Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Chế độ gia trưởng đã là tiêu chuẩn trong hầu hết các xã hội công nghiệp và nông nghiệp. Nó đã kiên trì vượt qua những biến động chính trị, cách mạng xã hội và biến đổi về kinh tế. Ai Cập là một ví dụ, bị xâm lược vô số lần trong nhiều thế kỷ. Người Assyria, Ba Tư, Macedonia, La Mã, Ả-rập, Mameluk, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đều đã xâm lược nước này, và xã hội ấy vẫn duy trì chế độ gia trưởng. Ai Cập đã bị cai trị bởi luật pháp Pharaoh, luật pháp Hy Lạp, luật pháp La Mã, luật pháp Hồi giáo, luật pháp Ottoman và luật pháp Anh – tất cả đều phân biệt đối xử với những ai không phải là “đàn ông thực sự”.

Bởi chế độ gia trưởng có ở mọi nơi, nên nó không thể là sản phẩm của một vài cái vòng luẩn quẩn, được khởi phát bằng một sự kiện ngẫu nhiên. Đặc biệt đáng chú ý là kể cả trước năm 1492, hầu hết các xã hội ở cả châu Mỹ và Á-Phi đều có chế độ gia trưởng, dù họ không tiếp xúc với bên ngoài trong hàng ngàn năm. Nếu như chế độ gia trưởng ở Á-Phi là kết quả của một vài sự kiện xảy ra ngẫu nhiên, vậy tại sao Inca và Aztec lại gia trưởng? Khả nâng cao là cho dù định nghĩa chính xác về “đàn ông” và “đàn bà” biến đổi tùy theo văn hoá, nhưng có một vài lý do sinh học phổ quát giải thích tại sao hầu hết các nền văn hoá đều đánh giá cao đàn ông hơn đàn bà. Chúng ta không biết lý do này là gì. Có nhiều học thuyết, nhưng không cái nào có tính thuyết phục.

Sức mạnh cơ bắp

Học thuyết phổ biến nhất đã đưa ra một thực tế là đàn ông khỏe hơn phụ nữ, họ thường sử dụng thể lực mạnh hơn của mình để ép buộc đàn bà phục tùng mình. Một phiên bản tinh tế hơn của sự khẳng định này cho rằng sức khỏe của họ đã cho phép đàn ông độc quyền thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi lao động chân tay nặng nhọc, như cày bừa và thu hoạch. Nó cho họ quyền kiểm soát việc sản xuất thực phẩm, qua đó biến thành quyền lực chính trị.

Có hai vấn đề với việc nhấn mạnh đến sức mạnh cơ bắp. Thứ nhất, lời tuyên bố “đàn ông khỏe hơn phụ nữ” chỉ đúng khi xét trung bình, và chỉ nói đến một số loại sức mạnh nào đó. Đàn bà nhìn chung chống chịu đói khát, bệnh tật và mệt mỏi tốt hơn đàn ông. Thậm chí có nhiều phụ nữ chạy nhanh hơn và nâng được khối lượng nặng hơn đàn ông. Ngoài ra, vấn để lớn nhất của học thuyết này là trong lịch sử, đàn bà chủ yếu bị loại ra khỏi những công việc ít đòi hỏi những nỗ lực về thể lực (như đi tu, luật và chính trị), nhưng lại tham gia lao động chân tay nặng nhọc trên các cánh đồng, trong các ngành nghề thủ công và trong các hộ gia đình. Nếu quyền lực của xã hội được phân chia theo mối quan hệ trực tiếp với sức mạnh thể lực hoặc khả năng chịu đựng, thì đàn bà hẳn sẽ có nhiều vị thế hơn.

Quan trọng hơn nữa, đơn giản là không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa sức mạnh thể lực và quyền lực xã hội giữa con người với nhau. Những người ở tuổi 60 thường xuyên luyện tập thể lực hơn là những người ở độ tuổi 20, nhưng những người trên 20 tuổi vẫn khỏe mạnh hơn những người lớn tuổi. Một người chủ đồn điền điển hình ở Alabama vào giữa thế kỷ 19 thường bị hạ đo ván trong vài giây bởi bất kỳ một nô lệ nào đang trồng trọt trên những cánh đồng bông của ông ta. Đấm bốc không được sử dụng để lựa chọn các Pharaoh của Ai Cập hoặc những giáo hoàng Công giáo. Trong xã hội hái lượm, quyền lực chính trị thường dành cho những người sở hữu những kĩ năng xã hội tốt nhất chứ không phải những người có bắp thịt phát triển nhất. Trong băng đảng tội phạm có tổ chức, bố già không nhất thiết phải là người khỏe nhất. Ông ta thường là người lớn tuổi và hiếm khi sử dụng nắm đấm của mình; ông ta dùng những gã trẻ hơn và cường tráng hơn để làm những công việc bẩn thỉu cho mình. Một kẻ nếu nghĩ rằng cách để chiếm ngôi đầu là đánh nhừ tử ông ta, thì có vẻ như hắn sống chưa đủ lâu để rút ra bài học từ sai lầm của mình. Thậm chí giữa những con tinh tinh với nhau, con đực alpha giành được vị trí của mình bằng việc xây dựng một liên minh ổn định với các con đực và con cái khác, chứ không phải thông qua bạo lực dại dột.

Thực tế lịch sử loài người cũng chỉ ra rằng, thường có những mối quan hệ đảo ngược vị trí giữa sức mạnh thể lực và sức mạnh xã hội. Ở hầu hết các xã hội, những tầng lớp thấp hơn sẽ làm công việc lao động chân tay. Điều này phản ánh vị trí của Homo sapiens trong chuỗi thức ăn. Nếu nhân tố quyết định chỉ là những năng lực thể lực đơn thuần, Sapiens sẽ chỉ ở nấc giữa của chiếc thang. Nhưng những kĩ năng xã hội và trí óc đã đặt họ lên đỉnh. Vì vậy, cũng tự nhiên khi chuỗi quyền lực giữa các loài được xác định bởi khả năng về xã hội và trí óc hơn là sức mạnh cục súc. Vì vậy, rất khó để tin rằng phân tầng xã hội có ảnh hưởng nhất và ổn định nhất trong lịch sử được lập ra dựa trên khả năng về thể lực của đàn ông để ép buộc đàn bà.

Cặn bã xã hội

Một học thuyết khác đã lý giải rằng địa vị thống trị của đàn ông không bắt nguồn từ thể lực mà từ sự hung hăng. Hàng triệu năm tiến hoá đã làm cho đàn ông trở nên bạo lực hơn đàn bà khá nhiều. Đàn bà có thể đối chọi với đàn ông trên các khía cạnh như sự thù hận, lòng tham và sự lạm dụng, nhưng khi tình hình trở nên gay go, học thuyết này cho rằng, đàn ông sẵn sàng tham gia vào những cuộc chiến thô bạo. Điều này giải thích tại sao trong lịch sử, chiến tranh là đặc quyền của nam giới.

Trong thời gian chiến tranh, sự kiểm soát của đàn ông trong các lực lượng quân đội cũng làm cho họ trở thành những ông chủ trong xã hội dân sự. Sau đó họ sử dụng quyền kiểm soát trong xã hội dân sự của mình để gây ra nhiều cuộc chiến hơn nữa, và càng nhiều chiến tranh, thì càng nhiều quyền kiểm soát xã hội thuộc về đàn ông. Cái vòng lặp hồi tiếp đã lý giải sự có mặt khắp nơi của các cuộc chiến và chế độ gia trưởng.

Những nghiên cứu gần đây về hệ thống hoóc-môn và nhận thức của đàn ông và đàn bà đã củng cố thêm giả định rằng, quả thật đàn ông có khuynh hướng hung hăng và bạo lực hơn, và do vậy xét về trung bình thì họ phù hợp để làm chiến binh hơn. Song, cứ cho là hầu hết chiến binh thông thường đều là đàn ông, vậy những người điều khiển chiến tranh và tận hưởng quả ngọt của nó có nhất thiết phải là đàn ông? Điều này chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó giống như việc thừa nhận rằng, do mọi nô lệ trồng trọt trên các cánh đồng bông đều là người da đen, nên các ông chủ đồn điền cũng sẽ là người da đen. Giống như việc một lực lượng lao động toàn người da đen bị điều khiển bởi những người quản lý da trắng, tại sao một đội quân toàn đàn ông lại không thể được chỉ huy bởi chính phủ toàn là nữ giới hoặc ít nhất có một phần là nữ giới? Thực tế ở nhiều xã hội trong lịch sử, những kẻ đứng đầu không leo lên vị trí của mình từ bậc thấp nhất. Giới quý tộc, giới giàu có và giới học thức đã được mặc nhiên bổ nhiệm vào cấp sĩ quan mà chưa bao giờ phục vụ một ngày nào trong quân đội.

Khi Công tước Wellington, người đã đánh bại Napoleon, gia nhập quân đội Anh ở tuổi 18, ông ta ngay lập tức được bổ nhiệm sĩ quan. Ông ta không nghĩ nhiều đến những người thuộc tầng lớp xã hội thấp dưới quyền mình. “Chúng ta đang có sự phục sự từ những kẻ cặn bã của Trái đất như những người lính thường”, ông ta viết cho người quý tộc đồng nghiệp của mình trong những cuộc chiến với Pháp. Những người lính thường này thường được tuyển từ những người thuộc tầng lớp nghèo nhất, hoặc từ những tộc người thiểu số (như là tộc người Ireland Công giáo). Cơ hội được thăng cấp trong quân đội của họ là không đáng kể. Cấp bậc cao cấp thường dành cho những công tước, hoàng tử và vua. Nhưng tại sao chỉ dành cho các công tước mà không phải là cho các nữ công tước?

Đế quốc Pháp tại châu Phi đã được hình thành và bảo vệ bằng máu và nước mắt của những người Senegal, Algeria và tầng lớp lao động Pháp. Tỉ lệ đàn ông Pháp sinh ra trong các gia đình quý tộc có cấp bậc trong quân đội không đáng kể. Song, tỉ lệ đàn ông Pháp quý tộc có mặt trong giới tinh hoa nhỏ lãnh đạo quân đội Pháp, cai trị đế quốc và tận hưởng quả ngọt của nó lại rất cao. Tại sao chỉ là đàn ông Pháp mà không phải đàn bà Pháp?

Ở Trung Hoa, có một truyền thống lâu dài trong việc bắt quân đội phục tùng giới quan chức dân sự, vì vậy quan chức, vốn không bao giờ cầm tới thanh gươm, lại thường điều khiển các cuộc chiến tranh. “Bạn không nên tốn sắt tốt để làm ra những cái đinh”, tục ngữ Trung Hoa nói, nghĩa là những người tài năng thực sự tham gia vào giới quan chức dân sự, chứ không phải quân đội. Vậy tại sao tất cả giới quan chức này chỉ toàn đàn ông?

Không hợp lý nếu tranh luận rằng, do sự yếu ớt về thể chất hay hàm lượng testosterone thấp mà đàn bà đã không thể trở thành những vị quan thành công, những tướng lĩnh và chính trị gia xuất sắc. Để có thể điều hành một cuộc chiến tranh, bạn chắc chắc cần có sức bền, nhưng không cần quá nhiều sức mạnh thể lực hoặc tính hung hăng. Chiến tranh không phải là một cuộc cãi lộn ầm ĩ trong quán rượu. Chúng gồm những kế hoạch rất phức tạp đòi hỏi trình độ tổ chức, hợp tác và xoa dịu phi thường. Khả nâng duy trì hòa bình tại quê hương, thu phục đồng minh bên ngoài và hiểu người khác đang nghĩ gì (đặc biệt là kẻ thù của bạn) thường là chìa khoá đến chiến thắng. Vì vậy, sẽ là tệ nhất nếu lựa chọn những kẻ cục súc hung hăng điều hành một cuộc chiến tranh. Tốt hơn nhiều là tìm một người biết hợp tác, biết khuyên giải, biết thao túng và biết nhìn mọi thứ từ những quan điểm khác nhau. Đây là phẩm chất của những người kiến tạo đế chế. Augustus kém cỏi về mặt quân sự đã thành công trong việc tạo dựng nên một triều đại đế chế ổn định, đạt được thành tựu vượt qua cả Julius Caesar và Alexander Đại đế, hai nhà chiến lược quân sự xuất sắc hơn ông rất nhiều. Cả những người cùng thời với ông lẫn những sử gia hiện đại ngưỡng mộ ông đều cho rằng, kỳ công này là do sự xuất sắc về mặt đạo đức của ông – sự hòa nhã và lòng nhân từ.