Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Trong 300 năm, những người châu Âu đã tận hưởng vị trí độc bá ở châu Mỹ và châu Đại Dương, ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Các cuộc tranh giành đáng kể ở những khu vực đó chỉ là giữa những cường quốc châu Âu với nhau. Sự giàu có và những tài nguyên mà người châu Âu đã tích lũy cuối cùng cũng cho họ khả năng xâm chiếm châu Á, đánh bại những đế chế châu Á, rồi cùng nhau chia phần. Khi những người Ottoman, Ba Tư, Ấn Độ và Trung Hoa thức tỉnh và bắt đầu chú ý, thì đã quá muộn.

Chỉ đến thế kỷ 20, những nền văn hoá phi châu Âu mới tiếp nhận một tầm nhìn toàn cầu thực sự. Đây là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến sự sụp đổ quyền bá chủ của châu Âu. Thế nên, trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria (1954-1962), những du kích Algeria đã đánh bại quân đội Pháp có lợi thế áp đảo về số lượng, kĩ thuật và kinh tế. Những người Algeria đã thắng, vì họ được hỗ trợ bởi một mạng lưới chống thực dân toàn cầu, và vì họ đã tìm ra cách khai thác phương tiện truyền thông thế giới để phục vụ cho sự nghiệp của họ – cũng như dư luận quần chúng ở chính nước Pháp. Cách mà miền Bắc Việt Nam nhỏ bé đã giáng đòn xuống người khổng lồ Mỹ cũng dựa trên một chiến lược tương tự. Những lực lượng du kích này đã cho thấy ngay cả các siêu cường cũng có thể bị đánh bại nếu một cuộc đấu tranh địa phương trở thành một sự nghiệp toàn cầu. Thật thú vị khi nghĩ về những gì có thể xảy ra nếu như Montezuma có khả năng vận động dư luận quần chúng ở Tây Ban Nha, và được sự hỗ trợ từ một trong những đối thủ của Tây Ban Nha – như Bồ Đào Nha, Pháp, hay đế chế Ottoman.

Những loài nhện hiếm có và những hệ thống chữ viết bị lãng quên

Khoa học hiện đại và những đế quốc hiện đại đều được thúc đẩy bởi một cảm giác không yên rằng có lẽ có một điều gì đó quan trọng đang chờ đợi ở phía sau đường chân trời – một cái gì đó mà tốt hơn là họ nên khám phá và làm chủ. Tuy nhiên, sự liên kết giữa khoa học và đế quốc đã trở nên sâu sắc hơn nhiều. Không chỉ động lực, mà những công việc thực tiễn của những người xây dựng đế quốc đã bị ràng buộc rối rắm với công việc của những nhà khoa học. Đối với người châu Âu hiện đại, xây dựng một đế quốc là một dự án khoa học, trong khi thiết lập một ngành khoa học là một dự án của đế quốc.

Khi người Hồi giáo chinh phục Ấn Độ, họ đã không mang theo những nhà khảo cổ để nghiên cứu một cách hệ thống về lịch sử Ấn Độ, những nhà nhân học để nghiên cứu văn hoá Ấn Độ, những nhà địa chất để nghiên cứu thổ nhưỡng của Ấn Độ, hay những nhà động vật học nghiên cứu về quần thể động vật của Ấn Độ. Khi người Anh xâm chiếm Ấn Độ, họ đã làm tất cả những điều này. Ngày 10 tháng Tư năm 1802, cuộc Khảo sát Lớn về Ấn Độ đã được khởi động. Nó đã kéo dài 60 năm. Với sự giúp đỡ của hàng chục ngàn người lao động, học giả và hướng dẫn viên người bản địa, người Anh đã lập bản đồ một cách cẩn thận toàn bộ Ấn Độ, đánh dấu những đường biên giới, đo các khoảng cách, và thậm chí lần đầu tiên tính toán chiều cao chính xác của ngọn Everest và những đỉnh núi Himalaya khác. Người Anh thăm dò những nguồn lực quân sự của các tỉnh thuộc Ấn Độ, và vị trí những mỏ vàng của chúng, nhưng họ cũng không ngại khó để thu thập thông tin về loài nhện hiếm của Ấn Độ, để lập danh mục về những loài bướm đấy màu sắc, để truy tìm nguồn gốc cổ đại của những ngôn ngữ Ấn Độ đã bị mai một, và để đào xới những di tích bị bỏ quên.

Mohenjo-daro là một trong những thành phố chính của nền văn minh thung lũng Indus, phát triển thịnh vượng trong thiên niên kỷ 3 TCN, và đã bị hủy hoại vào khoảng năm 1900 TCN. Không ai trong số những người cai trị của Ấn Độ thời kỳ trước khi bị Anh xâm chiếm – không phải những người Mauryas, không phải những người Guptas, cũng không là những sultan Delhi, cũng không phải những Mughal vĩ đại – đã liếc qua đến lần thứ hai những tàn tích này. Chính một chuyến khảo cổ của người Anh đã chú ý đến di tích này vào năm 1922. Một đoàn nghiên cứu người Anh sau đó đã khai quật, và khám phá ra nền văn minh vĩ đại đầu tiên của Ấn Độ mà không một người Ấn Độ nào từng biết trước đó.

Một ví dụ sống động khác về sự ham tìm hiểu khoa học của người Anh là sự giải mã hệ thống chữ viết hình nêm. Đây là hệ thống chữ viết chính được sử dụng khắp Trung Đông trong gần 3.000 năm, nhưng người cuối cùng có thể đọc được nó có thể đã chết trong khoảng những năm đầu của thiên niên kỷ 1. Kể từ đó, dân chúng trong khu vực này thường xuyên bắt gặp những câu khắc chữ hình nêm, trên những bức tượng, dinh thự, bia, di tích cổ và những chậu, bình, lọ vỡ. Nhưng họ hoàn toàn không có một ý tưởng nào về cách đọc những vết trẩy xước có góc cạnh lạ lùng này, trong chừng mực mà chúng ta biết, họ chưa bao giờ cố gắng làm điều này. Chữ khắc hình nêm được những người châu Âu để ý vào năm 1618, khi Đại sứ Tây Ban Nha tại Ba Tư đi tham quan những di tích của thành cổ Persepolis, nơi ông đã thấy những dòng chữ khắc mà không ai có thể giải thích cho ông hiểu. Tin tức về những chữ viết chưa từng được biết đến này đã lan rộng trong giới khoa học châu Âu và khiến họ tò mò. Năm 1637, những học giả châu Âu đã công bố bản dịch đầu tiên của một văn bản chữ hình nêm của Persepolis. Ngày càng có nhiều bản dịch khác theo sau, và trong gần hai thế kỷ, những học giả phương Tây đã cố gắng giải mã chúng. Không một ai thành công.

Trong những năm 1830, một sĩ quan người Anh tên là Henry Rawlinson, đã được gửi đến Ba Tư để giúp nhà vua (shah) xứ này đào tạo quân đội theo phong cách châu Âu. Trong thời gian rảnh rỗi, Rawlinson đã đi thăm thú khắp Ba Tư, và một ngày ông được một người hướng dẫn địa phương đưa đến một vách đá trong dãy núi Zagros, và chỉ cho ông thấy hình khắc trên bờ vách đá Behistun khổng lồ. Cao khoảng 15 mét, rộng 25 mét, nó được khắc ở phía cao trên mặt vách đá, theo lệnh của Vua Darius I, vào khoảng năm 500 TCN. Đó là những chữ hình nêm với ba thứ tiếng: tiếng Ba Tư cổ, tiếng Elamite và tiếng Babylon. Hình khắc trên vách đá này rất quen thuộc với những người dân địa phương, nhưng không ai có thể đọc được nó. Rawlinson tin rằng nếu có thể giải mã những dòng chữ đó, ông và những học giả khác có thể đọc được rất nhiều những văn bia và văn bản đã được tìm thấy khắp vùng Trung Đông vào thời đó, mở ra cánh cửa bước vào một thế giới cổ bị lãng quên.

Bước đầu tiên trong việc giải mã những chữ khắc là tạo ra một bản sao chính xác để có thể gửi về châu Âu. Rawlinson đã bất chấp cả tính mạng để làm việc này, leo lên vách đá dốc thẳng đứng để sao chép những chữ cái kỳ lạ. Ông đã thuê một số người dân địa phương để giúp mình, đáng chú ý nhất là một cậu bé người Kurd đã trèo lên hầu hết những phần không thể tiếp cận được của vách đá, để sao chép phần phía trên của những câu khắc này. Năm 1847, dự án đã hoàn tất, và một bản sao đấy đủ và chính xác được gửi về châu Âu.

Rawlinson đã không ngủ quên trên chiến thắng. Là một sĩ quan quân đội, ông phải thực hiện những nhiệm vụ quân sự và chính trị, nhưng bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, ông đều suy nghĩ để tìm ra lời giải đáp về thứ chữ viết bí ẩn này. Ông đã cố gắng thử hết phương pháp này đến phương pháp khác, và cuối cùng đã thành công trong việc giải mã phần tiếng Ba Tư cổ của những chữ khắc trên vách núi. Đây là việc đơn giản nhất, vì tiếng Ba Tư cổ không khác biệt mấy so với tiếng Ba Tư hiện đại mà Rawlinson biết rõ. Hiểu biết về phần chữ Ba Tư cổ đã cho ông chìa khoá cần thiết để giải mã những bí mật của những phần tiếng Elamite, và tiếng Babylon. Cánh cửa lớn mở toang, và kết quả là sự tấp nập của những tiếng nói cổ xưa nhưng sống động – những hàng quán náo nhiệt của người Sumer, những tuyên bố của các vị vua Assyria, những lập luận của giới chức thành Babylon. Nếu không có nỗ lực của những con dân mẫu quốc châu Âu hiện đại như Rawlinson, chúng ta sẽ không biết nhiều về số phận của các đế chế Trung Đông thời cổ đại.

Một học giả đáng chú ý khác là William Jones. Ông đã tới Ấn Độ vào tháng Chín năm 1783 để làm thẩm phán tại Tòa án tối cao của Bengal. Bị mê hoặc bởi những điều kỳ diệu của Ấn Độ, trong vòng chưa đầy sáu tháng sau khi đến, ông đã thành lập Hội châu Á. Tổ chức học thuật này đã nỗ lực nghiên cứu các nền văn hoá, lịch sử và xã hội của châu Á, và đặc biệt là của Ấn Độ. Trong vòng hai năm, Jones đã cho xuất bản công trình Nghiên cứu về ngôn ngữ Sanskrit, bước tiên phong của ngành ngôn ngữ học so sánh.

Trong những công trình của mình, Jones đã chỉ ra sự tương đồng đáng ngạc nhiên giữa Sanskrit, một ngôn ngữ Ấn Độ cổ vốn đã trở thành tiếng mẹ đẻ thiêng liêng của nghi thức Hindu, với những ngôn ngữ Hy Lạp và Latin, cũng như sự tương đồng giữa tất cả những ngôn ngữ này và tiếng Gothic, Celtic, tiếng Ba Tư cổ, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Anh. Thế nên, trong tiếng Sanskrit, “mẹ” là “matar”, trong tiêng Latin nó là “mater”, và trong Celtic cổ nó là “mathirJones đã phỏng đoán rằng tất cả những ngôn ngữ này phải có chung một nguồn gốc, phát triển từ cùng một tổ tiên cổ nay đã bị lãng quên. Như vậy, ông là người đầu tiên, nhận biết được những gì sau này được gọi là hệ ngôn ngữ Ấn-Âu.

Công trình nghiên cứu của Jones là một cột mốc quan trọng, không chỉ đơn thuần là do giả thuyết táo bạo (và chính xác) của Jones, mà còn do phương pháp mang tính khoa học mà ông đã phát triển để So sánh các ngôn ngữ với nhau. Nó đã được những học giả khác chấp nhận, giúp họ nghiên cứu một cách hệ thống sự phát triển của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới.