Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Những sự phân tầng đóng một chức năng quan trọng. Chúng làm cho những người hoàn toàn xa lạ biết được cách đối xử với người khác mà không cần tốn thời gian và công sức để làm quen cá nhân. Trong vở kịch Pygmalion của George Bernard Shaw, Henry Higgins không cần kết thân với Eliza Doolittle thì mới biết được ông nên đối xử với cô như thế nào. Chỉ cần nghe cách cô nói, ông đã biết rằng cô là thành viên của tầng lớp dưới mà với họ ông có thể làm điều mình thích – ví dụ, sử dụng cô như con tốt khi ông cá rằng một cô gái bán hoa thô lỗ có thể biến thành một nữ công tước. Một Eliza hiện đại làm việc ở cửa hàng hoa biết phải đổ bao nhiêu công sức để bán được hoa hồng và hoa lay ơn cho hàng tá khách tới cửa hàng mỗi ngày. Cô không thể điều tra chi tiết về sở thích và ví tiền của từng cá nhân. Thay vào đó, cô sử dụng những tín hiệu xã hội – cách ăn mặc của mỗi người, tuổi của ông ta hoặc bà ta, và nếu như cô không ngại động chạm chính trị thì cả màu da của ông ta nữa. Đó là cách để cô ngay lập tức phân biệt giữa cổ đông của một công ty kế toán, người có khả năng đặt một đơn hàng lớn gồm những bông hồng đắt tiền cho sinh nhật mẹ mình, và một chàng đưa thư chỉ đủ tiền mua một bó cúc cho cô thư ký nọ kèm theo nụ cười đáng mến.

Tất nhiên, sự khác nhau trong các năng lực tự nhiên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành những khác biệt xã hội. Nhưng sự đa dạng về năng khiếu và cá tính như vậy thường bị ảnh hưởng thông qua những sự phân tầng tưởng tượng. Điều này xảy ra theo hai cách quan trọng. Cách đầu tiên và chính yếu, là hầu hết các năng lực đều phải được nuôi dưỡng và phát triển. Kể cả ai đó sinh ra với một tài năng đặc biệt, thì tài năng đó sẽ vẫn chỉ ẩn giấu nếu nó không được cổ vũ, mài giũa và luyện tập. Không phải mọi người đều cùng có cơ hội nuôi dưỡng và cải thiện năng lực của họ. Việc họ có cơ hội hay không sẽ luôn phụ thuộc vào vị trí của họ trong sự phân tầng xã hội tưởng tượng. Harry Potter là một ví dụ tốt. Bị tách khỏi gia đình phép thuật xuất sắc của mình và được nuôi dưỡng bởi dân muggle ngu dốt, cậu bé tới Hogwarts mà không có bất cứ kinh nghiệm gì về phép thuật. Phải qua bảy tập sách thì cậu mới điều khiển thành thạo sức mạnh của mình và hiểu biết về những năng lực độc nhất vô nhị của mình.

Cách thứ hai, kể cả những người thuộc các tầng lớp khác nhau phát triển những năng lực y như nhau, nhưng họ cũng sẽ khó có thể đạt được những thành công giống nhau, bởi họ sẽ phải tham gia trò chơi với những luật lệ khác nhau. Nếu trong thời Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, một tiện dân, một Brahmin, một người Ireland theo Công giáo và một người Anh theo đạo Tin Lành bằng cách nào đó cùng phát triển khả năng kinh doanh nhạy bén giống hệt nhau, nhưng họ sẽ vẫn không có cơ hội giàu có như nhau. Trò chơi kinh tế luôn bị can thiệp bởi những giới hạn luật pháp và những rào cản tiến thân bất thành văn.

Cái vòng luẩn quẩn

Mọi xã hội đều dựa trên sự phân tầng tưởng tượng, nhưng không nhất thiết phải cùng một sự phân tầng. Nguyên nhân của sự khác nhau này là gì? Tại sao xã hội Ấn Độ truyền thống lại phân chia con người theo đẳng cấp, còn xã hội Ottoman dựa theo tôn giáo, và xã hội Mỹ thì theo chủng tộc? Trong hầu hết các trường hợp, sự phân tầng đều là kết quả của một tập hợp các hoàn cảnh lịch sử ngẫu nhiên, sau đó được duy trì và tinh lọc qua nhiều thế hệ do những nhóm khác nhau phát triển những lợi ích riêng trong đó.

Ví dụ, nhiều học giả phỏng đoán rằng, hệ thống đẳng cấp Hindu đã hình thành khi tộc người Indo-Arya xâm lược tiểu lục địa Ấn Độ khoảng 3.000 năm trước, nô dịch cư dân bản địa. Những kẻ xâm lược hình thành một xã hội phân tầng, trong đó tất nhiên họ chiếm những vị trí hàng đầu (các thầy tu và chiến binh), để cho người dân bản địa sống như những đầy tớ và nô lệ. Những kẻ xâm lược chỉ chiếm số ít, họ sợ đánh mất vị trí đặc quyền và bản sắc độc đáo của mình. Để ngăn chặn nguy cơ này, họ phân chia dân cư thành đẳng cấp, mỗi đẳng cấp được yêu cầu theo đuổi một nghề nghiệp cụ thể hoặc thực hiện một vai trò nhất định trong xã hội. Mỗi đẳng cấp có những vị trí hợp pháp, đặc quyền và bổn phận khác nhau. Sự hòa trộn giữa những đẳng cấp này – tương tác xã hội, kết hôn, thậm chí là chia sẻ các bữa ăn – đều bị cấm.

Và những sự phân biệt này không chỉ hợp pháp, chúng còn trở thành phần cố hữu trong thần thoại tôn giáo và thực tế.

Những kẻ cai trị đã biện luận rằng, hệ thống đẳng cấp phản ánh một thực tại vũ trụ vĩnh cửu hơn là một sự phát triển lịch sử tình cờ. Khái niệm về sự trong sạch và ô uế là những yếu tố cơ bản trong đạo Hindu, chúng đã được khai thác để củng cố kim tự tháp xã hội. Những người Hindu sùng đạo được dạy rằng, việc liên hệ với các thành viên của một đẳng cấp khác không chỉ làm ô uế bản thân họ mà còn là toàn xã hội, do vậy nên ghê tởm. Những quan niệm như vậy không chỉ có ở đạo Hindu. Trong suốt lịch sử, và trong hầu hết các xã hội, khái niệm về sự ô uế và trong sạch giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện phân hoá chính trị và xã hội, được nhiều tầng lớp cầm quyền khai thác để duy trì những đặc quyền của họ. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi bị ô uế không phải là sự bịa đặt hoàn toàn của các thầy tu và các quân vương. Nó có thể bắt nguồn trong các cơ chế sinh tồn sinh học làm con người cảm nhận được nỗi khiếp sợ bản năng trước những kẻ mang mầm bệnh tiềm tàng, như những người ốm và xác chết. Nếu bạn muốn cô lập bất cứ nhóm người nào – phụ nữ, Do Thái, La Mã, đồng tính nam, da đen – cách tốt nhất để làm điều đó là thuyết phục mọi người rằng những người trên là nguồn gốc của sự ô uế.

Hệ thống đẳng cấp Hindu và những luật lệ về sự trong sạch đi kèm đã gắn chặt vào nền văn hoá Ấn Độ. Rất lâu sau khi cuộc xâm lược của người Indo-Arya bị lãng quên, người Ấn Độ tiếp tục tin vào hệ thống đẳng cấp và ghê tởm sự ô uế gây ra bởi sự trộn lẫn giữa các đẳng cấp. Các đẳng cấp không chống cự được sự thay đổi. Thực tế, khi thời gian trôi đi, những đẳng cấp lớn được phân chia thành những đẳng cấp nhỏ. Thậm chí bốn đẳng cấp ban đầu được chia thành 3.000 nhóm khác nhau gọi kjati (nghĩa đen là “sự ra đời”). Nhưng sự sinh sôi nảy nở của các đẳng cấp này không làm thay đổi nguyên tắc cơ bản của hệ thống, theo đó mỗi người đều sinh ra ở đẳng cấp riêng mà bất cứ sự xâm hại nào đến nguyên tắc của nó đều sẽ làm ô uế con người và toàn thể xã hội.Jati của một người xác định nghề nghiệp của cô ta, loại thức ăn mà cô ta có thể ăn, nơi cô ta ở và chồng hợp lệ của cô ta. Một người chỉ có thể kết hôn với người cùng đẳng cấp, và những đứa con sẽ thừa kế địa vị xã hội này.

Bất cứ khi nào một nghề mới phát triển hoặc một nhóm người mới xuất hiện, họ cần được thừa nhận như một đẳng cấp để có một chỗ đứng hợp pháp trong xã hội Hindu. Nhóm nào thất bại trong việc giành được sự công nhận là một đẳng cấp, theo nghĩa đen, sẽ bị ruồng bỏ – trong xã hội phân tầng này, họ thậm chí còn không được đứng ở vị trí thấp nhất. Họ trở thành những tiện dân. Họ phải sống tách biệt với những người khác và phải kiếm ăn lần hồi theo những cách nhục nhã và ghê tởm, ví dụ như nhặt nhạnh khắp các bãi rác để tìm phế liệu. Thậm chí những người thuộc đẳng cấp thấp nhất còn tránh tiếp xúc với họ, ăn cùng họ, chạm vào họ và kết hôn với họ. Ở xã hội Ấn Độ hiện đại, các vấn đề về hôn nhân và việc làm vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của hệ thống đẳng cấp, mặc cho tất cả các cố gắng của chính phủ dân chủ Ấn Độ để phá vỡ những sự phân biệt đối xử như thế, thuyết phục những người Hindu rằng không có gì bị ô uế do sự pha trộn đẳng cấp.

Sự thuần khiết ở châu Mỹ

Một cái vòng luẩn quẩn tương tự cũng duy trì trong sự phân biệt chủng tộc ở châu Mỹ hiện đại. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, những kẻ châu Âu đi chinh phục đã nhập khẩu hàng triệu nô lệ châu Phi để làm việc trong các khu mỏ và các khu đồn điển ở châu Mỹ. Họ thích nhập khẩu nô lệ từ châu Phi hơn là từ châu Âu hoặc Đông Á do ba yếu tố về hoàn cảnh. Thứ nhất châu Phi gần hơn, do vậy nếu đưa nồ lệ từ Senegal đến sẽ rẻ hơn là từ Việt Nam.

Thứ hai, ở châu Phi, ngành kinh doanh buôn bán nô lệ đã tồn tại và phát triển mạnh (xuất khẩu nô lệ chủ yếu sang Trung Đông) trong khi ở châu Âu chế độ nô lệ là rất hiếm. Rõ ràng là việc mua nô lệ từ một thị trường sẵn có sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc tạo ra một cái mới từ vạch xuất phát.

Thứ ba, và quan trọng nhất, những đồn điển ở châu Mỹ như Virginia, Haiti và Brazil đều bị dịch sốt rét và sốt vàng da có nguồn gốc từ châu Phi hoành hoành. Người châu Phi qua nhiều thế hệ đã có được sự miễn dịch di truyền một phần đối với những dịch bệnh này, trong khi người châu Âu hoàn toàn không có khả năng phòng vệ và bị chết lũ lượt. Vì vậy, các chủ đồn điển khôn ngoan đầu tư tiền của mình vào nô lệ châu Phi hơn là nô lệ châu Âu hoặc nhân công có giao kèo. Ngược đời là, ưu thế về gen (khả năng miễn dịch) lại được hiểu thành sự thấp kém hơn về mặt xã hội: chính xác là người châu Phi thích hợp với khí hậu nhiệt đới hơn là người châu Âu, nhưng sau cùng họ lại là nô lệ của những ông chủ châu Âu! Do những yếu tố về hoàn cảnh như vậy, một xã hội mới đang phát triển ở châu Mỹ được phân chia thành tầng lớp cai trị châu Âu da trắng và tầng lớp bị nô dịch hoá châu Phi da đen.