Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Người quý tộc trung cổ không tin vào chủ nghĩa cá nhân. Giá trị của mỗi người được xác định dựa vào vị trí của họ trong hệ thống phân tầng xã hội và bởi những gì người khác nói về họ. Bị cười nhạo là một sự sỉ nhục kinh khủng. Các quý tộc đã dạy dỗ con cái mình phải bảo vệ thanh danh bằng mọi giá. Giống như chủ nghĩa cá nhân hiện đại, các hệ thống giá trị trung cổ đã rời trí tưởng tượng và thể hiện trên viên đá của các lâu đài trung cổ. Những lâu đài này hiếm khi có các căn phòng riêng cho trẻ con (hoặc bất cứ ai). Cậu con trai đến tuổi thiếu niên của một nam tước thời trung cổ không có phòng riêng ở tầng hai của lâu đài, với những áp phích của Richard Tim Sư tử (Richard the Lionheart) và Vua Arthur trên tường, khoá cửa phòng không cho phép cha mẹ mở ra. Cậu ta ngủ cùng với nhiều đứa trẻ khác trong một gian rộng. Cậu ta luôn lộ diện và phải để ý đến những gì người khác nhìn và nói. Ai đó lớn lên trong những điều kiện như vậy dĩ nhiên sẽ quyết định rằng giá trị thực sự của một con người được xác định bằng vị trí của anh ta trong hệ thống phân tầng xã hội và bằng những gì người khác nói về anh ta.

b. Trật tự tưởng tượng định hình khát vọng của chúng ta. Hầu hết con người đều không muốn chấp nhận rằng trật tự đang chi phối cuộc sống của họ chỉ là tưởng tượng, nhưng trong thực tế mỗi người sinh ra đều bị đưa vào một trật tự tưởng tượng đã tồn tại trước đó, và khát vọng của anh ta hoặc chị ta được hình thành từ khi sinh ra bởi những huyền thoại thịnh hành. Vì vậy, khát vọng cá nhân của chúng ta trở thành sự phòng thủ quan trọng nhất của một trật tự tưởng tượng.

Ví dụ, các khát vọng được ấp ủ nhất trong lòng của người phương Tây hiện đại được hình thành từ các huyền thoại lãng mạn về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa nhân văn đã tồn tại trong hàng thế kỷ. Bạn bè khi đưa ra lời khuyên thường nói với nhau, “Hãy đi theo trái tim của cậu”. Nhưng trái tim là một điệp viên hai mang, thường lấy chỉ dẫn từ những huyền thoại thịnh hành và chính lời khuyên “Hãy đi theo trái tim của cậu” đã in dấu trong tâm trí chúng ta bởi sự kết hợp giữa những huyền thoại lãng mạn thế kỷ 19 và những huyền thoại tiêu thụ thế kỷ 20. Công ty Coca Cola là một ví dụ, đã quảng bá sản phẩm Diet Coke (Coke dành cho người ăn kiêng) ra khắp thế giới với khẩu hiệu “Diet Coke. Hãy làm những gì bạn cảm thấy tốt”.

Kể cả những gì mà mọi người coi là khát vọng cá nhân nhất của họ cũng thường được lên chương trình bằng trật tự tưởng tượng. Ví dụ, hãy xét đến một khát vọng phổ biến là đi nghỉ ở nước ngoài. Chẳng có gì tự nhiên hoặc hiển nhiên về nó. Một con tinh tinh alpha sẽ không bao giờ nghĩ tới việc sử dụng sức mạnh của mình để đi nghỉ trên vùng lãnh thổ của một bầy tinh tinh láng giềng. Giới tinh hoa ở Ai Cập cổ đại sử dụng tài sản riêng để xây dựng kim tự tháp và ướp xác của mình, nhưng không một ai trong số họ nghĩ đến việc đi mua sắm ở Babylon hoặc đi trượt tuyết ở Phoenicia. Con người ngày nay dành một số tiền lớn vào các kỳ nghỉ ở nước ngoài, vì họ là những người cực kỳ tin tưởng vào những huyền thoại của chủ nghĩa tiêu thụ được lãng mạn hoá.

Chủ nghĩa lãng mạn nói với chúng ta rằng, để có thể phát triển tối đa năng lực của mình, chúng ta phải có càng nhiều trải nghiệm khác nhau càng tốt. Chúng ta phải cởi mở mình trước những trạng thái cảm xúc đa dạng; chúng ta phải thử nghiệm nhiều loại mối quan hệ; chúng ta phải thử nghiệm nhiều cách nấu nướng khác nhau; chúng ta phải học cách thưởng thức những phong cách âm nhạc khác nhau. Một trong những cách tốt nhất để làm tất cả những điều này là phá vỡ thói quen hằng ngày của mình, bỏ lại đằng sau những khung cảnh sống quen thuộc, và đi du lịch tới các vùng đất xa xôi, nơi chúng ta có thể “trải nghiệm” văn hoá, hương vị, thị hiếu và những chuẩn mực của người khác. Chúng ta nghe đi nghe lại những huyền thoại lãng mạn về việc “một trải nghiệm mới đã mở mắt và thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào”.

Chủ nghĩa tiêu thụ nói với chúng ta rằng để hạnh phúc, chúng ta phải tiêu thụ càng nhiều sản phẩm và dịch vụ càng tốt. Nếu chúng ta cảm thấy có điều gì đó thiếu vắng hoặc chưa ổn, thì có lẽ chúng ta cần phải mua một sản phẩm (xe hơi, quần áo mới, thực phẩm hữu cơ) hoặc một dịch vụ (dọn nhà, trị liệu tâm lý, các lớp yoga). Mỗi quảng cáo truyền hình là một huyền thoại nhỏ khác nhau về việc tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Kim tự tháp vĩ đại ở Giza

Hình 17. Kim tự tháp vĩ đại ở Giza. Cách để những người giàu có ở Ai Cập cổ đại tiêu tiền của mình.

Chủ nghĩa lãng mạn khuyến khích sự đa dạng và hoàn toàn ăn khớp với chủ nghĩa tiêu dùng. Cặp đôi này đã sinh ra một “thị trường của những trải nghiệm” vô tận mà trên đó ngành du lịch hiện đại đã được hình thành. Ngành du lịch không chỉ bán những tấm vé máy bay và các phòng khách sạn. Nó bán các trải nghiệm. Paris không phải là một thành phố, cũng như Ấn Độ không phải là một quốc gia, cả hai đều là những trải nghiệm mà sự tận hưởng chúng được cho rằng sẽ mở rộng tầm nhìn, phát huy hết năng lực bản thân của con người và làm cho chúng ta hạnh phúc hơn. Kết quả là, khi mối quan hệ giữa một triệu phú và vợ mình phải trải qua một con đường đầy chông gai, ông ta sẽ đưa vợ mình tới Paris trong một kỳ nghỉ đắt đỏ. Chuyến đi không phản ánh khát vọng độc lập nào đó, mà nó phản ánh niềm tin mãnh liệt vào những huyền thoại của chủ nghĩa tiêu dùng lãng mạn. Một người đàn ông giàu có ở Ai Cập cổ đại sẽ không bao giờ mơ đến việc giải quyết khủng hoảng của một mối quan hệ bằng cách đưa vợ mình đi nghỉ ở Babylon. Thay vào đó, ông ta sẽ xây cho vợ mình một ngôi mộ lộng lẫy như bà ta hằng mơ ước.

Giống như giới tinh hoa ở Ai Cập cổ đại, đa số con người ở hầu hết các nền văn hoá đều dâng hiến cuộc sống của mình cho việc xây dựng kim tự tháp. Chỉ có những cái tên, hình dáng, và kích cỡ của các kim tự tháp là khác nhau giữa các nền văn hoá. Ví dụ, họ có thể lấy hình dáng của một mái nhà tranh ở vùng nông thôn cùng với bể bơi và bãi cỏ xanh mướt, hoặc một căn áp mái bóng bảy với tầm nhìn đáng ghen tị. Chẳng mấy ai băn khoăn trước những huyền thoại vốn là nguyên nhân khiến chúng ta thèm khát ban đầu.

c. Một trật tự tưởng tượng mang tính liên-chủ quan. Kể cả nếu do những nỗ lực siêu anh hùng khiến tôi giải phóng được những khát vọng cá nhân của mình ra khỏi một trật tự tưởng tượng, tôi cũng chỉ là một cá nhân mà thôi. Để có thể thay đổi một trật tự tưởng tượng, tôi phải thuyết phục hàng triệu người xa lạ cùng hợp tác với mình. Bởi một trật tự tưởng tượng không phải là một trật tự chủ quan tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi – nó là một trật tự liên-chủ quan, tồn tại trong một trí tưởng tượng được chia sẻ của hàng ngàn, hàng triệu người.

Để hiểu được điều này, chúng ta cần hiểu được sự khác nhau giữa “tính khách quan”, “tính chủ quan” và “tính liên-chủ quan”.

Một hiện tượng khách quan tồn tại độc lập với nhận thức và niềm tin của con người. Ví dụ, phóng xạ không phải là một câu chuyện huyền thoại. Những hiện tượng phóng xạ xảy ra rất lâu trước khi con người phát hiện ra chúng, và chúng rất nguy hiểm kể cả khi con người không tin vào điều đó. Marie Curie, một trong những người phát hiện ra phóng xạ, không biết rằng trong suốt những năm tháng dài nghiên cứu về vật liệu phóng xạ, có thể chúng đã gây hại cho cơ thể mình. Bà đã không tin rằng phóng xạ có thể giết mình, nhưng bà đã chết vi bệnh thiếu máu bất sản, một căn bệnh do sự phơi nhiễm quá mức đối với các vật liệu phóng xạ.

Tính chủ quan là những gì tồn tại dựa vào nhận thức và niềm tin của một cá nhân đơn lẻ. Nó sẽ biến mất hoặc thay đổi nếu cá nhân đó thay đổi niềm tin của mình. Nhiều đứa trẻ tin vào sự tồn tại của một người bạn tưởng tượng vô hình và vô thanh trong thế giới này. Người bạn tưởng tượng này chỉ tồn tại trong nhận thức chủ quan của đứa trẻ, và khi đứa trẻ lớn lên sẽ không còn tin vào điều đó nữa, và người bạn tưởng tượng sẽ biến mất.

Tính liên-chủ quan là thứ gì đó tồn tại trong mạng lưới thông tin kết nối giữa nhận thức chủ quan của nhiều cá nhân. Nếu một cá nhân đơn lẻ thay đổi niềm tin của mình, hoặc thậm chí chết đi, điều đó cũng không quan trọng lắm. Tuy nhiên, nếu hầu hết các cá nhân trong mạng lưới này bị chết hoặc thay đổi niềm tin của họ, thì hiện tượng liên-chủ quan sẽ thay đổi hoặc biến mất. Những hiện tượng liên-chủ quan không phải là những sự dối trá ác ý, cũng không phải là trò bịa đặt vô nghĩa. Chúng tồn tại theo một cách khác với những hiện tượng vật lý như phóng xạ, nhưng chúng ảnh hưởng đáng kể lên thế giới. Nhiều yếu tố thúc đẩy quan trọng nhất trong lịch sử mang tính liên-chủ quan: pháp luật, tiền bạc, các vị thần, các quốc gia.

Ví dụ, Peugeot không phải là một người bạn tưởng tượng của vị CEO Peugeot. Công ty này tồn tại trong sự tưởng tượng được chia sẻ của hàng triệu người. CEO tin vào sự tồn tại của công ty vì ban giám đốc cũng tin vào nó, giống như các luật sư của công ty, các thư ký của văn phòng gần đó, các giao dịch viên trong ngân hàng, những người mua bán chứng khoán và những đại lý xe từ Pháp tới Úc. Nếu CEO đột nhiên không còn tin vào sự tồn tại của Peugeot, ông ta sẽ nhanh chóng bị đưa đến bệnh viện tâm thần gần nhất và một người nào đó sẽ chiếm văn phòng của ông ta.

Tương tự như vậy, đồng đô-la, nhân quyền và Hợp chúng quốc Hoa Kỷ đều tồn tại trong trí tưởng tượng được chia sẻ của hàng tỉ người, và không một cá nhân nào có thể đe dọa sự tồn tại của chúng. Nếu mình tôi ngừng tin vào sự tồn tại của đồng đô-la, nhân quyền hoặc Mỹ, thì sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra. Những trật tự tưởng tượng này mang tính liên-chủ quan, vì vậy để có thể thay đổi chúng, chúng ta phải đồng thời thay đổi nhận thức của hàng tỉ người, và thực hiện điều này không hề dễ dàng. Một sự thay đổi tầm cỡ như vậy chỉ có thể được thực hiện với sự giúp đỡ của một tổ chức phức hợp, như một đảng phái chính trị, một phong trào tư tưởng hoặc một giáo phái. Tuy nhiên, để có thể hình thành nên những tổ chức phức hợp như vậy, chúng ta cần phải thuyết phục rất nhiều người xa lạ cùng hợp tác với nhau. Và điều này sẽ chỉ xảy ra nếu những người xa lạ này cùng tin vào các câu chuyện huyền thoại chung nào đó. Do đó, để có thể thay đổi một trật tự tưởng tượng đang tồn tại, trước hết chúng ta phải tin vào một trật tự tưởng tượng khác để thay thế.