Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Sự mâu thuẫn này không bao giờ được giải quyết trọn vẹn. Nhưng khi giới quý tộc châu Âu, giới tăng lữ và thường dân vật lộn với nó, văn hoá của họ sẽ thay đổi. Một nỗ lực để giải quyết nó đã sinh ra Thập tự chinh. Trong những cuộc Thập tự chinh, các hiệp sĩ có thể chứng minh sức mạnh quân sự và lòng mộ đạo của mình bằng một cú đánh. Sự mâu thuẫn tương tự đã tạo ra những đội quân như các hiệp sĩ dòng Templar và các hiệp sĩ dòng Hospitaller, những người đã cố gắng làm cho các tư tưởng Ki-tô và tinh thần hiệp sĩ ăn khớp với nhau chặt hơn. Nó cũng chịu trách nhiệm cho phần lớn nền văn học và nghệ thuật thời trung cổ, như những câu chuyện về Vua Arthur và Chén Thánh. Camelot là gì nếu không phải là sự nỗ lực để chứng minh rằng một hiệp sĩ giỏi có thể và nên trở thành một Ki-tô hữu ngoan đạo, và rằng những Ki-tô hữu tốt sẽ trở thành những hiệp sĩ xuất sắc nhất?

Ví dụ khác là về trật tự chính trị hiện đại. Kể từ Cách mạng Pháp, con người trên toàn thế giới đã dần nhìn nhận bình đẳng và tự do cá nhân như những giá trị cơ bản. Song, hai giá trị này lại mâu thuẫn nhau. Bình đẳng chỉ có thể được đảm bảo bằng việc giảm bớt tự do của những cá nhân xuất sắc hơn. Đảm bảo rằng mỗi cá nhân sẽ được tự do làm điều mình mong muốn chắc chắn sẽ hạn chế bình đẳng. Toàn bộ lịch sử chính trị của thế giới từ năm 1789 có thể được coi như hàng loạt nỗ lực để giải quyết mâu thuẫn này.

Bất cứ ai từng đọc tiểu thuyết của Charles Dickens đều biết rằng, những chế độ cai trị tự do ở châu Âu thế kỷ 19 dành sự ưu tiên cho tự do cá nhân, kể cả khi nó đồng nghĩa với việc ném các gia đình nghèo không thể trả nợ vào tù và cho trẻ mồ côi rất ít sự lựa chọn trừ việc gia nhập trường dạy móc túi. Bất cứ ai từng đọc tiểu thuyết của Alexander Solzhenitsyn đều hiểu rằng lý tưởng bình đẳng cực đoan đã tạo ra những sự chuyên chế tàn bạo cố gắng kiểm soát mọi mặt của cuộc sống thường ngày.

Các hoạt động chính trị ở Mỹ hiện nay cũng đang xoay quanh mâu thuẫn này. Đảng Dân chủ mong muốn một xã hội bình đẳng hơn, dù có phải tăng thuế để tài trợ cho các chương trình giúp đỡ người nghèo, già yếu và ốm đau. Nhưng điều này đã xâm phạm đến tự do của các cá nhân trong việc sử dụng tiền của mình như họ muốn. Tại sao chính phủ ép tôi mua bảo hiểm sức khỏe trong khi tôi thích dùng tiền của mình để cho con cái đi học đại học? Còn Đảng Cộng hòa thì muốn tối đa hoá tự do cá nhân, dù nó có nghĩa rằng khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo sẽ ngày càng lớn hơn, và nhiều người Mỹ sẽ không đủ khả năng chi trả tiền chăm sóc sức khỏe.

Giống như văn hoá trung cổ không hòa trộn được tinh thần hiệp sĩ với Ki-tô giáo, thế giới hiện đại đã thất bại trong việc làm cho tự do hài hòa với bình đẳng. Nhưng đây không phải là khuyết điểm. Những mâu thuẫn như vậy là một phần không thể tách rời trong mỗi nền văn hoá của con người. Trên thực tế, chúng là những động cơ của văn hoá, là nguyên nhân cho óc sáng tạo và tính năng động của loài người chúng ta. Giống như khi hai nốt nhạc nghịch nhau được chơi cùng sẽ đẩy một giai điệu ngân lên, các mâu thuẫn trong những suy nghĩ, ý tưởng và giá trị đã buộc chúng ta phải suy nghĩ, tái đánh giá và phê bình. Tính nhất quán trước sau như một là sân chơi của những trí tuệ trì trệ.

Nếu những căng thẳng, xung đột và thế lưỡng nan không thể giải quyết được là gia vị của mỗi nền văn hoá, thì một con người thuộc bất kỳ nền văn hoá riêng biệt nào đều có những niềm tin trái ngược nhau và bị giằng xé bởi các giá trị không tương hợp. Đây là đặc điểm cơ bản của bất kỳ nền văn hoá nào, thậm chí nó có hẳn một cái tên: sự bất hòa nhận thức. Bất hòa nhận thức thường được xem là thất bại trong tâm lý con người. Trên thực tế, nó là một tài sản quý báu. Nếu con người không thể giữ vững được những niềm tin và giá trị trái ngược nhau, họ có lẽ sẽ không thể hình thành và duy trì bất cứ một nền văn hoá nào.

Giả dụ, nếu một người Ki-tô giáo thật sự muốn hiểu người Hồi giáo, những người thường xuyên lui tới thánh đường Hồi giáo cuối phố, thì anh ta không nên đi tìm một hệ giá trị nguyên sơ mà người Hồi giáo hằng yêu quý. Thay vào đó, anh ta nên tìm hiểu các thế lưỡng nan của văn hoá Hồi giáo, mà tại đó các nguyên tắc thì mâu thuẫn còn các tiêu chuẩn lại xô lệch. Chính ở nơi mà người Hồi giáo đi loạng choạng giữa hai sự sai khiến, anh ta sẽ hiểu họ tốt nhất.

Vệ tinh do thám

Văn hoá của con người biến đổi không ngừng. Liệu sự biến đổi này có hoàn toàn ngẫu nhiên không, hoặc liệu nó có một khuôn mẫu tổng quát nào không? Nói cách khác, liệu rằng lịch sử có một chiều hướng hay không?

Câu trả lời là có. Sau hàng thiên niên kỷ, những nền văn hoá nhỏ bé và đơn giản dần dần hợp nhất thành một nền văn minh lớn hơn và phức tạp hơn, vì vậy thế giới ngày càng có ít hơn những nền văn hoá khổng lồ, mỗi cái trong số đó lại to lớn hơn và phức tạp hơn. Tất nhiên, đây chỉ là một sự khái quát hoá thô sơ, chỉ đúng ở cấp độ vĩ mô. Ở cấp độ vi mô, có vẻ như mỗi nhóm văn hoá lại hợp thành một nền văn hoá khổng lồ, và có những nền văn hoá khổng lồ lại vỡ ra thành nhiều mảnh. Đế chế Mông Cổ đã mở rộng sự thống trị trên một dải đất khổng lồ ở châu Á và thậm chí một phần châu Âu, rồi lại bị vỡ ra thành những mảnh nhỏ. Ki-tô giáo đã cải đạo hàng trăm triệu người, và cùng lúc nó lại bị vỡ ra thành vô số các giáo phái nhỏ. Ngôn ngữ Latin đã lan rộng khắp Tây Âu và Trung Âu, sau đó bị phân chia thành các hình thái ngôn ngữ địa phương mà bản thân chúng cuối cùng lại trở thành những ngôn ngữ quốc gia. Nhưng những sự tan vỡ này chỉ là một bước lùi tạm thời trong xu hướng thống nhất không thể thay đổi được.

Nhận thức được chiều hướng của lịch sử thực sự là một vấn đề có tính ưu thế. Khi chúng ta có cái nhìn bao quát toàn cảnh lịch sử, theo dõi sự phát triển trong khoảng thời gian hàng thập kỷ hoặc hàng thế kỷ, thật khó để nói rằng lịch sử đang đi theo hướng hợp nhất hay đa dạng hoá. Tuy nhiên, để hiểu được các diễn trình dài hạn, việc nhìn bao quát toàn cảnh lại quá thiểu cận. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta dùng góc nhìn của một vệ tinh do thám vũ trụ, có thể quét qua hàng thiên niên kỷ chứ không chỉ là hàng thế kỷ. Từ điểm nhìn có lợi thế như vậy, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng lịch sử đang di chuyển không ngừng theo hướng thống nhất. Sự phân chia của Ki-tô giáo và sự sụp đổ của Đế chế Mông Cổ chỉ là những cái gờ giảm tốc trên con đường cao tốc của lịch sử.

Cách tốt nhất để đánh giá đúng xu hướng chung của lịch sử là đếm số lượng thế giới người riêng rẽ cùng tồn tại ở bất cứ thời điểm nào trên hành tinh. Ngày nay, chúng ta thường nghĩ tới cả Trái đất như một đơn vị đơn lẻ, nhưng trong hầu hết lịch sử, Trái đất thực tế là một thiên hà của những thế giới người sống cô lập.

Hãy thử xem xét Tasmania, một hòn đảo cỡ trung bình ở phía nam châu Úc. Nó bị tách ra từ lục địa châu Úc khoảng năm 10000 TCN, do vào cuối thời kỳ băng hà mực nước biển dâng cao. Khoảng vài ngàn người săn bắt hái lượm đã bị bỏ lại trên đảo, không có bất kỳ liến lạc nào với những người khác cho tới khi người châu Âu đặt chân đến vào thế kỷ 19. Trong vòng 12.000 năm, không ai biết người Tasmania đang ở đó, và họ cũng không biết là có những người khác trong thế giới này. Họ có những cuộc chiến tranh, xung đột chính trị, dao động xã hội và phát triển văn hoá của riêng mình. Song, cho đến tận khi được các hoàng đế Trung Hoa hoặc những người cai trị Lưỡng Hà quan tâm đến, thì Tasmania mới có thể được coi là đang ở trên một trong những mặt trăng của Sao Mộc. Người Tasmania sống trong thế giới của riêng họ.

Châu Mỹ và châu Âu cũng vậy, bị tách biệt khỏi thế giới trong hầu hết lịch sử của họ. Vào năm 378, Hoàng đế La mã Valence bại trận và bị giết bởi những người thuộc bộ tộc Goth trong trận Adrianople. Trong cùng năm đó, Vua Chak Tok Ich’aak của Tikal cũng bại trận và bị giết bởi quân đội của Teotihuacan. (Tikal là một thành bang quan trọng của nền văn minh Maya, trong khi Teotihuacan là thành phố lớn nhất ở châu Mỹ, với gần 250.000 dân – có độ lớn ngang thành phố cùng thời với nó là Rome). Hoàn toàn không có một mối liên kết nào giữa thất bại của Rome và sự nổi lên của Teotihuacan. Rome có thể coi là nằm trên Sao Hỏa và Teotihuacan trên Sao Kim.

Có bao nhiêu thế giới người khác nhau cùng tồn tại trên Trái đất? Khoảng năm 10000 TCN, hành tinh chúng ta chứa hàng ngàn thế giới đó. Khoảng năm 2000 TCN, con số này đã thu nhỏ lại còn khoảng vài trăm và nhiều nhất là vài ngàn. Vào năm 1450, con số này suy giảm nhiều hơn nữa. Vào thời điểm đó, chỉ trước kỷ nguyên khám phá của người châu Âu, Trái đất vẫn còn có một số lượng đáng kể những thế giới tí hon như Tasmania. Nhưng gần 90% loài người sống trong một thế giới khổng lồ đơn lẻ: thế giới Á-Phi. Hầu hết châu Á, châu Âu và châu Phi (bao gồm cả những bộ phận quan trọng là Hạ Sahara thuộc châu Phi) đều liên kết bởi các ràng buộc đáng kể về kinh tế, chính trị và văn hoá.

Hầu hết một phần mười còn lại của dân số loài người trên thế giới được chia ra làm bốn thế giới có quy mô và độ phức tạp đáng kể:

  1. Thế giới Mesoamerica, bao gồm hầu hết vùng Trung Mỹ và một phần Bắc Mỹ.
  2. Thế giới Andes, bao gồm hầu hết vùng phía tây của Nam Mỹ.
  3. Thế giới Australia, bao gồm phần lục địa châu Úc.
  4. Thế giới Đại dương, bao gồm hầu hết các đảo phía tây-nam Thái Bình Dương, từ Hawaii đến New Zealand.