Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Tuy nhiên, các nhà ái quốc Tây Ban Nha ca tụng người Numantia bằng tiếng Tây Ban Nha — thuộc nhóm ngôn ngữ La Mã, vốn là hậu duệ nói tiếng Latin của Scipio. Những người Numantia nói tiếng Celtic, thứ tiếng đã bị biến mất hoàn toàn. Cervantes đã viết Trận vây hãm Numantia bằng chữ Latin, và vở kịch dựa trên mô hình nghệ thuật của Hy Lạp-La Mã. Numantia không có kịch nghệ, sân khấu. Các nhà ái quốc Tây Ban Nha, người ngưỡng mộ chủ nghĩa anh hùng Numantia cũng có xu hướng là những tín đồ trung thành của Giáo hội Công giáo La Mã – chú ý từ La Mã – một giáo hội mà người đứng đầu của nó ngồi ở Rome, và Chúa của họ thích được kêu cầu đến bằng tiếng Latin. Tương tự, pháp luật Tây Ban Nha hiện đại có nguồn gốc từ pháp luật La Mã; nền chính trị Tây Ban Nha được xây dựng trên nền tảng của chính trị La Mã; và ẩm thực cũng như kiến trúc của Tây Ban Nha lại còn nợ di sản của La Mã cổ đại nhiều hơn rất nhiều so với di sản của người Celt ở Iberia. Không còn lại gì thực chất của Numantia, ngoại trừ những tàn tích. Ngay cả câu chuyện của nó đến với chúng ta cũng là nhờ vào những tác phẩm của các sử gia La Mã. Nó đã được đo ni đóng giày cho phù hợp với thị hiếu của khán giả La Mã, vốn thích thú với những câu chuyện về đám người man rợ yêu tự do. Chiến thắng của Rome trước Numantia trọn vẹn đến nỗi kẻ chiến thắng đã thu nạp chính kí ức của kẻ bại trận.

Ngày nay chúng ta không thích kiểu chuyện này. Chúng ta muốn thấy kẻ yếu sẽ chiến thắng. Nhưng trong lịch sử thì không có công lý. Hầu hết các nền văn hoá trước đây sớm hay muộn đều biến thành con mồi cho những đội quân của một số đế quốc tàn nhẫn, và bị đế quốc ký thác vào lãng quên. Các đế quốc cũng vậy, cuối cùng cũng sụp đổ, nhưng thường để lại những di sản phong phú và lâu dài. Hầu như tất cả mọi người trong thế kỷ 21 đều là hậu duệ của một đế quốc này hay một đế quốc khác.

Thế nào là một đế quốc?

Đế quốc (hay đế chế) là một trật tự chính trị có hai đặc tính quan trọng. Thứ nhất, để có được danh hiệu đó, bạn phải cai trị một lượng đáng kể những dân tộc khác biệt, mỗi dân tộc sở hữu một bản sắc văn hoá riêng biệt, và có một lãnh thổ riêng biệt. Chính xác thì bao nhiêu dân tộc? Hai hay ba là không đủ. 20 hay 30 thì quá nhiều. Ngưỡng đế quốc nằm đâu đó ở giữa mấy con số này.

Thứ hai, các đế quốc được đặc trưng bởi đường biên giới linh hoạt và một tham vọng vô cùng tận. Chúng có thể nuốt chửng và tiêu hoá ngày càng nhiều những quốc gia và vùng lãnh thổ, mà không thay đổi cấu trúc hay bản sắc của chúng. Nước Anh ngày nay có những biên giới khá rõ ràng, không thể xâm phạm mà không làm thay đổi cấu trúc cơ bản và bản sắc nó. Một thế kỷ trước hầu như bất cứ nơi nào trên Trái đất cũng đã có thể trở thành một phần của Đế quốc Anh.

Sự đa dạng văn hoá và tính linh động lãnh thổ không chỉ là đặc điểm độc đáo, mà chúng còn đóng vai trò trung tâm trong lịch sử của các đế quốc. Chính nhờ vào hai đặc điểm này mà các đế quốc đã thành công trong việc thống nhất những nhóm sắc tộc và vùng sinh thái đa dạng dưới một cây dù chính trị duy nhất, từ đó gắn kết ngày càng nhiều các bộ phận chủng người và hành tinh Trái đất.

Cần phải nhấn mạnh rằng một đế quốc được xác định hoàn toàn dựa vào sự đa dạng văn hoá và những biên giới linh hoạt của nó, chứ không phải bởi nguồn gốc, mô hình chính quyền, phạm vi lãnh thổ, hay quy mô dân số của nó. Một đế quốc không nhất thiết phải nổi lên từ việc chinh phạt bằng quân sự. Đế chế Athens xuất hiện như một liên minh tự nguyện, và Đế chế Habsburg được sinh ra từ các khế ước hôn nhân hoàng gia, chắp vá với nhau bằng một chuỗi những liên minh hôn nhân khôn khéo. Một đế quốc cũng không nhất thiết phải được cai trị bởi một hoàng đế chuyên quyền. Đế quốc Anh, đế quốc lớn nhất trong lịch sử, được cai trị bằng chế độ dân chủ. Những đế quốc dân chủ (hay chí ít là cộng hòa) khác bao gồm Hà Lan, Pháp, Bỉ, và Mỹ, cũng như những đế quốc thời kỳ tiền hiện đại như Novgorod, La Mã, Carthage và Athens.

Diện tích cũng không thực sự quan trọng. Một đế quốc có thể rất nhỏ bé. Đế chế Athens khi hưng thịnh nhất có diện tích và dân số nhỏ hơn nhiều so với Hy Lạp ngày nay. Đế chế Aztec nhỏ hơn so với Mexico hiện đại. Nhưng cả Athens và Aztec đều là những đế quốc, trong khi Hy Lạp hiện đại và Mexico hiện đại thì không, vì Athens và Aztec dần chinh phục hàng tá và thậm chí hàng trăm những chính thể khác nhau, còn Hy Lạp và Mexico thì không. Athens cai quản hơn 100 thành bang trước đấy độc lập, trong khi Đế chế Aztec, nếu chúng ta có thể tin tưởng vào những hồ sơ thuế của nó, thì cai trị 371 bộ lạc và dân tộc khác nhau.

Làm thế nào để có thể nhồi nhét “nồi lẩu thập cẩm” các dân tộc như thế vào trong lãnh thổ của một quốc gia hiện đại khiêm nhường? Người ta làm được điều đó vì trước đây còn có nhiều dân tộc khác biệt hơn thế trên thế giới, mỗi dân tộc có dân số nhỏ hơn và chiếm ít đất đai hơn những dân tộc điển hình ngày nay. Vùng đất giữa Địa Trung Hải và sông Jordan, hiện phải vật vã mới thỏa mãn tham vọng của chỉ hai dân tộc này, vậy mà trong thời kỳ Kinh Thánh, nó đã dễ dàng dung nạp hàng tá các quốc gia, bộ lạc, vương quốc nhỏ và thành bang.

Các đế quốc là một trong những lý do chính gây ra sự suy giảm nhanh chóng mức độ đa dạng của loài người. Cỗ xe ủi đế quốc dấn dần xóa mờ những đặc thù độc đáo của rất nhiều dân tộc (như của người Numantia), trui rèn từ chúng những nhóm mới và lớn hơn nhiều.

Những đế quốc tàn ác?

Trong thời đại chúng ta, “đế quốc” đứng thứ hai chỉ sau “phát xít” trong bộ từ vựng chửi thề chính trị. Sự phê bình hiện nay đối với đế quốc thường diễn ra dưới hai hình thức:

  1. Đế quốc đã thất bại. Về lâu dài, không thể cai trị hiệu quả một số lượng lớn những dân tộc bị chinh phục.
  2. Ngay cả nếu có làm được như vậy, thì đó cũng là điều không nên làm, vì đế quốc là các cỗ máy tàn phá và bóc lột thật xấu xa. Mỗi dân tộc đều có quyền tự quyết, và không bao giờ nên là đối tượng bị trị của một dân tộc khác.

Từ quan điểm lịch sử, nhận định đầu tiên thì rõ là vô nghĩa, còn nhận định thứ hai thì cực kỳ có vấn đề.

Sự thật là đế quốc đã và đang là hình thức tổ chức chính trị phổ biến nhất trên thế giới trong suốt 2.500 năm qua. Hầu hết loài người trong hai thiên niên kỷ rưỡi này đã sống trong các đế quốc. Đế quốc cũng là một hình thái chính quyền rất ổn định. Hầu hết các đế quốc đều có thể dễ dàng dập tắt những cuộc nổi loạn tới mức đáng ngại. Nói chung, nguyên nhân khiến đế quốc bị lật đổ thường là do bị xâm lược từ ngoại bang, hoặc do một sự chia rẽ trong tầng lớp cầm quyền. Ngược lại, các dân tộc bị chinh phạt thường không có thành tích nổi trội trong việc tự giải phóng khỏi những chúa tể của họ. Hầu hết vẫn bị khuất phục trong hàng trăm năm. Thông thường, họ sẽ bị đế quốc đi chinh phục thôn tính dần dần, cho đến khi bản sắc văn hoá của họ mai một dần.

Ví dụ, khi Đế chế Tây La Mã cuối cùng cũng phải khuất phục trước những kẻ xâm lược từ bộ tộc German năm 476, người Numantia, Arverni, Helvetia, Samnite, Lusitania, Umbria, Etrusca và hàng trăm dân tộc bị lãng quên khác đã bị người La Mã chinh phục trong những thế kỷ trước, không vươn ra nổi từ cái thân xác đã bị phanh thây của đế quốc, giống như Jonah thoát ra từ bụng con cá lớn.[15] Không một dân tộc nào trong số đó còn tồn tại. Lớp con cháu có dòng giống sinh học của dân tộc đó, những người đã tự nhận mình là thành viên của các quốc gia đó, những người đã nói thứ ngôn ngữ của họ, thờ phụng những vị thần của họ và kể những huyền thoại và truyền thuyết của họ, thì bây giờ tất cả đều suy nghĩ, nói năng và thờ phụng như những người La Mã.

Trong nhiều trường hợp, sự hủy diệt của một đế quốc hiếm khi đồng nghĩa với sự độc lập cho những dân tộc bị trị. Thay vào đó, một đế quốc mới bước vào khoảng trống được tạo ra khi đế quốc cũ bị sụp đổ hay rút lui. Không nơi nào cho thấy điều này rõ hơn ở Trung Đông. Chòm sao chính trị hiện nay ở khu vực đó – một sự cân bằng quyền lực giữa nhiều thực thể chính trị độc lập với những đường biên giới hầu như ổn định – hầu như chưa có tiền lệ tương đương nào ở bất kỳ thời điểm nào trong vài thiên niên kỷ gần đây. Lần cuối cùng Trung Đông trải qua tình trạng như vậy là trong thế kỷ 8 TCN – gần 3.000 năm trước! Từ sự nổi lên của Đế chế Tân-Assyria trong thế kỷ 8 TCN cho đến sự sụp đổ của những đế quốc Anh và Pháp trong khoảng giữa thế kỷ 20, vùng Trung Đông đã qua tay hết đế quốc này đến đế quốc khác, giống như một khúc gỗ chuyển tay trong cuộc chạy đua tiếp sức. Đến thời điểm Anh và Pháp cuối cùng đã vứt bỏ cây quyền trượng, các dân tộc Aramaean, Ammonite, Phoenicia, Philistine, Moabite và các dân tộc khác bị người Assyria chinh phạt đều đã biến mất từ rất lâu rồi.

Đúng vậy, người Do Thái, Armenia và Georgia ngày nay tuyên bố có phần đúng rằng họ là hậu duệ của những dân tộc Trung Đông cổ đại. Tuy nhiên, đây chỉ là các ngoại lệ để chứng minh quy luật chung, và thậm chí những tuyên bố này có phần nào phóng đại. Dù không nói cũng biết, những hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội của người Do Thái hiện đại, chẳng hạn thế, mắc nợ công lao của những đế quốc mà họ đã sống trong hai thiên niên kỷ vừa qua nhiều hơn so với những truyền thống của vương quốc Judaea cổ đại. Nếu Vua David có xuất hiện trong giáo đường Do Thái chính thống cực đoan ở Jerusalem ngày nay, thì ông sẽ hoàn toàn ngạc nhiên khi thấy họ mặc quần áo Đông Âu, nói một phương ngữ German (Yiddish) và tranh luận bất tận về ý nghĩa của một bản văn Babylon (Talmud – Kinh Do Thái). Không có những giáo đường Do Thái, không có những bộ kinh Talmud, và cũng chẳng có những bộ kinh Torah ở xứ Judaea cổ đại.