Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Sự trở lại của Neanderthal

Nhưng các nhà di truyền học không chỉ muốn biến đổi những loài động vật đang tồn tại. Mục tiêu của họ còn là làm sống lại các sinh vật đã tuyệt chủng. Và không chỉ những con khủng long, như trong Công viên kỷ Jura. Một nhóm các nhà khoa học Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã lập được bản đồ gen của voi ma-mút cổ đại, được tìm thấy bị đông cứng trong băng giá ở Siberia. Giờ đây họ đang lên kế hoạch lấy một trứng đã thụ tinh của một con voi hiện đại, thay thế ADN của con voi đó bằng ADN của voi ma-mút đã được tái tạo, và cấy phôi này vào tử cung của một con voi bình thường. Sau khoảng 22 tháng, họ mong chờ một con voi ma-mút sẽ được sinh ra lần đầu tiên sau 5.000 năm.

Nhưng tại sao chỉ dừng lại ở loài voi ma-mút? Giáo sư George Church thuộc Đại học Harvard mới đây cho rằng, với việc hoàn thành Dự án Bộ gen Neanderthal, chúng ta giờ đây có thể cấy ghép nguồn ADN tái tạo của Neanderthal vào một trứng của Sapiens, từ đó sẽ sinh ra Neanderthal đầu tiên sau 30.000 năm. Church tuyên bố rằng ông có thể làm công việc này với một số vốn ít ỏi là 30 triệu đô-la. Một số phụ nữ đã tình nguyện làm người mang thai hộ.

Vậy chúng ta cần Neanderthal để làm gì? Một số người cho rằng nếu chúng ta có thể nghiên cứu Neanderthal còn sống, chúng ta có thể trả lời một số câu hỏi dai dẳng nhất về nguồn gốc và sự độc đáo của Homo sapiens. Bằng cách so sánh một bộ não Neanderthal với một Homo sapiens, và chỉ ra những khác biệt trong cấu trúc của họ, có lẽ chúng ta có thể xác định những thay đổi sinh học tạo ra ý thức như chúng ta đã biết. Còn một lý do đạo đức nữa – có người cho rằng nếu Homo sapiens chịu trách nhiệm về sự tuyệt chủng của Neanderthal, chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải phục hồi họ. Và việc này có thể hữu ích. Nhiều nhà tư bản sẽ vui vẻ trả lương cho một Neanderthal để làm những công việc tầm thường của hai Sapiens.

Nhưng tại sao lại phải dừng lại, kể cả đối với Neanderthal? Tại sao không quay lại bản vẽ của Chúa và thiết kế nên một Sapiens hoàn hảo hơn? Các khả năng, nhu cầu và mong muốn của Homo sapiens có một cơ sở di truyền, và bộ gen của Sapiens không hề phức tạp hơn so với chuột đồng và các loài gặm nhấm. (Bộ gen chuột chứa khoảng 2,5 tỉ cặp nucleotide, bộ gen của Sapiens chứa khoảng 2,9 tỉ cặp – nghĩa là chỉ lớn hơn chuột có 14%). Trong tương lai không xa – có lẽ trong một vài thập kỷ – kĩ thuật di truyền và các hình thức kĩ thuật sinh học khác có thể cho phép chúng ta tạo ra những sự thay đổi sâu rộng không chỉ đối với đặc điểm sinh lý, hệ thống miễn dịch và tuổi thọ, mà còn với cả năng lực trí tuệ và tình cảm. Nếu kĩ thuật di truyền có thể tạo ra những con chuột thiên tài, thì tại sao không phải là những con người thiên tài? Nếu chúng ta có thể tạo ra chuột đồng đối ngẫu, tại sao không phải là con người chung thủy với bạn đời của mình?

Cách mạng Nhận thức, từng biến Homo sapiens từ một loài vượn tầm thường thành chủ nhân của thế giới, không yêu cầu sự thay đổi đáng chú ý nào trong sinh lý học hay kể cả trong kích thước và hình dáng bên ngoài của bộ não người. Dường như chỉ có một vài thay đổi nhỏ trong cấu trúc bên trong của não bộ. Có lẽ một sự thay đổi nhỏ khác sẽ đủ để khơi mào cho Cách mạng Nhận thức lần thứ hai, tạo ra một dạng ý thức hoàn toàn mới, và biến đổi Homo sapiens thành một thứ gì đó hoàn toàn khác.

Thật ra chúng ta vẫn chưa đủ khả năng làm được điều này, nhưng có vẻ như không có bất cứ rào cản kĩ thuật nào không thể vượt qua, ngăn cản chúng ta trong việc tạo ra những siêu nhân. Những trở ngại chính là các phản đối đạo đức và chính trị đã làm chậm lại những nghiên cứu trên con người. Và cho dù những lý lẽ đạo đức có thuyết phục thế nào đi nữa, thì họ vẫn khó có thể kìm lại các bước tiến tiếp theo trong thời gian tới, đặc biệt nếu điều đang được mong chờ là khả năng kéo dài tuổi thọ con người đến vô hạn, chinh phục bệnh nan y, nâng cao khả năng nhận thức và cảm xúc của con người.

Điều gì sẽ xảy ra, ví dụ nếu chúng ta phát triển một phương pháp điều trị bệnh Alzheimer, đi kèm một tác dụng phụ là có thể cải thiện đáng kể trí nhớ của người khỏe mạnh? Liệu ai có thể ngăn chặn các nghiên cứu liên quan đến vấn để này? Và khi phương pháp chữa bệnh được phát triển, liệu có bất kỳ cơ quan thực thi pháp luật nào có thể hạn chế phương pháp đó chỉ dành cho bệnh nhân Alzheimer và ngăn những người khỏe mạnh sử dụng nó để có trí nhớ siêu phàm?

Không rõ với công nghệ sinh học thì có thể thực sự hồi sinh được Neanderthal hay không, nhưng rất có thể nó sẽ là sự hạ màn với Homo sapiens. Táy máy với gen của mình không hẳn sẽ giết chúng ta. Nhưng chúng ta có thể nghịch ngợm với bộ gen của mình đến mức chúng ta sẽ không còn là Homo sapiens nữa.

Sự sống nhân tạo

Một công nghệ mới có thể thay đổi các quy luật của cuộc sống chính là kĩ thuật cyborg. Cyborg là những thực thể kết hợp giữa các phần hữu cơ và vô cơ, chẳng hạn như một người với đôi tay nhân tạo. Theo nghĩa nào đó, gần như tất cả chúng ta đều là người nhân tạo (bionic) ngày nay, bởi các giác quan và chức nâng tự nhiên của chúng ta được hỗ trợ bởi các thiết bị như kinh mắt, máy tạo nhịp tim, nẹp chỉnh hình, thậm chí là những chiếc máy tính và điện thoại di động (giảm tải việc lưu trữ và xử lý dữ liệu cho bộ não). Chúng ta đứng trước khả năng trở thành những cyborg thật sự, với các đặc điểm vô cơ không tách rời cơ thể chúng ta, các tính năng như có thể thay đổi khả năng, mong muốn, tính cách và bản sắc của chúng ta.

Cơ quan Quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng (DARPA), một tổ chức nghiên cứu quân sự của Hoa Kỳ, đang phát triển cyborg từ những con côn trùng. Ý tưởng là cấy ghép các chip điện tử, những máy dò và bộ xử lý trong cơ thể ruồi hay gián, từ đó cho phép con người hoặc máy móc tự động có thể kiểm soát sự di chuyển của côn trùng từ xa, nhận và truyền thông tin. Một con ruồi như vậy có thể đậu trên bức tường ở trụ sở đối phương, nghe trộm các cuộc đàm thoại bí mật nhất, và nếu nó không bị một con nhện ăn thịt, nó có thể thông báo chúng ta chính xác những gì kẻ thù đang lên kế hoạch. Năm 2006, Trung tâm Tác chiến dưới biển của Hải quân Mỹ (NUWC) thông báo về ý định phát triển cá mập cyborg, rằng “NUWC đang phát triển một tấm thẻ gắn vào cá với mục tiêu kiểm soát hành vi của vật chủ qua việc cấy ghép thần kinh”. Các nhà phát triển hy vọng sẽ xác định các trường điện từ dưới nước do tàu ngầm và bom mìn tạo ra, bằng cách khai thác khả năng phát hiện từ tính tự nhiên của cá mập, vượt trội so với bất kỳ máy dò nhân tạo nào.

Sapiens cũng đang bị biến thành những cyborg. Thế hệ máy trợ thính mới nhất đôi khi được gọi là “tai nhân tạo”. Thiết bị bao gồm một phần cấy ghép có khả năng hấp thụ âm thanh thông qua một microphone nằm ở phần tai ngoài. Phần cấy ghép lọc các âm thanh, nhận dạng giọng nói con người, chuyển chúng thành tín hiệu điện được gửi trực tiếp đến các dây thần kinh thính giác trung ương và từ đó đến não.

Retina Implant, một công ty Đức được chính phủ tài trợ, đang phát triển võng mạc nhân tạo có thể cho phép người khiếm thị nhìn thấy được phần nào. Nó liên quan đến việc cấy một con chip nhỏ trong mắt bệnh nhân. Tế bào quang điện hấp thụ ánh sáng chiếu vào mắt và biến nó thành năng lượng điện, kích thích các tế bào thần kinh còn nguyên vẹn trong võng mạc. Các xung thần kinh từ các tế bào này kích thích não bộ, não bộ chuyển hoá chúng thành hình ảnh. Hiện nay công nghệ này cho phép bệnh nhân tự định hướng trong không gian, đọc được chữ, và thậm chí nhận diện được khuôn mặt.

Jesse Sullivan, một thợ điện người Mỹ, bị cụt cả hai tay đến vai trong một tai nạn vào năm 2001. Giờ đây ông sử dụng hai cánh tay nhân tạo do Viện Phục hồi chức năng Chicago sản xuất. Tính năng đặc biệt ở hai cánh tay mới của Jesse là chúng được điều khiển hoàn toàn bởi suy nghĩ. Tín hiệu thần kinh xuất phát từ não Jesse được những thiết bị vi tính siêu nhỏ chuyển thành mệnh lệnh điện tử và khiến cho hai cánh tay di chuyển. Khi Jesse muốn nâng cánh tay của mình, ông thực hiện như người bình thường một cách vô thức – và cánh tay được giơ lên. Đôi cánh tay này chỉ có thể thực hiện các chuyển động rất hạn chế so với một cánh tay thực sự, nhưng vẫn cho phép Jesse thực hiện được chức năng đơn giản hằng ngày. Một cánh tay nhân tạo tương tự gần đây đã được cấy ghép cho Claudia Mitchell, một người lính Mỹ bị mất cánh tay trong một tai nạn xe máy. Các nhà khoa học tin rằng chúng ta sẽ sớm có cánh tay nhân tạo, không chỉ cử động theo ý muốn mà còn có thể truyền tín hiệu trở lại não, vì thế cho phép người tàn tật lấy lại cảm giác tiếp xúc trực tiếp!

Jesse Sullivan và Claudia Mitchell nắm tay nhau thông qua tay nhân tạo.

Hình 47. Jesse Sullivan và Claudia Mitchell nắm tay nhau. Điều tuyệt vời về những cánh tay nhân tạo của họ là chúng được điều khiển bởi suy nghĩ.

Hiện nay, những cánh tay nhân tạo này vẫn chưa thể tốt bằng cánh tay gốc của chúng ta, nhưng chúng có tiềm năng phát triển vô hạn. Ví dụ, những cánh tay nhân tạo có thể khỏe hơn nhiều lần cánh tay bình thường, khiến cho ngay cả một nhà vô địch quyền anh cũng phải cảm thấy mình yếu đuối. Hơn nữa, lợi thế của cánh tay nhân tạo là có thể thay được cứ vài năm một lần, hoặc tách khỏi cơ thể và hoạt động từ xa.

Các nhà khoa học tại Đại học Duke ở Bắc Carolina gần đây đã chứng minh điều này bằng những con khỉ nâu có bộ não được cấy ghép các điện cực. Chúng thu thập tín hiệu từ não và chuyển đến các thiết bị bên ngoài. Những con khỉ trên đã được huấn luyện để kiểm soát bằng suy nghĩ tay và chân nhân tạo tách rời. Một con khỉ tên là Aurora đã học điều khiển cánh tay nhân tạo bằng suy nghĩ, đồng thời di chuyển hai cánh tay bình thường của nó. Giống như một số vị thần Hindu, Aurora hiện có ba cánh tay, chúng có thể được đặt trong các phòng khác nhau – thậm chí ở mấy thành phố khác nhau. Nó có thể ngồi trong phòng thí nghiệm của mình ở Bắc Carolina, gãi lưng bằng một tay, gãi đầu bằng tay thứ hai, và đồng thời lấy trộm một quả chuối ở New York (mặc dù khả năng ăn một trái cây được đánh cắp từ xa vẫn còn là một giấc mơ). Một con khỉ nâu khác tên là Idoya, nổi tiếng khắp thế giới vào năm 2008, khi nó tự điều khiển bằng ý nghĩ đôi chân nhân tạo của nó ở Kyoto, Nhật Bản, từ chỗ nó ngồi ở bang North Carolina. Đôi chân này nặng gấp 20 lần trọng lượng của Idoya.