Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Những nạn nhân của Cách mạng

Thỏa thuận Faust[9] giữa con người và ngũ cốc không phải là trường hợp duy nhất mà loài người đã thực hiện. Một thỏa thuận khác được ký kết liên quan đến số phận của các loài động vật như cừu, dê, lợn và gà. Những bầy người du cư lén đuổi theo những con cừu hoang dã đã dần làm thay đổi cấu tạo của bầy thú mà họ săn. Quá trình này có khả năng bắt đầu bằng việc săn bắt có chọn lọc. Con người đã nhận thấy rằng họ sẽ có lợi nếu chỉ săn bắt những con cừu đực trưởng thành hoặc những con cừu già hay ốm yếu. Họ tha cho những con cừu cái tốt giống và những con cừu còn non để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của đàn thú địa phương. Bước thứ hai có thể là tích cực bảo vệ đàn thú khỏi những động vật ăn thịt, đánh đuổi sư tử, chó sói và những bầy người thù địch khác. Tiếp theo, họ có thể dồn đàn thú vào trong những hẻm núi chật hẹp để kiểm soát và bảo vệ chúng tốt hơn. Cuối cùng, họ bắt đầu lựa chọn những con cừu một cách cẩn thận hơn để đáp ứng nhu cầu của mình. Những con cừu đực hung hăng nhất, kháng cự hùng hổ nhất sự quản lý của con người sẽ bị thịt đầu tiên. Tương tự như vậy với những con cái gầy gò nhất và thường phá phách nhất. (Người chăn cừu không thích những con cừu có tính tò mò hay tách khỏi bầy đàn của nó). Cứ mỗi lứa trôi qua, đàn cừu càng trở nên béo tốt hơn, ngoan ngoãn hơn và ít tò mò hơn. Thế đấy! Mary có một con cừu nhỏ, và mỗi khi Mary đi bất cứ đâu, nó cũng đi theo.[10]

Khả năng khác là những người đi săn có thể bắt và “nuôi dưỡng” một con cừu, vỗ béo nó trong những tháng sung túc và giết thịt nó trong mùa đói kém. Ớ một số giai đoạn, họ bắt đầu giữ lại nhiều hơn những con cừu như vậy. Một số con cừu đến tuổi động dục và bắt đầu sinh sản. Những con hung hăng nhất, ngỗ ngược nhất sẽ được đưa đến lò mổ đầu tiên. Những con ngoan ngoãn nhất, béo tốt nhất sẽ được phép sinh sản và sống lâu hơn. Kết quả là một đàn cừu đã được thuần hoá và biết nghe lời.

Những con vật đã được thuần hoá như cừu, gà, lừa và nhiều con khác, cung cấp thực phẩm (thịt, trứng, sữa), nguyên liệu thô (da, lông) và sức mạnh cơ bắp. Vận chuyển, cày xới, xay nghiền và các việc khác, cho tới lúc bấy giờ được thực hiện bởi con người, thì nay đã được các con vật thay thế ngày càng nhiều hơn. Trong hầu hết các xã hội nông nghiệp, con người chủ yêu tập trung vào việc trồng trọt, còn chăn nuôi là hoạt động thứ cấp. Nhưng một mô hình xã hội mới cũng đã xuất hiện ở vài nơi, chủ yếu dựa vào việc khai thác các loài vật: những bộ lạc chăn nuôi gia súc trên đồng cỏ.

Khi con người lan ra khắp thế giới, theo đó những con vật mà họ thuần hoá cũng vậy. Cách đây khoảng 10.000 năm, chỉ có vài triệu con cừu, bò, dê, lợn và gà sống trong những hang hốc hạn hẹp ở Á-Phi. Ngày nay, thế giới có khoảng một tỉ con cừu, một tỉ con lợn, hơn một tỉ con gia súc và hơn 25 tỉ con gà. Và chúng ở khắp nơi trên địa cầu. Gà thuần chủng là loại thịt phổ biến nhất cho đến tận bây giờ. Sau Homo sapiens, các loài gia súc, lợn và cừu thuần chủng là những loài động vật lớn có vú lan tỏa rộng khắp hơn cả, vào hàng thứ hai, thứ ba và thứ tư trên thế giới. Từ góc nhìn hẹp về tiến hoá, vốn đánh giá sự thành công dựa vào số lượng bản sao ADN, Cách mạng Nông nghiệp là ấn huệ tuyệt vời cho gà, gia súc, lợn và cừu.

Thật không may, góc nhìn tiến hoá là một đánh giá không hoàn chỉnh về sự thành công. Nó phán xét mọi thứ bằng tiêu chuẩn về sống sót và sinh sản mà không quan tâm đến nỗi đau khổ hay niềm hạnh phúc của mỗi cá thể. Gà và gia súc thuần hoá có thể là một câu chuyện tiến hoá thành công, nhưng chúng cũng ở trong số những sinh vật khốn khổ nhất từng tồn tại. Thuần hoá động vật đã được dựa trên các biện pháp tàn bạo nhất, và ngày càng trở nên độc ác hơn theo các thế kỷ.

Đời sống trong tự nhiên của gà hoang kéo dài khoảng 7-12 năm, và đối với gia súc là khoảng 20-25 năm. Trong môi trường hoang dã, hầu hết gà và gia súc sẽ chết sớm hơn nhiều, nhưng chúng lại có cơ hội sống tốt hơn trong một vài năm tươi đẹp. Ngược lại, đại đa số gà và gia súc được thuần hoá đều bị giết thịt khi mới được vài tuần hoặc vài tháng tuổi, vì đó luôn là độ tuổi giết mổ tối ưu đứng trên quan điểm kinh tế. (Tại sao phải nuôi một con gà đến ba năm nếu như nó đã đạt cân nặng tối đa sau ba tháng?)

Gà mái đẻ, bò sữa và súc vật kéo xe đôi khi cũng được phép sống nhiều năm. Nhưng cái giá phải trả là sự nô dịch hoá trong một cuộc sống hoàn toàn xa lạ với những nhu cầu và khát vọng của chúng. Ví dụ, có thể giả định hợp lý rằng bò đực thích lang thang trên những đồng cỏ rộng rãi cùng với bò đực và bò cái khác, hơn là kéo những chiếc xe và cái cày dưới gông cùm của một con vượn cầm roi.

Bức tranh từ ngôi mộ của người Ai Cập: một cặp bò đực thiến đang cày ruộng.

Hình 13. Một bức tranh từ ngôi mộ của người Ai Cập (khoảng năm 1200 TCN): một cặp bò đực thiến đang cày ruộng. Trong tự nhiên, gia súc đi lang thang, chúng thấy dễ chịu khi ở trong bầy với một cấu trúc xã hội phức tạp. Bò đực bị thiến và thuần hoá đã lãng phí đời mình dưới roi đòn và trong chiếc chuồng hẹp, lao động đơn độc hoặc theo cặp, một kiểu sống không thích hợp với cơ thể cũng như nhu cầu bầy đàn và cảm xúc của chúng. Khi một con bò đực không thể kéo cày được nữa, nó sẽ bị thịt. (Để ý tư thế cong người của người nông dân Ai Cập cũng rất giống bò đực, dành cả đời mình để lao động cực nhọc, ngược đãi cơ thể, tâm trí và các mối quan hệ xã hội của anh ta.)

Để có thể biến bò đực, ngựa, lừa và lạc đà thành những con vật kéo xe biết nghe lời, phải phá vỡ các bản năng tự nhiên và gắn kết bầy đàn, phải kìm lại tính hung hăng và bản năng tình dục, tước đi sự tự do di chuyển của chúng. Nông dân phát triển những kĩ thuật như nhốt súc vật trong chuồng, lồng, kìm giữ chúng bằng dây cương hoặc xích, huấn luyện chúng bằng roi da và gậy nhọn, cắt bỏ những bộ phận không cần thiết của chúng. Hầu hết những con đực đều bị thiến trong quá trình thuần hoá. Làm vậy sẽ kiềm chế tính hung hăng của con đực, giúp con người có thể kiểm soát có chọn lọc việc sinh sản của gia súc.

Trong nhiều cộng đồng xã hội New Guinea, theo truyền thống, sự giàu có của một người được đánh giá bằng số lợn mà anh ta hay chị ta sở hữu. Để ngăn lợn không đi mất, những nông dân ở phía bắc New Guinea đã cắt bỏ một mẩu mũi của chúng. Điều này sẽ gây ra đau đớn khủng khiếp mỗi khi con vật cố gắng đánh hơi. Vì lợn không thể tìm thức ăn và thậm chí không thể tìm được đường đi mà không đánh hơi, nên sự cắt bỏ này làm chúng phụ thuộc hoàn toàn vào người chủ của mình. Ở vùng khác thuộc New Guinea, có tục chọc mù mắt lợn để chúng thậm chí không thể nhìn được mình đang đi đâu.

Ngành công nghiệp sản xuất bơ sữa cũng có nhiều chiêu trò riêng để cưỡng ép các loài vật làm theo ý muốn của mình. Bò, dê và cừu chỉ tiết sữa sau khi đẻ, và chỉ khi những con con còn bú. Để tiếp tục vắt sữa động vật, nông dân cần những con con bú mẹ, nhưng lại phải ngăn chúng độc quyền nguồn sữa. Một trong những cách phổ biến trong lịch sử là đơn giản giết thịt những con con ngay sau khi sinh ra, vắt sữa con mẹ triệt để và sau đó lại làm con mẹ tiếp tục mang thai. Đây hiện vẫn là một phương pháp rất phổ biến. Trong nhiều trang trại sữa hiện đại, một con bò sữa thường sống được khoảng năm năm trước khi bị thịt. Trong suốt năm năm đó, nó thường mang thai liên tục, và lại được thụ tinh trong vòng 60 đến 120 ngày sau khi sinh con để duy trì việc cho sữa tối đa. Bò con bị tách khỏi mẹ rất sớm sau khi sinh. Con cái được nuôi để trở thành thế hệ bò sữa tiếp theo, trong khi đó con đực được chuyển cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến thịt.

Một phương pháp khác là giữ cho những con con ở gần con mẹ, nhưng dùng nhiều mẹo để đánh lừa chúng, ngăn chúng bú quá nhiều sữa. Cách đơn giản nhất là cho những con dê con hoặc con bê bắt đầu bú mẹ, nhưng khi sữa bắt đầu chảy thì lại mang chúng đi chỗ khác. Cách này thường gặp phải sự kháng cự của cả con mẹ lẫn con con. Một số bộ lạc chăn cừu thường giết những con con, ăn thịt và nhồi da chúng. Những con con đã bị nhồi da sau đó sẽ được đưa đến chỗ con mẹ, và sự có mặt này sẽ kích thích sự tiết sữa của con mẹ. Bộ lạc Nuer ở Sudan thậm chí còn bôi nước tiểu của con mẹ lên những con con đã bị nhồi da, làm cho chúng có mùi quen thuộc và như thật. Một kĩ thuật khác của người Nuer là buộc một vòng cây có gai xung quanh mõm của con bê, khiến nó chọc vào con mẹ và con mẹ không muốn cho con con bú sữa. Người Tuareg chăn nuôi lạc đà ở Sahara thường đâm thủng hoặc cắt đi các phần mũi hoặc môi trên của lạc đà con, khiến chúng đau khi cố bú, do đó ngăn chúng tiêu thụ quá nhiều sữa.

Không phải mọi xã hội nông nghiệp đều tàn bạo như vậy với vật nuôi trong trang trại của mình. Cuộc sống của một số loài động vật thuần hoá có thể khá tốt. Cừu được nuôi để lấy len, chó, mèo, ngựa chiến, ngựa đua thường được hưởng những điều kiện sống cực kỳ thoải mái. Nghe đâu Hoàng đế La Mã Caligula từng có ý định phong chức quan chấp chính cho con ngựa yêu thích của mình là Incitatus. Trong lịch sử, những người chăn cừu và nông dân đều thể hiện tình cảm yêu mến của mình đối với vật nuôi và chăm sóc chúng rất chu đáo, giống như các chủ nô yêu quý và quan tâm đến nô lệ của mình. Không phải ngẫu nhiên mà những ông vua và nhà tiên tri đều tạo cho mình phong cách giống người chăn cừu, so sánh cách họ và những vị thần quan tâm đến thần dân như người chăn cừu châm sóc bầy cừu của mình.