Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Thị trường và chính quyền làm như vậy bằng cách nuôi dưỡng “các cộng đồng tưởng tượng” bao gồm hàng triệu người lạ, và được thiết kế theo các nhu cầu mang tính quốc gia và thương mại. Một cộng đồng tưởng tượng là một cộng đồng của những người không thực sự biết nhau, nhưng tưởng rằng họ biết nhau. Những cộng đồng như vậy không phải là một phát minh mới lạ. Các vương quốc, đế chế và nhà thờ trong nhiều thiên niên kỷ có chức năng như những cộng đồng tưởng tượng. Ở Trung Hoa cổ đại, hàng chục triệu người coi mình là thành viên của một gia đình duy nhất, với vị hoàng đế như là cha mẹ họ. Vào thời trung cổ, hàng triệu người Hồi giáo mộ đạo cho rằng họ đều là các anh chị em trong cộng đồng Hồi giáo. Tuy nhiên, suốt chiều dài lịch sử, những cộng đồng tưởng tượng này đóng vai trò thứ yếu so với các cộng đồng thân mật, trong đó bao gồm vài chục người quen biết nhau tường tận. Các cộng đồng thân mật đáp ứng những nhu cầu tình cảm của thành viên và rất cần thiết cho sự sống còn và phúc lợi của mọi người. Trong hai thế kỷ qua, các cộng đồng thân mật đã trở nên lụi tàn và cộng đồng tưởng tượng đã được điền vào khoảng trống tình cảm đó.

Hai ví dụ quan trọng nhất cho sự phát triển của cộng đồng tưởng tượng chính là quốc gia và hội tiêu dùng. Quốc gia là cộng đồng tưởng tượng của chính quyền. Hội tiêu dùng là cộng đồng tưởng tượng của thị trường. Cả hai đều là những cộng đồng tưởng tượng, vì tất cả các khách hàng trong một thị trường hoặc tất cả các thành viên của một quốc gia không thể thực sự hiểu nhau theo cách thức mà những người cùng làng biết nhau trong quá khứ. Không một người Đức nào có thể hiểu tường tận 80 triệu người Đức khác, hay 500 triệu khách hàng khác cùng sinh sống trong Thị trường chung châu Âu (ban đầu cộng đồng đó trở thành Cộng đồng châu Âu rồi phát triển thành Liên minh châu Âu).

Chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa dân tộc phải tiến hành thêm các bước để khiến cho chúng ta tưởng tượng rằng hàng triệu người lạ cùng thuộc về cộng đồng giống như chúng ta, rằng tất cả chúng ta có chung một quá khứ, một lợi ích và một tương lai. Đây không phải là lời nói dối. Đó là trí tưởng tượng. Giống như tiền bạc, công ty trách nhiệm hữu hạn và nhân quyền, dân tộc và cộng đồng người tiêu dùng là những thực thể liên-chủ quan. Chúng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng tập thể của chúng ta, nhưng sức mạnh của chúng lại rất lớn. Miễn là hàng triệu người Đức tin vào sự tồn tại của một dân tộc Đức và hưng phấn khi nhìn thấy biểu tượng dân tộc Đức, kể lại những câu chuyện huyền thoại về dân tộc Đức, sẵn sàng hy sinh tiền bạc, thời gian và xương máu cho dân tộc Đức, thì Đức sẽ là một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới.

Quốc gia luôn cố che giấu tính chất tưởng tượng này. Hầu hết các quốc gia coi mình là một thực thể tự nhiên và vĩnh cửu, được tạo ra trong thời kỳ nguyên thủy bằng cách trộn đất của quê mẹ với máu của người dân. Tuy nhiên, những tuyên bố như vậy thường được phóng đại. Các quốc gia tồn tại trong quá khứ xa xôi, nhưng tầm quan trọng của nó nhỏ hơn nhiều so với ngày nay bởi tầm quan trọng của quốc gia lúc đó nhỏ hơn rất nhiều. Một cư dân ở vùng Nuremberg thời trung cổ có thể cảm thấy chút ít lòng trung thành với quốc gia Đức, nhưng người đó còn cảm thấy trung thành với gia đình và cộng đồng địa phương của mình hơn nhiều, bởi đó mới là nguồn đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người đó. Hơn nữa, bất cứ điều gì quan trọng mà một quốc gia cổ đại có thể đã có, thì chỉ còn rất ít trong số đó tồn tại tới ngày nay. Hầu hết các quốc gia đang tồn tại thời nay đều phát triển sau Cách mạng Công nghiệp.

Có thể lấy nhiều ví dụ từ Trung Đông. Các quốc gia Syria, Lebanon, Jordan và Iraq là sản phẩm của sự chia tách biên giới lộn xộn, được phân định mơ hồ bởi các nhà ngoại giao Pháp và Anh, những người đã bỏ qua lịch sử địa phương, kiến thức địa lý và kinh tế. Năm 1918, các nhà ngoại giao đã thống nhất rằng ba cộng đồng người Kurd, Baghdad và Basra sẽ được gọi chung là “người Iraq”. Và chính người Pháp đã quyết định thế nào thì là người Syria hay người Lebanon. Saddam Hussein và Hafez el-Asad là những người đã cố gắng hết mình để thúc đẩy và củng cố ý thức dân tộc, vốn là sản phẩm của dân Anh-Pháp, nhưng những bài phát biểu khoa trương của họ về các quốc gia Iraq và Syria được cho là trường tổn vĩnh cửu lại hoàn toàn sáo rỗng.

Điều này không hàm ý các quốc gia chẳng thể được tạo ra từ hư không. Những người làm việc chăm chỉ để xây dựng Iraq hay Syria đã sử dụng những tư liệu thố về lịch sử, địa lý và văn hoá -một số trong đó tồn tại từ nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ cũ. Saddam Hussein đã lựa chọn cho mình di sản của Khalip Abbasid và Đế chế Babylon, thậm chí ông ta còn gọi một trong những đơn vị thiết giáp của mình là Sư đoàn Hammurabi. Tuy nhiên, điều đó không biến đất nước Iraq thành một thực thể cổ xưa. Nếu tôi làm bánh từ bột, dầu và đường, tất cả nguyên liệu đó được giữ trong tủ đựng thức ăn của tôi suốt hai năm qua, thì điều đó cũng không có nghĩa cái bánh của tôi đã được hai tuổi.

Trong những thập kỷ gần đây, cộng đồng quốc gia ngày càng bị lu mờ bởi các cộng đồng khách hàng không biết nhau mật thiết nhưng chia sẻ những thói quen và sở thích tiêu thụ giống nhau, từ đó họ cảm thấy là một phần của cộng đồng người tiêu dùng – một kiểu tự định nghĩa bản thân. Điều này nghe rất lạ, nhưng chúng ta có hàng loạt các ví dụ. Chẳng hạn, nhóm hâm mộ ca sĩ Madonna tạo thành một cộng đồng người tiêu dùng. Họ định nghĩa bản thân chủ yếu thông qua việc mua sắm. Họ mua vé buổi hòa nhạc của Madonna, đĩa CD, áp phích, áo sơ mi, nhạc chuông, và qua đó định nghĩa mình là ai. Những người hâm mộ đội bóng đá Manchester United, người ăn chay và nhà hoạt động môi trường là các ví dụ khác. Họ cũng được định nghĩa dựa trên những gì họ tiêu thụ. Đó là nền tảng bản sắc của họ. Một người ăn chay Đức cũng có thể sẽ thích kết hôn với một người ăn chay Pháp hơn là với một người ăn thịt Đức.

Chuyển động luân hồi

Những cuộc cách mạng trong hai thế kỷ qua diễn ra nhanh chóng và triệt để tới mức chúng đã thay đổi đặc trưng cơ bản nhất của trật tự xã hội. Theo truyền thống, trật tự xã hội rất bền vững và cứng nhắc. “Trật tự” ở đây ngụ ý về sự ổn định và liên tục. Ngoại trừ những cuộc cách mạng xã hội chóng vánh, hầu hết các biến đổi xã hội là kết quả tích tụ của nhiều bước nhỏ. Con người có xu hướng cho rằng cấu trúc xã hội không có tính linh hoạt và bền vững lâu dài. Các gia đình và cộng đồng có thể đấu tranh để thay đổi vị trí trong trật tự, nhưng ý tưởng cho rằng bạn có thể thay đổi cấu trúc cơ bản của trật tự đó thực sự rất ngớ ngẩn. Mọi người thường hòa mình vào hiện trạng, tuyên bố rằng, “đây là cách nó đã luôn tồn tại, và nó vẫn sẽ luôn tồn tại như vậy”.

Trong hai thế kỷ qua, nhịp độ thay đổi diễn ra nhanh tới mức trật tự xã hội trở nên năng động và mềm dẻo. Giờ đây, nó tồn tại trong trạng thái thay đổi không ngừng. Khi chúng ta nói về các cuộc cách mạng hiện đại, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng năm 1789 (Cách mạng Pháp), 1848 (những cuộc cách mạng tự do) hoặc 1917 (Cách mạng Nga). Nhưng thực tế là vào thời điểm đó, mỗi năm đều mang tính cách mạng. Hôm nay, ngay cả một người mới 30 tuổi cũng có thể thành thật nói với một thiếu niên đang hồ nghi rằng, “Khi tôi còn trẻ, thế giới hoàn toàn khác”. Internet là một ví dụ, nó chỉ được đưa vào sử dụng rộng rãi khoảng 20 năm về trước, đầu những năm 1990. Nhưng ngày nay thật khó để mường tượng ra một thế giới không có internet.

Do đó, mọi nỗ lực nhằm xác định đặc tính của xã hội hiện đại cũng giống như chuyện nhận biết màu sắc của một con tắc kè hoa. Đặc điểm duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là sự thay đổi không ngừng. Mọi người đã trở nên quen với việc này, và hầu hết chúng ta nghĩ về trật tự xã hội như một cái gì đó linh hoạt mà chúng ta có thể uốn nắn và cải thiện theo ý thích. Lời hứa chủ đạo của những nhà cai trị tiền hiện đại là bảo vệ một trật tự truyền thống hoặc thậm chí là trở lại thời kỳ vàng son đã mất. Trong hai thế kỷ qua, khẩu hiệu chính trị là lời hứa sẽ phá bỏ thế giới cũ và xây dựng một thế giới tốt hơn thay thế. Ngay cả phe bảo thủ nhất của các đảng chính trị cũng chỉ dám hứa giữ cho mọi thứ như chúng vốn có. Mọi người ai cũng hứa hẹn về cải cách xã hội, cải cách giáo dục và cải cách kinh tế – và họ thường hoàn thành những lời hứa đó.

Cũng như các nhà địa chất cho rằng chuyển động kiến tạo sẽ dẫn đến động đất và phun trào núi lửa, chúng ta cũng thường cho rằng các phong trào xã hội quyết liệt sẽ dẫn đến bùng phát bạo lực đẫm máu. Lịch sử chính trị của thế kỷ 19 và 20 thường được kể bằng một loạt các cuộc chiến khốc liệt, thảm sát và cách mạng. Giống như một đứa trẻ trong đôi ủng mới, nhảy từ vũng nước này qua vũng nước khác, quan điểm này nhìn lịch sử như sự nhảy cóc từ hết cuộc tắm máu đến cuộc tắm máu khác, từ Thế chiến I tới Thế chiến II, rồi đến Chiến tranh lạnh, từ cuộc diệt chủng người Armenia đến nạn diệt chủng người Do Thái và cả nạn diệt chủng người Rwanda, từ Robespierre tới Lenin rồi đến Hitler.

Chúng có phần đúng, nhưng danh sách các thảm họa quá ư quen thuộc này cũng gây nhầm lẫn. Chúng ta tập trung quá nhiều vào các vũng nước mà quên mất vùng đất khô phân tách chúng. Thời hiện đại đã chứng kiến mức độ chưa từng có không chỉ của bạo lực và sự ghê rợn, mà còn là thời kỳ của hòa bình và yên tĩnh. Charles Dickens đã viết về Cách mạng Pháp thế này, “Đó là cuộc cách mạng tuyệt vời nhất mọi thời đại nhưng đồng thời cũng là điều tồi tệ nhất mọi thời đại”. Nó có lẽ không chỉ đúng với Cách mạng Pháp mà còn với toàn bộ thời đại nó báo hiệu.