Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Thuyết vật linh tin rằng không có rào cản giữa con người và các thực thể khác. Tất cả đều có thể giao tiếp trực tiếp qua lời nói, bài hát, vũ điệu và buổi tế lễ. Một thợ săn có thể nói chuyện với một đàn hươu và xin một con trong đàn hiến sinh. Nếu cuộc đi săn thành công, thợ sân có thể xin con vật bị giết tha thứ cho anh ta. Khi có người ốm đau một shaman có thể liên hệ với linh hồn gây ra bệnh tật và cố gắng làm nó yên lòng hay đuổi nó đi. Nếu cần, shaman có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ các linh hồn khác. Đặc điểm chung của mọi hành vi giao tiếp này là các thực thể được liên hệ đều là những thực thể địa phương. Đấy không phải là những vị thần phổ quát, mà là một con nai cụ thể, một cái cây cụ thể, một dòng suối cụ thể, một con ma cụ thể.

Không có rào cản giữa con người và những thực thể khác, cũng như không có một hệ thống phân tầng nghiêm ngặt. Những thực thể phi nhân tồn tại không đơn thuần là để cấp cho các nhu cầu của con người, cũng không phải là những đấng toàn năng vận hành thế giới theo ý muốn của chúng. Thế giới không xoay quanh con người hoặc nhóm thực thể cụ thể nào.

Thuyết vật linh không phải là một tôn giáo cụ thể. Nó là tên gọi chung cho hàng ngàn tôn giáo, giáo phái và tín ngưỡng rất khác nhau. Cách tiếp cận phổ biến này làm cho tất cả chúng mang tính “vật linh” đối với thế giới và vị trí của con người trong đó. Khi nói rằng những người hái lượm cổ đại có lẽ theo thuyết vật linh, cũng giống như nói rằng những người làm ruộng thời tiền hiện đại chủ yếu là hữu thần. Thuyết hữu thần (bắt nguồn từ “theos” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “thần linh”) là quan điểm cho rằng trật tự vũ trụ được dựa trên mối quan hệ có thứ bậc giữa con người và một nhóm nhỏ những thực thể siêu phàm được gọi là các vị thần. Nói rằng những người làm ruộng thời tiền hiện đại thường tin vào các vị thần thì đúng, nhưng nó không giúp chúng ta hiểu hơn về những trường hợp riêng biệt. Các nhóm được xếp vào nhóm “hữu thần” bao gồm các giáo sĩ Do Thái từ thế kỷ thứ 18 ở Ba Lan, những người Thanh giáo thiêu sống phù thủy từ thế kỷ 17 ở Massachusetts, các giáo sĩ Aztec từ thế kỷ 15 ở Mexico, những tín đồ Sufi thần bí từ thế kỷ 12 ở Iran, những chiến binh Viking thế kỷ 10, những lính lê dương La Mã thế kỷ 2, và các quan lại Trung Hoa thế kỷ 1. Mỗi nhóm đều xem niềm tin và thực hành của các nhóm khác là hết sức kỳ lạ và dị giáo. Những khác biệt giữa niềm tin và thực hành của các nhóm hái lượm theo thuyết vật linh có lẽ cũng lớn như vậy. Trải nghiệm tôn giáo của họ có thể đã từng hỗn loạn và chứa đầy những cuộc tranh cãi, cải cách và cách mạng.

Nhưng những sự khái quát thận trọng này là tất cả những gì chúng ta có thể làm. Bất kỳ một cố gắng nào nhằm mô tả các chi tiết của thế giới tâm linh cổ xưa đều có tính suy đoán rất cao, bởi không có bằng chứng đi kèm, và một ít chứng cứ chúng ta có – một vài đồ chế tác và các bức vẽ trong hang động – có thể được giải thích theo nhiều cách. Những lý thuyết của các học giả tuyên bố hiểu được cảm giác của những người săn bắt hái lượm, chỉ càng làm sáng tỏ những định kiến của các học giả hơn là về các tôn giáo Thời kỳ Đồ đá.

Thay vì đưa ra hàng núi lý thuyết dựa trên một đụn đất của những di tích mộ cổ, các bức vẽ trong hang động và những hoá thạch bằng xương, tốt hơn là nên thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta chỉ có những ý niệm mờ nhạt nhất về các tôn giáo của người hái lượm cổ xưa. Chúng ta giả định rằng họ theo thuyết vật linh, nhưng điều đó cũng chẳng đem lại nhiều thông tin. Chúng ta không biết họ cầu nguyện các linh hồn nào, họ tổ chức ăn mừng gì trong các lễ hội, hoặc họ tuân theo những điều cấm kị gì. Quan trọng nhất, chúng ta không biết gì về những câu chuyện họ kể. Đây là một trong những lỗ hổng lớn nhất trong hiểu biết của chúng ta về lịch sử nhân loại.

Thế giới chính trị xã hội của người hái lượm là một lĩnh vực khác mà chúng ta gần như không biết gì. Như đã giải thích ở trên, các học giả thậm chí không thể đồng ý về những điều cơ bản, chẳng hạn như sự tồn tại của sở hữu tư nhân, gia đình hạt nhân và mối quan hệ một vợ một chồng. Có khả năng là các bộ lạc khác nhau có cấu trúc khác nhau. Một số có thể đã theo định chế thứ bậc, căng thẳng và bạo lực như nhóm tinh tinh dơ dáy, trong khi những nhóm khác lại dễ dãi, yên bình và dâm đãng như bầy tinh tinh lùn.

Một bức tranh ở hang Lascaux cách đây khoảng 15.000-20.000 năm.

Hình 7. Một bức tranh ở hang Lascaux cách đây khoảng 15.000-20.000 năm. Chính xác thì chúng ta thấy gì, và ý nghĩa của bức tranh là gì? Một số người cho là nhìn thấy một người đàn ông với cái đầu hình chim và dương vật cương cứng, bị một con bò rừng giết chết. Bên dưới người đàn ông là một con chim khác có thể tượng trưng cho linh hồn, thoát ra từ cơ thể vào lúc chết. Nếu vậy, bức tranh không mô tả một tai nạn tầm thường, mà là sự chuyển dịch từ thế giới này sang thế giới tiếp theo. Nhưng chúng ta không có cách nào để biết liệu các suy đoán này có đúng không. Đó là một thử nghiệm Rorschach trong đó tiết lộ nhiều về những định kiến của các học giả hiện đại, và rất ít về niềm tin của những người hái lượm cổ đại.

Ở vùng Sungir của Nga vào năm 1955, các nhà khảo cổ học phát hiện một nghĩa địa cổ 30.000 năm thuộc một nền văn hoá voi ma-mút. Trong một ngôi mộ, họ tìm thấy bộ xương của một người đàn ông 50 tuổi, được bao phủ bởi những chuỗi hạt bằng ngà voi ma-mút, tổng số khoảng 3.000 hạt. Trên đầu người chết là chiếc mũ trang trí hàm răng con cáo, và trên cổ tay ông ta là 25 chiếc vòng đeo tay bằng ngà voi.

Các ngôi mộ khác ở cùng địa điểm đó có ít đồ tùy táng hơn. Các học giả suy luận rằng những người săn voi ma-mút Sungir đã sống trong một xã hội có thứ bậc, và rằng người đàn ông đã chết kia có lẽ là người đứng đầu một bầy hay một bộ lạc lớn gồm nhiều bầy nhỏ hơn. Bởi chỉ vài chục thành viên của một bộ lạc duy nhất khó có thể tạo ra nhiều đồ tùy táng đến thế.

Hang bàn tay ở Argentina

Hình 8. Những người săn bắt hái lượm tạo ra những dấu tay này cách đây khoảng 9.000 năm trong “Hang bàn tay” ở Argentina. Nhìn như thể những bàn tay đã chết từ lâu này đang vươn về phía chúng ta từ trong tảng đá. Đây là một trong những di tích cảm động nhất của thế giới cổ đại, nhưng không ai biết nó có nghĩa gì.

Các nhà khảo cổ học sau đó phát hiện ra một ngôi mộ thậm chí còn thú vị hơn. Nó chứa hai bộ xương, chôn nối đầu nhau. Một thuộc về một cậu bé ở độ tuổi khoảng 12 hay 13, và một thuộc về một cô bé khoảng 9 hoặc 10 tuổi. Cậu bé được bao phủ với 3.000 hạt ngà voi, được đội một chiếc mũ răng cáo và một chiếc thắt lưng được kết từ 250 chiếc răng cáo (ít nhất phải nhổ hết răng của 60 con cáo mới có được nhiều răng tới vậy). Cô bé được trang trí với 5.250 hạt ngà voi. Quanh hai đứa trẻ là những bức tượng nhỏ và nhiều đồ vật khác nhau làm từ ngà voi. Một nam hoặc nữ nghệ nhân lành nghề có lẽ cần khoảng 45 phút để làm được một hạt ngà voi như thế. Nói cách khác, việc trang trí hơn 10.000 hạt ngà voi bao phủ hai đứa trẻ, chưa kể đến các vật trang trí khác nữa, đã tốn ít nhất 7.500 giờ làm việc tỉ mỉ, tinh xảo, tức là hơn ba năm lao động của một nghệ nhân giàu kinh nghiệm!

Ở một độ tuổi non trẻ như vậy, hai đứa trẻ Sungir khó có thể là những nhà lãnh đạo hay những người săn voi ma-mút lành nghề. Chỉ có niềm tin văn hoá mới có thể giải thích tại sao chúng lại được chôn cất xa hoa đến vậy. Một giả thuyết cho rằng chúng có được thứ bậc cao quý từ cha mẹ mình. Có lẽ chúng là con của người đứng đầu, trong một nền văn hoá tin tưởng vào uy tín gia đình hoặc các quy tắc kế vị nghiêm ngặt. Theo giả thuyết thứ hai, hai đứa trẻ đã được xác định ngay từ lúc sinh ra như là hiện thân của các linh hồn đã chết từ lâu. Một giả thuyết thứ ba cho rằng việc chôn cất trẻ em như vậy phản ánh cách mà chúng chết hơn là thứ bậc của chúng trong cuộc sống. Chúng đã được hiến tế – có lẽ như một phần của nghi lễ chôn cất người đứng đầu – và sau đó được chôn với nghi thức đầy trang trọng.

Dù giả thuyết nào đúng đi nữa, hai đứa trẻ Sungir vẫn là một trong những bằng chứng tốt nhất về việc cách đây 30.000 năm, Sapiens đã có thể phát minh ra các quy định chính trị xã hội vượt xa các mệnh lệnh trong ADN của họ và các mô hình hành vi của những loài người và loài động vật khác.

Hòa bình hay chiến tranh?

Cuối cùng, có một câu hỏi hóc búa về vai trò của chiến tranh trong các xã hội cổ đại. Một số học giả hình dung về các xã hội săn bắt hái lượm cổ đại như những thiên đường bình yên, lập luận rằng chiến tranh và bạo lực chỉ bắt đầu với Cách mạng Nông nghiệp, khi mọi người bắt đầu tích lũy tài sản tư nhân. Các học giả khác khẳng định rằng thế giới của người hái lượm cổ đại cực kỳ tàn nhẫn và bạo lực. Cả hai trường phái tư tưởng trên giống như là những lâu đài trên mây, kết nối với mặt đất bằng các sợi dây mỏng manh từ những di vật khảo cổ ít ỏi và những quan sát nhân học từ người hái lượm ngày nay.

Các bằng chứng nhân học tuy rất hấp dẫn, nhưng tồn tại rất nhiều vấn đề. Những người hái lượm ngày nay sống chủ yếu ở các khu vực cô lập và khắc nghiệt, như Bắc cực hay Kalahari, nơi mật độ dân số rất thấp và cơ hội đánh nhau rất hạn chế. Hơn nữa, trong các thế hệ gần đây, người hái lượm ngày càng là đối tượng thuộc thẩm quyền của các nhà nước hiện đại, nhằm ngăn chặn sự bùng nổ các cuộc xung đột quy mô lớn. Các học giả châu Âu đã chỉ có hai cơ hội để quan sát các quần thể lớn và tương đối dày đặc của những người hái lượm độc lập: một là ở phía tây bắc của Bắc Mỹ vào thế kỷ 19, và một là ở Bắc Úc vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cả hai nền văn hoá của thổ dân châu Mỹ và châu Úc đều chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang thường xuyên. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là không biết điều này đại diện cho một tình trạng “phi thời gian” hay là do tác động của chủ nghĩa đế quốc châu Âu.