Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Song, cũng giống như thuyết vật linh vẫn tiếp tục tồn tại trong đa thần giáo, đa thần giáo vẫn tiếp tục tồn tại trong độc thần giáo. Về lý thuyết, khi một người tin rằng quyền lực tối cao của vũ trụ có những vị lợi và thiên kiến, vậy lý do trong việc thờ phụng những quyền lực cục bộ là gì? Ai sẽ muốn tiếp cận một công chức hạng thấp khi văn phòng tổng thống mở ra với bạn? Thật vậy, thần học độc thần có xu hướng phủ nhận sự tồn tại của tất cả các vị thần ngoại trừ một Đấng tối cao, đổ hỏa ngục và diêm sinh lên bất cứ ai dám thờ phụng những vị thần khác.

Song, luôn tồn tại một hố ngăn cách giữa lý thuyết thần học và thực tế lịch sử. Hầu hết mọi người nhận thấy rất khó khăn để tiêu hoá hoàn toàn ý tưởng về thuyết độc thần. Họ đã tiếp tục phân chia thế giới thành “chúng ta” và “chúng nó”, coi sức mạnh tối cao của vũ trụ quá xa xôi và xa lạ đối với nhu cầu trần tục của họ. Các tôn giáo độc thần đã trục xuất thần linh, vốn xuất hiện nơi cửa trước với rất nhiều sự phô trương, qua cửa sổ bên. Ví dụ, Ki-tô giáo cũng xây dựng những điện thờ riêng dành cho các thánh, với phần nghi lễ có khác nhau đôi chút so với những vị thần của đa thần giáo.

Cũng như thần Jupiter bảo vệ Rome và thần Huitzilopochtli bảo vệ Đế chế Aztec, mỗi vương quốc Ki-tô giáo có vị thánh bảo trợ của riêng mình, giúp nó vượt qua khó khăn và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Anh đã được bảo vệ bởi Thánh George, Scotland bởi Thánh Andrew, Hungary bởi Thánh Stephen, và Pháp bởi Thánh Martin. Các thành phố thị trấn, các ngành nghề, và thậm chí cả bệnh tật – tất cả đều có vị thánh của riêng mình. Thành phố Milan đã có Thánh Ambrose, trong khi Thánh Mark che chở thành phố Venice. Thánh Almo bảo vệ người thợ cạo ống khói, còn Thánh Matthew lại giúp đỡ những người thu thuế khi lâm nạn. Nếu bạn bị đau đầu, bạn phải cầu nguyện Thánh Agathius, nhưng nếu bị đau răng thì nguyện cầu Thánh Apollonia hiệu quả hơn nhiều.

Các thánh Ki-tô giáo không chỉ đơn thuần giống như các vị thần trong đa thần giáo cũ. Thường thì họ chính là những vị thân cải trang. Ví dụ, nữ thần chính của văn minh Celtic ở Ireland trước khi có sự xuất hiện của Ki-tô giáo là Brigid. Khi Ireland đã được Ki-tô hoá, Brigid cũng được rửa tội. Bà trở thành Thánh Brigid, người cho đến nay vẫn là vị thánh được tôn kính nhất trong Công giáo ở Ireland.

Cuộc chiến giữa thiện và ác

Đa thần giáo không chỉ sinh ra các tôn giáo độc thần, mà còn cả những tôn giáo nhị nguyên. Những tôn giáo nhị nguyên tán thành sự tồn tại của hai sức mạnh đối lập: thiện và ác. Không giống như thuyết độc thần, nhị nguyên cho rằng cái ác có một sức mạnh độc lập, không được tạo ra bởi Chúa lòng lành, và cũng không thấp kém hơn. Nhị nguyên giải thích rằng toàn bộ vũ trụ là một chiến trường giữa hai lực lượng này, và do đó tất cả những gì xảy ra trong thế giới này là một phần của cuộc đấu tranh.

Thuyết nhị nguyên là một thế giới quan đầy hấp dẫn, vì nó có câu trả lời ngắn gọn và đơn giản cho Vấn đề Cái ác nổi tiếng, một trong những mối quan tâm cơ bản của tư tưởng con người. “Tại sao có cái ác tồn tại trên thế giới? Tại sao có đau khổ? Tại sao những điều xấu lại xảy ra với những người tốt?” Những người độc thần giáo phải rèn luyện trí tuệ để giải thích làm thế nào mà một Đấng tối cao toàn tri, toàn năng và toàn thiện lại cho phép quá nhiều đau khổ trên thế giới. Một lời giải thích nổi tiếng cho rằng đây là cách Đấng tối cao cho phép tự do ý chí trong con người. Nếu không có cái ác, con người không thể lựa chọn giữa cái thiện và cái ác, và do đó sẽ không có ý chí tự do. Tuy nhiên, đây là một câu trả lời không trực quan, bởi nó ngay lập tức đặt ra một loạt các câu hỏi mới. Tự do của ý chí cũng cho phép con người lựa chọn cái ác. Nhiều người thực sự chọn cái ác, và theo lời giải thích độc thần giáo chuẩn mực, lựa chọn này phải mang lại sự trừng phạt của Đấng tối cao trong kết quả cuối cùng của nó. Nếu Đấng tối cao biết trước rằng một người cụ thể sẽ sử dụng ý chí tự do của mình để lựa chọn cái ác, và kết quả là người đó sẽ chịu trừng phạt vì điều này bằng việc bị tra tấn đời đời trong địa ngục, vậy tại sao Đấng tối cao lại tạo ra người ấy? Các nhà thần học đã viết vô số sách để trả lời câu hỏi như vậy. Một số tìm thấy câu trả lời thuyết phục. Một số thì không. Có điều không thể phủ nhận là những người độc thần giáo đã trải qua quãng thời gian khó khăn để đối phó với Vấn đề Cái ác.

Đối với những người nhị nguyên, điều xấu xảy ra ngay cả với người tốt, vì thế giới không bị chi phối bởi một Đấng tối cao toàn tri, toàn năng và toàn thiện. Vẫn tồn tại một sức mạnh của cái ác độc lập bao trùm lên thế giới. Sức mạnh của cái ác tạo ra những điều xấu.

Quan điểm nhị nguyên cũng có nhược điểm riêng của nó. Đúng, nó cung cấp một giải pháp rất đơn giản để trả lời cho Vấn đề Cái ác, nhưng nó lại bối rối bởi Vấn đề Trật tự. Nếu thế giới đã được tạo ra bởi một Đấng tối cao duy nhất, hiển nhiên thế giới sẽ là nơi có trật tự, mọi thứ đều tuân theo những quy luật chung. Nhưng nếu Thiện và Ác đánh nhau giành quyền kiểm soát thế giới, ai sẽ là người thực thi các quy luật chi phối cuộc chiến vũ trụ này? Hai quốc gia đối địch có thể chiến đấu với nhau vì cả hai đều tồn tại trong không gian và thời gian, đều tuân theo những quy luật vật lý. Một tên lửa phóng đi từ Pakistan có thể bắn trúng mục tiêu trong lãnh thổ Ấn Độ vì các quy luật vật lý là giống nhau ở cả hai nước. Trong cuộc chiến giữa Thiện và Ác, luật pháp chung nào buộc cả hai bên phải tuân thủ, và ai là người ban hành luật pháp đó?

Vậy nên, độc thần giáo giải thích tốt trật tự, nhưng lại hoang mang trước cái ác. Thuyết nhị nguyên giải thích tốt cái ác, nhưng lại lúng túng trước trật tự. Có một cách thức hợp lý giải quyết bài toán này: lập luận rằng có một Đấng toàn năng duy nhất đã tạo ra toàn bộ vũ trụ – và đó là một Thượng đế ác. Nhưng không một ai trong lịch sử lại dung chứa một niềm tin như vậy.

Tôn giáo nhị nguyên phát triển mạnh mẽ trong hơn một ngàn năm. Vào khoảng thời gian giữa năm 1500 và 1000 TCN, một nhà tiên tri tên là Zoroaster (Zarathustra) hoạt động đâu đó ở Trung Á. Tín ngưỡng của ông được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến khi nó trở thành tôn giáo nhị nguyên quan trọng nhất – Bái hỏa giáo. Tín đồ Bái hỏa giáo nhìn thế giới như một trận chiến vũ trụ giữa thần thiện Ahura Mazda và thần ác Angra Mainyu. Con người phải giúp thần thiện trong trận chiến này. Bái hỏa giáo là một tôn giáo quan trọng trong Đế chế Ba Tư thời Achaemenid (năm 550-330 TCN) và sau này trở thành tôn giáo chính thức của Đế chế Ba Tư thời Sassanid (năm 224-651). Nó có tầm ảnh hưởng lớn đến hầu hết mọi tôn giáo ở Trung Đông và Trung Á sau này, và nó truyền cảm hứng cho một số tôn giáo nhị nguyên khác, chẳng hạn như Ngộ đạo giáo (Gnosticism) và Mani giáo (Manichaeanism).

Trong thế kỷ 3 và 4, Mani giáo lan rộng từ Trung Hoa đến Bắc Phi, và có những thời điểm, dường như đã đánh bại Ki-tô giáo để thống trị Đế chế La Mã. Song, Mani giáo đã để mất Rome về tay các tín đồ Ki-tô giáo, Đế chế Sassanid theo Bái hỏa giáo bị đẩy lùi bởi Hồi giáo độc thần, và làn sóng nhị nguyên dần lắng xuống. Hiện nay chỉ có một số ít cộng đồng theo thuyết nhị nguyên còn tồn tại ở Ấn Độ và Trung Đông.

Tuy nhiên, cơn thủy triều độc thần giáo đang dâng đã không thực sự quét sạch được chủ nghĩa nhị nguyên. Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo độc thần hấp thụ rất nhiều tín lý và thực hành nhị nguyên, và một số trong những ý tưởng cơ bản nhất về những gì chúng ta gọi là “độc thần”, trên thực tế chính là nhị nguyên về nguồn gốc và tinh thần. Vô số tín đồ Ki-tô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo tin vào một thế lực tà ác mạnh mẽ mà người Ki-tô giáo gọi là Ác quỷ hay Satan, những kẻ có thể hoạt động độc lập, chiến đấu chống lại Chúa lòng lành, và phá hoại mà không được Chúa cho phép.

Làm thế nào một tín đồ độc thần giáo có thể tuân theo một niềm tin nhị nguyên như vậy? (Nhân tiện, chẳng có điều gì tương tự như thế trong Cựu Ước.) Theo logic, đó là điều không thể. Hoặc là bạn tin vào một Đấng toàn năng duy nhất, hoặc bạn tin vào hai sức mạnh đối lập, không bên nào là toàn năng. Tuy nhiên, con người có một khả năng tuyệt vời để tin vào những mâu thuẫn. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi mà hàng triệu tín đồ Ki-tô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo mộ đạo tin rằng, tại cùng một nơi và cùng một thời điểm, tồn tại cùng lúc một Đấng toàn năng và một Ác quỷ độc lập. Vồ số tín đồ Ki-tô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo đã tưởng tượng tới mức rằng Chúa lòng lành thậm chí còn cần sự giúp đỡ của chúng ta trong cuộc đấu tranh chống lại Ác quỷ, điều này tạo cảm hứng cho những lời kêu gọi thánh chiến và thập tự chinh.

Một khái niệm nhị nguyên quan trọng khác, đặc biệt là ở Ngộ đạo giáo và Mani giáo là sự phân biệt rõ ràng giữa thể xác và linh hồn, giữa vật chất và tinh thần. Ngộ đạo giáo và Mani giáo lập luận rằng Chúa lòng lành tạo ra tinh thần và linh hồn, trong khi vật chất và thân xác là sự sáng tạo của quỷ dữ. Theo quan điểm này, con người là hiện thân của một cuộc chiến giữa linh hồn tốt đẹp và thân xác xấu xa. Từ quan điểm độc thần, điều đó là vô nghĩa – tại sao lại phân biệt quá rạch ròi giữa thể xác và tâm hồn, hoặc vật chất và tinh thần? Và tại sao phải lập luận rằng vật chất và thể xác là xấu xa? Suy cho cùng, mọi thứ đã được tạo ra bởi cùng một Chúa lòng lành. Nhưng người độc thần giáo không thể không bị quyến rũ bởi khái niệm phân đôi của nhị nguyên, chính xác là do chúng đã giúp họ giải quyết các vấn đề của cái ác. Vì vậy, chính những phản đối này cuối cùng lại trở thành nền tảng tư tưởng của Ki-tô giáo và Hồi giáo. Niềm tin vào thiên đường (vương quốc của Chúa lòng lành) và địa ngục (vương quốc của ác quỷ) cũng có nguồn gốc từ quan điểm nhị nguyên. Không có dấu vết của niềm tin này trong Cựu Ước, và Cựu Ước cũng không bao giờ tuyên bố rằng linh hồn của con người tiếp tục tồn tại sau khi cơ thể chết đi.