận này, các nền văn hoá không phải là những âm mưu được một số người dựng lên để lợi dụng người khác. Đúng hơn, văn hoá là những ký sinh trùng trên não xuất hiện ngẫu nhiên và sau đó lợi dụng tất cả những người bị chúng lây nhiễm.

Cách tiếp cận này đôi khi được gọi là thuyết meme.[16] Nó giả định rằng, giống như việc quá trình tiến hoá hữu cơ dựa trên sự sao chép các đơn vị thông tin hữu cơ được gọi là “gene”, tiến hoá văn hoá dựa trên sự sao chép các đơn vị thông tin văn hoá thì được gọi là “meme”.Những văn hoá thành công là những văn hoá nổi trội trong việc tái sinh các meme của chúng, bất chấp những chi phí và lợi ích đối với các vật chủ là con người.

Hầu hết các học giả ngành nhân văn đều xem nhẹ thuyết meme, cho rằng nó chỉ là một nỗ lực nghiệp dư nhằm giải thích các quá trình văn hoá bằng những phép ngoại suy sinh học thô sơ. Nhưng nhiều người trong số đó lại bám lấy anh em sinh đôi của thuyết này – chủ nghĩa hậu hiện đại. Những nhà tư tưởng hậu hiện đại nói về các diễn ngôn không phải meme như những khối gạch xây nên văn hoá. Tuy nhiên, họ cũng thấy văn hoá tự truyền bá đi khắp nơi nhưng lại ít quan tâm đến lợi ích của loài người. Ví dụ, các nhà tư tưởng hậu hiện đại mồ tả về chủ nghĩa dân tộc như một bệnh dịch chết người lấy lan khắp thế giới trong thế kỷ 19 và 20, gây ra chiến tranh, áp bức, thù hận và diệt chủng. Thời khắc mà người dân của một quốc gia bị lây nhiễm virus đó, người dân ở những quốc gia láng giềng cũng có thể bị lây nhiễm theo. Virus chủ nghĩa dân tộc mặc nhận nó có lợi cho loài người, thế nhưng nó chỉ mang lại lợi ích chủ yếu cho chính nó.

Những lập luận tương tự cũng phổ biến trong các ngành khoa học xã hội, dưới sự bảo hộ của lý thuyết trò chơi. Lý thuyết trò chơi giải thích việc làm thế nào mà trong những hệ thống nhiều người chơi, các quan điểm và mô hình hành vi gây tổn hại cho tất cả người chơi lại vẫn xoay xở để bén rễ và lan rộng. Chạy đua vũ trang là một ví dụ mà ai cũng biết. Nhiều cuộc chạy đua vũ trang đã làm phá sản tất cả những người tham gia, mà không thực sự làm thay đổi được cán cân quyền lực quân sự. Khi Pakistan mua máy bay hiện đại, Ấn Độ cũng đáp lại. Khi Ấn Độ phát triển bom nguyên tử, Pakistan cũng theo gót. Khi Pakistan mở rộng lực lượng hải quân, Ấn Độ cũng phản pháo. Và kết thúc quá trình, cán cân quyền lực có thể vẫn như cũ, nhưng hàng tỉ đô-la thay vì được đầu tư vào giáo dục hay y tế, lại bị tiêu hao vào vũ khí. Tuy nhiên, động lực chạy đua vũ trang thật khó cưỡng lại. “Chạy đua vũ trang” là một mô hình hành vi có thể tự lan truyền như một loại virus, từ nước này sang nước khác, làm tổn hại đến tất cả mọi người, nhưng có lợi cho mình nó, theo những tiêu chuẩn tiến hoá của tồn tại và sinh sản. (Nhớ rằng một cuộc chạy đua vũ trang giống như một gen vô thức – nó không chủ đích tìm cách tồn tại và sinh sản. Sự nhân rộng của nó là kết quả không chủ đích của một động lực mạnh mẽ).

Bất kể bạn gọi nó là gì – lý thuyết về trò chơi, chủ nghĩa hậu hiện đại, hay thuyết meme – những động lực của lịch sử không hướng đến việc nâng cao đời sống con người. Không có cơ sở để nghĩ rằng những nền văn hoá thành công nhất trong lịch sử nhất thiết phải là những nền văn hoá tốt nhất cho Homo sapiens. Giống như sự tiến hoá, lịch sử xem nhẹ hạnh phúc của các sinh vật riêng lẻ. Và cá nhân con người, về phần mình, thường quá ngu muội và yếu đuối nên chẳng thể tác động đến tiến trình lịch sử theo hướng có lợi cho họ.

Lịch sử đi từ một giao lộ này đến một giao lộ kế tiếp, vì những lý do khó hiểu nào đó, lựa chọn đi theo hướng này trước tiên, rồi mới đến hướng khác. Khoảng năm 1300, lịch sử đã có sự lựa chọn quan trọng nhất, thay đổi không chỉ số phận của loài người, mà có thể là số phận của tất cả sự sống trên Trái đất. Chúng ta gọi đó là Cách mạng Khoa học. Nó bắt đầu ở Tây Âu, một bán đảo lớn ở phía cực tây của Á-Phi, mà cho đến lúc đó không có vai trò quan trọng đặc biệt nào trong lịch sử. Vì sao Cách mạng Khoa học bắt đầu ở đó chứ không phải những nơi khác, và tại sao không ở Trung Hoa hay Ấn Độ? Vì sao nó khởi thủy vào giữa thiên niên kỷ 2 chứ không phải là hai thế kỷ trước đó hay ba thế kỷ sau đó? Chúng ta không biết. Các học giả đã đưa ra hàng tá lý thuyết, nhưng không cái nào trong đó đặc biệt thuyết phục.

Lịch sử có một chân trời bao la những khả năng, và rất nhiều trong đó không bao giờ trở thành hiện thực. Ta có thể tưởng tượng lịch sử đi xuyên các thế hệ trong khi bỏ qua Cách mạng Khoa học, và cũng có thể tưởng tượng lịch sử mà không có Ki-tô giáo, không có Đế chế La Mã, và không có những đồng tiền vàng.