Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Nước khử ion, acid stearic, glycerin, caprylic/caprictiglyceride, propylene glycol, myristate isopropyl, chiết xuất từ rễ sâm, nước hoa, cetyl alcohol, triethanolamine, dimeticone, arctostaphylos tách chiết từ lá uva-ursi, magnesium ascorbyl phosphate, imidazolidinyl urê, methylparaben, camphor, propyl paraben, hydroxyisohexyl 3-cyclohexen carboxaldehyde, hydroxycitronellal, linalool, butylphenyl methylproplonal, citronnellol, limonene, geraniol.

Hầu như tất cả các thành phần này đã được phát minh, khám phá chỉ trong hai thế kỷ qua.

Trong Thế chiến I, Đức bị phong tỏa và phải chịu đựng tình trạng thiếu trầm trọng nguyên vật liệu, đặc biệt là diêm tiêu (muối kali nitrat KNO3), một thành phần thiết yếu trong thuốc súng và các loại chất nổ khác. Những mỏ dự trữ quan trọng nhất của chất này nằm ở Chile và Ấn Độ, còn Đức không có mỏ kali nitrat nào. Đúng là kali nitrat có thể được thay thế bằng ammonia, nhưng chi phí sản xuất cũng rất cao. May mắn cho người Đức, một trong những đồng bào của họ, nhà hoá học gốc Do Thái tên là Fritz Haber, vào năm 1908 đã phát minh ra quy trình sản xuất ammonia sử dụng không khí. Khi chiến tranh nổ ra, người Đức đã sử dụng phát minh của Haber để bắt đầu sản xuất thuốc nổ ở quy mô công nghiệp, sử dụng không khí như một nguyên liệu thô. Một số học giả tin rằng nếu không có phát minh của Haber, chắc chắn Đức đã buộc phải đầu hàng từ trước tháng Mười một năm 1918 khá lâu. Phát minh của Haber (người trong chiến tranh cũng đi tiên phong trong việc sử dụng các khí độc trên chiến trường) đã được trao giải Nobel năm 1918, về lĩnh vực hoá học chứ không phải về hòa bình.

Cuộc sống trên dây chuyền sản xuất

Cách mạng Công nghiệp đã đem lại một sự kết hợp chưa từng có giữa nguồn năng lượng và nguyên vật liệu, hai thứ đều dồi dào và rẻ mạt. Kết quả là một sự bùng nổ trong hoạt động sản xuất của con người. Sự bùng nổ đầu tiên và quan trọng nhất là trong nông nghiệp. Thông thường, khi nghĩ về Cách mạng Công nghiệp, chúng ta nói đến một cảnh quan đô thị với những ống khói nhà máy, hoặc hoàn cảnh khốn khổ của người thợ mỏ than đổ mồ hôi trong lòng đất. Tuy nhiên, trên tất cả, Cách mạng Công nghiệp chính là Cách mạng Nông nghiệp lần thứ hai.

Trong suốt 200 năm qua, phương thức sản xuất công nghiệp đã trở thành trụ cột của ngành nông nghiệp. Những cỗ máy như máy kéo bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mà trước đây được tiến hành bằng sức mạnh cơ bắp, hoặc không thể thực hiện được. Số lượng các cánh đồng và đàn gia súc tăng nhanh nhờ năng suất cao hơn vì có phân bón nhân tạo, thuốc trừ sâu công nghiệp, cả một kho kích thích tố và thuốc chữa bệnh. Tủ lạnh, tàu thuyền, máy bay giúp con người có thể lưu trữ sản phẩm trong nhiều tháng, vận chuyển chúng một cách nhanh và rẻ sang tận đầu kia thế giới. Châu Âu bắt đầu ăn thịt bò Argentina tươi và sushi Nhật Bản.

Ngay cả thực vật và động vật cũng được cơ giới hoá. Vào khoảng thời gian mà Homo sapiens được các tôn giáo nhân văn nâng lên ngang tầm với thần thánh, vật nuôi không được xem là những sinh vật có thể cảm thấy đau đớn và buồn khổ, thay vào đó chúng được xem như những cỗ máy. Ngày nay, những loài động vật thường được sản xuất hàng loạt tại các cơ sở chăn nuôi giống như nhà máy, cơ thể của chúng bị biến đổi để có hình dạng phù hợp với nhu cầu công nghiệp. Chúng trải qua toàn bộ chu trình sống như những bánh xe có răng cưa trong một dây chuyển sản xuất khổng lồ, độ dài và chất lượng tồn tại của chúng được xác định bởi lợi nhuận và sự thua lỗ của các tập đoàn kinh doanh. Ngay cả khi ngành công nghiệp quan tâm đến việc nuôi sống chúng, cho chúng sống lành mạnh và ăn đầy đủ, cũng không hề thực sự quan tâm đến tính chất xã hội và tâm lý của con vật (trừ phi nó có ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất).

Ví dụ, gà mái đẻ trứng có cả một thế giới phức tạp các nhu cầu và động lực hành vi. Chúng cảm thấy sự thôi thúc mạnh mẽ để tìm hiểu môi trường của mình, tìm kiếm thức ăn xung quanh, xác định hệ thống thứ bậc xã hội, tự làm tổ và tự chải chuốt cho mình. Nhưng ngành công nghiệp sản xuất trứng thường nhốt lũ gà mái trong chuồng nhỏ, và thường là họ nhốt chung bốn con gà mái trong một cái lồng, mỗi lồng có diện tích mặt sàn với hai chiều ngang dọc khoảng 22-25 cm. Gà mái nhận đủ lương thực, nhưng chúng không có chủ quyền lãnh thổ, xây tổ hoặc tham gia vào các hoạt động tự nhiên khác. Thật vậy, chiếc lồng quá nhỏ tới mức thậm chí con gà thường không thể vỗ cánh hay hoàn toàn đứng thẳng được.

Lợn là một trong những loài động vật có vú thông minh và ham học hỏi, có lẽ chỉ xếp sau các loài vượn cỡ lớn. Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp thường xuyên nhốt lợn nái bên trong chuồng nhỏ, khiến chúng không thể quay đầu (chưa nói đến việc đi bộ hoặc tìm kiếm thức ăn). Lợn nái được giữ trong những chiếc chuồng như thế suốt ngày đêm trong vòng bốn tuần sau sinh. Con của chúng sau đó được đưa đi vỗ béo, và lợn nái được tiếp tục cho giao phối để đón chào các lứa lợn con tiếp theo.

Nhiều con bò sữa sống gần như cả đời bên trong một chuồng nuôi nhốt nhỏ hẹp; đứng, ngồi, ngủ trong nước tiểu và phân của mình. Chúng nhận được khẩu phần của mình: thực phẩm, kích thích tố và thuốc từ các loại máy móc, cứ vài giờ bị vắt sữa một lần bởi một tập hợp máy móc khác. Vị thế của con bò không gì hơn ngoài một cái miệng ăn nhận nguyên vật liệu và bầu vú là nơi sản xuất ra hàng hoá. Việc đối xử với các sinh vật sở hữu thế giới tình cảm phức tạp như thể chúng là những cỗ máy có thể khiến cho chúng không chỉ khó chịu về thể chất, mà còn gánh nhiều căng thẳng xã hội và tâm lý khó chịu.

Gà con trong dây chuyền của một trại ấp thương mại

Hình 40. Những con gà con trên dây chuyền trong một trại ấp thương mại. Gà trống và gà mái con không hoàn hảo đều bị tách ra khỏi dây chuyền và sau đó bị chết ngạt trong phòng hơi ngạt, bỏ vào máy cắt vụn tự động, hoặc chỉ đơn giản là ném vào thùng rác, nơi chúng bị nghiền nát đến chết. Hàng trăm triệu con gà chết mỗi năm trong các trại ấp như vậy.

Cũng như việc buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương không bắt nguồn từ thù hận đối với người châu Phi, ngành chăn nuôi hiện đại không hề được thúc đẩy bởi tình trạng thù hằn. Một lần nữa, nó được thúc đẩy bởi sự thờ ơ. Hầu hết những người chăn nuôi và tiêu thụ trứng, sữa, thịt hiếm khi dừng lại để suy nghĩ về số phận của những con gà, bò hay lợn được nuôi để cung cấp thịt và các sản phẩm khác họ đang ăn. Một số người nếu có suy nghĩ, thường lập luận rằng những loài động vật như vậy chỉ có đôi chút khác biệt với các loại máy móc, không có cảm giác và cảm xúc, không cảm nhận được đau khổ. Trớ trêu thay, chính các ngành khoa học vốn đã tạo hình cho những cái máy làm sữa và máy đẻ trứng của chúng ta, gần đây đã chứng minh đầy thuyết phục rằng động vật có vú và loài chim vốn có cảm giác và cảm xúc phức tạp. Chúng không chỉ cảm thấy đau đớn thể xác, mà còn có thể bị đau khổ về cảm xúc.

Tâm lý học tiến hoá cho rằng nhu cầu cảm xúc và xã hội của động vật trang trại tiến hoá trong điều kiện tự nhiên, nơi chúng cần thiết cho sự tồn tại và sinh sản. Ví dụ, một con bò hoang dã phải biết cách tạo mối quan hệ gần gũi với bò cái và bò đực khác, nếu không nó không thể sống sót và sinh sản. Để có thể học được những kĩ năng cần thiết, sự tiến hoá cấy vào các con bê – như trong các con con của tất cả động vật xã hội có vú khác – một thôi thúc vui chơi mạnh mẽ (chơi là cách động vật có vú học các hành vi xã hội). Và chúng còn được cấy một thôi thúc mạnh mẽ hơn là gắn bó với mẹ của chúng, nơi mà sữa và sự chăm sóc rất cần thiết để tồn tại.

Điều gì xảy ra nếu nông dân bây giờ có một con bê nhỏ, tách nó ra khỏi bò mẹ rồi đặt vào trong một cái lồng kín, cung cấp thức ăn, nước uống và thuốc tiêm chủng để chống lại bệnh tật, rồi sau đó, khi nó đủ tuổi, cho nó thụ tinh với tinh trùng của bò đực? Từ góc độ khách quan, con bê này không cần gắn bó với mẹ hoặc chơi đùa để tồn tại và sinh sản. Nhưng từ góc độ chủ quan, con bê vẫn cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ để gắn kết với mẹ nó và chơi với các con bê khác. Nếu những thôi thúc này không được đáp ứng, con bê sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là bài học cơ bản của tâm lý học tiến hoá: một nhu cầu hình thành trong tự nhiên tiếp tục được cảm nhận chủ quan ngay cả khi nó không còn thực sự cần thiết cho sự tồn tại và sinh sản. Thảm kịch của ngành nông nghiệp là chúng ta rất cẩn thận với nhu cầu khách quan của động vật, trong khi bỏ qua nhu cầu chủ quan của chúng.

Con khỉ mồ côi của Harlow

Hình 41. Một trong những con khỉ mồ côi của Harlow vẫn bám vào người mẹ vải trong khi đang bú sữa từ người mẹ kim loại.

Tính đúng đắn của lý thuyết này được biết đến ít ra là từ năm 1950, khi nhà tâm lý học người Mỹ Harry Harlow nghiên cứu sự sinh trưởng của những con khỉ. Harlow đã tách khỉ sơ sinh khỏi mẹ chỉ vài giờ sau khi chào đời. Những con khỉ đã bị cô lập trong lồng, và sau đó được nuôi dưỡng bởi các bà mẹ giả. Trong mỗi lồng, Harlow đặt hai hình nộm giả. Một được làm bằng dây kim loại, và được nối với một chai sữa mà từ đó con khỉ con có thể mút. Hình nộm khác được làm bằng gỗ bọc vải, khiến nó trông giống như một người mẹ khỉ thật, nhưng không cung cấp cho đám khỉ sơ sinh bất cứ nguồn nuôi dưỡng nào. Người ta giả định rằng đám khỉ con sẽ bám vào bà mẹ kim loại bổ dưỡng hơn là một miếng vải thô ráp.

Trước sự ngạc nhiên của Harlow, đám khỉ sơ sinh thể hiện một sở thích đáng kể dành cho con khỉ mẹ bằng vải, dành phần lớn thời gian của chúng với nó. Khi hai hình nộm được đặt gần nhau, đám khỉ sơ sinh vẫn ôm ấp bà mẹ vải ngay cả khi chúng đang leo lên để hút sữa từ bà mẹ bằng kim loại. Harlow nghi ngờ rằng có lẽ lũ khỉ làm thế vì chúng bị lạnh. Vì vậy, ông trang bị một bóng đèn điện bên trong người mẹ dây kim loại, mà bây giờ tỏa ra nhiệt. Hầu hết lũ khỉ, ngoại trừ những con còn rất nhỏ, vẫn tiếp tục thích bà mẹ vải.