Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Điều này không có nghĩa là Homo sapiens và văn hoá của con người đã trở nên miễn nhiễm với các quy luật sinh học. Chúng ta vẫn là những con vật, và khả năng thể chất, tình cảm và nhận thức của chúng ta vẫn được định hình bởi ADN của chúng ta. Xã hội của chúng ta được xây dựng từ những nền móng giống như Neanderthal hoặc xã hội loài tinh tinh, và chúng ta càng đào sâu vào những nền móng đó – cảm giác, cảm xúc, quan hệ gia đình – chúng ta càng thấy ít sự khác biệt giữa mình và các loài vượn khác.

Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu chỉ tìm sự khác biệt ở cấp độ cá nhân hoặc gia đình. Nếu so một với một, thậm chí 10 với 10, chúng ta giống với tinh tinh đến mức bối rối. Sự khác biệt đáng kể bắt đầu xuất hiện chỉ khi chúng ta vượt qua ngưỡng 150 cá nhân, và khi chúng ta đạt 1.000-2.000 cá nhân, sự khác biệt là rất đáng kinh ngạc. Nếu bạn cố gắng xếp hàng ngàn tinh tinh vào quảng trường Thiên An Môn, phố Wall, Vatican hoặc trụ sở Liên Hợp Quốc, kết quả sẽ rất hỗn loạn. Ngược lại, Sapiens thường xuyên tụ tập lên đến hàng ngàn người ở những nơi như vậy. Cùng nhau, họ tạo ra các mô hình trật tự – chẳng hạn như các mạng lưới thương mại, lễ hội quần chúng và các thiết chế chính trị – những thứ mà họ không bao giờ có thể tạo ra trong cô lập, Sự khác biệt thật sự giữa chúng ta và tinh tinh là chất keo thần thoại dính kết các cá nhân, gia đình và nhóm với số lượng lớn. Chất keo này đã làm cho chúng ta trở thành chủ nhân của sự sáng tạo.

Tất nhiên, chúng ta cũng cần những kĩ năng khác, chẳng hạn như khả năng chế tác và sử dụng công cụ. Song, việc tạo ra công cụ chẳng có ý nghĩa nhiều, trừ khi nó được kết hợp với khả năng hợp tác. Làm thế nào mà bây giờ chúng ta có tên lửa liên lục địa với đầu đạn hạt nhân, trong khi 30.000 năm trước, chúng ta chỉ có gậy với mũi nhọn bằng đá lửa? Về mặt sinh lý học, không có sự cải thiện đáng kể nào trong khả năng tạo ra công cụ của chúng ta suốt 30.000 năm qua. Albert Einstein còn không khéo tay bằng một người hái lượm cổ đại. Tuy nhiên, năng lực hợp tác với nhiều người lạ của chúng ta đã được cải thiện đáng kể. Đá lửa mũi nhọn cổ đại được làm ra trong vài phút bởi một người duy nhất, dựa trên sự tư vấn và giúp đỡ của vài người bạn thân thiết. Việc sản xuất một đầu đạn hạt nhân hiện đại đòi hỏi sự hợp tác của hàng triệu người lạ trên khắp thế giới, từ những công nhân khai thác quặng uranium sâu dưới lòng đất đến các nhà vật lý lý thuyết, những người viết các công thức toán học dài ngoằng để mô tả sự tương tác của các hạt hạ nguyên tử.[4]

Sau đây là tóm tắt mối quan hệ giữa sinh học và lịch sử sau Cách mạng Nhận thức:

  1. Sinh học thiết lập những thông số cơ bản cho hành vi và năng lực của Homo sapiens. Toàn bộ lịch sử diễn ra trong phạm vi của trường sinh học này.
  2. Tuy nhiên, trường hoạt động lại vô cùng lớn, cho phép Sapiens chơi nhiều trò đáng kinh ngạc. Nhờ vào khả năng sáng tạo ra những điều hư cấu, Sapiens tạo nên ngày càng nhiều những trò chơi phức tạp, mỗi thế hệ lại càng phát triển và trau chuốt chúng hơn nữa.
  3. Do đó, để hiểu cách thức Sapiens cư xử, chúng ta phải mô tả lịch sử phát triển của các hành động của họ. Nếu chỉ nói về những giới hạn sinh học của chúng ta, sẽ giống như một bình luận viên phát thanh thể thao theo dõi World Cup, cung cấp cho người nghe một mô tả chi tiết về sân chơi, chứ không phải một lời giải thích về những gì các cầu thủ đang làm.

Những trò nào mà tổ tiên Thời kỳ Đồ đá của chúng ta đã chơi trong đấu trường của lịch sử? Theo như chúng ta biết, những người điêu khắc nhân sư Stadel khoảng 30.000 năm trước đây đã có các khả năng về thể chất, tình cảm và trí tuệ như chúng ta. Họ đã làm gì khi thức dậy vào buổi sáng? Bữa sáng và bữa trưa của họ có gì? Xã hội của họ thế nào? Họ có mối quan hệ một vợ một chồng và gia đình hạt nhân không? Họ có các lễ hội, các nguyên tắc đạo đức, các cuộc thi đấu thể thao và các nghi thức tôn giáo không? Họ có các cuộc chiến tranh không? Các chương tiếp theo sẽ vén mở đằng sau bức màn của các thời đại, khám phá đời sống trong khoảng thời gian hàng ngàn năm từ Cách mạng Nhận thức đến Cách mạng Nông nghiệp.

3. Một ngày trong đời Adam và Eve

Để hiểu được bản chất, lịch sử và tâm lý của mình, chúng ta phải vào trong bộ óc của những tổ tiên săn bắt hái lượm. Trong gần như toàn bộ lịch sử loài người, Sapiens sống sót bằng cách lang thang kiếm ăn. 200 năm qua, ngày càng nhiều Sapiens kiếm sống với tư cách người lao động thành thị và nhân viên công sở, và trước đó 10.000 năm, đa phần Sapiens kiếm ăn bằng cách trồng trọt và chăn nuôi, nhưng đó chỉ như cái chớp mắt so với hàng chục ngàn năm tổ tiên chúng ta săn bắt và hái lượm.

Ngành tâm lý học tiến hoá đang hưng thịnh lập luận rằng nhiều đặc điểm xã hội và tâm lý ngày nay của chúng ta đã được định hình trong suốt thời kỳ tiền nông nghiệp kéo dài. Thậm chí ngày nay, các học giả trong lĩnh vực này còn tuyên bố rằng bộ não và trí óc của chúng ta đã thích nghi với một cuộc sống sân bắt và hái lượm. Thói quen ăn uống, những xung đột và tình dục của chúng ta là kết quả của cách thức mà bộ não săn bắt hái lượm tương tác với môi trường hậu công nghiệp hiện tại, với các siêu đô thị, máy bay, điện thoại và máy vi tính. Môi trường này mang lại cho chúng ta điều kiện vật chất tốt hơn và sống thọ hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây, nhưng lại thường làm cho chúng ta cảm thấy cô độc, chán nản và áp lực. Để hiểu được tại sao, các nhà tâm lý học tiến hoá cho rằng chúng ta cần phải đi sâu vào thế giới hái lượm đã định hình minh, một thế giới vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của mỗi người.

Tại sao, chẳng hạn như con người vốn yêu thích thực phẩm có hàm lượng calo cao, không tốt cho cơ thể của họ? Các xã hội giàu có ngày nay đang bị bệnh dịch béo phì hành hạ, và nó đang nhanh chóng lan rộng ra các nước đang phát triển. Lý do khiến chúng ta ăn lấy ăn để thực phẩm ngọt và bổ béo nhất có thể tìm được chẳng có gì bí ẩn, nếu xem xét các thói quen ăn uống của tổ tiên xa xưa. Trong các thảo nguyên và cánh rừng nơi họ cư ngụ, những đồ ngọt có hàm lượng calo cao cực kỳ khan hiếm và thực phẩm nói chung chỉ đủ dùng. 30.000 năm trước đây, một người kiếm ăn điển hình chỉ có thể tiếp cận một loại thức ăn ngọt duy nhất – trái cây chín. Nếu một phụ nữ Thời kỳ Đồ đá tìm thấy một cây sung trĩu quả, điều hợp lý nhất nên làm là phải ăn nhiều nhất có thể ngay tại chỗ, trước khi đám khỉ đầu chó gần đó vặt sạch quả trên cây. Bản năng ăn ngấu nghiến các thực phẩm có lượng calo cao đã được đóng khung vào gen của chúng ta. Giờ đây chúng ta có thể đang sống trong những căn hộ cao tầng với tủ lạnh thừa mứa thực phẩm, nhưng ADN của chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta đang ở trong thảo nguyên. Đó là lý do khiến cho chúng ta muốn ăn hết một cốc kem Ben & Jerry ngay khi tìm thấy trong tủ lạnh và sau đó nó trôi tuột xuống họng cùng với một cốc Cola lớn.

Lý thuyết “gen phàm ăn” này được chấp nhận rộng rãi. Các giả thuyết khác vấp phải tranh cãi nhiều hơn. Ví dụ, một số nhà tâm lý học tiến hoá cho rằng các bầy người cổ đại không được cấu tạo bởi các gia đình hạt nhân, xoay quanh một đôi vợ chồng. Thay vào đó, những người hái lượm sống trong các cộng đồng không có tư hữu, không có mối quan hệ một vợ một chồng và thậm chí cả tình phụ tử. Trong một bộ lạc như vậy, một nữ giới có thể có quan hệ tình dục và hình thành liên kết mật thiết với một số nam giới (và nữ giới) cùng lúc, và tất cả những người trưởng thành của bầy cùng hợp tác trong việc nuôi dạy con cái. Vì không có nam giới nào biết chắc chắn đâu là con mình, nên họ thể hiện mối quan tâm bình đẳng với mọi đứa trẻ.

Một Cấu trúc xã hội như vậy chẳng phải là một điều không tưởng. Nó đã được nghiên cứu khá chi tiết, đặc biệt là ở họ hàng gần nhất của chúng ta, tinh tinh và tinh tinh lùn. Thậm chí còn có một số nền văn hoá của con người ngày nay, trong đó thực hành việc làm cha tập thể, ví dụ như thổ dân Barí ở châu Mỹ. Theo niềm tin ở những xã hội kiểu này, một đứa trẻ không được sinh ra từ tinh trùng của một nam giới duy nhất mà là từ sự tích tụ của nhiều tinh trùng trong tử cung của nữ giới. Một người mẹ tốt sẽ quan hệ tình dục cùng thời điểm với nhiều nam giới khác nhau, đặc biệt là khi cô ta đang mang thai, do đó con của cô ta sẽ được thừa hưởng những phẩm chất (và cả kĩ năng chăm sóc con cái) không chỉ đơn thuần từ các thợ săn tốt nhất, mà từ người kể chuyện hay nhất, những chiến binh mạnh nhất và những người tình chu đáo nhất. Nếu điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, hãy nhớ rằng trước khi các nghiên cứu hiện đại về phôi thai phát triển, người ta không có bằng chứng chắc chắn rằng các em bé luôn được sinh ra bởi một người cha duy nhất hơn là bởi nhiều người.

Những người ủng hộ giả thuyết về “cộng đồng cổ đại” này lập luận rằng những sự không chung thủy thường xuyên là đặc trưng của hôn nhân hiện đại, và tỉ lệ ly hôn cao, chưa kể những mặc cảm tâm lý mà cả trẻ em và người lớn đều chịu ảnh hưởng, thường bắt nguồn từ việc ép con người phải sống trong các gia đình hạt nhân và có các mối quan hệ thủy chung, vốn không tương thích với phần mềm sinh học của chúng ta.

Nhiều học giả đã cực lực bác bỏ lý thuyết này, nhấn mạnh rằng cả hai đặc điểm một vợ một chồng và sự hình thành gia đình hạt nhân là cốt lõi trong hành vi của con người. Mặc dù xã hội săn bắt hái lượm cổ đại có xu hướng xã hội hoá hơn và bình đẳng hơn so với các xã hội hiện đại, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng xã hội đó vẫn bao gồm các tế bào riêng biệt, mỗi tế bào có chứa một cặp vợ chồng ghen tuông và những đứa trẻ mà họ có chung với nhau. Đây là lý do mà ngày nay các mối quan hệ một vợ một chồng và gia đình hạt nhân là chuẩn mực trong hầu hết các nền văn hoá, tại sao đàn ông và phụ nữ có xu hướng muốn sở hữu đối tác và con cái của họ, và thậm chí tại sao trong một xã hội hiện đại như Bắc Triều Tiên và Syria, quyền lực chính trị lại là cha truyền con nối.