Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Những phát hiện khảo cổ học đều vừa hiếm hoi vừa không rõ ràng. Manh mối nào còn tồn tại về cuộc chiến tranh nào đó đã xảy ra hàng chục ngàn năm trước? Thời đó không có hào lũy và tường thành, không có đạn pháo hoặc kể cả gươm và khiên. Một ngọn giáo cổ xưa có thể đã được sử dụng trong chiến tranh, nhưng nó cũng có thể đã được sử dụng trong một cuộc đi săn. Hoá thạch xương người cũng khó mà giải thích. Một vết nứt gãy có thể chỉ ra một vết thương chiến tranh hoặc một tai nạn. Cũng không phải là nếu thiếu vắng những vết nứt gãy xương hay các vết cắt trên một bộ xương thì chúng ta có thể kết luận rằng bộ xương cổ đại đó thuộc về một người chết không do bạo lực. Chấn thương mô mềm không để lại dấu vết trên xương cũng có thể dẫn đến cái chết. Thậm chí quan trọng hơn, trong chiến tranh thời kỳ tiền công nghiệp, hơn 90% nạn nhân chiến tranh đã chết vì đói rét và bệnh tật chứ không phải do vũ khí. Hãy tưởng tượng rằng 30.000 năm trước, một bộ lạc đã đánh bại hàng xóm của mình và trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ đang sinh sống. Trong trận quyết chiến, 10 thành viên của bộ lạc thua trận đã bị giết. Trong năm sau, 100 thành viên của bộ lạc chết vì đói rét và bệnh tật. Các nhà khảo cổ học khi xem qua 110 bộ xương có thể dễ dàng kết luận rằng nạn nhân chết do thảm họa thiên nhiên nào đó. Làm thế nào chúng ta có thể nói rằng tất cả họ đều là nạn nhân của một cuộc chiến tranh tàn nhẫn?

Màn cảnh báo đã xong, và giờ thì chúng ta có thể chuyển sang những phát hiện khảo cổ học. Tại Bồ Đào Nha, một cuộc khảo sát đã được thực hiện trên 400 bộ xương từ thời kỳ ngay trước Cách mạng Nông nghiệp. Chỉ có hai bộ xương cho thấy dấu hiệu rõ ràng về bạo lực. Một cuộc khảo sát tương tự trên 400 bộ xương cùng thời kỳ tại Israel phát hiện một vết nứt duy nhất trên một hộp sọ duy nhất, có thể là do bạo lực của con người. Cuộc khảo sát thứ ba trên 400 bộ xương từ nhiều di chỉ thời kỳ tiền nông nghiệp ở thung lũng sông Danube cho thấy bằng chứng của bạo lực trên 18 bộ xương. 18 trong tổng số 400 nghe có vẻ không nhiều, nhưng nó thực sự là một tỉ lệ rất cao. Nếu tất cả 18 bộ xương đó thực sự là kết quả của những cái chết dữ dội, có nghĩa là khoảng 4,5% các ca tử vong ở thung lũng sông Danube cổ xưa có nguyên nhân từ bạo lực của con người. Ngày nay, tỉ lệ trung bình trên toàn thế giới chỉ là 1,5%, tính cả chiến tranh và tội phạm. Trong thế kỷ 20, chỉ có 5% trường hợp tử vong do bạo lực của con người, và đây là thế kỷ chứng kiến các cuộc chiến tranh đẫm máu nhất và nạn diệt chủng lớn nhất trong lịch sử. Nếu đây là trường hợp điển hình, thì thung lũng sông Danube cổ đại cũng bạo lực không kém gì thế kỷ 20.[6]

Những phát hiện buồn từ thung lũng sống Danube được hỗ trợ bởi một chuỗi các kết quả thất vọng ngang vậy được phát hiện từ các khu vực khác. Tại Jabl Sahaba ở Sudan, một nghĩa địa 12.000 năm tuổi chứa 59 bộ xương được phát hiện. Đầu mũi tên và mũi giáo được tìm thấy trong tình trạng đâm sâu vào trong hoặc nằm gần xương của 24 bộ xương, chiếm 40%. Bộ xương của một người phụ nữ có tới 12 vết thương. Trong hang Ofnet ở Bavaria, các nhà khảo cổ học còn phát hiện hài cốt của 38 người hái lượm, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị ném vào hai hố chôn tập thể. Một nửa các bộ xương, gồm cả trẻ em và trẻ sơ sinh, mang rõ dấu hiệu bị tấn công bởi vũ khí của con người như mác và dao. Một vài bộ xương thuộc về nam giới trưởng thành có những dấu hiệu bạo lực tồi tệ nhất. Có khả năng là toàn bộ một bầy người hái lượm đã bị tàn sát tại Ofnet.

Vậy bằng chứng nào đại diện tốt hơn cho thế giới của những người hái lượm cổ xưa: các bộ xương yên bình từ Israel và Bồ Đào Nha, hay các lò giết mổ của Jabl Sahaba và Ofnet? Câu trả lời là cả hai đều không. Cũng như khi thể hiện sự đa dạng trong các tôn giáo và cấu trúc xã hội, liệu người hái lượm có thể hiện những mức độ bạo lực khác nhau? Trong khi một số khu vực và một số thời điểm có thể được hưởng sự hòa bình và yên tĩnh, thì số khác lại bị xé nát bởi các cuộc xung đột dữ dội.

Bức màn im lặng

Nếu việc tái tạo một bức tranh tổng quát về cuộc sống của con người cổ đại là không hề dễ, thì các sự kiện cụ thể còn gần như vĩnh viễn không thể phục hồi. Khi một bầy Sapiens lần đầu tiên bước vào một thung lũng của Neanderthal, những năm tiếp theo có thể đã chứng kiến một bộ phim lịch sử hấp dẫn. Thật không may, không gì có thể tồn tại từ một cuộc gặp gỡ như vậy, ngoại trừ trong trường hợp tốt nhất là một vài khúc xương hoá thạch và một số ít các công cụ bằng đá, dù vẫn câm nín dưới những tìm tòi khoa học quyết liệt nhất. Chúng ta có thể trích xuất từ chúng thông tin về cơ thể, công nghệ, chế độ ăn uống, và thậm chí cả cấu trúc xã hội của con người. Nhưng chúng chẳng tiết lộ điều gì về liên minh chính trị giữa các bầy Sapiens láng giềng, về linh hồn của người chết ban phước cho liên minh này, hoặc về hạt ngà voi bí mật trao cho các thầy lang phù thủy địa phương để đảm bảo phước lành của các linh hồn.

Bức màn im lặng này kéo dài hàng chục ngàn năm lịch sử. Mấy thiên niên kỷ dài này cũng có thể đã chứng kiến các cuộc chiến tranh và cách mạng, những phong trào tôn giáo sôi sục, những lý thuyết triết học sâu xa, những kiệt tác nghệ thuật có một không hai. Người hái lượm có thể đã có những Napoleon-chinh-phục-tất-cả, người cai trị những đế quốc có quy mô bằng một nửa Luxembourg; có những Beethoven thiên tài dù không có dàn nhạc giao hưởng nhưng vẫn làm người ta rơi nước mắt bằng tiếng sáo trúc của mình; và những nhà tiên tri uy tín như Muhammad đã tiết lộ lời của một cây sồi tại địa phương, chứ không phải của một đấng sáng tạo phổ quát. Nhưng tất cả đều chỉ là phỏng đoán đơn thuần. Bức màn im lặng dày tới mức chúng ta thậm chí không thể dám chắc những điều đó đã xảy ra hay không, nói gì đến việc mô tả chúng chi tiết.

Các học giả có xu hướng chỉ đặt ra những câu hỏi mà họ có thể kỳ vọng có câu trả lời hợp lý. Nếu không có những công cụ khảo cứu mới, chúng ta sẽ không bao giờ biết được người hái lượm cổ đại tin gì hoặc đời sống chính trị của họ ra sao. Song, việc đặt ra những câu hỏi hiện chưa có câu trả lời vẫn rất quan trọng, nếu không chúng ta sẽ dễ bỏ qua 60.000 đến 70.000 năm lịch sử nhân loại với lời biện minh rằng “những người sống vào thời đó chẳng làm được gì quan trọng”.

Sự thật là họ đã làm được nhiều điều lớn lao. Đặc biệt, họ định hình thế giới xung quanh chúng ta ở mức độ lớn hơn nhiều những gì mọi người vẫn tưởng. Những khách bộ hành thăm lãnh nguyên Siberia, những sa mạc ở trung tâm nước Úc và các khu rừng nhiệt đới Amazon, tin rằng họ đã bước vào cảnh quan nguyên sơ, hầu như chưa bị tàn phá bởi bàn tay con người. Nhưng đó là một ảo tưởng. Những người hái lượm đã ở đó trước chúng ta, họ đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ ngay cả đối với những khu rừng dày đặc nhất và những cánh đồng vắng hoang vu nhất. Chương tiếp theo giải thích cách người hái lượm định hình lại hoàn toàn hệ sinh thái của hành tinh chúng ta từ rất lâu trước khi các làng nông nghiệp đầu tiên được xây dựng. Các bầy Sapiens lang thang biết kể chuyện mang sức mạnh quan trọng nhất và phá hoại nhất mà thế giới động vật từng sản sinh.

4. Trận lụt

Trước Cách mạng Nhận thức, loài người sống hoàn toàn trên một vùng đất rộng lớn thuộc lục địa Á-Phi. Đúng là họ đã định cư trên một vài hòn đảo bằng cách bơi qua những quãng đường ngắn hoặc vượt qua chúng bằng những chiếc bè gỗ tự chế. Ví dụ, con người đã định cư ở đảo Flores cách đây tận 850.000 năm. Tuy nhiên, họ vẫn chưa dám khám phá biển khơi và chưa một ai vươn tới được châu Mỹ, châu Úc và những hòn đảo xa xôi như Madagascar, New Zealand và Hawaii.

Rào cản biển khơi đã ngăn trở không chỉ con người mà còn rất nhiều loài động thực vật Á-Phi vươn tới “Thế giới Bên ngoài”. Kết quả là các sinh vật ở những vùng đất xa xôi như châu Úc và Madagascar đã tiến hoá một cách biệt lập trong hàng triệu triệu năm, có hình dạng và tính chất rất khác với họ hàng của chúng ở Á-Phi. Trái đất đã bị phân chia thành các hệ sinh thái riêng biệt, mỗi hệ được hình thành bởi một nhóm các loài động thực vật riêng biệt. Homo sapiens đang sắp sửa chấm dứt sự đa dạng sinh học này.

Tiếp theo sau Cách mạng Nhận thức, Sapiens đã nắm được kĩ thuật, các kĩ năng tổ chức, và thậm chí có thể lên cả kế hoạch để thoát ra khỏi Á-Phi và định cư ở Thế giới Bên ngoài. Thành tựu đầu tiên của họ là chiếm đóng châu Úc cách đây khoảng 45.000 năm. Các chuyên gia vấp phải nhiều khó khăn để lý giải thành tựu này. Để vươn tới châu Úc, loài người đã phải vượt qua nhiều eo biển, một số rộng hơn 100 km, và khi tới nơi họ phải thích nghi gần như lập tức với một hệ sinh thái hoàn toàn mới.

Giả định hợp lý nhất cho rằng, cách đây khoảng 45.000 năm, Sapiens sống ở quần đảo Indonesia (một nhóm các đảo riêng rẽ nhau và tách biệt khỏi châu Á bởi các eo biển nhỏ hẹp) đã phát triển những cộng đồng chuyên đi biển đầu tiên. Họ đã học đóng và điều khiển những con thuyền đi biển, trở thành những ngư dân, thương nhân và nhà thám hiểm đường dài. Điều này đã mang đến sự biến đổi chưa từng thấy về năng lực và lối sống của loài người. Các loài động vật có vú khác đã từng vượt biển như hải cẩu, bò biển, cá heo, đã phải tiến hoá trong hàng liên đại để phát triển các cơ quan chuyên biệt và một cơ thể hoạt động theo nguyên lý thủy động lực học. Sapiens ở Indonesia, con cháu của loài vượn sống ở đồng cỏ châu Phi, đã trở thành những thủy thủ vượt Thái Bình Dương mà không cần phát triển chân có màng và chờ cho mũi mình chuyển lên đỉnh đầu giống như cá voi. Thay vào đó, họ đóng thuyền và học cách điều khiển chúng. Chính những kĩ năng này đã giúp họ đến định cư tận châu Úc.