Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Một con bê thời nay trong một trang trại thịt công nghiệp.

Hình 14. Một con bê thời nay trong một trang trại thịt công nghiệp. Ngay sau khi ra đời, con bê sẽ bị tách khỏi mẹ và nhốt trong cái chuồng chật hẹp không lớn hơn kích thước thân nó là bao. Con bê sẽ ở đó trong toàn bộ đời mình, trung bình khoảng bốn tháng. Nó không bao giờ rời chuồng, cũng như không được phép chơi đùa cùng các con bê khác, thậm chí không được bước đi, tất cả chỉ để cơ bắp của nó không phát triển được.

Bắp mềm đồng nghĩa với món bít-tết mềm và ngon. Lần đầu tiên con bê có cơ hội đi bộ, kéo giãn cơ bắp và chạm vào các con bê khác là trên đường tới lò mổ. Theo quan điểm tiến hoá, gia súc đại diện cho một trong những loài động vật từng tồn tại thành công nhất. Đồng thời, chúng là một trong những loài động vật khốn khổ nhất hành tinh.

Song, nếu nhìn từ quan điểm của vật nuôi hơn là của người chăn chúng, thật khó tránh cảm giác là với đại đa số các loài vật đã thuần hoá, Cách mạng Nông nghiệp là một thảm họa tồi tệ. “Thành công” theo quan điểm tiến hoá thật vô nghĩa. Những con tê giác hoang dã quý hiếm đang bên bờ vực tuyệt chủng có thể sẽ thấy thỏa mãn hơn mấy con bê con với cuộc đời ngắn ngủi trong cái chuồng chật hẹp, bị vỗ béo để trở thành miếng bít-tết ngon lành. Những con tê giác thỏa mãn này cũng là những cá thể còn sống sót cuối cùng trong loài. Sự thành công về số lượng của loài bê chỉ là sự an ủi nhỏ nhoi cho những đau đớn mà mỗi cá thể phải chịu đựng.

Sự khác biệt giữa thành công về mặt tiến hoá và sự đau đớn của mỗi cá thể có lẽ là bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra từ Cách mạng Nông nghiệp. Khi chúng ta nghiên cứu câu chuyện của các loài thực vật như lúa mì, ngô, lý lẽ thuần tiến hoá nghe còn có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp các loài động vật như gia súc, cừu và Sapiens, với mỗi loài đều có thế giới cảm giác và cảm xúc phức tạp riêng, chúng ta phải xem xét sự thành công về mặt tiến hoá này chuyển dịch sang trải nghiệm của mỗi cá thể như thế nào. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy sự lặp đi lặp lại của việc gia tăng ngoạn mục sức mạnh tập thể và thành công bề ngoài của loài người đã đi kèm với sự gia tăng khổ đau của mỗi cá nhân ra sao.

6. Xây dựng những kim tự tháp

Cách mạng Nông nghiệp là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Một số người ủng hộ tuyên bố cuộc cách mạng này đã đưa nhân loại đi trên con đường tiến đến phồn vinh và tiến bộ. Số khác thì khăng khăng nói rằng nó dẫn tới diệt vong. Họ nói, đó là một bước ngoặt, nơi mà con người vứt bỏ mối quan hệ cộng sinh mật thiết với tự nhiên, trở nên tham lam và tha hoá. Dù con đường có đi theo hướng nào, cũng không còn đường lui. Nông nghiệp đã làm cho dân số tăng lên triệt để và nhanh chóng tới mức không một xã hội nông nghiệp phức tạp nào còn có thể duy trì được chính nó nếu quay lại thời kỳ săn bắt và hái lượm. Khoảng năm 10000 TCN, trước khi chuyển sang nông nghiệp, Trái đất là ngôi nhà của khoảng 5-8 triệu người hái lượm du cư. Vào thế kỷ 1, chỉ còn khoảng 1-2 triệu người hái lượm (chủ yếu ở châu Úc, châu Mỹ và châu Phi), nhưng con số này có vẻ nhỏ nhoi so với 250 triệu nông dân trên thế giới.

Đại đa số nông dân sống ở những khu định cư ổn định; chỉ một số ít là dân chăn cừu nay đây mai đó. Việc định cư khiến cho hầu hết đất đai của con người bị co lại đáng kể. Những người sân bắt hái lượm cổ đại thường sống ở những khu vực đất đai rộng hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số vuông. “Nhà” của họ chính là toàn bộ vùng đất, với núi đồi, sông suối, rừng cây và bầu trời rộng mở. Ngược lại, nông dân sử dụng hầu hết thời gian của họ để làm việc trên những cánh đồng hoặc vườn cây ăn quả nhỏ hẹp, và cuộc sống gia đình của họ tập trung trong những công trình xây dựng bằng gỗ, đá hoặc đất bùn tù túng, mỗi cái rộng không quá vài chục mét vuông. Một nông dân điển hình thường phát sinh sự gắn bó mật thiết với công trình này. Đó là một cuộc cách mạng có ảnh hưởng sâu rộng, có tác động tâm lý nhiều như kiến trúc. Từ đó trở đi, sự gắn bó với “nhà của tôi” và sự tách biệt với những người hàng xóm trở thành dấu hiệu tâm lý của loài sinh vật tự lấy mình làm trung tâm.

Những vùng nông nghiệp mới không chỉ nhỏ hơn rất nhiều so với vùng đất của người hái lượm cổ đại, mà còn mang tính nhân tạo hơn nhiều. Ngoài việc sử dụng lửa, người săn bắt hái lượm chỉ chủ ý tạo ra một số thay đổi đối với vùng đất mà họ đi qua. Ngược lại, nông dân sống trong những hòn đảo nhân tạo mà họ vất vả dựng lên từ thiên nhiên hoang dã quanh mình. Họ chặt rừng, đào kênh mương, phát quang cánh đồng, xây dựng nhà cửa, cày đất thành luống, trồng cây ăn quả theo hàng lối trật tự. Kết quả là, môi trường sống nhân tạo này chỉ dành cho con người cũng như các loài động thực vật “của họ”, và nó thường xuyên được bao kín bởi các bức tường và hàng rào. Các gia đình nông dân đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn những loài cỏ dại bướng bỉnh và thú hoang. Nếu chúng xâm phạm, họ sẽ đuổi chúng ra ngoài. Nếu chúng ngoan cố, con người sẽ tìm cách tiêu diệt chúng. Đặc biệt, những hàng rào kiên cố được dựng lên xung quanh nhà. Từ buổi bình minh của nông nghiệp cho đến hôm nay, hàng tỉ người với các loại vũ khí như cành cây, vỉ đập ruồi, giày dép và bình xịt chất độc, đã tiến hành một cuộc chiến liên tục chống lại những con kiến siêng năng, những con gián lén lút, những con nhện phiêu lưu, những con bọ cánh cứng đi lạc, là những kẻ liên tục thâm nhập vào nơi ở của họ.

Trong hầu hết lịch sử, những vùng đất do con người tạo ra này vẫn rất nhỏ bé, được bao quanh bởi những dải đất rộng của thiên nhiên chưa được chế ngự. Bề mặt Trái đất rộng khoảng 510 triệu km², trong đó 155 triệu km² là đất liền. Muộn nhất là năm 1400, đại đa số nông dân cùng với cây trồng và vật nuôi của mình đã chụm lại với nhau trên một diện tích 11 triệu km², chiếm 2% bề mặt hành tinh. Mọi nơi khác đều quá lạnh, quá nóng, quá khô, quá ẩm ướt, thêm nữa là không thích hợp cho trồng trọt. Lịch sử loài người đã mở ra trên 2% nhỏ xíu này của bề mặt Trái đất.

Con người cảm thấy rất khó rời bỏ những hòn đảo nhân tạo của mình. Họ không thể bỏ được nhà cửa, ruộng đồng, kho lương thực nếu như không phải chịu những nguy cơ tổn thất nghiêm trọng. Hơn nữa, theo thời gian, họ tích lũy được ngày càng nhiều thứ không dễ chuyển đi, nó đã trói buộc họ. Với chúng ta, nông dân cổ đại dường như rất nghèo, tuy thế một gia đình nông dân điển hình thường sở hữu đồ chế tác còn nhiều hơn cả một bộ lạc hái lượm.

Sự xuất hiện của tương lai

Trong khi vùng đất trống có thể sử dụng được trong nông nghiệp bị thu hẹp lại thì thời gian dành cho việc nhà nông lại kéo dài ra. Người hái lượm thường không tốn nhiều thời gian để nghĩ đến tuần tới, tháng tới. Nông dân còn mặc cho trí tưởng tượng của họ lướt đi thêm hàng năm, hàng chục năm trong tương lai.

Người hái lượm không tính đến tương lai, vì họ sống giật gấu vá vai, và chỉ có thể dự trữ thức ăn hoặc tích lũy tài sản một cách khó khăn. Tất nhiên, rõ ràng họ cũng lên kế hoạch tương lai. Hầu hết các tác giả của những bức vẽ trong hang Chauvet, Lascaux và Altamira đều muốn chúng tồn tại cho các thế hệ tiếp theo. Các liên minh xã hội và sự ganh đua chính trị đều là những vấn đề dài hạn. Thường phải mất nhiều năm để báo đáp một ơn huệ hoặc sửa chữa một sai lầm. Tuy nhiên, trong nền kinh tế tự cung tự cấp dựa vào săn bắt và hái lượm, những kế hoạch dài hạn như vậy có một giới hạn rõ ràng. Điều nghịch lý là nó giúp người hái lượm bớt âu lo khá nhiều. Thật phi lý khi lo lắng về những điều mà họ không thể tác động.

Cách mạng Nông nghiệp đã làm cho tương lai xa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nông dân luôn giữ tương lai ở trong đầu và phải làm việc để phục vụ nó. Nền kinh tế nông nghiệp dựa trên chu trình sản xuất theo mùa, bao gồm những tháng dài cày cấy trồng trọt, theo sau là những thời kỳ thu hoạch ngắn ngủi. Vào đêm tiếp theo sau khi kết thúc một vụ mùa bội thu, nông dân có thể tổ chức ăn mừng cho những gì mà họ xứng đáng được hưởng, nhưng trong vòng một tuần sau đó họ lại tiếp tục ra đồng từ sớm tinh mơ và làm việc cả một ngày. Mặc dù có đủ thức ăn cho hôm nay, tuần tới, và kể cả tháng tới, nhưng họ vẫn phải lo lắng về năm sau và năm sau nữa.

Lo lắng về tương lai đã bén rễ không chỉ trong những chu trình sản xuất theo mùa vụ, mà trong cả đặc điểm không chắc chắn của nông nghiệp. Vì hầu hết các làng đều nuôi trồng giới hạn các giống cây con đã thuần hoá, nên chúng là miếng mồi ngon của hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh. Nông dân buộc phải sản xuất nhiều hơn lượng họ tiêu thụ để dành cho việc dự trữ. Không có ngũ cốc trong kho lương thực, chai dầu ô-liu trong hầm chứa, pho mát trong chạn đựng, xúc xích treo trên xà nhà, họ sẽ bị chết đói trong những năm mất mùa. Và những năm mất mùa rồi sẽ đến, không sớm thì muộn. Người nông dân nào tin rằng những năm mất mùa sẽ không đến thì chẳng thể sống được lâu.

Kết quả là ngay từ khi nông nghiệp xuất hiện, các nỗi lo âu về tương lai trở thành những diễn viên chính trong rạp hát tâm trí của loài người. Ở những nơi mà nông dân dựa vào mưa để tưới tắm cho cánh đồng của mình, mùa mưa bắt đầu đồng nghĩa với việc mỗi buổi sáng, nông dân sẽ nhìn chằm chằm về chân trời, ngửi hít mùi gió và căng mắt lên. Có phải mây đó không? Những cơn mưa sẽ đến đúng lúc chứ? Mưa có đủ không? Liệu những trận bão dữ dội có quét sạch hạt giống trên cánh đồng hay làm dập nát cây con không? Trong lúc đó, ở thung lũng các sông Euphrates, Ấn và Hoàng Hà, những nông dân khác cũng không kém phần lo lắng khi theo dõi mực nước sông.